Ma túy, mại dâm và GDP

by Thu Hương, shared via Trí thức trẻ (có dịch bổ sung theo bản gốc ở the Economist).
-----
Italy* 1946. Photo courtesy Dennis Jarvis.

Ngày 22 tháng 5 vừa qua, Istat – cơ quan thống kê của Italy – thông báo kể từ tháng 10 tới sẽ tính đến cả buôn lậu ma túy, mại dâm, buôn lậu rượu và thuốc lá vào phép tính sản lượng của nền kinh tế. Tin này ngay lập tức thu hút được nhiều sự chú ý trên các mặt báo. Đối với một vài người, điều này khiến họ nhớ đến năm 1987, khi Italy bắt đầu tính đến cả các hoạt động kinh tế ngầm – những hoạt động không nằm trên sổ sách và chiếm tới khoảng 1/5 GDP. Kết quả là, nền kinh tế Italy tăng trưởng 18% chỉ trong 1 đêm, vượt qua Vương quốc Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 phương Tây. Sự kiện này trở thành niềm vui của toàn nước Italy, cho tới 2 thập kỷ sau – khi yếu kém trong quản lý kinh tế khiến Italy tụt hạng.

Trên thực tế, Italy chỉ đơn thuần là một trong những nước đầu tiên thông báo việc tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán quốc tế. Theo Hệ thống Kế toán châu Âu, báo cáo các hoạt động phi pháp nhưng có tạo ra lợi ích về kinh tế và trong đó tất cả các bên tự nguyện tham gia là điều bắt buộc. Tuy nhiên, vì những hướng dẫn về cách thức tính toán các hợp đồng buôn lậu thuốc phiện và thuốc lá giả đóng góp bao nhiêu cho nền kinh tế không rõ ràng, rất ít nước tuân theo quy định này.

Dẫu vậy, kể từ mùa thu năm nay, điều này sẽ thay đổi, khi Hệ thống Kế toán châu Âu được cập nhật và cách thức tính toán những hoạt động trên được quy định rõ ràng hơn. Một số nước hiện nay đã tính đến chất gây nghiện và rượu lậu trong các thống kê. Ví dụ, ở Hà Lan, ma túy làm từ cây gai dầu có thể được tính là doanh thu của các quán cà phê. Vì vậy, mục đích là để tạo nên tính đồng nhất trong chỉ số GDP của các nước thành viên Liên minh châu Âu, một phần bởi đây là cơ sở mà theo đó các quỹ của Liên minh châu Âu được phân chia. Mặc dù trên thực tế, chất gây nghiện được tính vào con số thống kê GDP sẽ làm giảm trợ cấp mà Italy nhận được, ít nhất thì điều này giúp Italy đáp ứng tốt hơn các quy định của khu vực đồng euro về thâm hụt ngân sách và nợ chính phủ.

Insee, cơ quan thống kê của Pháp, cũng ước tính rằng việc cập nhật của Hệ thống Kế toán châu Âu sẽ giúp GDP của Pháp tăng khoảng 3,2% - tương đương với 2 năm tăng trưởng nếu giữ nguyên tốc độ tăng trưởng hiện tại. Nhưng rất ít trong số đó là do gia tăng các hoạt động đồi truỵ: cập nhật quy tắc kế toán hiện cũng coi nghiên cứu và phát triển như là một khoản đầu tư hơn là chi phí đầu vào, và những thứ khác ít thu hút sự chú ý của công chúng hơn.

Cơ quan thống kê của Anh cũng có kế hoạch tính toán những tác động mà luật lệ mới mang lại. Italy vẫn đang tính toán, nhưng Bộ Tài chính nước này cho rằng hiệu ứng là không đáng kể. Gian Paolo Oneto, chuyên gia đến từ cơ quan thống kê của Italy, thừa nhận rằng theo dõi những hoạt động này là nhiệm vụ đầy khó khăn, nhưng cũng lưu ý rằng Italy là nước đi đầu trong việc tính toán quy mô nền kinh tế ngầm.

Enrico Giovannini, giáo sư về thống kê kinh tế tại Đại học Rome và là cựu chủ tịch Istat, châm biếm rằng những người không làm thống kê thường cho rằng việc đo lường hạnh phúc và khỏe mạnh là một nhiệm vụ khó khăn. Ông đáp: "Các bạn đã bao giờ thử đo lường GDP chưa?"

Thu Hương
The Economist


* Lupanar is the world's oldest known brothel. It is particularly famous for the erotic paintings that adorn its walls, graphically depicting men and women in an array of sexual positions.

These spaces were typically plainly furnished, with perhaps just a mattress on a brick platform to serve as a bed. The prostitutes were most likely slaves, usually of Greek and Oriental extraction.
Tags: sex

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc