Tình trạng nghèo đói ở trẻ em Nhật Bản: Tai họa ẩn giấu

Japanese children, this photo is from an album Elstner Hilton compiled in Japan between 1914 and 1918. Photo courtesy A.Davey.

Nhật Bản có nhiều trẻ em nghèo hơn là nước này tưởng

Du khách đến Nhật Bản hiếm khi bắt gặp những dấu hiệu thường thấy của tình trạng thiếu thốn. Nhà cửa ở đây không tồi tàn. Không có cảnh những người vô gia cư ở đô thị, họ sống trong những căn lều tạm ở công viên hoặc ven sông. Người Nhật nuôi giữ một niềm tin rằng xã hội của họ là xã hội bình đẳng. Vì vậy, tình trạng nghèo đói cao ở trẻ em dường như là một cú sốc.

Con số chính thức về nghèo đói ở trẻ em thậm chí còn không được công bố cho đến năm 2009. Những con số đó chỉ ra rằng tỷ lệ nghèo đói (tương đối) ở trẻ em — được định nghĩa là tỷ lệ trẻ em trong các hộ gia đình có thu nhập sau thuế và trợ cấp thấp hơn một nửa thu nhập hộ gia đình trung vị trên toàn quốc —tăng từ 11% năm 1985 lên 16% năm 2012, một trong những tỷ lệ cao nhất trong số các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Tháng trước, Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF cho biết khoảng cách giữa trẻ em giàu và trẻ em nghèo ở Nhật Bản rõ rệt hơn so với Mỹ, và không còn cách tỷ lệ ở Mexico và Bulgaria là bao.

Các cặp vợ chồng làm các công việc lương thấp theo mùa vụ hoặc hợp đồng, hiện chiếm khoảng hai phần năm tổng số việc làm, thì đang nghèo đi. Nhưng gần một phần ba số trẻ em nghèo sống với bà mẹ đơn thân đã ly hôn hoặc góa chồng. Akiko Kamon, một người mẹ đơn thân của hai cậu bé trong một khu vực nghèo ở Osaka, cho biết cô phải vật lộn để nuôi chúng. Cô muốn làm việc nhiều giờ hơn để kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng cậu con trai tám tuổi của cô lại òa khóc khi nghĩ tới cảnh bị bỏ ở nhà một mình. Giống như nhiều người, cô Kamon sẽ không nhận các khoản hỗ trợ phúc lợi chung ít ỏi, vì sự kỳ thị xã hội ở Nhật Bản là rất lớn.

Các bậc cha mẹ đơn thân đôi khi để những đưa trẻ mới năm tuổi ở nhà cả ngày hoặc cả đêm, với một hộp đựng cơm và thức ăn. Nghèo đói làm tăng tỷ lệ trẻ em nghèo bỏ học hoặc thậm chí còn làm tăng tỷ lệ trẻ em lang thang. Chiatsu Sumicon, cô gái 16 tuổi là con một bà mẹ đơn thân ở Saitama, gần Tokyo, làm việc bán thời gian. Nhưng em nói vẫn rất khó khăn để em có đủ tiền cho các buổi dã ngoại bắt buộc ở trường, bốn loại giày khác nhau mà trường yêu cầu và các loại phụ phí khác. Em cũng chia sẻ, trẻ em nghèo rất dễ bị bắt nạt,

Tuy trẻ em nghèo không thiếu ăn, nhưng bữa ăn chính duy nhất thường
chỉ là bữa trưa ở trường, và bổ sung bằng đồ ăn vặt. Khi cha mẹ không thể trả các hóa đơn, gas và điện thường bị cắt, vì thế các trẻ em này sẽ phải tắm rửa trong các nhà vệ sinh công cộng. Đối với việc gặp gỡ, giao lưu với bạn bè ở các quán cà phê, hay có đủ tiền cho các lớp học thêm—được xem là cần thiết để đỗ đại học—những hoạt động này là không thể.

Chính phủ đang bắt đầu chú ý tới vấn đề này. Lần đầu tiên trong nhiều năm, các biện pháp mới được ban hành vào năm 2014 đã tăng số lượng các nhà hoạt động xã hội trong trường học và trợ cấp nuôi trẻ dành cho các bậc cha mẹ đơn thân được tăng nhẹ. Căn cứ vào việc nhiều lãnh đạo trong Đảng Dân chủ Tự do (bảo thủ) cầm quyền đổ lỗi cho các bà mẹ đơn thân về việc ly hôn, việc đảng này làm được nhiều như vậy là điều đáng ngạc nhiên, Aya Abe, người đứng đầu một đơn vị nghiên cứu về nghèo đói tại Đại học Tokyo Metropolitan, cho biết.

Có lẽ đảng này đang chịu nhiều áp lực phải làm hơn thế nhiều nữa. Đối với một chính phủ gần đây đã cam kết sẽ đảm bảo tất cả các công dân Nhật Bản có thể đóng một vai trò tích cực trong xã hội, tình trạng nghèo đói ở trẻ em thật là khó xử. Văn phòng của thủ tướng Shinzo Abe đang tìm cách để "rao bán" chính sách kinh tế của ông như là những chính sách đặc biệt giúp đỡ những người trẻ hơn là những người già (vốn được nhà nước đã chi tiêu rất hào phóng). Nhưng cạnh tranh với các tiêu đề báo gần đây về việc trẻ em nghèo ăn cắp, buộc phải tìm đến nghề mại dâm hay sống trong điều kiện tồi tàn có lẽ sẽ khá khó khăn.

Nguyễn Oanh
The Economist

Tags: japan

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc