Bỏ thi tốt nghiệp THPT hay đại học?

shared from Giang Le.
-----
Nên bỏ thi tốt nghiệp THPT hay bỏ thi đại học. Ở đây, tôi lại lấy kinh nghiệm của hệ thống giáo dục của bang Queensland (Úc) để đưa ra quan điểm của mình.

Trước hết, phải nói thêm một điểm tôi quên chưa nhắc đến trong entry trước. Đó là các trường tiểu học ở Queensland vì không xếp hạng học sinh nên không có khái niệm lên lớp/ở lại lớp giống như Việt Nam. Khi một học sinh quá yếu không theo được chương trình, nhà trường có thể tư vấn cho phụ huynh để con mình học lại vì sợ rằng nếu lên lớp học sinh đó sẽ tiếp tục không theo được và sẽ có hại về lâu dài cho bản thân em. Việc có cho học lại hay không hoàn toàn do gia đình quyết định.

Nói vậy để thấy giáo dục phổ thông (ở đây từ vỡ lòng đến lớp 10, lớp 11-12 không bắt buộc) không cần/không nên đặt nặng vấn đề điểm số và bằng cấp. Học phổ thông là quá trình gia đình và nhà trường giúp cho trẻ em trang bị kiến thức và kỹ năng tốt nhất có thể, kết quả thế nào phụ thuộc vào năng lực/nỗ lực/điều kiện của từng em. Bởi vậy, không cần đánh giá cụ thể một học sinh có "tốt nghiệp" quá trình giáo dục phổ thông hay không, cùng lắm chỉ cần "chứng nhận" em đó đã hoàn tất quá trình giáo dục này.

Giáo dục đại học (hay cao đẳng dậy nghề) thì khác, nó không phải phổ thông và cũng không bắt buộc. Tôi có quan điểm giống với GS Trần Ngọc Anh trong cuộc thảo luận, cho rằng giáo dục đại học là một sản phẩm thị trường, thuận mua vừa bán. Trong một nền kinh tế thị trường, các trường đại học có các phân khúc khác nhau, do vậy việc thi cử đầu vào và tuyển sinh nên để cho các trường tự quyết. Các trường đại học, như một doanh nghiệp, cần lo cho uy tín và sự tồn vong lâu dài của mình nên sẽ phải đảm bảo chất lượng sản phẩm thông qua quá trình tuyển sinh và đánh giá kết quả học tập của sinh viên hàng năm cũng như trước khi cho phép sinh viên tốt nghiệp.

Mỹ thực hiện mô hình tự chủ tuyển sinh như vậy, các trường đại học hoàn toàn tự do quyết định nhận ai, loại ai. Đa số các trường outsource một phần quá trình tuyển sinh cho một bên thứ ba (i.e. SAS, GRE, GMAT, TOEFL...) nhưng nói chung họ vẫn phải tự thẩm định và sàng lọc thí sinh rất công phu. Các trường đại học của Úc cũng có quyền tự chủ tương tự, nhưng ở Úc có một khác biệt quan trọng.

Như đã nói bên trên, giáo dục phổ thông không nên/không cần có chứng nhận "tốt nghiệp", bởi vậy, vấn đề điểm số trong trường phổ thông không cần đặt ra[*]. Nhưng khi các trường đại học tuyển sinh họ cần biết học lực của thí sinh (ít nhất) trong những năm cuối trung học. Cách mà bang Queensland giải quyết vấn đề này như sau (các bang khác cũng có các hình thức tương tự chỉ khác về tên gọi).

Giáo dục phổ thông bắt buộc chỉ đến lớp 10, lớp 11-12 dành cho những học sinh muốn học tiếp lên đại học. Trong 2 năm này, dù không bắt buộc nhưng gần như tất cả học sinh sẽ đăng ký tham gia hệ thống đánh giá OP (viết tắt của Overall Position) và kết quả OP sẽ được các trường đại học sử dụng cho tuyển sinh tương tự như điểm SAS của Mỹ.

Khi tham gia hệ thống này, học sinh 11-12 sẽ phải học một số môn core và được chọn một số môn khác. Các môn này sẽ được chấm điểm (bài tập, kiểm tra cuối kỳ) và tổng kết lại thành một điểm đánh giá duy nhất. Điểm này được hiệu chỉnh để đánh giá mức độ tương đối giữa các học sinh trong cùng một khối lớp trong trường, vd điểm số 80% nghĩa là em đó có kết quả cao hơn 80% các em khác trong khối lớp.

Vấn đề là làm thế nào để đánh giá mức độ tương đối giữa các trường với nhau? Queensland giải quyết vấn đề này bằng cách tổ chức một kỳ thi chung (QCS) cho tất cả các học sinh tham gia OP trong bang. Dựa vào kết quả kỳ thi này, điểm OP của các trường sẽ được hiệu chỉnh để phản ánh mức độ chênh lệch giữa các trường. Ví dụ, hai học sinh ở hai trường có OP do trường tính đều bằng 80% thì trường nào có kết quả QCS cao hơn em học sinh trường đó sẽ được xếp OP cuối cùng cao hơn. Đại khái, sau 2 lần hiệu chỉnh như vậy, điểm OP cuối cùng sẽ là một hình thức xếp hạng học sinh lớp 12 cho toàn bang dựa vào quá trình học trong hai năm 11-12 và kỳ thi QCS.

Việc đánh giá dựa trên cả quá trình học như vậy có lẽ tốt hơn SAS của Mỹ hay thi đại học của Việt Nam vì tránh được tình trạng "học tài thi phận" trong một kỳ thi duy nhất. Tuy nhiên, hệ thống này tốn công hơn và ở Việt Nam sẽ có người lo ngại điểm OP trong nội bộ trường không chính xác, dễ bị thiên vị. Dẫu sao, về lâu dài đây là một mô hình Việt Nam nên học hỏi. Còn trước mắt tôi ủng hộ phương án bỏ thi tốt nghiệp THPT (thay vào đó cấp chứng chỉ đã học xong phổ thông) và giữ kỳ thi tuyển sinh đại học. Bộ GDĐT có thể outsource kỳ thi này như SAS của Mỹ. Tuy nhiên kết quả kỳ thi đại học chỉ là một yếu tố, các trường có quyền tự do quyết định qui trình tuyển sinh của mình.

[*]: Cách đây vài năm chính phủ liên bang Úc triển khai một kỳ thi toàn quốc ở các lớp năm lẻ (3, 5, 7,...) vào khoảng giữa năm học. Kỳ thi này, gọi là NAPLAN, không bắt buộc và kết quả chủ yếu để đánh giá các trường và so sánh mặt bằng giáo dục giữa các bang chứ không phải để đánh giá từng học sinh.
-----
update, by nguyễn quốc vương, aug 1, 2020

Câu chuyện thi hay không thi THPT quốc gia đang nóng lên. Có báo gọi tôi hỏi chuyện này. 

Tôi thẳng thắn nói là nên bỏ vĩnh viễn kì thi tốt nghiệp THPT mà lần này, do dịch bệnh-sẽ là cơ hội tốt nhất để quyết tâm "khai tử" kì thi không còn ý nghĩa này. 

Học sinh nào đã cố gắng học hết 12 năm đều xứng đáng tốt nghiệp THPT. 

Chuyện thi tuyển sinh là câu chuyện của các trường cao đẳng, đại học. Họ có thể xét học bạ hoặc tổ chức thi tuyển riêng. 

Thời đại chỉ cần có bằng đại học là có tấm vé chắc chắn vào đời thành công đã chấm dứt. 

Bây giờ là thời đại đại chúng hóa đại học. Đại học giống như là một nơi tạo ra cơ hội học tập cho tất cả thanh niên hơn là một sự đảm bảo. 

Ngoại trừ các ngành, trường tốp đầu, khó còn lại vào đại học không phải là chuyện khó nữa. 

Đấy là cơ hội để giáo dục phổ thông thoát ra khỏi cái hố "học để thi" vô bổ đã kéo dài suốt bao năm nay. Học sinh cắm đầu học để thi và thi xong thì ra khỏi cổng trường hò reo như muốn ném trả lại thầy cô và nhà trường tất cả những gì đã được nhét vào đầu. 

Luật giáo dục có quy định mục tiêu giáo dục là phát triển toàn diện con người nhưng học để thi và thi một cách máy móc như đã và đang làm đã khiến cho các môn học trở nên méo mó. Cả thầy và trò chạy theo thành thích, chạy theo con số, danh hiệu. 

Không mấy giáo viên dám đào sâu, dạy thật lòng vì sự phát triển của học sinh vì họ luôn lo sợ các kì thi, lo sợ điểm số. 

Giáo dục cuối cùng là đem đến cơ hội kiến tạo cuộc sống hạnh phúc hơn cho cá nhân và xã hội chứ không phải là các con số để tự thỏa mãn. 

Chỉ riêng trong lần này thôi, an toàn của học sinh, giáo viên phải đặt lên hàng đầu.

Lẽ ra phải có kế hoạch trước cho việc này khi mà thế giới vẫn còn dịch bệnh và cửa biên giới không thể đóng hoàn toàn. 

Thật lòng tôi rất mong có sự một sự quyết tâm từ đâu đó để tiễn kì thi tốt nghiệp THPT vào dĩ vãng như một kỉ niệm buồn và lấy đây làm điểm tựa để biến nguy thành cơ, biến thách thức thành cơ hội. 

Tôi không muốn chứng kiến cảnh hình thức ở trường học như đã và đang thấy.


Đừng lo sợ bỏ thi tốt  nghiệp thì học sinh sẽ không học nữa đơn giản vì có thể chúng không học những thứ mà giáo viên và nhà trường đã quen nhồi nhét nhưng chúng có thể học những thứ cần cho đời sống và tương lai. Ở đó, sẽ cần đến sự thay đổi của giáo dục nhà trường và nỗ lực của từng giáo viên.

6 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc