Người kiến tạo chủ nghĩa tư bản

by David Brooks, NYTimes,

Khi Alexander Hamilton lên 10 tuổi, cha của ông đã bỏ rơi ông. Khi ông khoảng 12 tuổi, mẹ của ông qua đời vì một cơn sốt. Ông được một người anh họ nhận nuôi, người chẳng bao lâu sau đó đã tự tử. Cũng trong những năm đó, dì, chú và bà của ông cũng lần lượt qua đời. Một tòa án ở St. Croix đã tịch thu tất cả tài sản của ông, bán hết đồ đạc cá nhân của ông và chuyển số còn lại cho người chồng đầu tiên của mẹ ông. Khi mới còn niên thiếu, ông và anh trai đã là trẻ mồ côi, đơn độc và thiếu thốn.

Trong vòng ba năm, ông đã là một doanh nhân thành đạt. Trong vòng một thập kỷ, ông thực sự đã trở thành tham mưu trưởng cho George Washington, tổ chức quân đội cách mạng Mỹ và chiến đấu anh dũng trên chiến trường. Trong vòng hai thập kỷ, ông là một trong những luật sư thành công nhất tại New York và là người viết phần lớn tác phẩm Người liên bang (The Federalist Papers). Trong vòng ba thập kỷ, ông là Bộ trưởng Ngân khố và là người đã hình thành nên các hệ thống tài chính và kinh tế hiện đại là cơ sở cho sức mạnh Mỹ ngày nay. Trong vòng năm thập kỷ, ông đã chết dưới tay của Aaron Burr.

Alexander Hamilton là người cấp tiến nhất, và cũng là người bị lãng quên nhất trong số các tổ phụ lập quốc của nước Mỹ. Ông là người cấp tiến nhất vì
ông thấy được rằng nước Mỹ có thể trở thành một siêu cường tư bản chủ nghĩa, và ông đã tìm ra những thể chế cần có để hiện thực hóa định mệnh này.

Ông là người bị lãng quên nhất, bởi vì, đầu tiên ông là "kẻ bon chen" không ngừng nghỉ (và không một ai có quan điểm thuần khiết về tham vọng), thứ hai, ông là người ủng hộ nhiệt thành cho thương mại (và cũng không một ai có quan điểm giản đơn về điều này) và thứ ba, những đối thủ quyết liệt nhất của ông, Thomas Jefferson và John Adams, sống lâu hơn ông nhiều thập kỷ và họ đã làm tất cả mọi thứ có thể để chôn vùi danh tiếng của ông. Vì vậy, không có công trình tưởng niệm nào của Hamilton ở Washington, nhưng ít nhất giờ đây chúng ta đã có một "Alexander Hamilton" bậc thầy và đầy cảm động của Ron Chernow, và là cuốn tiểu sử hay nhất từng được viết về con người này.

Những nhà văn khác, như Forrest McDonald, Liah Greenfeld và Karl-Friedrich Walling, đã mô tả tốt hơn triết lý chính trị của Hamilton, nhưng chưa một ai mô tả Hamilton đầy đủ và ấn tượng như Chernow (người có lẽ là được biết đến nhiều nhất là tác giả của "Titan", cuốn tiểu sử về John D. Rockefeller). Hamilton, giờ đây chúng ta thấy, có mảng tối: tham vọng và lạc quan, nhưng cũng bi quan về bản chất con người và thường thất vọng chán chường. Ông là một người đấu tranh hiện đại, và cũng là một người đàn ông cổ xưa với ham muốn danh dự quý tộc tới mức tự hủy hoại. Ông đã tận tâm với người vợ dũng cảm của mình, nhưng đôi lúc ông đã không thể kiểm soát được, và dễ dàng bị thao túng bởi người tình ngu ngốc đến khó hiểu của mình, Maria Reynolds.

Trong phần lớn cuốn sách này, người đọc cảm thấy kính nể những khả năng đáng kinh ngạc của Hamilton. Cũng có những phần mang nỗi buồn không thể nói thành lời, đặc biệt là khi con trai của Hamilton, Phillip, chết trong một trận quyết đấu, báo trước cái chết của chính Hamilton. Cuối cùng, với chỉ trích gây tổn hại tới Thomas Jefferson, cuốn sách của Chernow sẽ khuấy động thêm một cuộc tranh cãi nữa về Hamilton và Jefferson vốn đã diễn ra hơn 230 năm qua.

Như Chernow lưu ý, cuộc đời của Hamilton là "một trường hợp điển hình về sử dụng thời gian có ích", và Hamilton đã tiếp thu tư tưởng của Plutarch, Bacon và Kinh Thánh và nổi lên trên sân khấu công chúng như là một người viết luận về cuộc Cách mạng Mỹ. "Các quyền thiêng liêng của nhân loại không phải được lục lọi giữa những lớp giấy da cũ kỹ hay những hồ sơ mốc meo" ông viết năm 1775 ở tuổi 20. "Chúng được viết, với tất cả những gì là bản chất con người, như bằng một tia nắng bởi chính bàn tay của thánh thần và không bao giờ có thể bị xóa bỏ hoặc bị che khuất bởi quyền lực của con người."

Trong chiến tranh, tài năng điều hành của ông đã nhanh chóng được thừa nhận, và ông đã được chọn là trợ lý cá nhân cho Washington, bắt đầu mối quan hệ quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông. Washington là người kiên định, cao thượng và năng động. Hamilton là người mãnh liệt, hiếu chiến và trí tuệ. Mặc dù hai người không có cảm tình với nhau ngay mà phải mãi về sau -- thực tế là Hamilton đã khước từ sự làm thân của Washington trong thời kỳ Cách mạng Mỹ -- sự vĩ đại của người này sẽ không thể có nếu thiếu người kia.

Tại Thung lũng Forge, Hamilton đã thấy được những điểm yếu căn bản của nước Mỹ, sự thiếu vắng khả năng sản xuất mà một đất nước cần có để tiến hành một cuộc chiến tranh hay tồn tại như một quốc gia độc lập. Đây là cái nhìn sâu sắc định hình sự nghiệp của ông.

Những kết luận đó đã khiến ông khác biệt so với số đông tại Hội nghị Lập hiến ở Philadelphia. Ông ủng hộ quyền lực tập trung và nghi ngờ quần chúng hơn so với hầu hết các đại biểu. Nhưng ông hoàn toàn ủng hộ việc phê chuẩn. Ông đã viết phần của mình trong tác phẩm Người liên bang, đóng góp quan trọng nhất của nước Mỹ cho triết lý chính trị, trong thời gian rảnh rỗi giữa các cuộc gặp với khách hàng xin tư vấn luật.

"Ông luôn phải đấu tranh với nỗi buồn còn sót lại của một người đàn ông đầy ý chí, nỗi u sầu không thể nói ra của một thần đồng", Chernow nhận xét. Trong khi những người khác phẫn nộ với ông hoặc há hốc mồm ngạc nhiên nhìn ông -- Talleyrand coi ông là một trong ba người đàn ông vĩ đại nhất của thời đại -- Hamilton tan nát cõi lòng mình khi có cảm giác ''sự không tương xứng về mặt cá nhân mà thế giới hiếm khi nhìn thấy".

Thành tựu lớn nhất của ông là trở thành Bộ trưởng Ngân khố. Ông đã phải đối mặt với một đất nước yếu kém và bất kham về kinh tế. Ông quốc hữu hoá các khoản nợ, ràng buộc các tiểu bang với nhau và tạo ra các thị trường vốn linh hoạt mà ngày nay là động cơ của chủ nghĩa tư bản thế giới. Ông thực hiện những việc này vào thời kỳ khi nhiều người xung quanh ông có quan điểm hoàn toàn cứng nhắc về kinh tế học. Họ khinh miệt tín dụng, ngân hàng và thị trường chứng khoán, và coi sản xuất là hình thức hoạt động kinh tế kém hiệu quả nhất.

Nhưng Hamilton mơ về một nền kinh tế sôi động, cho phép những nhân tài tham vọng như ông nổi lên và hiện thực hóa trọn vẹn năng lực của họ. Ông tìm cách đập tan các thái ấp quý tộc của các chủ đất miền Nam như Jefferson và thay thế chúng bằng một thị trường đa dạng mà sẽ mở cửa chào đón những người nhập cư và những người thuộc tầng lớp bình dân. Ông cảm thấy sức sống của những con người như vậy sẽ đưa nước Mỹ đến sự vĩ đại. "Mỗi khung cảnh mới, được mở ra cho bản chất bận rộn của con người được khơi dậy và phát huy chính nó, là sự bổ sung một năng lượng mới cho nguồn nỗ lực nói chung", ông viết.

Ông khởi đầu một truyền thống chính trị, vẫn ngủ yên trong chính thời đại của chúng ta, trong đó chính phủ không phản đối sự năng động của thị trường mà chính phủ được tổ chức để gia tăng sự năng động đó. Ngày nay, các cuộc tranh luận giữa những người theo khuynh hướng tự do và những người theo khuynh hướng bảo thủ có xu hướng đưa những người ủng hộ chính phủ chống lại những người ủng hộ thị trường. Ngày nay, nền chính trị của chúng ta bị chi phối bởi các thành phần dân túy đối địch nhau: chủ nghĩa dân túy chống tập đoàn trị của đảng Dân chủ và chủ nghĩa dân túy chống Washington của đảng Cộng hòa. Nhưng Hamilton suy nghĩ theo những phạm trù hoàn toàn khác. Ông lập luận rằng "tự do có thể bị đe dọa bởi sự lạm dụng tự do cũng như sự lạm dụng quyền lực." Ông muốn có một chính phủ hạn chế nhưng tràn đầy năng lượng, sẽ mở các lĩnh vực kinh doanh và đưa ra những hướng đi mới cho những niềm đam mê phổ biến.

Truyền thống hoạt động xã hội, ủng hộ thị trường theo kiểu của Hamilton sau đó được đón nhận bởi Henry Clay và Đảng Whig, và bởi những người Cộng hòa đầu tiên trong thời đại của Lincoln và bởi những người cấp tiếp theo kiểu của Theodore Roosevelt. Nhưng, đáng buồn thay, truyền thống này đã tàn lụi và giờ đây chỉ tồn tại ở dạng sơ khai trong sự nghiệp chính trị của những người như Rudolph Giuliani và John McCain.

Mặc dù những tư tưởng ấy mang tính lịch sử, Hamilton có lẽ không thể vui thích với những năm ông làm việc ở Bộ Ngân khố. Ngày nay, chúng ta nghĩ rằng nền chính trị của chúng ta là bẩn thỉu và đầy chia rẽ đảng phái. Nhưng tranh luận chính trị của chúng ta vẫn giống như một hội nghị chuyên đề lý thuyết thuần khiết so với những cuộc chiến ác liệt những buổi đầu tiên của nền Cộng hòa. Trong khi một người là Bộ trưởng Ngân khố, một người là Ngoại trưởng, Hamilton và Jefferson đã tiến hành những cuộc đấu đá nội bộ với "cường độ gần như bệnh hoạn" như Chernow nhận xét. Thành viên trong phe nhóm của người này viết các bài luận báo nhục mạ người kia. Ngoại trưởng đề xuất Quốc hội ra luật loại bỏ Bộ trưởng Ngân khố. Phe nhóm Jefferson thêu dệt những lời nói dối thô thiển về âm mưu tham ô của phe nhóm Hamilton.

Cuộc chiến này là về nước Mỹ nên trở thành một đất nước như thế nào, và những ai nên là người quản lý. Hamilton ủng hộ các đức hạnh của đô thị và kinh doanh: sức sống, động lực và cạnh tranh. Jefferson mơ ước một đất nước của đồng quê, theo chủ nghĩa quân bình và phân cấp. Hamilton đã thắng, nhưng không giành được tình cảm của hậu thế.

Trong cuộc chiến với Jefferson, Hamilton chiến đấu gần như hết sức mình. Mặc dù mang tính triết lý nhưng Hamilton chưa bao giờ viết các luận thuyết. Ông viết báo chí có tính luận chiến. Ông cần sự sục sôi tranh đấu để ngòi bút được chảy đều. Sau này, khi ông thôi không còn làm việc ở Washington, ông đã đánh mất tất cả cảm giác cân bằng. Ông coi các cuộc đấu chính trị thường xuyên như thể chúng là cuộc chiến trong ngày tận thế (Armageddon). Ông ngày càng trở nên chán chường. "Những nỗi bất hạnh dường như đang xiết chặt quanh chúng ta," ông viết cho vợ mình vào cuối những năm 40 tuổi, "và cả nhiệm vụ và sự bình yên của chúng ta đều đòi hỏi chúng ta phải điều chỉnh bản thân để ứng phó trước các thảm họa, bằng nghị lực của những Kitô hữu."

Mối quan hệ của Hamilton với vợ và gia đình ông là một trong những điều được tiết lộ trong cuốn sách này. Ở nhà ông là một người cha yêu thương, người có thể viết một luận thuyết về cách để tắm cho một đứa trẻ bị ốm, chuyên sâu và cụ thể như khi ông viết về chính sách thuế. Ông hoàn toàn phụ thuộc vào vợ mình, người xuất hiện trong cuốn sách này như một phụ nữ với nghị lực phi thường.

Và Chernow không bao giờ để chúng ta quên rằng Hamilton là một người đàn ông bị khích động bởi khát khao danh dự. Trận đấu quyết đấu tay đôi cuối cùng với Burr bắt đầu không vì một điều gì. Nhưng mối hận thù giữa hai người đàn ông này đã ngày càng leo thang. Chernow phản bác những sử gia cho rằng Hamilton thực sự đã tìm cách tự tử. Bên cạnh những lý do khác, mối gắn kết của ông với gia đình đã quá sâu đậm, và ông biết rằng cái chết của ông sẽ gây ra cho họ nỗi đau khổ sâu sắc. Nhưng Hamilton vẫn đến Weehawken, quyết tâm thực hiện cú bắn của mình, hoàn toàn nhận thức rằng lựa chọn này có thể khiến ông phải trả giá bằng mạng sống của mình.

Bà vợ góa của ông sống lâu hơn ông 50 năm, cố gắng trong vô vọng để hàn gắn uy tín của ông trước các cuộc tấn công của phe Jefferson. Như Chernow nhận biết, cuốn sách này cuối cùng cũng đã hoàn thành sứ mệnh của bà.

Tuấn Minh
NYTimes

Bài trước: Người đa tài
Tags: book

36 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc