Người đa tài

BENJAMIN FRANKLIN: Cuộc đời một người Mỹ.
bài bình của Joseph J. Ellis.

Vì nhiều lý do mà chưa một ai giải thích thỏa đáng, những người con xuất chúng của nước Mỹ thường được thần thánh hóa, hình tượng hóa như là những Tổ phụ Lập quốc, hoặc bị phỉ báng là những người da trắng-trắng nhất-sắt đá nhất trong lịch sử Mỹ, lại nổi lên thành vấn đề thời sự trong một thập kỷ vừa qua. John Adams, Alexander Hamilton và Thomas Jefferson có vẻ như là những người hưởng lợi đầu tiên của xu hướng này cho tới gần đây khi Benjamin Franklin trở thành đề tài tranh cãi gay gắt. Đầu tiên là H. W. Brands cho ra đời một cuốn tiểu sử được nhiều người đón nhận về toàn bộ cuộc đời từ khi sinh ra đến lúc mất đi của Franklin, sau đó là Edmund Morgan tiếp nối với nghiên cứu mang phong cách Boswell* đầy hấp dẫn về tính cách của nhà hiền triết vĩ đại người Mỹ này. Giờ đây Walter Isaacson gia nhập danh sách này bằng một bản chân dung đầy đủ, gần như chắc chắn đảm bảo sẽ đưa được sự nghiệp xuất sắc, đáng chú ý của Franklin tới một lượng lớn độc giả.

Isaacson viết cuốn sách này khi ông đang
giữ vị trí biên tập-phụ trách của tờ Time và sau đó là người đứng đầu tập đoàn CNN, cả hai công việc toàn thời gian này có lẽ chẳng cho ông mấy cơ hội quay ngược về thế kỷ 18. Tuy nhiên, bất kỳ ai giả định rằng “Benjamin Franklin: Cuộc đời một người Mỹ” là một cuốn sách trà dư tửu hậu thì hoàn toàn sai lầm. Đây là một bản ghi chép được nghiên cứu kỹ lưỡng, văn phong sinh động, lập luận thuyết phục và rải rác những thông tin mới. Trong số những thông tin mới với tôi đó là Franklin đã tìm cách hạn chế mùi khi bị đầy hơi và Davy Crockett** ngã xuống trong trận Alamo mang theo một bản sao của cuốn “Franklin tự truyện” trong người.

Thay vì là một Boswell về Franklin, Isaacson bằng lòng là Edward R. Murrow*** của ông, cần mẫn và khéo léo cật vấn Franklin trong khi xem xét, chọn lọc giữa hàng núi sách vở, tài liệu về ông trong hai thế kỷ qua. Nếu có thể nói, Isaacson hơi quá thể hiện sự uyên bác ở cuối sách, cung cấp một kết luận và lời bạt riêng biệt về di sản mà Franklin để lại, một bảng niên đại những ngày tháng quan trọng, tiểu sử tóm tắt của tất cả các nhân vật trong câu chuyện, các bảng quy đổi giá trị giữa đồng đô-la hiện đại với đồng tiền của Vương quốc Anh và đồng tiền thuộc địa, danh mục sách tham khảo và gần 50 trang chú giải. Sự uyên bác được thể hiện ở đây phần nào hơi lộ liễu, nhưng cũng khá ấn tượng.

Cuộc đời dài rộng của Franklin (1706 -1790) là một thách thức lớn với tất cả các nhà viết tiểu sử. Khi còn niên thiếu, ông nói chuyện với Cotton Mather về thần học Thanh giáo, khi trở thành một chính khách được tôn kính, ông trao đổi ý kiến với Thomas Jefferson về tiến trình có thể có của cuộc Cách mạng Pháp. Franklin cũng thật đặc biệt khi là người duy nhất hiện diện tại cả ba khoảnh khắc đặt nền móng cho nền độc lập của nước Mỹ: khởi thảo Tuyên ngôn Độc lập, các cuộc đàm phán dẫn tới Hiệp định Paris được ký kết, chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Cách mạng (giữa Vương quốc Anh và Hợp chúng quốc Mỹ châu nổi dậy chống lại sự cai trị của người Anh); và cuộc tranh luận quan trọng dẫn tới sự ra đời bản Hiến pháp. Và dưới vẻ ngoài bình dân, Franklin là một nhà khoa học tầm cỡ thế giới, một nhà văn tài năng và là một nhà ngoại giao hàng đầu. (Hãy tưởng tượng Jonas Salk, Mark Twain và Henry Kissinger cả ba trong một.) Hơn thế nữa, ông còn là một người mang nhiều khuôn mặt, hay thay đổi trong địa vị cũng như tài năng, từ chàng Richard nghèo tới con người lịch lãm, giao du rộng thành London cho tới Voltaire nơi hẻo lánh. Tuổi thọ, trí tuệ cho đến tâm lý, ông đều hơn người.

Ngay từ đầu Isaacson đã nhận ra nhân vật được khắc họa trong cuốn “Tự truyện” là một trong những sáng tạo tài tình nhất của Franklin. Ông lập luận đầy thuyết phục rằng những nhà phê bình gay gắt nhất về Franklin, từ Max Weber cho tới D. H. Lawrence, đã tấn công vào những bộ mặt này của ông chứ không phải con người thật đằng sau chúng. Thay vì vận dụng những lý thuyết tâm lý học phức tạp để giải thích về sự nhanh nhạy nội tâm của Franklin, Isaacson chọn lối giải thích kiểu truyền thống – kể lại sự nghiệp của ông và đưa ra các đánh giá giải thích vào những thời khắc quan trọng nhất đặc biệt hấp dẫn theo phong cách Franklin. Nếu như tôi hiểu đúng, Isaacson có lẽ nghĩ rằng sẽ là vô ích và dại dột nếu cố tìm kiếm con người thật Franklin trong nhiều bản thể luôn thay đổi như vậy, do sự sắp đặt cẩn thận có chủ đích nhiều giọng nói khác nhau của Franklin đã là nét đặc trưng chủ yếu về tính cách của ông.

Những chương đầu kể về đường đi của ông ở Philadenphia từ một thanh niên nghèo không một xu dính túi cho đến khi trở thành công dân ưu tú tại đây. Isaacson làm phức tạp thêm chủ đề theo phong cách Horatio Alger**** quen thuộc trong cuốn “Tự truyện” bằng việc nhận thấy từ những ngày đầu tiên Franklin đã có xu hướng sử dụng bút danh hư cấu cho các tác phẩm của mình (ví dụ, Silence Dogood--Cây thù du lặng lẽ) và gián tiếp lên án trong các chuyện ngụ ngôn châm biếm, thể hiện trước công chúng một hình ảnh bông đùa và luôn thay đổi. Isaacson cũng thong thả kể về mối quan hệ xa cách kỳ quặc giữa Franklin và Deborah Read, người vợ ít chữ của ông, và cậu con trai ngoài giá thú, William, người mà ông nuôi nấng nhưng cuối cùng không thừa nhận. Trong khi là một người ủng hộ nổi tiếng cho những giá trị gia đình trên lý thuyết, tuy nhiên trên thực tế Franklin lại là một người chồng hờ hững và là một người cha ít thể hiện tình cảm cho tới khi ông có cháu.

Trong suốt những năm 1750 và 1760, Franklin dành phần lớn thời gian của ông ở London tìm kiếm một ủy quyền hoàng gia cho Pennsylvania để thay thế chính quyền thuộc quyền sở hữu của gia đình nhà Penn. Thậm chí trong những nhóm chuyên biệt nhất trong cộng đồng khoa học Mỹ, nhiều học giả cũng bất đồng về giai đoạn này trong sự nghiệp của Franklin, một phần vì bối cảnh chính trị ở Philadenphia và London rất lộn xộn, một phần bởi lòng trung thành của Franklin với Đế quốc Anh không phù hợp với cam kết độc lập của ông về sau này. Như những gì Isaacson nhận thấy, Franklin hiểu sai về sự chống đối của Mỹ đối với sự cai trị của người Anh vì ông ấp ủ một tầm nhìn về đế quốc này như một cộng đồng các đối tác bình đẳng xuyên Đại Tây Dương, một sân khấu quốc tế mà ở đó vinh quang của Đế quốc Anh và danh tiếng của cá nhân ông cùng thăng tiến. Mặc dù định mệnh sắp xếp ông trở thành người Mỹ đầu tiên, mãi sau này Franklin mới tham gia đóng góp cho nền độc lập nước Mỹ, miễn cưỡng từ bỏ bản sắc công dân Anh quốc của mình. Isaacson không nói hẳn ra như vậy, nhưng ông ngụ ý rằng việc Franklin từ con, người vẫn trung thành với Đế quốc Anh, có nguồn gốc từ cơn dằn vặt về lòng trung thành chính trị của chính ông. Trên thực tế, William là khía cạnh Anh quốc của Franklin mà cần phải bị từ bỏ.

Chương ấn tượng nhất của Isaacson, một thành tựu xuất sắc về tổng hợp lịch sử, tập trung vào vai trò của Franklin trong suốt quá trình đàm phán hòa bình tại Hiệp định Paris kết thúc cuộc Chiến tranh Cách mạng. Một lần nữa, đây lại là chiến trường khốc liệt, với nhiều thế hệ sử gia dò dẫm bước và "bỏ mình". Công việc trước đây của Isaacson khi nghiên cứu về chính sách ngoại giao Mỹ và viết tiểu sử cho Henry Kissinger đã hỗ trợ rất nhiều cho ông ở đây. Bằng cách này hay cách khác, ông đã xoay xở chọn lọc những mảnh ghép ngoại giao và khôi phục lại cảm nhận tinh tế của Franklin về các mục tiêu mâu thuẫn nhau giữa các phái đoàn Mỹ, Anh và Pháp, trong khi thừa nhận rằng John Adams và John Jay đã đúng khi, ngược với bản năng của Franklin, nhất quyết yêu cầu đàm phán riêng biệt với người Anh, nước Pháp bị bỏ rơi và không nhận được bất kỳ chiến lợi phẩm nào. Những khúc mắc ngoại giao gần đây nhất giữa hai nước Pháp và Mỹ dường như có lịch sử từ rất lâu.

Bất kể niềm đam mê hiện nay của chúng ta về thế hệ lập quốc đến từ đâu, tác phẩm của Isaacson về cuộc đời của Franklin là ví dụ điển hình về xu hướng diễn giải xác định những cuốn tiểu sử tốt nhất gần đây: đó là, khả năng tinh tế khi tìm ra những khiếm khuyết trong sự vĩ đại. Tôi có cảm nhận rằng chính sự nghiệp của Isaacson là một nhà lãnh đạo điều hành trong giới truyền thông đã cho ông sự tương đồng với việc xử lý khéo léo có ý thức của Franklin về các bản thể khác nhau của mình, một sự đồng cảm với những tính hai mặt thường làm sáng tỏ và cũng thường bông đùa của Franklin. Vì tất cả những lý do này, một cuốn tiểu sử đáng tin cậy nhất về Franklin là sự mâu thuẫn về lời lẽ. Hiểu biết trực giác của Isaacson về những lời lẽ này và tâm huyết nghiên cứu phi thường của ông, cả hai yếu tố này kết hợp lại đã khiến cuốn sách này là ứng cử viên hàng đầu cho cuốn tiểu sử về Franklin đáng tin cậy nhất trong thời đại của chúng ta.

Joseph J. Elis là tác giả cuốn sách “Những huynh đệ lập quốc: Thế hệ những nhà cách mạng” ("Founding Brothers: The Revolutionary Generation'').

Bích Nhàn
NYTimes

Bài trước: Bà Ngoại trưởng

* James Boswell: một tác giả người Scotland ở thế kỷ 18, nổi tiếng về cuốn Life of Samuel Johnson. Từ Boswell đã trở thành một thuật ngữ chung chỉ người viết tiểu sử.
** Davy Crockett (1786-1836) là một anh hùng dân tộc trong lịch sử lập quốc Mỹ, dân biểu quốc hội tiểu bang Tennessee, nổi tiếng về tài thiện xạ đệ nhất thiên hạ, nằm trong số 180 người tử thủ trận Alamo trong 13 ngày trước gần 6.000 quân Mexico.
*** Edward R. Murrow: nhân vật tiên phong về tin tức truyền hình, dẫn một chương trình talk show có tên gọi Small World vào cuối thập niên 1950 và kể từ đó các chương trình talk show chính trị chi phối làn sóng ở Mỹ vào các buổi sáng Chủ Nhật.
**** Horatio Alger Jr. (1832-1899) là nhà văn Mỹ viết hơn 100 cuốn sách về các cậu bé trong nửa sau thế kỷ 19. Những cuốn sách của ông thường đề cập đến những trẻ em nghèo không nhà ở khu ổ chuột của New York, xem chúng như những con người không may mắn trong xã hội, và nếu chỉ cho chúng một cơ hội, chúng sẽ thoát khỏi được sự nghèo khổ đó (kiểu 'Từ cậu bé chăn trâu đến Tổng Giám đốc ngân hàng' :). Lối viết văn của ông khá đơn giản và hay có sự trùng lặp nhưng nó vẫn được những độc khá đón nhận và đánh giá cao. Sách của ông đã bán được hàng triệu bản trong những thập niên đầu thế kỷ 20.
Tags: book

11 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc