Vì sao xuất khẩu Nhật Bản đình trệ?

Sony Xperia Z1. Photo credit: hc.com.vn.

Khi đồng tiền một nước mất gần một phần tư giá trị, xuất khẩu thường hồi phục (pick up). Tác động sâu sắc từ việc hạ giá đồng tiền đối với xuất khẩu và GDP có thể kích động các cuộc chiến tranh tiền tệ và những lời qua tiếng lại gay gắt giữa các giới chức ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, đối với Nhật Bản, mối quan hệ này đã không còn. Đồng yên giảm khoảng 22% kể từ cuối năm 2012, nhưng thay vì tăng lên, khối lượng xuất khẩu thực tế đã giảm 1,5% trong năm 2013 và 0,4% giữa tháng Một và tháng Tám năm nay. Vì sao vậy?

Có bốn lý giải được đưa ra (jostle for position), một số dễ được lãnh đạo Nhật Bản chấp nhận (palatable), một số thì không. Lý giải đầu tiên và đơn giản nhất là các đối tác thương mại của Nhật Bản mới chỉ đang phục hồi từ cuộc suy thoái tiếp sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008. Một lý giải khác là các nhà sản xuất ôtô, chiếm phần lớn (large chunk of) tổng lượng xuất khẩu, đã giữ giá (ôtô) tính theo đồng yên ở mức cao. Họ tận dụng sự mất giá của đồng yên để tăng lợi nhuận chứ không phải để bán được nhiều xe hơn. Họ nói, như vậy là công bằng, vì họ đã chịu lỗ trong nhiều năm khi đồng yên mạnh (endaka). Cả hai nguyên nhân mang tính chu kỳ trên sẽ dễ dàng hơn trong tương lai, cho phép xuất khẩu tăng trở lại.

Lý giải mang tính cấu trúc thứ ba đáng báo động hơn đối với giới chức chính quyền. Vì nhiều nguyên nhân thương mại, các công ty Nhật Bản đang đẩy nhanh việc chuyển dịch sản xuất ra nước ngoài; để gần thị trường (tiêu thụ) hơn, và cũng không muốn bị lệ thuộc nhiều vào đồng yên như trong quá khứ. Ngay trong năm sau, ngành công nghiệp xe hơi có lẽ sẽ sản xuất nhiều xe ở nước ngoài hơn là ở trong nước. Nhật Bản có lời xét theo lợi nhuận chuyển về nước (repatriate), nhưng các nhà máy trong nước đang bị bỏ hoang (left idle). Cùng với đó là nguy cơ quản trị doanh nghiệp yếu kém khiến các công ty ngồi trên đống lợi nhuận của họ vô thời hạn chứ không dùng tiền mặt để tạo ra công ăn việc làm cho nền kinh tế.

Lý giải đáng lo ngại nhất là sản phẩm của Nhật Bản dường như không còn khả năng cạnh tranh, chỉ giữ được thị phần xuất khẩu tại các nước giàu ở mức thấp nhất kể từ năm 1986. Điều này một phần do hoạt động tích cực (energy) của các ngôi sao đang lên như Trung Hoa và các con hổ châu Á. Nhưng đó cũng là do công tác phát triển sản phẩm kém, nhất là trong ngành điện tử tiêu dùng mà trước đây cùng với ôtô đóng góp vào xuất khẩu thần kỳ của Nhật Bản. Nếu Sony có thể thiết kế các điện thoại thông minh cạnh tranh được với iPhone của Apple, câu chuyện có thể đã khác. Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu thấp hơn tiếp tục đè nặng lên GDP. Vốn đã là một bài học về các tác động của tình trạng giảm phát kéo dài bất thường, Nhật Bản giờ có thể bổ sung tác động kép của đồng tiền mất giá và xuất khẩu giảm vào danh sách các hiện tượng kinh tế kỳ lạ.



Sơn Phạm
The Economist


Tags: japan

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc