Cuộc chiến gối bông

Man and woman making love by Yanagawa Shigenobu. Photo courtesy: wikipedia.

Cuối cùng, một bộ sưu tập các kiệt tác gợi tình cũng đã được trưng bày ở Nhật Bản. Xét đến ngành công nghiệp tình dục rộng lớn và hầu như không hề che giấu của Nhật Bản, có vẻ kỳ lạ khi một bộ tranh mộc bản cổ còn được gọi là shunga (Xuân Họa) vẫn khiến mọi người sửng sốt. Shunga nghĩa là "những cảnh đẹp mùa xuân". Chúng miêu tả những hình ảnh tình dục uốn éo đẹp mắt và được thấm nhuần bởi sức mạnh của điều cấm kỵ. Chúng không được trưng bày trong hầu hết nhiều năm qua - cho đến giờ đây.

Bảo tàng Bunko Eisei ở Tokyo thách thức những điều cấm kỵ và trưng bày 133 bản in, đến hết ngày 23 tháng 12. Nhiều trong số những tấm được trưng bày trong triển lãm shunga trọn vẹn đầu tiên ở Nhật Bản được mượn từ Bảo tàng Vương quốc Anh, nơi đã trưng bày thành công vào các năm 2013-2014. Hơn 20 phòng trưng bày ở Nhật Bản đã từ chối triển lãm.

Shunga đầu tiên được vẽ bằng tay và chỉ dành riêng cho tầng lớp thượng lưu ở Nhật Bản. Sau đó, từ những năm 1700, kỹ thuật in mộc bản sản xuất hàng loạt đã tạo ra hàng ngàn mẫu thiết kế mới và một lượng khán giả mới trong các tầng lớp đô thị phát triển nhanh chóng. Các bản in chế giễu các giá trị và tập tục xã hội chính thức: một bức miêu tả một góa phụ đến viếng một ngôi chùa Phật giáo để giải khuây, cuối cùng lại bị chính sư thầy cưỡng hiếp. Nhưng theo lời Timothy Clark, trưởng bộ phận Nhật Bản tại Bảo tàng Vương quốc Anh, mục đích chính của chúng là sự gợi cảm. Các bản in cho thấy tình dục là thú vị và hài hước. Chúng được cả đàn ông và phụ nữ chấp nhận. Nhưng chúng không thể sống sót trong cuộc đụng độ với những người thời kì Victoria câu nệ đến Nhật Bản vào cuối thế kỷ 19.

Các nhà tân thời Nhật Bản, mong muốn kiếm được một chỗ ngồi trong câu lạc bộ các quốc gia phương Tây giàu có, đã kiểm soát chặt chẽ các shunga. Sự làm bộ đoan trang kiểu cách mới xuất hiện đã dẫn đến việc nhiều bản in bị thiêu đốt hoặc biến mất vào các bộ sưu tập tư nhân. Cảnh sát tịch thu các tấm ảnh. Các tình nguyện viên bưu điện dùng mực xóa những phần nhạy cảm. Giờ đây, Bảo tàng Eisei Bunko – do dòng họ samurai xưa điều hành, dòng họ có thành viên là thủ tướng gần đây, ngài Morihiro Hosokawa, người viết lời nói đầu cho bộ sưu tập – tin rằng nó có đủ chất liệu để phục hồi một loại hình nghệ thuật đã gây ảnh hưởng đến cả Picasso và Rodin.

Với phương Tây, sự vắng mặt khoả thân trần trụi trong shunga là điều đáng đặt dấu hỏi, nhưng ở Nhật Bản khỏa thân hiếm khi được coi là khiêu dâm khi cả nam và nữ tắm chung trong các nhà tắm công cộng là điều phổ biến. Điều khiến các phòng triển lãm lo lắng là sự miêu tả ngoại cỡ các bộ phận sinh dục trong các bức tranh shunga. Suy cho cùng, các nhà kiểm duyệt hiện đại vẫn khăng khăng rằng việc miêu tả các bộ phận nhạy cảm phải được làm mờ (pixelated), kể cả với các nội dung khiêu dâm.

Một số người hâm mộ shunga cho rằng triển lãm này là tin tức tốt. Các bảo tàng và phòng trưng bày khác bây giờ có thể lôi các bản in ra khỏi những nhà kho đầy bụi bặm mà không phải lo ngại bị cảnh sát đột kích. Akiko Yano, nhà sử học nghệ thuật tại Trường nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi ở London, nói rằng Nhật Bản cuối cùng sẽ có thể tự hào về một góc bị lãng quên trong lịch sử văn hóa phong phú của mình. Nhưng bà cũng nói đây không phải lần đầu tiên Nhật Bản cần một sự kích động từ bên ngoài để đạt được điều đó.

Đoàn Khải
The Economist

Tags: japan

3 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc