Khoảng cách thế hệ

bài bình của Michael Lind,
ngày 26 tháng 1 năm 1997,

Các tác giả vẫn thường nói tất cả mọi thứ đều đi theo chu kỳ, kể cả lịch sử nước Mỹ.

Ý tưởng cho rằng lịch sử đi theo chu kỳ thường bị các học giả nghi ngờ. Mặc dù các nhà sử học được kính nể như Arthur M. Schlesinger Jr. và David Hackett Fischer đã đưa ra những ví dụ về sự tồn tại của nhịp điệu và làn sóng trong dòng chảy của sự kiện, những lý thuyết về chu kỳ có xu hướng kết thúc trong biển Sargasso (biển duy nhất không có bờ) của ngụy khoa học, cứ thế quanh quẩn vô tận (chứ còn gì nữa?). Cuốn sách "The Fourth Turning" (tạm dịch: ''Bước ngoặt thứ Tư'') cũng không là ngoại lệ.

Đây là cuốn sách thứ ba về 'các thế hệ' Mỹ của William Strauss, Giám đốc Capitol Steps, một đoàn nghệ thuật châm biếm ở Washington, và Neil Howe, cố vấn cao cấp cho Liên minh Concord, một nhóm chuyên về cân bằng ngân sách. Nếu bạn chưa đọc hai cuốn trước đó, "Generations: The History of America’s Future” và “13th Gen” (tạm dịch: 'Các thế hệ: Lịch sử của Tương lai nước Mỹ''Thế hệ thứ 13') thì Strauss và Howe cho rằng chìa khóa để hiểu biết lịch sử không chỉ của nước Mỹ mà của cả thế giới là "một đơn vị thời gian người xưa gọi là saeculum (khoảng thời gian một đời người hay đủ để thay thế một thế hệ-ND)." Các tác giả khẳng định gần như mọi cuộc khủng hoảng lớn trong lịch sử đều
xảy ra trong giai đoạn chuyển giao giữa các saeculum, hoặc ở những giai đoạn nhất định trong một saeculum. Tuyên bố này có vẻ kém ấn tượng hơn khi biết rằng một saeculum chứa được tất cả các sự kiện. "Cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng cách cuộc tấn công vào Fort Sumter* 85 năm. Đó cũng chính xác là khoảng thời gian giữa Fort Sumter và Tuyên ngôn Độc lập," hai tác giả viết. "Thêm khoảng một thập kỷ vào độ dài của các saeculum này, bạn sẽ thấy mô hình này tiếp tục xuyên suốt lịch sử những tổ tiên người Anh của dân thuộc địa”. Có vẻ như chìa khóa mở ra lịch sử là hệ số sai sót (Fudge Factor).

Sau khi giới thiệu khái niệm không thể bác bỏ về saeculum linh hoạt đó, Strauss và Howe tiếp tục làm độc giả "loạn óc" với hàng chục khái niệm đều mập mờ khó hiểu như vậy: không chỉ thế hệ Anh-Mỹ (từ thời Arthur, 1433-1460 tới thế hệ thiên niên kỉ mới - từ năm 1982 trở đi), mà còn cả Bốn hình mẫu chính (Người Hùng, Nghệ Sĩ, Nhà Tiên Tri, Kẻ Du Mục) và Bốn Bước ngoặt (lý giải cho tiêu đề của cuốn sách). Đặt những thứ này lại với nhau, và bạn sẽ có được những câu như thế này: ''Một thời kỳ Tan rã không thể quay lại thời kỳ Thức tỉnh, hay tiến lên thời kỳ Lạc quan mà không có một cuộc Khủng hoảng ở giữa.''

Các nhà ngụy khoa học thường cố gắng moi móc bằng chứng để khẳng định giả thuyết của họ từ thần thoại và tác phẩm của các học giả. Strauss và Howe có một biểu đồ để chỉ ra rằng "Các chu kỳ thế hệ 4 loại" có thể được tìm thấy trong các tác phẩm của Arnold Toynbee, các tác giả Kinh Cựu Ước, Homer, Samuel Huntington và nhiều học giả khác. Chắc chắn đây là lần đầu tiên mà Nhà thơ mù (Homer) và nhà chính trị học Harvard gần nhau về tư tưởng, mặc dù cũng có những cặp đôi không kém kỳ quái khác như "những hình mẫu đã kết hợp sự tự tin của người lính với sự nhạy cảm của thế hệ boomer (Merlin Olsen, Carl Sagan)"? Tuy nhiên, các tác giả vẫn bỏ sót các vòng xoáy của Yeats và bốn vị thần Zoa của Blake. Có lẽ là họ để lần sau. Tất cả sự rối rắm này có thể được bỏ qua nếu các tác giả giữ lời hứa của họ: "Đây là cuốn sách sẽ biến lịch sử thành lời tiên tri." (Tôi phải tiết lộ rằng họ nhẹ nhàng chỉ trích Walter Dean Burnham và tôi vì không dự đoán trong tác phẩm của chúng tôi một cách chính xác khi nào nền cộng hòa Mỹ tiếp theo sẽ được thiết lập; tôi ước gì mình biết được khi nào.)

Đôi khi, Strauss và Howe cũng viết được những dẫn giải tuyệt vời: "Vào lúc Sài Gòn thất thủ, cả hai đảng chính trị đã đồng ý chi 'cổ tức hòa bình' mới đạt được cho phúc lợi của người cao tuổi trung lưu." Thậm chí còn khiêu khích hơn, họ tuyên bố thế hệ baby boomer, những người đã hình thành nên văn hóa thanh niên cấp tiến của thập niên 60 sẽ trở thành những kẻ tự cao và áp đặt. "Ngày càng có nhiều tiếng nói ủng hộ chấm điểm khách quan, tách riêng nam nữ, giáo dục giới tính theo hướng chỉ có tiết chế, giờ cầu nguyện ở trường -- cùng với ngày học dài hơn, học quanh năm và luật trừng phạt trốn học nghiêm khắc hơn," các tác giả viết. Con cái thuộc thế hệ thiên niên kỉ mới của thế hệ boomer sẽ bị khống chế nghiêm ngặt bởi các fan nhạc rock cổ điển tóc muối tiêu. "Thái độ của các boomer đối với con cái cho thấy họ đã hồi tưởng lại mình trở nên vô kỉ luật như thế nào." Cuối cùng, Strauss và Howe đoán trước những lời kêu gọi "bằng mọi giá phải có một chương trình lao động công ích bắt buộc trên toàn quốc cho thanh thiếu niên". Rồi họ lại tự đồng ý với mình: "Chúng ta phải chiến đấu chống lại những rối loạn trong xã hội bất kỳ nơi nào nó xuất hiện."

Thế hệ boomer vì thế sẽ còn khắc nghiệt với con cái của họ hơn cả họ đã từng với cha mẹ mình. Strauss và Howe dự đoán các "lãnh đạo boomer cuối cùng” sẽ "độc đoán, khắc nghiệt và không khoan nhượng"; "chính những boomer khi còn trẻ đã hô vang 'Không đời nào, chúng tôi sẽ không nhập ngũ!' sẽ trở thành thế hệ người Mỹ cao tuổi có tư tưởng quân phiệt nhất chúng ta từng chung sống,'' các tác giả cảnh báo.

Các boomer sẽ phải nhận sự trừng phạt đích đáng khi họ sẽ nghèo đi trong một cơn hoảng loạn tài chính vào đầu thế kỷ XIX. "Sau cuộc Đại Mất giá, các boomer sẽ tìm được giá trị đạo đức mới trong hạn chế tiêu dùng, bởi vì khi nước Mỹ rơi vào cuộc Khủng hoảng, họ sẽ không có lựa chọn nào khác," các tác giả viết. Nhiều boomer "đã dành cả cuộc đời đóng thuế cao cho An sinh Xã hội và Medicare về cơ bản sẽ không được hưởng những phúc lợi đó vì bài kiểm tra tài sản." Những người cao tuổi của kỷ Bảo bình sẽ biến sự bắt buộc thành lựa chọn "sẽ tránh bệnh viện công nghệ cao để dùng vi lượng đồng căn, tự chăm sóc tối giản và các kỹ thuật tâm-thân mà Deepak Chopra gọi là 'chữa bệnh lượng tử' -- điều có lẽ sẽ đẩy nhanh sự nối tiếp thế hệ.

Than ôi, hầu hết các dự đoán của các tác giả về tương lai nước Mỹ cũng mơ hồ như những lời trong bánh may mắn: "Những sự kiện có tính quyết định sẽ xảy ra -- lớn lao, mạnh mẽ và độc đáo đến mức vượt xa cả những giả thuyết ngông cuồng nhất của ngày hôm nay." và: "Không lâu sau những sự kiện đóng vai trò xúc tác, một cuộc bầu cử toàn quốc sẽ tái cơ cấu chính trị sâu rộng khi một phe hoặc một liên minh tận dụng yêu cầu mới của công chúng đòi hỏi những hành động quyết đoán." Strauss và Howe thông báo với chúng ta phe này sẽ là "Đảng Cộng hòa, đảng Dân chủ hoặc có khi là một đảng mới."

Đôi khi Strauss và Howe cố nói nước đôi: "Nước Mỹ sẽ ngày càng trở nên cô lập hơn ngày nay khi thiếu thiện chí hợp tác với các nước khác, nhưng lại ít biệt lập hơn khi nhấn quyết đảm bảo những lợi ích sống còn của quốc gia không thể bị tổn hại." Vào những lúc khác họ lại tìm cách tránh bị hớ: "Thế hệ "Im lặng mới" cũng có thể là những người đầu tiên đến hành tinh khác trong một phi đội tên lửa," thậm chí là "Bước ngoặt thứ tư có thể bỏ qua sự hiện đại nhưng sẽ đánh dấu sự kết thúc của đất nước chúng ta." Tất cả những lộn xộn và mập mờ trong phương pháp luận của họ cho phép họ đưa ra dự đoán táo bạo: "Bước ngoặt thứ tư sẽ là một thời kỳ của vinh quang hoặc đổ nát." Quả là đầu voi mà đuôi chuột. "Lịch sử loài người," Strauss và Howe viết, "có vẻ hợp lý khi ngẫm lại nhưng là một bí ẩn khi suy tính trước." Quả là thế thật.

Michael Lind là phóng viên tại tờ The New Yorker.

Đăng Duy
NYTimes

* Trận đồn Sumter là một cuộc pháo kích đã bức hàng đồn quân sự Sumter, là trận đánh đầu tiên chính thức mở màn cuộc Nội chiến Hoa Kỳ.

Bài trước: Chính sách Xoay trục
Tags: book

3 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc