Người Nhật và chuyến đi cuối cùng trong đời: Tỷ lệ tử vong cao nhất

Photo credit: The Economist.

Khi thế hệ dân số bùng nổ sau chiến tranh đã và đang già đi, các doanh nghiệp phải rất vất vả để kiếm tiền từ một ngành hiếm khi tăng trưởng.

Trong văn phòng của mình phía sau nghĩa trang Aoyama ở Tokyo, Yukihiro Masuda nói rằng giờ đây các khách hàng tiềm năng của ông sẵn sàng nói về cái chết đến nỗi ông còn khuyến khích họ thử nằm vào những chiếc quan tài mà công ty ông đang rao bán. Ông chỉ vào một chiếc như vậy: một mẫu khá đẹp, lót bằng vải satin trắng và được trang trí bên ngoài bằng vải kimono thượng hạng màu đỏ. Bên trong, khi nắp được đóng lại, chiếc quan tài kín bưng như một phòng thu âm, khiến người ta buồn ngủ và với một người phương Tây thừa cân như tôi, ít nhất nó giúp tôi thoải mái từ đầu tới chân.

Nói về cái chết vẫn còn là điều cấm kỵ đối với một số người Nhật Bản và ở nhiều nơi, các burakumin — những người thường bị tẩy chay, vốn là con cháu của những người xưa kia bị xã hội ruồng bỏ — vẫn chiếm phần lớn việc làm trong ngành dịch vụ tang lễ này. Nhưng đối với nhiều người khác, điều cấm kỵ này đã được gỡ bỏ. Năm 2008, bộ phim "Departures" miêu tả một cách cảm động vẻ đẹp và sự nghiêm trang của nghi lễ nokan, nghi lễ (có nguồn gốc từ đạo Phật) thanh tẩy cho người vừa qua đời, được thực hiện tại nhà trước khi đưa cơ thể người đó vào quan tài để hỏa táng. Thành công của bộ phim đã dẫn đến một làn sóng đơn ứng tuyển xin thực hiện nghi lễ này. Không lâu sau đó, tuần báo Weekly Asahi bắt đầu quảng bá cho ý tưởng về shukatsu, việc lên kế hoạch cho cái kết của cuộc đời, với hy vọng thu hút độc giả và các nhà quảng cáo. Và sau đó, cơn sóng thần kinh hoàng vào năm 2011 khiến nhiều người Nhật không ngần ngại tự hỏi: nếu tôi chết, ai sẽ lo liệu đám tang, thu xếp hậu sự và thực hiện di nguyện của tôi?

Ẩn sau những thay đổi văn hóa này chính là áp lực từ cơ cấu dân số. Mặc dù người Nhật ngày càng sống lâu và khỏe mạnh hơn, số người thuộc thế hệ dân số bùng nổ sau Thế chiến II đang giảm dần trong khi thế hệ trẻ Nhật Bản lại có ít con hơn. Số dân 127 triệu đã đạt đỉnh và sẽ bắt đầu giảm xuống dưới 100 triệu vào năm 2050. Năm nay Nhật Bản sẽ có khoảng một triệu công dân mới và khoảng 1,3 triệu người sẽ qua đời. Đến năm 2040, số người chết hàng năm có thể lên đến 1,7 triệu người.

Đây là tỷ lệ tử vong cao nhất. Điều này đã và đang khiến các gia đình Nhật Bản thay đổi. Theo truyền thống, con cái sẽ lo liệu việc hậu sự của cha mẹ, với sự giúp đỡ của hàng xóm trong đám tang tại nhà. Nhưng hiện nay, ngày càng có nhiều người Nhật, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và những thị trấn ven biển có dân số ít ỏi, phải chết trong cô độc và không mấy ai giúp họ trên đoạn đường bước sang thế giới bên kia.

Ngành dịch vụ tang lễ này và các công ty cho đến nay chưa dính dáng gì đến các vấn đề như vậy cuối cùng đã nhận ra cơ hội của mình: một ngành tăng trưởng hiếm hoi. Một hội chợ lớn về tang lễ được tổ chức ở Tokyo vào tháng 12 vừa qua, với các cuộc thi thực hành nghi lễ nokan sử dụng tình nguyện viên đóng giả làm xác chết, đã cho chúng ta một cái nhìn về quy mô của ngành công nghiệp trị giá 2.000 tỷ yên này (tương đương 20 tỉ USD). Có những thị trường ngách: các công ty văn phòng phẩm bán sách về những “ghi chú cuối đời” — những hướng dẫn không chỉ về các việc cần làm sau tang lễ, mà còn bộc lộ những cảm xúc sâu thẳm nhất mà người Nhật thường giữ kín trong lòng, những cảm xúc mà các gia đình Nhật hiện đại ngần ngại thể hiện ra trong cuộc sống. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tang lễ cũng cung cấp nhiều lựa chọn khác thay cho việc khắc bia mộ tốn kém, chẳng hạn như rắc tro của người thân mới qua đời trong vịnh Tokyo (chỉ cần không để những cặp đôi đi hưởng tuần trăng mật và cũng thuê phải con thuyền đó biết là được).

Những công ty công nghệ cũng đang nhảy vào. Hai năm trước, người khổng lồ internet Yahoo Nhật Bản giới thiệu dịch vụ Yahoo Ending. Với chi phí 180 yên mỗi tháng cho đến khi bạn qua đời, dịch vụ này sau đó sẽ gửi một e-mail thông báo cho bạn bè và gia đình của bạn biết rằng bạn đã bước sang thế giới bên kia, đóng tài khoản và lập một trang tưởng niệm trực tuyến cho bạn. Công ty cũng có dịch vụ tổ chức đám tang, với nhà sư làm chủ lễ.

Hãng Amazon Nhật Bản cung cấp hẳn dịch vụ nhà-sư-cho-thuê: chỉ với một cú nhấp chuột, bạn đã có thể có một nhà sư đến tụng kinh siêu thoát cho mình (điều này gây ra nỗi bất bình lớn cho các ngôi chùa truyền thống, nơi việc tổ chức lễ tang và lo liệu tro cốt đem lại một nguồn thu đáng kể). Aeon, một tập đoàn bán lẻ và cung cấp dịch vụ tài chính, từ trước tới nay vẫn lo liệu tang lễ cho nhân viên đã và đang làm việc tại công ty, giờ đây phát triển dịch vụ này và mở đại lý đầu tiên dành cho công chúng tại một trung tâm mua sắm nằm bên cạnh trụ sở của hãng này ở Tokyo. Fumitaka Hirohara, người đứng đầu Aeon Life, khối kinh doanh dịch vụ tang lễ của Aeon, tuyên bố đây là nơi đầu tiên có dịch vụ thử nghiệm quan tài miễn phí từ năm 2011 (trước sự ngạc nhiên của khách hàng đi mua sắm).

Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp chuyển sang kinh doanh shukatsu chưa tìm được vận may mà họ hy vọng. Rất ít người cao tuổi đăng ký các dịch vụ của Yahoo Ending vì lý do đơn giản rằng họ không thường xuyên sử dụng internet. Người Nhật trẻ tuổi thì ngần ngại trước mức lệ phí hàng tháng. Yahoo Nhật Bản đã đóng cửa dịch vụ này trong tháng Tư. Và hóa ra, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tang lễ cũng không khác các doanh nghiệp khác ở Nhật Bản là mấy: cố xoay xở giành chút lợi nhuận ít ỏi trong một thế giới đầy cạnh tranh. Mặc dù số lượng các đám tang đang tăng lên, chi phí trung bình, có thời lên tới hơn 2 triệu yên, lại đang giảm — mức giảm phát và sự cạnh tranh cũng khắc nghiệt như trong các ngành khác. Từ những năm phát đạt cho đến khoảng đầu những năm 1990, các công ty tang lễ ra bất kỳ giá nào họ muốn và chẳng mấy ai phàn nàn.

Các công ty thường vung tay tổ chức những đám tang xa hoa cho các vị giám đốc và cử nhân viên đến đám tang của những khách hàng quan trọng, ngay cả khi những nhân viên này không hề quen biết gì với khách hàng. Giờ đây, các công ty gặp khó khăn tài chính, và mối quan hệ giữa ông chủ và nhân viên không còn như xưa. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều người Nhật chỉ muốn một buổi lễ đơn giản cho gia đình và bạn bè.

Ông Masuda nói rằng các công ty tang lễ truyền thống cố gắng thu lợi từ những dịch vụ đi kèm tốn kém, chẳng hạn như cho thuê xe tang hoành tráng hoặc quay DVD lễ tang. Nhưng khách hàng chỉ muốn những gì ngày càng đơn giản. "Các công ty không lắng nghe những gì khách hàng muốn", ông nói, "Họ chỉ cung cấp các gói dịch vụ đã lỗi thời."

Ông Masuda cho rằng, thay vào đó, các doanh nghiệp cần giữ giá thấp (một gói dịch vụ tang lễ hiện nay có thể chỉ tốn chưa đến 500.000 yên) và cần tạo ra sự khác biệt trong sản phẩm của họ. Công ty của ông, WillLife, cung cấp một “buổi đưa tiễn” thân thiện với môi trường. Các quan tài được làm bằng loại các-tông cứng dùng trong ngành công nghiệp đóng gói (lĩnh vực hoạt động của công ty mẹ). Mặc dù vẫn cần nhiều dầu parafin (tới 70 lít) để hỏa táng các quan tài này như các loại quan tài bằng gỗ thông thường, công ty coi việc trồng cây ở Mông Cổ là một sự bù đắp cho lượng cacrbon đã thải ra.

Tuy nhiên, ông Masuda than thở rằng những quan tài làm bằng gỗ dán từ Trung Quốc, có giá chỉ bằng một phần ba giá chiếc quan tài của công ty ông. Hàng Trung Quốc - giá Trung Quốc, gắn chặt với cuộc sống ở Nhật Bản như các nơi khác, cũng không buông tha những người chết.

Minh Thu
The Economist

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc