Lương sếp ở Nhật Bản: Chi phiếu

Các giám đốc ở Nhật Bản thấy khó đòi hỏi thêm.

Để khích lệ tinh thần đồng đội giữa các nhân viên trung thành, tận tụy,
các giám đốc người Nhật thường sống trong những ngôi nhà khiêm tốn và đi tàu điện ngầm đến nơi làm việc. Sự chênh lệch trong mức lương của bản thân họ và của người lao động cũng rất thấp theo tiêu chuẩn quốc tế (xem biểu đồ). Đối với họ, thông tin về việc công ty viễn thông và internet SoftBank trả cho Nikesh Arora-cựu chủ tịch gốc Ấn Độ 31,5 tỷ yên (tương đương 300 triệu USD) trong hai năm quả là khó hiểu. Giám đốc tại các công ty lớn nhất nhận được bình quân 100 triệu yên (tương đương một triệu USD) mỗi năm.

Các chuyên gia về quản trị doanh nghiệp thường quen với việc giải quyết những khoản lương vượt mức cho giám đốc điều hành. Nhưng ở Nhật Bản, họ đang suy nghĩ xem mức lương tối thiểu là bao nhiêu. Thu nhập của giám đốc các công ty niêm yết ở Nhật chỉ bằng khoảng một phần mười so với thu nhập của những người đồng sự tại Mỹ. Những giám đốc người nước ngoài tại Tokyo, chẳng hạn như ông Arora, hoặc Carlos Ghosn của hãng xe Nissan, đều gần như đứng đầu thế giới khi so sánh mức lương, nhưng rất hiếm khi những giám đốc điều hành là người Nhật được trả lương cao.

Mức lương thấp chắc chắn góp phần tạo nên một kiểu làm việc thận trọng, trong đó nhiều công ty chỉ thích giữ một đống tiền mặt – các công ty phi tài chính hiện nắm giữ hơn 9,5 nghìn tỷ USD tài sản tài chính, bao gồm tiền mặt – hơn là mạo hiểm đầu tư vào các dự án mới. Những công ty Nhật Bản có giám đốc được trả lương cao hơn cho kết quả kinh doanh tốt hơn nhiều so với các công ty khác, theo một nghiên cứu mới đây của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs.

Không chỉ có quá ít hỗ trợ tài chính để đầu tư lớn, những giám đốc còn phải chịu những trách nhiệm xã hội nếu dự án không thu được kết quả. Nếu một dự án thất bại, điều đó đồng nghĩa với việc mất danh dự, bị buộc phải cắt giảm nhân viên hoặc mất đi đặc quyền có được kỳ nghỉ hưu an nhàn mà vẫn được trả lương như một cố vấn.

Các công ty Nhật Bản gần đây đã bắt đầu thu được lợi nhuận cao hơn, một phần là nhờ một bộ luật quản trị doanh nghiệp mới được Thủ tướng Shinzo Abe phê duyệt vào tháng 6 năm 2015. Chính phủ đã khéo léo đưa vào bộ luật mới một đề nghị: các doanh nghiệp cần nâng cao điều kiện trong các thỏa thuận về lương (cho giám đốc), điều sẽ đem lại kết quả lâu dài. Khoản tiền thưởng khích lệ chỉ chiếm 14% trong tổng lương tại Nhật Bản, so với 33% ở Đức và 69% ở Mỹ, theo hãng tư vấn về nhân lực Towers Watson. Theo đó, hai gã khổng lồ của Nhật Shiseido, một công ty mỹ phẩm, và Obayashi, một công ty xây dựng, bắt đầu dành cho giám đốc điều hành của hãng những lợi ích từ cổ phần gắn liền với hoạt động doanh nghiệp.

Nhưng những tác động không mong muốn của một bộ luật chưa được soạn thảo kỹ lưỡng vào năm 2010 đã cản trở nhiều thay đổi cần thiết về tiền lương. Vào điểm thời đó, các thanh tra chứng khoán lần đầu tiên yêu cầu các công ty niêm yết công khai tên tất cả các giám đốc có mức lương trên 100 triệu yên. Mục tiêu ban đầu là để tăng tính minh bạch cho các nhà đầu tư (trước đây, các công ty chỉ công khai tổng số tiền phải trả cho hoạt động điều hành cho các cổ đông biết). Hầu như không có ai có mức lương đáp ứng được ngưỡng đề ra đó. Năm 2014, chỉ có giám đốc điều hành ở 9% trong tổng số các công ty niêm yết được nêu tên.

Mặc dù vậy, điều này đối với họ vẫn bị coi là đáng xấu hổ. Naohiko Abe của Pay Governance, một tổ chức tư vấn cho các tập đoàn về mức đãi ngộ nhân viên, cho biết ông đã choáng vì các cuộc gọi tới để hỏi xem giám đốc ở các công ty khác được trả bao nhiêu tiền. Ở phương Tây, sự minh bạch như vậy thường có tác dụng nâng mức đãi ngộ cho các giám đốc có lương tương đối thấp. Ở Nhật Bản, một số giám đốc nhanh chóng chấp nhận giảm lương để không bị xuất hiện trong danh sách, ông Abe cho biết. Nói cụ thể hơn, theo Nicholas Benes của Viện BDTI (Board Director Training Institute) Nhật Bản, tổ chức đào tạo và nâng cao năng lực quản trị, quy tắc công khai người có mức lương trên 100 triệu yên vô tình đặt ra một giới hạn về số tiền thưởng có thể trả bằng chi phiếu (lương chủ yếu là tiền mặt).

Tuy nhiên, đã có những thay đổi tích cực. Số giám đốc có lương một triệu, hoặc đủ mức để công khai, đã tăng từ dưới 300 lên trên 500 kể từ năm 2009. Một số người muốn làm nhiều hơn thế. Takeshi Niinami, ông chủ của hãng thức uống khổng lồ Suntory và là một cố vấn chính phủ nổi tiếng, cho rằng các công ty nên tránh việc đặt ra định mức và chỉ cần công khai những nhân viên được trả lương tốt nhất trong công ty của họ. Công khai thu nhập bằng tiền mặt và bằng cổ phần của giám đốc có thể là cách làm hiệu quả nhất trong tình cảnh bát nháo của Nhật Bản.

Minh Thu
The Economist

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc