Phương châm giáo dục: dạy chủ yếu về khoa học tự nhiên và giáo dục tinh thần độc lập

Nhờ có nhiệt tâm muốn quảng bá Dương học trên toàn nước Nhật và muốn xây dựng đất nước văn minh, giàu mạnh như các nước phương Tây, nên trường Keio-gijuku của tôi đã trở thành tiên phong, hướng đạo cho ngành Dương học ở Nhật Bản. Trường đã đóng vai trò như một "đại lý" trong ngành nghiên cứu Dương học, một việc không phải do người phương Tây nhờ vả mà cũng vẫn làm. Vì vậy, chúng tôi bị những người ngoan cố, cổ hủ ghét là chuyện dễ hiểu.

Tư tưởng giáo dục của tôi là coi trọng những quy luật tự nhiên, dạy học sinh chủ yếu là hai bộ môn toán học và vật lý. Tôi muốn họ suy nghĩ về mọi sự vận động của những vật hữu thể như con người, vạn vật theo lối tư duy đó. Còn về mặt đạo đức, chúng tôi công nhận con người là chí tôn, chí linh của vạn vật, nên phải trân trọng, không được coi thường hay khinh miệt và cũng không được làm điều gì trái với nhân luân con người. Bất nhân, bất nghĩa, bất trung, bất hiếu, những điều xấu xa đó, dù có ai nhờ hay thúc bách đến đâu, cũng không được làm. Mỗi người đều phải hướng đến những hành động cao thượng và phải có tinh thần tự lập cao. Trước hết, phải có một cơ sở giữ cho tâm không được động loạn và chuyên chú vào điều mình định hướng đến.

Thử nhìn tương quan giữa phương Đông và phương Tây, về sự tiến bộ trước-sau, nhanh-chậm sẽ thấy một sự khác biệt lớn. Cả hai nền học thuật đều thuyết giáo các vấn đề về đạo đức, đều có những lý luận về kinh tế. Cả văn lẫn võ, cả hai đều có những sở trường, sở đoản khác nhau. Nhưng nếu xét về sức mạnh của một quốc gia, về phú quốc cường binh và vấn đề hạnh phúc của người dân thì các quốc gia ở phương Đông phải chịu lùi bước trước các quốc gia phương Tây. Sức mạnh của bất kỳ một quốc gia nào cũng sẽ bắt nguồn từ giáo dục, nhưng phương pháp giáo dục của phương Đông và phương Tây lại khác nhau. Phương Đông nặng về tư tưởng Nho giáo, còn phương Tây thiên về chủ nghĩa văn minh.

Nếu so sánh như vậy thì phương Đông thiếu hai điểm. Về mặt hữu hình, thiếu các khoa học tự nhiên, và về mặt vô hình thiếu tinh thần độc lập. Chính trị gia thì trị nước, doanh nhân thì tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, người dân phải có tinh thần yêu nước, gia đình phải đoàn tụ, chan hòa hạnh phúc. Nếu tìm về cội nguồn sẽ hiểu nguyên do tại đâu. Ví dụ một cách gần gũi, dễ hiểu là phạm vi một quốc gia, mà xa xôi hơn là phạm vi toàn nhân loại. Toàn thể loài người và vạn vật ở đâu cũng không thể thiếu được các tri thức về khoa học tự nhiên, ở đâu cũng không thể thiếu tinh thần độc lập. Nhưng điều quan trọng đó lại quá bị coi thường ở Nhật Bản. Vì thế, không thể mở cửa để sánh vai với các cường quốc phương Tây được. Tôi tin tưởng một cách sâu sắc, đó là do lỗi của nền giáo dục Hán học.

P. 341 - Vương chính Duy Tân - Phúc ông tự truyện

Tags: book

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc