Vì sao có quá nhiều quân phục ngụy trang trong quân lực Mỹ đến vậy?

Snow patrol. Photo courtesy The U.S. Army.

Quân phục chiến đấu của Quân đội Mỹ sẽ sớm có mẫu ngụy trang (camouflage) mới. Trang tin về quân sự Military.com gần đây đăng tin quân đội sẽ mặc một loại họa tiết gọi là Scorpion (Bọ cạp) đã có trong biên chế từ năm 2002. Điều này chấm dứt giai đoạn dài sử dụng mẫu ngụy trang ‘toàn năng’ tốn kém (universal camouflage pattern – UCP) vốn được thiết kế để phù hợp ở bất kỳ địa hình nào nhưng lại bị chính các binh sĩ phàn nàn là chẳng phù hợp bất kỳ đâu. Mẫu ngụy trang lỗi này khiến quân đội mất tới hàng triệu đôla để chế tạo và ít nhất 5 tỉ đôla để áp dụng cho quân phục và trang thiết bị. Thay thế tất cả số đó có thể tốn thêm 4 tỉ đôla nữa trong vòng năm năm theo tính toán của Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Liên bang Mỹ (Government Accountability Office – GAO). Vì sao quân đội lại ‘ném tiền xuống sông’ cho các mẫu ngụy trang như vậy?

Trước năm 2002, gần như tất cả quân nhân Mỹ chỉ có hai lựa chọn họa tiết ngụy trang: màu xanh và màu be (beige-ish). Nhưng chi phí quốc phòng vốn rất hào phóng đã tăng phi mã sau vụ tấn công 11 tháng Chín năm 2001 khiến hàng loạt dự án đắt đỏ được bung ra. Giờ đây, mỗi đơn vị tác chiến trong lực lượng vũ trang đều có ít nhất một họa tiết ngụy trang, thậm chí còn hơn. Nhiều năm liền cải tiến (one-upsmanship) quân phục ngụy trang đã tiêu tốn của Bộ Quốc phòng hơn 12 triệu đôla tiền nghiên cứu và phát triển cùng vài tỉ đôla tiền ứng dụng cho quân phục và trang thiết bị. “Khách quan mà nói mọi người mặc cùng một loại quân phục sẽ tốt hơn,” Timothy O’Neill – trung tá (lieutenant-colonel) về hưu, chuyên gia về ngụy trang nhận xét. “Nhưng lính thủy đánh bộ (marine) thì không muốn mình trông giống bộ binh (army), bộ binh cũng không muốn trông giống lính thủy đánh bộ và chẳng ai muốn mình trông giống hải quân (navy) cả”. Riêng việc quản lý dự trữ và cung cấp đủ loại quân phục như thế đã tốn của quân đội nhiều triệu đôla. Tệ hơn thế, con số này còn chưa bao gồm thiệt hại rất lớn của việc trang bị cho toàn lực lượng một mẫu ngụy trang kém hiệu quả khi quân đội chọn UCP vào năm 2004.

Không ai giải thích được vì sao mẫu ngụy trang vô dụng này lại được chọn. UCP chưa bao giờ lọt vào vòng cuối trong những cuộc thử nghiệm kéo dài nhiều năm, vì thế nhiều người đoán rằng một quan chức cấp cao đã chọn nó vào giờ chót vì hình thức hào nhoáng. Nhưng cánh lính chiến nhận ra sai lầm này ngay lập tức và nhanh chóng phàn nàn về việc quân phục biến họ thành mục tiêu. Quân đội trang bị cho binh lính ở Afghanistan một loại ngụy trang tốt hơn gọi là MultiCam vào năm 2010 (chi hơn 38,8 triệu đôla để thay thế trang bị trong năm 2010 và 2011), và bắt đầu các thử nghiệm tốn kém cho một họa tiết mới. Nhưng những lời phàn nàn của binh lính đã cảnh báo Quốc hội về vấn đề sai lầm trong quy trình lựa chọn quân phục. GAO xác nhận có những nghi vấn trong năm 2012 với một bản báo cáo gây chấn động. Quốc hội đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng phải hạn chế chi tiêu cho quân phục, Đạo luật Cấp phép Quốc phòng (Defence Authorisation Act) năm 2014 khiến không đơn vị nào có thể giới thiệu một loại quân phục mới trừ khi nó được chuẩn thuận bởi mọi người. Nhưng đạo luật này cũng không thể ngăn một đơn vị đưa vào sử dụng (dust off) một họa tiết cũ như quân đội rõ ràng đang có kế hoạch sử dụng lại Bọ cạp, vốn được phát triển lần đầu từ năm 2002.

Lựa chọn này đặt dấu chấm hết cho cuộc tìm kiếm một họa tiết tốt hơn kéo dài nhiều năm và tiêu tốn nhiều triệu đôla. Nhưng ngay từ lúc này đã có những nghi ngờ rằng quân đội đang phạm phải một sai lầm khác. Cả Bọ cạp và MultiCam đều được chế tạo bởi Crye Precision, một nhà sản xuất ở Brooklyn, trong khi nhiều người đã tin rằng quân đội sẽ tiếp tục sử dụng MultiCam vì nó có kết quả thử nghiệm tốt và đã chứng minh được hiệu quả ở Afghanistan. Nhưng các cuộc thương lượng với Crye Precision để tăng cường hợp tác đã đổ vỡ vì lí do chi phí đầu năm nay. (Tuy quân đội đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, nhà sản xuất mới là người sở hữu bản quyền trí tuệ của họa tiết ngụy trang). Bọ cạp không có kết quả thử nghiệm tốt bằng nhưng giấy phép của nó được cho là rẻ hơn. Điều đáng nói là Bộ Quốc phòng không có một bộ phận phụ trách phát triển và cung cấp những loại quân phục tốt nhất có thể cho tất cả binh lính Mỹ. Đó là lý do người lính trên chiến trường thường được phục trang khác nhau mà chẳng biết chắc loại nào giúp họ ngụy trang (blend in) tốt nhất.

Đăng Duy
The Economist

Tags: economics

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc