Cuộc xung đột cuối cùng

Cuộc xung đột cuối cùng
by Orville Schell,
ngày 10 tháng 12 năm 2010.

Đây là một "cuốn sách lớn", rất lớn. Nhằm đạt được mục tiêu đầy tham vọng là hiểu thấu quá trình phát triển trong quá khứ của nhân loại và đưa ra dự báo về tương lai của cuộc đua song mã đang tiếp diễn giữa hai trục Đông-Tây, Ian Morris bắt đầu với mốc thời gian từ khoảng 15 nghìn năm trước. Đó là một lượng lịch sử đồ sộ.

Với mục đích tham vọng như vậy, cuốn sách "Why the West Rules — For Now” (tạm dịch: "Vì sao phương Tây thống trị — cho đến nay") gợi nhắc chúng ta về tham vọng của những soạn giả bách khoa toàn thư của Đế quốc Trung Hoa, những người soạn ra các bộ sách đồ sộ như "Cổ kim đồ thư tập thành" (viết dưới thời vua Khang Hy và Ung Chính nhà Thanh) nhằm ghi lại "tất cả những gì dưới trời” (thiên hạ) trong 800.000 trang sách. Chẳng có gì ngạc nhiên khi Trung Hoa, nước gần đây đang
lén lút tiếp cận "thế giới văn minh" để đe dọa sự thống trị (và tất cả tri thức tích lũy được về các mô hình phát triển) của nó, lại trở thành trung tâm trong cuốn sách của Morris.

Là một nhà khảo cổ học người Anh và hiện là nhà nghiên cứu cổ điển và lịch sử tại Đại học Stanford, Morris trong giới sử học cũng như những nhà vật lý tìm kiếm thuyết trường thống nhất vốn rất khó nắm bắt. Trong cuốn sách mới này, ông bắt đầu với việc khám phá các mô hình khái quát, "'hình dạng' tổng thể của lịch sử", bằng cách xem xét chọn lọc quá trình phát triển lâu dài của thế giới. Lần theo những lực tác động thường xuyên thay đổi từ thời tiền sử đến nay, ông đã cho thấy làm thế nào cả phương Đông và phương Tây, vào những thời điểm khác nhau và bằng nhiều cách khác nhau, đã chuyển hóa lên những tầm phát triển mới. Nhưng thử thách cuối cùng của ông là giải thích được ý nghĩa của tất cả những thăng trầm đó, và hơn thế nữa là đánh giá xem liệu bên nào vốn có sẵn tính ưu việt. Câu trả lời cho câu hỏi này được ông khẳng định là hoàn toàn không. “Đông và Tây”, ông nói, chỉ là "những tên gọi địa lý, chứ không phải những thước đo giá trị".

Nếu cả phương Đông lẫn phương Tây đều không có lợi thế phát triển bẩm sinh, vậy điều gì đã thúc đẩy phương Tây phát triển thành công rực rỡ đến vậy trong thế kỷ XVIII (câu trả lời: việc phát hiện ra nhiên liệu hóa thạch), và sự thống trị đó báo trước điều gì trong tương lai? "Một trong những lý do khiến người ta quan tâm đến việc vì sao phương Tây thống trị", Morris giải thích, "là họ muốn biết, liệu điều này sẽ còn tiếp diễn, trong bao lâu và như thế nào — tức là, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.... Phương Tây sẽ còn thống trị trong bao lâu là một câu hỏi mấu chốt".

Nhưng trước khi đến được câu trả lời, bạn phải sẵn sàng luyện mình cứng rắn để có thể tiêu hóa được những chương đầu trong cuốn sách của Morris, với kiến thức mà những ai không phải chuyên gia chắc chắn sẽ thấy khó hiểu. Những bàn luận của ông về mã gen châu Phi trong con người nguyên thủy; về quá trình phát triển của vùng "Hilly Flanks" ở Trung Đông từ sau kỷ Băng hà; và về triều đại nhà Chu của Trung Hoa dường như quá xa vời. Và khi ông đưa chúng ta đến thăm những nơi cổ xưa như Urartu, Erlitou, Tenochtitlan, Uluburun và Yue; giới thiệu chúng ta với các nhân vật như như vua Hoshea, vua Tiglath-Pileser III (người sáng lập ra đế quốc Tân Assyria), vua Khusrau II (vị vua cuối cùng của đế chế Ba Tư), Merneptah (phraoh thứ tư của Vương triều thứ 19 trong lịch sử Ai Cập cổ đại) và nhà tư tưởng Chu Hi đời nhà Tống (người hoàn thiện tư tưởng Trình Chu lí học); hoặc đặt chúng ta vào giữa các cộng đồng người Ahhiyawans, Hung Nô, Kizzuwatnans, Hurrians và Jurchens, bạn sẽ thấy đầu óc mình bắt đầu quay mòng mòng.

Tuy nhiên, khi bạn vừa mới chao đảo dưới nghiên cứu rộng lớn đầy ấn tượng này, Morris sẽ kéo bạn trở lại và đưa ra một lời kết giải thích ngắn gọn và thực tế, giải cứu những độc giả này và tiếp thêm ý chí để tiếp tục "hành quân" thêm một vài thiên niên kỷ nữa. Hoặc ông sẽ buông một lời hài hước châm biếm để khiến bạn thích thú tò mò lần theo những dấu tích của lịch sử. Ví dụ khi nói về nhà thám hiểm Trịnh Hòa thời nhà Minh, ông nhận xét rằng Trịnh "được nhận vào danh sách hầu hạ hoàng đế và bị thiến", nhưng dẫu vậy "dường như vẫn 'sải bước' vượt qua tất cả những điều này một cách dễ dàng". Hay, khi nói về sự phát hiện ra châu Mỹ, ông buông một câu, "Châu Âu có thêm một lục địa mới và người Mỹ bản địa nhận về bệnh đậu mùa."

May mắn thay, Morris là một nhà tư tưởng sáng suốt và cũng là một nhà văn tuyệt vời. Ông sử dụng rất hạn chế các thuật ngữ và có một khiếu hài hước đặc biệt dẫn dắt chúng ta qua trò chơi lịch sử lớn này như thể ông là một bình luận viên thể thao xuất sắc. Ông cho chúng ta thấy cách các đế quốc tiến bước trên các nấc thang phát triển nhờ những giai đoạn với "tư tưởng trục" (“axial thought”), để rồi sụp đổ khi vấp phải một "bức trần cứng", thường do những điều mà ông gọi là Năm Kỵ sĩ Khải Huyền gây ra: biến đổi khí hậu, di cư, nạn đói, bệnh dịch và sự thất bại của chính phủ.

Nhưng thất bại của một nền văn minh này lại chính là điều kiện cho phép sự phát triển của một nền văn minh khác ở một nơi khác. Đế quốc La Mã, Trung Hoa triều đại nhà Tống, Thời kỳ Phục hưng ở châu Âu và cuộc Cách mạng công nghiệp của Vương quốc Anh đã xuất hiện, được chắp cánh nhờ những công nghệ mới, những tiến bộ xã hội hoặc một nguyên tắc tổ chức tiên phong nào đó và đưa toàn bộ quá trình phát triển lên một tầm cao mới.

Theo thang điểm của Morris, kể từ khi quá trình lâu đời này bắt đầu, chỉ số phát triển xã hội toàn cầu đã tăng lên tới 900 điểm. Và, ông dự báo, trong 100 năm tới chỉ số này sẽ tăng thêm 4.000 điểm. Ông gọi tiến bộ như vậy là "đáng kinh ngạc".

Nhưng khi sức mạnh và sự tự tin của phương Tây giờ đây đang suy giảm, trong khi chủ nghĩa tư bản độc tài chuyên chế của Trung Hoa đang mở đường giúp nó hướng tới một vị thế có sức ảnh hưởng hơn bao giờ hết trên thế giới, nếu độc giả có trở nên thiếu kiên nhẫn thì cũng là điều hiểu được. Liệu cuối cùng thì ông Morris có trả lời "câu hỏi mấu chốt" này không? Ai sẽ giành chiến thắng trong phần tiếp theo của cuộc đua Đông-Tây, Mỹ hay Trung Hoa?

Sau tất cả, Morris khiến chúng ta ngạc nhiên. Ông thừa nhận đúng đắn rằng "những khuôn mẫu được thiết lập trong quá khứ cho thấy sự chuyển dịch của cải và quyền lực từ Tây sang Đông là không thể tránh khỏi" và thậm chí, chúng ta có thể còn đang chuyển dịch từ "một nước Mỹ vỡ nợ đến một Trung Hoa thịnh vượng". Nhưng điều khiến ông thực sự quan tâm, hóa ra, không phải là liệu phương Tây có bị phương Đông đánh bại, mà là liệu những khả năng sáng tạo và cải tạo tự nhiên của loài người rốt cuộc có trở thành thất bại chung của chúng ta hay không.

Morris cảnh báo, cuộc cạnh tranh mà phương Đông và phương Tây đã và đang theo đuổi từ trước tới nay sắp bị phá vỡ bởi những thế lực hùng mạnh hơn nhiều. Sự phổ biến của vũ khí hạt nhân, tăng trưởng dân số, dịch bệnh toàn cầu và biến đổi khí hậu đang trong quá trình làm thay đổi hoàn toàn những khuôn mẫu lịch sử. "Chúng ta đang tiến dần tới điểm gián đoạn lớn nhất trong lịch sử", ông nói.

Lời lẽ đột nhiên nghe có vẻ giống như một nhà truyền giáo đang phủ dụ hơn là một bình luận viên thể thao đáng yêu mà chúng ta đã trở nên quen thuộc, Morris cho rằng giờ đây chúng ta cần phải tập trung không phải vào cuộc đua quen thuộc giữa Đông và Tây, mà vào một lựa chọn. Chúng ta phải quyết định giữa những gì Morris, mượn ý từ nhà văn Ray Kurzweil, gọi là "the Singularity" ('Điểm kỳ dị'; Điểm kỳ dị công nghệ là điểm quy chiếu giả định xảy ra khi nền công nghệ phát triển gia tốc tạo ra hiệu ứng phi mã khiến cho trí thông minh nhân tạo sẽ vượt qua trí tuệ và khả năng khống chế của con người-ND), con người sẽ được cứu giúp (khỏi tổn thất, thiên tai v.v...) nhờ khả năng phát triển công nghệ chung, và "Nightfall", ngày tận thế gây ra bởi năm Kỵ sĩ Khải Huyền quen thuộc cùng với những kẻ đồng phạm mới. Ông cảnh báo rằng lựa chọn này không hề có "huy chương bạc”. Nghĩa là, "một lựa chọn sẽ thắng và lựa chọn kia sẽ bại". Chúng ta, ông nhấn mạnh, "đang sắp đụng vào một bức trần mới" và đang phải đối mặt với một kiểu bước ngoặt lịch sử hoàn toàn mới.

Để Singularity thành hiện thực, "tất cả mọi thứ đều phải đúng," Morris nói. "Trong khi đó, để Nightfall thành hiện thực, chỉ cần một điều bị sai lầm. Tỷ lệ thật tệ hại".

Do sự khác biệt về địa lý ngày càng trở nên không mấy liên quan, Morris coi quan điểm cho rằng "phương Đông là phương Đông và phương Tây là phương Tây" như một cách nhìn thảm họa vào tình hình hiện tại của chúng ta. Dù muốn hay không, phương Đông và phương Tây giờ đây đang cùng ở trong một mớ hỗn độn, và "40 năm tới sẽ là khoảng thời gian quan trọng nhất trong lịch sử".

Mặc dù luôn ngụ ý điều này trong cuốn sách, song Morris không lộ liễu kêu gọi Mỹ và Trung Hoa tìm ra những cách thức cộng tác mới. Có lẽ chẳng có giải pháp nào khác. Nhưng liệu các nhà lãnh đạo của hai quốc gia khó lường này có đủ khả năng ứng phó với những thách thức chưa từng thấy mà họ đang và sẽ phải đối mặt? Ngay cả khả năng nghiên cứu uyên bác và kỹ năng phân tích đầy sáng tạo của Morris cũng không thể giúp chúng ta trả lời câu hỏi này... cho đến nay.


Orville Schell, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ-Trung tại Hội Châu Á, đã giành giải thưởng Arthur Ross của Viện Kiến trúc và Nghệ thuật Cổ điển, hiện đang viết về sự bùng nổ kinh tế của Trung Hoa.


Minh Thu
NYTimes


Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc