Bị dụ dỗ ở lại Nga

Có một hôm, nhân viên phục vụ đến chỗ tôi bảo đi cùng họ có việc và dẫn đến một gian phòng. Họ bảo có chuyện chỉ nói riêng với mình tôi rằng: "Lần này ông được theo đoàn sứ tiết đi, nhưng sau khi trở về Nhật ông định làm gì? Tất nhiên là chúng tôi không biết được. Thế ông có phải là người giàu có không?". Tôi trả lời rằng: "Không, tôi không phải là người giàu có gì, mà chỉ là người làm cho Mạc phủ. Làm được việc thì nhận lương bổng. Nói chung là chuyện cơm áo thì không phải lo". Họ mới bảo: "Tình hình nước Nhật thế nào chúng tôi không rõ, nhưng suy cho cùng, Nhật Bản chỉ là một tiểu quốc. Ở một nước nhỏ như vậy, không có việc gì đáng cho một người đàn ông làm cả. Tốt hơn là thay đổi suy nghĩ đi, xem có ở lại nước Nga này được không?". Tôi trả lời rằng: "Tôi đến đây là để tháp tùng đại sứ, nên không thể tự tiện mà tính chuyện về hay ở được!".

Thấy tôi trả lời thẳng thắn như vậy, thì họ bảo: "Chuyện đó đơn giản. Chỉ cần ông đồng ý ngay bây giờ và giữ kín đáo chuyện là chúng tôi cũng sẽ giữ cho ông thôi. Dù thế nào, đoàn sứ giả cũng sẽ không ở đây lâu nữa. Chắc sắp về đến nơi. Mà họ về là coi như xong chuyện. Ông cứ ở đây và thành người Nga luôn đi. Ở Nga này có rất nhiều người nước ngoài đến ở. Nhiều nhất là người Phổ. Ngoài ra còn có người Anh, người Hà Lan. Bởi vậy, nếu người Nhật ở lại cũng không phải là chuyện gì lạ cả. Ông cũng ở lại đi. Nếu ông quyết định ở lại, sẽ có rất nhiều công việc thoải mái dành cho ông. Chuyện cơm áo thường ngày, tất nhiên không phải lo. Ông sẽ trở thành một người giàu có. Thôi, ông ở lại đi!".

Họ thuyết phục ra chiều nghiêm chỉnh, chứ không phải chỉ là chuyện bông đùa bình thường, lại đưa hẳn vào một căn phòng và nói chuyện hết sức nghiêm túc. Nhưng khi đó, tôi không có việc gì cần thiết phải ở lại và cũng không có ý ở lại, nên trả lời với họ qua loa cho xong. Sau đó, họ còn thuyết phục thêm hai, ba lần như thế nữa, nhưng tất nhiên không thể đi đến đâu.

Qua lần ấy, tôi mới nhận ra rằng, Nga là nước có phong tục, tập quán rất khác so với các nước châu Âu khác. Chắc chắn là như thế! Chẳng hạn trong chuyến đi này, tôi có dừng chân tại Anh, Pháp một thời gian, trước đó có đi Mỹ, cứ gặp ai đó là họ lại bảo muốn đi Nhật. Mà có nhiều người như thế. Họ hỏi ở Nhật có việc gì làm không, xem thế nào dẫn họ sang đó. Có người bàn đến cả chuyện sẽ sang Nhật bằng đường nào, chứ không ai giữ chúng tôi ở lại cả. Khi đến Nga, lần đầu tiên tôi được người ta rủ ở lại. Ngẫm ra đó không đơn thuần là việc liên quan đến chuyện buôn bán, kinh tế gì, mà chắc chắn bao hàm cả mục đích chính trị, ngoại giao. Đúng là đất nước khó hiểu! Tôi nghĩ, đằng sau sự rủ rê ở lại là có ý sâu xa.

Tuy nhiên, tôi không thể đem chuyện đó mà kể với những người cùng đi rằng tôi đã bị ngỏ lời như thế, sợ rằng nói ra sẽ nảy sinh sự nghi hoặc của mọi người về mình, nên không hề hé miệng. Cả khi về đến Nhật, tôi cũng im lặng, không nói với ai khác. Rất có thể không chỉ mình tôi bị lôi kéo, mà cả những người đồng hành khác cũng bị như vậy, nhưng có lẽ họ cũng nghĩ như tôi và lặng im không nói ra. Ấn tượng của tôi về nước Nga trong chuyến đi ấy là một nước Nga đầy mưu đồ và khó hiểu.

P. 230 - Chu du châu Âu - Phúc ông tự truyện


Tags: book

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc