Đánh giá lại George W. Bush

Dù kể đi kể lại câu chuyện theo cách nào đi nữa, cái kết của nó vẫn không hay
Ngày 11 tháng 11 năm 2010
Photo credit: The Economist.

Giống như người bạn thân thiết Tony Blair, người tái đắc cử hai lần, George Bush cũng tái đắc cử và rồi rời nhiệm sở với danh tiếng tả tơi. Liệu George Bush có đã xâm lược Iraq dựa trên những tội trạng bịa đặt, bẻ cong luật lệ và giá trị của nước Mỹ khi cho phép tra tấn tù nhân và để lại cho người kế nhiệm tình trạng khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ thời kỳ những năm 1930? 'Những thời khắc quyết định', cuốn hồi ký của cựu tổng thống, được xuất bản trong tuần này, cũng sẽ không thay đổi suy nghĩ của những người chỉ trích vốn nghĩ như vậy. Cuốn sách không chỉ gồm những lời tự thanh minh như bạn có thể hình dung mà còn chứa rất nhiều những lời tự khen trong những hoàn cảnh bạn không ngờ tới. Tuy nhiên, việc cựu tổng thống Mỹ đã lên tiếng sau những im lặng ông ta tự áp lên mình kể từ khi tổng thống Barack Obama nhậm chức cũng đáng để có một sự đánh giá lại về nhiệm kì tổng thống với nhiều chỉ trích của ông.

Ông Bush đã không thể định hình nhiệm kì tổng thống của mình như ý muốn. Khi tổng thống Obama được bầu hai năm trước, rất nhiều nhà phân tích cho rằng việc tiếp nhận những khó khăn chồng chất từ người tiền nhiệm sẽ cần phải được xem xét khi đánh giá những kết quả của ông Obama. Chính những nhà phân tích này đã quên rằng, ngay sau khi trở thành tổng thống, ông Bush đã phải đương đầu với một thảm họa có ảnh hưởng tới tất cả mọi thứ sau này và điều này nên được những người chỉ trích ông cân nhắc. Vụ tấn công ngày 11/9, vào thời điểm ấy, ít nhất cũng gây hoảng loạn giống như cuộc khủng hoảng tài chính đã chào đón tổng thống Obama. Ông Bush nhớ lại khi thức dậy ngày 12 tháng 11 và đối diện với một nước Mỹ đã thay đổi. Những chiếc máy bay thương mại bị buộc phải hạ cánh, những chiếc xe vũ trang tuần tiễu trên các con phố ở thủ đô Washington, một phần của Lầu Năm Góc chỉ còn là đống gạch vụn, tòa tháp đôi đã biến mất và Sàn Giao dịch Chứng khoán New York bị đóng cửa. Trọng tâm của nhiệm kỳ tổng thống, mà ông đã dự kiến là chính sách đối nội, "giờ là
chiến tranh".

Cuộc chiến chống khủng bố và những cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq đã khiến nước Mỹ mất một thập kỉ phát triển ở những lĩnh vực khác. Ông Bush nói đã từng có lần hỏi chủ tịch Hồ Cẩm Đào rằng điều gì khiến ông ta mất ngủ vào buổi tối. Tạo ra 25 triệu việc làm mới một năm là câu trả lời của vị chủ tịch Trung Hoa. Với ông Bush, lo lắng chủ yếu lại là một cuộc tấn công khủng bố khác và giờ đây, ông nói rằng thành tựu chính của mình trong cương vị tổng thống là sau vụ tấn công ngày 11/9, nước Mỹ đã trải qua bảy năm rưỡi (yên bình) mà không có một cuộc tấn công khủng bố nào. Những người chỉ trích tổng thống Bush có vẻ tin rằng đó là định mệnh từ trước và rằng sự sụp đổ của tòa tháp đôi chỉ là một vụ tấn công không có lần thứ hai mà tổng thống Bush đã phản ứng thái quá một cách không cần thiết. Ông Bush lập luận hợp lý hơn rằng al-Qaeda đã bị cầm chân bằng những hành động chống lại, trong đó có sự truy đuổi Osama bin Laden ra khỏi Afghanistan, củng cố an ninh nội địa và các hoạt động thu thập thông tin tình báo gắt gao, bao gồm cả những hoạt động theo dõi trong nước còn nhiều nghi vấn về tính hợp pháp.

Về những điều còn hối tiếc, tổng thống Bush có khá nhiều. Ông nói lẽ ra ông nên triển khai quân đội sớm hơn để tái lập trật tự sau khi Bão Katrina đổ bộ vào New Orleans. Ông đã lầm khi tin tưởng tổng thống Nga Vladimir Putin mà chỉ nhìn vào mắt. Ông cũng tự hỏi liệu đã có thể đoán trước được cuộc khủng hoảng tài chính hay không. Bị ru ngủ bởi những thành công ban đầu, ông đã gửi quá ít quân tới Afghnistan. Còn về Iraq, là một lỗi lầm khi đứng trước tấm băng rôn “Nhiệm vụ hoàn thành” trên tàu sân bay Abraham Lincoln. Việc triển khai quá ít binh sĩ để giữ trật tự sau khi chính quyền Baghdad sụp đổ cũng là một sai lầm. Ông cũng hối hận vì đã không suy nghĩ kĩ lưỡng hơn khi giải tán quân đội Iraq. Và “không ai có thể choáng váng và tức giận” hơn ông khi không một vũ khí hủy diệt hàng loạt nào được tìm thấy. "Đó là cú sốc lớn đến uy tín của chúng tôi - tín nhiệm của tôi - mà sẽ làm lung lay sự tin tưởng của người dân Mỹ."

Quá đúng làm sao. Tuy nhiên, ông Bush cũng đã không để cho những hối tiếc của mình làm lu mờ sự tự đánh giá đầy tự hào của ông. Ông thẳng thừng phủ nhận rằng ông và ông Blair đã dùng những thông tin tình báo giả mạo như là cái cớ và cố tình xâm lược bất chấp mọi giá. Ông nhớ lại một cách chính xác rằng, năm 2003, ngay cả những người phản đối cuộc chiến cũng cho rằng Saddam sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Về tính chính đáng, tổng thống Bush nhận công trạng về việc ra lệnh “tăng quân” vào năm 2007, khi mà hầu hết người Mỹ đều cho rằng cuộc chiến đã thất bại. Và ông vẫn khẳng định rằng việc xâm lược là đúng đắn bởi nó như một lời đe dọa đối với những kẻ định phổ biến vũ khí hủy diệt và đưa Iraq thành một nền dân chủ hòa bình.

Cố ý không nhắc tới mặt tiêu cực
Nói một cách nhẹ nhàng thì đó là một cái nhìn đầy màu hồng về mọi điều. Iraq có thể đơm hoa kết trái thành một nền dân chủ vào một ngày nào đó nhưng hiện tại thì đất nước này chưa hề yên bình. Việc xâm lược Iraq có thể đã khiến Libya từ bỏ ý định về chương trình hạt nhân nghiệp dư và bất hợp pháp của mình nhưng Bắc Triều Tiên vẫn hạt nhân hóa trong thời gian ông Bush còn tại vị và không một biện pháp cấm vận nào hay ngay cả ví dụ Iraq có thể ngăn cản chương trình hạt nhân của Iran.

Như tiêu đề của cuốn hồi kí ngụ ý, ông Bush tự hào về vai trò “người quyết định”. Nhưng ông Bush thường lảng tránh những hậu quả từ các quyết định của mình. Không giống như Afghanistan, suy cho cùng thì Iraq là một cuộc chiến có thể lựa chọn, và ông Bush tỏ ra không hề bận tâm về những tổn thất của cuộc chiến này, bao gồm cả việc hàng trăm ngàn người dân phải thiệt mạng hoặc buộc phải sơ tán. Tổng thống Bush giữ nguyên thái độ vô ưu về những lựa chọn còn nhiều nghi vấn khác. Luôn đề cập tới cuộc chiến chống khủng bố như một chứng cứ ngoại phạm đa năng, ông luôn phủ nhận việc vi phạm từng câu chữ hay tinh thần của bất kỳ luật nào. Ông cho rằng, nếu không cho phép tra tấn bằng cách “trấn nước”, những kẻ khủng bố như Abu Zubaydah và Khalid Sheikh Mohammed có lẽ đã không khai ra những thông tin quan trọng. Ông chỉ ra rằng các luật sư nói với ông “trấn nước” không phải là một hình thức tra tấn. Nhưng ta không cần phải là một tổng thống để ý thức được rằng việc làm đó là sai trái.

Nhìn chung, 'Những thời khắc quyết định' là một sự thất vọng. Dù ông Bush trò chuyện cởi mở về chứng nghiện rượu và sự sùng đạo của mình, có vẻ như cuốn hồi kí vô duyên và vô cảm một cách bất thường. Cuốn sách chứa đựng một số tiết lộ mới như việc Israel yêu cầu Mỹ đánh bom một lò phản ứng bí mật của Iran (và khi ông Bush từ chối thì Israel đã tự mình thực hiện nó), nhưng không hề có tình tiết mới nào liên quan đến cách thức, thời gian và người đưa ra quyết định xâm lược Iraq. Cuốn hồi kí sẽ không thể phục hồi danh tiếng cho ông Bush. Xâm lược Iraq không phải là một tội ác chiến tranh hay một trò hề giống như những người chỉ trích ông Bush thường nói, mà nó là một cuộc chiến nhiều tranh cãi đã ngày càng tồi tệ và đã khiến cho nước Mỹ, nạn nhân của vụ tấn công ngày 11/9, trông giống như một kẻ đi xâm lược. Cựu tổng thống Bush dĩ nhiên có thể biện hộ giảm nhẹ nhưng ông đã không thể khoác lên mình chiếc vỏ hào quang.

Tuấn Minh
The Economist

Tags: book

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc