Về Cochinchine

by tinnguyentrong, từ comment ở 5xublog.
-----
Về Cochinchine:
Người Nhật Bản vào buôn bán ở Kẻ Chợ, gọi Kẻ Chợ trại đi thành Coci. Hoặc 1 version khác, là người Nhật Bản gọi Giao Chỉ là Coci, sự khác biệt giữa 2 versions này không quan trọng, đại khái là người Nhật Bản gọi nước Việt là Coci.

Người Bồ Đào Nha thông qua người Nhật Bản, nhưng để phân biệt với tỉnh Cocin của họ ở bên Đông Ấn (gần thành Goa) nên ghép thêm từ China, ý là Cocin ở phía Trung Quốc chứ không phải Cocin bên Ấn Độ, thành Cocinchina. Lúc này Cocinchina là dùng để chỉ phần lãnh thổ của nhà Lê, tương ứng với "An Nam" theo quan niệm của Tàu, thủ phủ là thành Đông Kinh, Tonquin / Tonkin. Những danh xưng như "Đại Việt" hay "Đại Cồ Việt" hay "Đại Nam", và "Thăng Long"…, thực sự không có bất kỳ 1 tiếng vọng dù nhỏ nhoi nào trong các mối quan hệ quốc tế.

Đến thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, phần đất cũ của vương quốc do nhà Trịnh làm chủ được gọi theo tên thủ phủ là Tonkin, thành xứ Tonkin, nhưng tên tiếng Việt thì lại có các phiên bản Bắc Hà, Bắc Bộ, Bắc Kỳ hay "xứ Đàng Ngoài". Tên Cocinchina, lúc này đã thành Cochinchine theo lối Pháp, được dùng để chỉ phần đất mới do nhà Nguyễn làm chủ, tức là rẻo đất miền Trung bây giờ (các vương quốc Champa và Khmer vẫn còn), các phiên bản tiếng Việt là "xứ Đàng Trong" hay Nam Hà. Bắc Hà hay Nam Hà có thể hiểu là lấy sông Gianh là ranh giới, các danh từ tương ứng với Bắc Bộ và Bắc Kỳ là Nam Bộ và Nam Kỳ không được sử dụng trong trường hợp này. Dường như các mối quan hệ quốc tế lúc này ít quan tâm tới "Đàng Ngoài" vì loạn lạc, nghèo đói và khuất sâu trong vịnh Bắc Bộ, mà chỉ quan tâm tới "Đàng Trong", đang phồn thịnh và cởi mở, lại thuận tiện đường hàng hải từ Malacca đi Macao. Chính vì vậy mà cái tên Cocinchina / Cochinchina do người phương Tây sử dụng đã không gắn với miền đất cũ mà lại di chuyển đi xuống miền đất mới, theo sự quan tâm của họ.

Nhà Nguyễn mở rộng lãnh thổ tới tận xứ Thủy Chân Lạp, miền đất mới này được Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đặt tên là Gia Định, theo nghĩa là có thêm được ("gia") 1 miền đất hứa ("định"). Pháp ban đầu cho quân đánh Đà Nẵng nhưng sau thấy lấy Gia Định hay hơn nên đổi sang đánh chiếm Gia Định (việc này hoàn toàn theo chủ trương của phái quân sự, đại diện là đô đốc Charles Rigault de Genouilly, mà không theo ý kiến của các nhà truyền giáo, như giám mục Ollivier [lưu ý là 2 chữ "l"] Pellerin chẳng hạn).

Sau Hòa ước Nhâm Tuất 1862 (Traité de Saigon), cái tên Cochinchine chính thức được gắn với miền đất Nam Bộ, hay Nam Kỳ. Đất cũ ngàn năm vẫn là Bắc Bộ, hay Bắc Kỳ, Tonkin, còn miền đất từng được coi là "mới" 2 thế kỷ trước, "xứ Đàng Trong" hay Nam Hà hay Cocinchina, vì không còn "mới" nữa nên bị mất tên, lại nằm ở giữa miền Bắc và miền Nam nên trở thành miền Trung, Trung Bộ hay Trung Kỳ, và vì là nơi về danh nghĩa vẫn cho triều đình An Nam quản lý nên tên quốc tế là Annam, hoặc giản tiện hơn là Anam, bớt đi được 1 chữ "n".

(Chính phủ Trần Trọng Kim trong phiên họp đầu tiên sau khi thành lập đã đổi "Kỳ" thành "Bộ": Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ [mặc dù Nam Bộ vẫn còn đang thuộc Pháp]).

Tags: history

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc