Tiễn đưa sự thống trị của phương Tây

By Michiko Kakutani, ngày 14 tháng 11, năm 2011.

Trong cuốn sách viết năm 2003, "Đế Chế", được xuất bản ngay sau cuộc xâm lược vào Iraq do Mỹ dẫn đầu, sử gia nổi tiếng người Anh Niall Ferguson đã lập luận rằng Mỹ là "một đế chế không thừa nhận" (“an empire in denial”?) và "có khả năng đóng vai trò đế quốc" trong thế giới ngày nay, rất giống cách Vương quốc Anh đã từng làm trong thế kỷ XIX.

Chỉ tám năm sau, tác giả Ferguson lại viết một cuốn sách mới gây tranh cãi, "Nền văn minh". Cũng với niềm tin đoan chắc như vậy, ông khẳng định rằng chúng ta đang sống trong thời kỳ "kết thúc 500 năm thống trị của phương Tây," và trong khi Trung Hoa đang trỗi dậy, câu hỏi không phải là liệu phương Đông và phương Tây sẽ đụng độ hay không, mà là liệu "kẻ yếu hơn" — đó là, Mỹ và châu Âu — "sẽ từ vị thế kẻ yếu rơi xuống thành sự sụp đổ hoàn toàn."

Tác giả Ferguson lập luận, cuộc khủng hoảng tài chính "bắt đầu vào mùa hè năm 2007" phải "được hiểu là cú huých khiến
đẩy nhanh xu hướng suy yếu tương đối của phương Tây vốn đã có từ trước", diễn ra ngay khi các vấn đề nợ của những nước này vốn đã nghiêm trọng lên đến đỉnh điểm.

Ông tiếp tục, "Từ năm 2001, trong khoảng thời gian chỉ 10 năm, nợ công liên bang Mỹ đã tăng gấp đôi, từ mức 32% lên 66% GDP (dự báo) vào năm 2011". Ông khẳng định, nếu tính cả "những khoản nợ chưa có nguồn thanh toán của hệ thống Medicare (Bảo hiểm y tế cho người già) và An Sinh Xã Hội", thâm hụt ngân sách các tiểu bang ngày càng tăng và các quỹ hưu trí của công chức, "tình hình tài khóa của Mỹ trong năm 2009 còn tồi tệ hơn cả Hy Lạp", nước giờ đây đang mấp mé bên bờ vực vỡ nợ và rất cần một gói cứu trợ từ Liên minh châu Âu.

Như thường lệ, sử gia Ferguson, giảng dạy ở khoa lịch sử và trường kinh doanh tại Harvard, vận dụng tài năng kể chuyện tuyệt vời để mang đến cho người đọc một cảm giác như có thể chạm tay vào lịch sử. Nhưng nhìn một cách tổng thể, cuốn sách này của ông có cảm giác vội vã, hơi lộn xộn, nhấn mạnh nguồn gốc bắt đầu như là tác phẩm song hành với phim truyền hình dài tập của Anh tên là "Nền văn minh: Liệu phương Tây sẽ thành dĩ vãng?" Không chỉ những lập luận có sức thuyết phục của cuốn sách rõ ràng là mượn ý tưởng từ những lý lẽ của bình luận viên op-ed (trang kế bên trang của ban biên tập) Thomas L. Friedman của tờ New York Times và bình luận viên Fareed Zakaria của đài CNN, mà nhiều giả thuyết mới mẻ của nó cũng có xu hướng đơn giản hóa thành những điều khái quát đáng đặt dấu hỏi ("người dân châu Âu ngày nay là những kẻ lười biếng trên thế giới"), những lời khẳng định đầy mâu thuẫn và những lược đồ Power Point đơn giản, những thứ phải khó nhọc căng ra để có thể có tính liên quan và hợp thời.

Thật vậy, chính đề trung tâm của tác phẩm "Nền văn minh" là sáu "ứng dụng sát thủ" (cùng với "những điểm yếu ngẫu nhiên của các đối thủ của phương Tây") khiến cho phương Tây có thể "thống trị thế giới trong hơn 500 năm qua." Những "ứng dụng" đó là sự cạnh tranh, khoa học, quyền sở hữu tài sản, y học, "xã hội tiêu dùng" ("nếu không có những ứng dụng này, cuộc Cách mạng công nghiệp sẽ không được bền vững") và "đạo đức nghề nghiệp" (mà tác giả Ferguson chỉ ra chúng có mối liên hệ với đạo Tin Lành, dựa theo quan điểm của Max Weber).

Cũng giống như tác giả Zakaria trong cuốn "Thế giới hậu Mỹ" ("The Post-American World") (2008), sử gia Ferguson cho rằng trong những thập kỷ gần đây, nhiều nơi khác trên thế giới ngày càng trở nên chuyên nghiệp trong việc "tải" những "ứng dụng" này của phương Tây.

Tác giả Ferguson viết, Nhật Bản đã bắt đầu "sao chép tất cả mọi thứ, từ quần áo và kiểu tóc phương Tây cho tới thực dân hóa các dân tộc nước ngoài theo kiểu châu Âu", và trong những năm 1950 "một loạt các nước Đông Á theo chân Nhật Bản bắt chước mô hình công nghiệp của phương Tây, bắt đầu với dệt may, thép và di chuyển dần lên phía trên trong chuỗi giá trị". Tất nhiên Trung Hoa đã không chỉ trở thành một xã hội kinh tế thị trường mạnh mẽ với số dân lớn nhất thế giới, mà còn là một gã khổng lồ về kinh tế, nắm giữ hơn 1 nghìn tỷ đô-la các khoản nợ của Mỹ.

"Về mặt nhân khẩu học", tác giả Ferguson cho rằng, "dân số của các xã hội phương Tây từ lâu nay vẫn là phần thiểu số trong dân số thế giới, nhưng ngày nay dân số đó rõ ràng đang dần suy giảm. Một thời vượt trội, các nền kinh tế Mỹ và Châu Âu đang phải đối mặt với triển vọng bị Trung Hoa vượt mặt trong vòng 20 hay thậm chí chỉ 10 năm tới, với Brazil và Ấn Độ không ở quá xa phía sau. "Quyền lực cứng" của phương Tây dường như đang gặp khó khăn ở Đại Trung Đông, từ Iraq sang Afghanistan, tương tự cách "Đồng thuận Washington" về chính sách kinh tế thị trường tự do đang phân rã".

Tác giả Ferguson quyết định chia cuốn sách thành sáu chủ đề xung quanh sáu "ứng dụng sát thủ" — một quyết định rõ ràng dựa theo cấu trúc sáu phần của bộ phim truyền hình nhiều tập trên British Channel 4 — khiến cuốn sách, kỳ lạ thay, vừa theo chủ đề vừa hơi lộn xộn: trong chương về "Y học" lại có phần thảo luận rông dài về Cách mạng Pháp, cũng giống như lời bàn lan man, rời rạc về chủ nghĩa đế quốc dựa quá nhiều vào các tác phẩm trước đó của tác giả.

Như trong các cuốn sách trước đây, tác giả Ferguson thoải mái thể hiện quan điểm ý thức hệ mạnh mẽ của mình: Ông lên án Marx là "một cá nhân ghê tởm"; khinh bỉ cái mà ông gọi là “loại vô sản lưu manh đồi bại" như uống rượu gin và ẩu đả trên đường phố; đồng thời nhấn mạnh những gì ông thấy như là những khía cạnh tích cực của chủ nghĩa thực dân.

Điều khiến bạn đọc tiếp tục say mê cuốn "Nền văn minh" là sở trường của tác giả làm cho các sự kiện đã diễn ra cách đây rất lâu hiện lên sinh động và đầy cảm xúc như tin tức buổi tối, khi đan xen những giai thoại và các chi tiết kể quan trọng nhỏ với tầm nhìn hồi tưởng bao quát.

Ví dụ, tác giả Ferguson đưa ra một phân tích ngắn gọn và hấp dẫn về lý do vì sao nguồn gốc thuộc địa của Mỹ và châu Mỹ La tinh dẫn đến những kết quả hoàn toàn khác nhau. Nói ngắn gọn, ông cho rằng, "Bắc Mỹ giàu có hơn so với Nam Mỹ hoàn toàn và đơn giản chỉ vì mô hình quyền sở hữu tư nhân được phân phối và dân chủ rộng rãi của Vương quốc Anh có hiệu quả hơn so với mô hình của cải tập trung và chuyên chế của Tây Ban Nha".

Trong một chương khác, ông bàn về cách chiếc máy may Singer (chiếc máy "hoàn thành quá trình cơ giới hóa việc sản xuất quần áo") đã góp phần thúc đẩy việc tiêu chuẩn hóa trang phục trên toàn thế giới, kể cả khi nó đã góp phần tăng năng suất sản xuất của Mỹ.

Quan trọng hơn, sử gia Ferguson khéo léo sử dụng những kiến thức về lịch sử kinh tế — cuốn sách của ông "Đồng tiền lên ngôi" ("The Ascent of Money"), xuất bản tháng 5 năm 2008, đã dự đoán tài tình nhiều khía cạnh của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 — để phân tích tình hình tài chính ảm đạm mà giờ đây phương Tây đang trải qua.

"Ngay cả trong những năm cuối thập niên 1990 phương Tây rõ ràng vẫn còn là nền văn minh thống trị thế giới," ông viết. "Năm cường quốc phương Tây hàng đầu — Mỹ, Đức, Anh, Pháp và Canada — chiếm 44% tổng sản xuất toàn cầu". Thế giới khoa học bị thống trị bởi các trường đại học phương Tây; Liên Xô đã sụp đổ; làn sóng dân chủ đã quét qua khắp thế giới; và một số học giả đã tuyên bố chiến thắng của chủ nghĩa tư bản tự do và gọi Mỹ là "bá chủ".

Thảm họa tài chính năm 2008 và những dư chấn của nó; sự chia rẽ chính trị đảng phái và bế tắc khi đối mặt với các vấn đề khó khăn; sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ và trong Liên minh châu Âu; sự mở rộng quá mức của các lực lượng quân sự của Mỹ sau cuộc chiến tranh tốn kém ở Iraq và Afghanistan; và sự trỗi dậy của Trung Hoa: Liệu phương Tây có đang tiến tới sự sụp đổ như đế chế La Mã cổ đại?

"Những nỗi lo sợ như vậy xuất hiện không hoàn toàn mơ hồ", tác giả Ferguson nghiêm khắc nhận xét, chỉ ra các cuộc khủng hoảng tài chính, chiến tranh và chủ nghĩa phe phái chính trị đã đóng vai trò trong việc lật đổ những thế lực thống trị khác.

Thậm chí đáng báo động hơn, ông gợi ý rằng sự sụp đổ của các nền văn minh lớn có xu hướng xảy đến một cách nhanh chóng. Ông viết, La Mã đã sụp đổ "chỉ trong một thế hệ"; "sự chuyển đổi mạnh mẽ từ sự cân bằng Nho giáo sang tình trạng hỗn loạn" ở Trung Hoa triều đại nhà Minh "diễn ra trong vòng hơn một thập kỷ"; và Liên Xô "đã rơi xuống vực — chứ không phải từ từ xuống dốc". Các nền văn minh, ông kết luận, "là những hệ thống rất phức tạp, bao gồm rất nhiều các thành phần tương tác với nhau được tổ chức không đối xứng, do đó cấu trúc của chúng tương tự như một gò mối Namibia hơn là một kim tự tháp Ai Cập".

"Các hệ thống như vậy dường như có thể hoạt động khá ổn định trong một thời gian," ông tiếp tục, "dường như ở trạng thái cân bằng, trong thực tế liên tục thích nghi. Nhưng rồi sẽ có một thời điểm khi chúng trở nên sống còn." Một nhiễu loạn nhỏ có thể châm ngòi cho một 'giai đoạn chuyển tiếp' từ một trạng thái cân bằng ôn hòa sang một cuộc khủng hoảng — chỉ một hạt cát cũng khiến một lâu đài cát có vẻ ổn định tự đổ sụp".

Tuấn Minh
NYTimes

Tags: book

5 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc