Tam hóa Liên châu

shared via Dainamax Tribune.
-----
Từng là Thủ tướng, ông Abe bất ngờ từ chức vào năm 2007 sau có một năm cầm quyền. Lần đó, ông khó bung khỏi những trở ngại quá lớn trong đảng. Năm năm sau, ông trở về với nhiều lợi thế hơn, trong đó có cả sự hung hăng của Bắc Kinh về vụ tranh đoạt chủ quyền trên cụm đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Lên làm Thủ tướng từ cuối năm 2012 sau khi thắng lớn, ông đề nghị ba bước cải cách, được coi như ba mũi tên.

Người mê Tử Vi có thể nghĩ tới cách "Tam hóa Liên châu" - một chuỗi ba sao Hóa Khoa, Hóa Quyền và Hoá Lộc!

Mũi tên thứ nhất là biện pháp tiền tệ, bơm tiền như nước; thứ nhì là biện pháp ngân sách, kích thích bằng tăng chi và thuế khóa. Mũi tên thứ ba mới là khó nhất: trên cái trớn của sự hồi phục tạm nhờ hai biện pháp tiền tệ và ngân sách mà cải cách cơ chế kinh tế và thế lực xã hội để nâng khả năng cạnh tranh của một quốc gia bị lão hóa về dân số và sơ cứng về chính trị.

Vì dân số lão hóa, với tỷ trọng ngày càng cao của người già lão, tiết kiệm quá lớn không kích thích tiêu thụ và sản xuất. Nhật bị hiện tượng "giảm phát", hàng họ giảm giá mà bán không chạy và sản xuất không tăng. Vì sơ cứng chính trị, Nhật Bản khó cải tiến hiệu năng và tìm ra hình thái kinh tế hiện đại hơn. Đấy là loại vấn đề lưu cữu trong cơ cấu khiến nưóc Nhật suy bại liền trong hơn hai chục năm, từ khi bị nạn bể bóng đầu cơ năm 1990 và trôi vào khủng hoảng năm 1993.

Trước sự hoài nghi của nhiều người, hai mũi tên đầu của Abenomics đạt kết quả tương đối.

Nạn giảm phát lui vài phân khi lạm phát từ 0% vào năm 2012 lên tới 0,4% vào năm ngoái - mà chưa lên tới 2% như Chính quyền Abe trông đợi - và hăm dọa khi ào ạt bơm tiền. Phải dọa là lạm phát sẽ làm tiền mất giá thì mới khiến dân chúng tiêu thụ ngay và tạo ra sức cầu cho kinh tế. Bội chi ngân sách cũng giảm được vài số sau dấu phẩy, như hạt bụi.

Nhưng biện pháp thuế vụ là giảm thuế doanh nghiệp và tăng thuế tiêu thụ lại gây vấn đề chính trị là mang tiếng nâng đỡ nhà giầu bằng sực tiền thuế của dân nghèo và gây hậu quả kinh tế là làm giảm tiêu thụ rồi bị suy trầm. Vậy mà khó khăn lớn nhất lại không nằm ở đó. Mũi tên thứ ba gần như chưa ra khỏi vỏ vì sức cản của nhiều thế lực kinh tế chính trị trong xã hội - và ngay trong đảng LDP.

Thủ tướng Abe đề nghị một chương trình rộng lớn là gia tăng sức cạnh tranh và sản lượng bằng cải cách lao động và kinh tế. Cụ thể là tu chỉnh bộ luật lao động để doanh nghiệp có thể linh động tuyển dụng và sa thải theo yêu cầu. Ông đòi giải toả khu vực canh nông để cạnh tranh với nông sản ngoại nhập, một trong nhiều điều kiện trở thành Đối tác Xuyên Thái bình dương (kế hoạch TPP do Hoa Kỳ đề xướng với 11 xứ khác). Đi ngược thói quen văn hóa như vậy rồi, ông còn muốn khai thông ách tắc để phụ nữ gia nhập thị trường lao động và đề nghị nhập cảng nhân viên ngoại quốc cho các ngành bảo hộ sức khỏe và người cao niên. Đã vậy, sau thiên tai năm 2011 khiến các nhà máy nguyên tử bị nạn và dân Nhật sợ phóng xạ, Chính quyền Abe vẫn muốn phục hoạt năng lượng nguyên tử để bớt lệ thuộc vào xăng dầu nhập cảng....

Xem thêm bài gốc ở đây.

Bài trước: Gaiatsu nghĩa là gì?
Tags: japan

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc