Biển động

'Vạc dầu châu Á' của Robert D. Kaplan

bài bình của Ian Morris,
ngày 17 tháng 4 năm 2014.

Đây là cuốn mới nhất trong bộ sách sâu sắc, gồm "Sự báo thù của Địa
lý" và "Tình trạng hỗn loạn vô chính phủ sắp tới", của tác giả Robert D. Kaplan, nhà phân tích địa chính trị nổi tiếng tại công ty tình báo toàn cầu Stratfor, trong đó ông cố gắng giải thích cách địa lý quyết định định mệnh — và những việc chúng ta cần làm để đối phó với vấn đề này. "Vạc dầu châu Á" là cuốn sách ngắn có chủ đề mạnh mẽ mà với sự rõ ràng và thú vị, nó nổi bật so với đại đa số các tác phẩm của phương Tây viết về những gì các chính trị gia Trung Hoa đã thực hiện để nói rằng Trung Hoa đang "trỗi dậy hòa bình." Nếu bạn đang làm ăn kinh doanh tại Trung Hoa, du lịch ở Đông Nam Á hay đơn thuần chỉ là say mê địa chính trị, bạn chắc chắn sẽ muốn đọc cuốn sách này.

Tác giả Kaplan bắt đầu bằng một vài vấn đề kinh tế học cơ bản. Hơn một nửa khối lượng hàng hóa hàng năm của thế giới (bao gồm bốn phần năm lượng dầu tiêu thụ ở Trung Hoa) đi qua Biển Đông. Kaplan cho rằng sự giao thương ấy đã biến tuyến đường biển này thành "yết hầu của Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương — nơi hội tụ của phần lớn các mô tế bào, liên kết các tuyến đường biển quốc tế thành một khối," bao quanh bằng những eo biển, bãi cát ngầm và các đảo có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng. Trọng tâm cuốn sách của Kaplan là sự tương đồng nổi bật, đáng lưu tâm nhằm giải thích ý nghĩa của điều này trong thế kỷ XXI: "Vị trí của Trung Hoa trong tương quan với Biển Đông", ông gợi ý, "giống như vị trí của Mỹ trong tương quan với biển Caribe trong thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX".

Sự tương đồng song song mà Kaplan rút ra đó rất rõ ràng và thuyết phục. Trong giai đoạn 1898 - 1914, Mỹ đã đánh bại Tây Ban Nha và tiến hành đào kênh đào Panama. Điều này cho phép người Mỹ liên kết và thống trị thương mại trên Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, thay đổi hoàn toàn ý nghĩa của địa lý. "Chính sự thống trị vùng Đại Lòng chảo Caribe đã giúp Mỹ kiểm soát hiệu quả Tây bán cầu, và từ đó cho phép Mỹ ảnh hưởng đến sự cân bằng quyền lực ở Đông bán cầu," Kaplan kết luận. Và ông cho rằng, Biển Đông giờ đây liên kết thương mại trên Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương theo cách tương tự; do đó, "Nếu Trung Hoa có thể thay thế Hải quân Mỹ như một quyền lực thống trị ở Biển Đông — hoặc thậm chí vươn tới vị thế sánh ngang với Mỹ — điều này sẽ
mở ra những khả năng địa chiến lược cho Trung Hoa tương tự như những gì Mỹ đã đạt được khi thống trị vùng biển Caribe." Chính vì vậy, Biển Đông "đang trở thành vùng nước nhiều tranh chấp nhất trên thế giới."

Xuyên suốt cuốn sách, Kaplan đã làm hài hòa các vấn đề địa chính trị khô khan bằng việc pha trộn hấp dẫn về lịch sử và những câu chuyện du lịch (chắc chắn không bạn đọc nào có thể quên những so sánh gợi nhiều liên tưởng của ông về Hà Nội và Sài Gòn hay mô tả của ông về những ngôi làng trên mặt nước ở đảo Borneo); ông cũng nhấn mạnh sự khác biệt giữa hai trường hợp, cũng như những điểm tương đồng. Có lẽ sự khác biệt lớn nhất trong những khác biệt này là trong những năm 1890, cường quốc đang lên trong vùng biển Caribe — Mỹ — mạnh hơn Tây Ban Nha về mặt quân sự, trong khi đó, những năm 2010, cường quốc đang lên ở Biển Đông — Trung Hoa — lại yếu hơn về mặt quân sự so với Mỹ, cường quốc hiện tại (nguyên văn: giữ nguyên trạng).

Trên cơ sở đó, Kaplan chắc chắn đã đúng khi kết luận rằng Bắc Kinh dường như sẽ không đánh liều thách thức quân sự với Washington trong thời gian trước mắt. Thay vào đó, ông kể với chúng ta — pha trộn một chút những tương đồng của lịch sử — rằng Trung Hoa sẽ "Phần Lan hóa" Đông Nam Á. Phải đối mặt với áp lực giống như khi Liên Xô đã áp đặt lên người hàng xóm Scandinavia của mình trong Chiến tranh Lạnh, các chính phủ Đông Nam Á "sẽ duy trì sự độc lập trên danh nghĩa nhưng cuối cùng sẽ tuân theo những quy tắc trong chính sách ngoại giao do Bắc Kinh thiết lập." Do hiện tượng Phần Lan hóa rất khác so với cách Mỹ đã đánh đuổi Tây Ban Nha khỏi vùng biển Caribe vào năm 1898, kết quả cũng sẽ khác nhau. Kaplan kết luận, "Tuy nhiên, thời đại thống trị đơn thuần của riêng Mỹ, như trong các thập kỷ Chiến tranh Lạnh và khoảng thời gian ngay sau đó, có lẽ sẽ không còn. Một thế giới với nhiều âu lo và phức tạp hơn đang chờ đợi chúng ta."

Những câu văn trên có thể khiến độc giả coi Kaplan thuộc về nhóm những "người theo chủ nghĩa suy thoái", những nhà văn hoan hỉ tuyên bố sự sụp đổ nay mai của đế quốc Mỹ, nhưng như thế sẽ là quá đơn giản. Trên thực tế, Kaplan là người ủng hộ hàng đầu cho lý thuyết quan hệ quốc tế được gọi là chủ nghĩa hiện thực (quan điểm đề cao quyền lực như một mục đích mà mọi quốc gia muốn đạt đến - ND), xuất hiện gần 2.500 năm trước do Thucydides nêu ra. Kaplan không che đậy việc mình tiếp thu ý tưởng của nhà tư tưởng Hy Lạp cổ đại thực tế này, và tương tự như Thucydides, ông lấy làm hãnh diện khi lột bỏ những ảo tưởng ngây thơ để tiết lộ thực tế khắc nghiệt về việc các chính phủ không hề giấu giếm khi theo đuổi các lợi ích cá nhân của riêng họ mà không hề quan tâm đến các giá trị, niềm tin hay ý thức hệ.

Chính chủ nghĩa hiện thực đã giữ cho cuốn sách của Kaplan, một cách rất mới mẻ, thoát khỏi văn phong tầm thường "Chúa ơi, nó còn tồi tệ hơn bạn nghĩ nhiều", thứ văn phong đã làm hỏng rất nhiều tác phẩm phương Tây viết về sự trỗi dậy của Trung Hoa. Tuy nhiên, ở vị trí của nó, chủ nghĩa hiện thực cũng khuyến khích sự xuy xét độc lập với tư tưởng của Thucydides mà một số độc giả sẽ cảm thấy còn đáng báo động hơn. Nhưng sự thật là phải như thế, bởi vì cuộc đấu tranh trên Biển Đông sẽ trở nên không bị thiên kiến và không có chỗ cho cảm xúc, Kaplan cho biết. Cuộc đấu tranh của Mỹ với Liên Xô đã đặt ra những vấn đề đạo đức to lớn và thổi bùng đam mê của tất cả những ai tham gia; nhưng việc đưa vào Biển Đông những tư tưởng triết học như đối với Bức tường Berlin đã tỏ ra khó khăn, bất chấp những nỗ lực hết sức mình của một số người. (Một vài tháng trước, khi đang viết một bài xã luận cho một tờ báo — không phải tờ báo này — tôi được thông báo chắc nịch rằng biên tập viên của tờ báo muốn "ít lịch sử thôi, nhiều điều đáng sợ về Trung Hoa vào") "Thực tế là," Kaplan nhận xét, "Tất cả những gì về Đông Á là thương mại và kinh doanh."

Những người hùng trong câu chuyện của Kaplan là những người quyết tâm và thực tế, những người đã nhận ra điều này, những người như Lý Quang Diệu của Singapore ("cao hơn một cái đầu so với hầu hết các nhà lãnh đạo khác trên toàn thế giới trong thế kỷ XX") và Đặng Tiểu Bình của Trung Hoa ("một trong những người đàn ông vĩ đại của thế kỷ XX"). Theo chủ nghĩa hiện thực tới tận xương tủy, cả hai nhà lãnh đạo này thường xuyên chuyển hướng rất nhanh, vứt bỏ những gì đã có lúc dường như trở thành sự đoan chắc cố hữu. Cả hai người đều không có nhiều thời gian cho vấn đề dân chủ; và có vẻ như Kaplan cũng vậy. Thừa nhận rằng những quan điểm như vậy là "dị biệt đối với một người phương Tây được khai sáng", ông viết rằng "nếu bạn để vấn đề Biển Đông cho các chuyên gia và tầng lớp tinh hoa trong khu vực, các tranh chấp khác nhau sẽ có cơ hội được giải quyết tốt hơn so với khi bạn đưa nhiều người dân vào một quá trình dân chủ, và họ sẽ tự làm hại mình bởi những cảm xúc của họ".

Các giải pháp có thể đạt được, nhưng có thể không phải theo cách mà hầu hết mọi người xung quanh Biển Đông mong muốn. Trong những chuyến đi của mình, Kaplan tìm thấy nhiều thực tế minh chứng cho tinh thần của họ Lý và họ Đặng. Những người theo chủ nghĩa hiện thực, hết người này đến người khác, nói với ông rằng họ không muốn bị Phần Lan hóa và không muốn thay thế vòng tay của người Mỹ bằng cái ôm của người Trung Hoa; nhưng chủ nghĩa hiện thực dạy chúng ta rằng lịch sử bị chi phối bởi những điều cần thiết hơn là những mong muốn. Một người Singapore cho biết, "Cuối cùng, lực lượng quân sự và sự hiện diện hải quân mới có ý nghĩa quyết định tất cả chứ không phải là những lời nói tốt đẹp và đầy cảm xúc." Từ năm 2011, đã có lời nói gợi nhiều cảm xúc của Mỹ về chính sách xoay trục tới châu Á; nhưng các quan chức Việt Nam, những người theo chủ nghĩa hiện thực tận trong máu, đáp lời bằng một câu tục ngữ "Nước xa không cứu được lửa gần".

Đáng thương thay cho Đông Nam Á. Quá xa ông Trời, quá gần Trung Hoa.

Cuốn sách mới nhất của Ian Morris là "Chiến tranh! Điều tích cực của nó là gì? Xung đột và sự tiến bộ của Nền văn minh từ Loài linh trưởng tới những con Robot".

Tuấn Minh
NYTimes

Tags: book

12 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc