Vì sao vệ sinh môi trường cần được coi trọng?

Toalet ngay trước mặt, mà vẫn thích 'ỉa đồng'. Photo courtesy SuSanA Secretariat.

Thập kỉ đầu tiên của thế kỉ này chứng kiến sự gia tăng đáng kể các tài trợ y tế, đặc biệt là các nỗ lực phòng chống HIV và sốt rét. Giờ đây giới chức y tế đang thảo luận cách thức đối phó với nhiều loại bệnh hơn nữa. Ngân hàng Thế giới đã đặt mục tiêu phổ cập chăm sóc y tế trên toàn cầu vào năm 2030. Đây là nhiệm vụ (endeavour) có tầm quan trọng lớn lao và cũng rất phức tạp. Tuy nhiên, cùng với các nỗ lực nâng cao chăm sóc y tế, một sự thật tuy đơn giản nhưng không mấy dễ chịu cần nhớ là: chất thải cũng là vấn đề quan trọng.

Trong lịch sử y tế công cộng, hầu như không có sự kiện nào quan trọng bằng khám phá vào giữa thế kỉ 19, tại một địa điểm cách không xa tòa soạn tạp chí The Economist ở London. Bác sĩ John Snow đã chứng minh rằng máy bơm nước ô nhiễm (contaminated) góp phần làm dịch tả (cholera) lan rộng. Nhờ các khoản đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải sau đó mà dịch bệnh này đã bị xóa bỏ ở London cũng như hầu khắp các nơi trên thế giới. Ngày nay, nước sạch và hệ thống vệ sinh môi trường trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong việc phòng tránh các dịch bệnh tiêu chảy do nhiễm trùng (infectious diarrhoeal diseases) như dịch tả hay khuẩn salmonella. Mỗi dollar đầu tư cho vệ sinh sẽ mang lại 5,50 dollar dưới hình thức giảm chi phí y tế và gia tăng năng suất lao động theo tính toán của Tổ chức Y tế thế giới WHO.

Tuy nhiên, điều đáng ngại là còn tới 14% dân số thế giới vẫn đang duy trì thói quen mà ngành y gọi một cách lịch sự là ‘đại tiện lộ thiên’ (open defecation). Tỉ lệ này ở các nước nghèo là 21% và thậm chí tới 32% ở các nước thu nhập trung bình thấp. Ấn Độ đang dần trở thành một cường quốc kinh tế nhưng 48% dân số nước này vẫn giải quyết nỗi buồn ngoài trời. Đã có những nỗ lực để thay đổi tình trạng này. Hầu hết trong số 86 nước được điều tra trong một báo cáo mới đây có những kế hoạch để cải thiện nguồn nước và vệ sinh nhưng mới chỉ có dưới 1/3 các nước đã tiến hành. Kinh phí eo hẹp là một phần nguyên nhân nhưng tiền cũng không được sử dụng hiệu quả. Đóng góp đã tăng trong 3 năm qua nhưng mức chi vẫn giữ nguyên. Các nước đổ lỗi cho thủ tục giải ngân phức tạp trong khi các nhà tài trợ đổ lỗi cho quản lý yếu kém ở các nước này.

Dù sao, cũng có những hi vọng tình trạng này sẽ thay đổi. Quan chức tài chính các nước và lãnh đạo Ngân hàng thế giới cùng với Liên hợp quốc sẽ gặp nhau tại Washington DC trong tháng này để cùng thảo luận vấn đề. UNICEF đã phát động một chiến dịch nhằm chấm dứt đại tiện lộ thiên ở Ấn Độ. Đó là một đoạn video được đưa lên mạng với tên ‘Mang phân tới toilet’ (Take the poo to the loo) với hình ảnh những khối màu nâu nhảy múa. Thật là kinh tởm, có lẽ vậy, nhưng vẫn còn hơn một đại dịch tiêu chảy chết người.

Đăng Duy
The Economist



Bài trước: Phản ứng dữ dội đối với dữ liệu lớn

Kiểm soát dịch ebola như nào?
Có chức, làm sao đây?
Gửi phân chó trả về khổ chủ
Trẻ em sẽ cho bất cứ thứ gì vào miệng
Tags: economics

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc