Các doanh nghiệp Ba Lan: Cố thủ tại Anh Quốc

Photo credit: Bloomberg.

Viễn cảnh Brexit không làm các doanh nhân Ba Lan trên đất Anh nản chí.

Nói chuyện với chúng tôi từ phía sau quầy trưng bày chật ních các loại xúc xích trong cửa hiệu tạp hóa của gia đình, ông Daniel Przybylowski rầu rĩ cho biết, đã đến lúc ông phải bán tống bán tháo hàng hóa. Tuy nhiên, những người đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit trong ngày 23 tháng 6 với hy vọng giảm số người nhập cư châu Âu có thể sẽ thất vọng khi biết rằng ông Przybylowski sẽ không quay về Ba Lan như kết quả của cuộc trưng cầu. Ngược lại: chỉ có thuế doanh nghiệp nội địa mới đuổi ông đi được. Ông hy vọng chí ít sẽ bù đắp được tất cả các khoản đầu tư của mình, và đã quyết tâm bắt đầu việc kinh doanh khác – vẫn ở Anh.

Ông Przybylowski là điển hình cho thái độ của 90.000 chủ doanh nghiệp và người tự kinh doanh gốc Ba Lan, những người đang chiếm thành phần ngày càng lớn trong nền kinh tế nước Anh. Năm ngoái, người Ba Lan đã vượt qua Ấn Độ để trở thành nhóm người ngoại quốc lớn nhất tại Anh, với khoảng 831.000 người. Do đó họ đã trở thành mục tiêu cho sự thù địch với người nhập cư trong và sau chiến dịch trưng cầu dân ý. Ở Hammersmith, vùng ngoại ô phía tây London nằm phía cuối con đường đi từ cửa hàng của ông Przybylowski, một trung tâm văn hóa Ba Lan đã bị bôi vẽ chằng chịt bằng những bức graffiti thể hiện sự kì thị sau cuộc bỏ phiếu. Ngày 27 tháng 8, một người đàn ông Ba Lan đã bị đánh đến chết bên ngoài một quán ăn nhanh tại thị trấn Harlow hạt Essex; cảnh sát đã quy kết tên sát nhân phạm “tội ác do hận thù” tiềm ẩn. Trước sức nóng sau cuộc trưng cầu dân ý, dân Ba Lan đã bàn đến chuyện bao nhiêu người trong số họ sẽ rời đi. Nhưng sau hai tháng không có thêm động thái chính trị nào, bầu không khí đã thay đổi. Các doanh nhân Ba Lan đang cân nhắc các cơ hội mới chứ không phải đứng chôn chân trước rủi ro của Brexit.

Đó là điều may mắn cho nước Anh, vì năm ngoái người Ba Lan đã thành lập thêm nhiều doanh nghiệp — 14.475 – nhiều hơn bất kỳ nhóm nhập cư nào khác, trên cả Ireland, Trung Hoa và Ấn Độ. Theo Trung tâm hỗ trợ doanh nhân khởi nghiệp, một tổ chức vì quyền lợi của doanh nghiệp, trong năm 2014, người Ba Lan đã thành lập gần 22.000 công ty trách nhiệm hữu hạn, đứng thứ ba về số lượng ở Liên minh châu Âu sau Đức và Ireland. Rõ ràng đây là sự kiện đáng chú ý vì người Ba Lan mới chỉ đến Anh sau năm 2004, khi Ba Lan gia nhập Liên minh châu Âu.

Có khoảng 65.000 người tự mở công ty kinh doanh. Thợ nề và thợ điện Ba Lan đã có mặt ở khắp các công trường xây dựng ở Anh. Nhưng người Ba Lan cũng thành công khi tham gia các lĩnh vực khác như tài chính, công nghệ thông tin và bán lẻ. Thông thường họ phát triển mạnh ở mảng dịch vụ cho người Ba Lan đến làm việc hơn là định cư ở Anh, những người có khả năng tiếng Anh hạn chế. Piotr Kubalka, người điều hành một công ty kế toán tại Ealing, đến Anh vào năm 2000 chỉ với 274 bảng Anh trong túi (khoảng 415 USD). 5 năm sau, ông thành lập công ty riêng và hiện đang có 35 nhân viên phục vụ 3.000 khách hàng, chủ yếu là người Ba Lan.

Một công ty khác cũng thành công trong việc phục vụ cộng đồng là Mlecko, công ty do người Ba Lan điều hành lớn nhất ở Liên minh châu Âu và nằm ngoài lãnh thổ Ba Lan. Được thành lập cách đây 20 năm, siêu thị này hiện có 11 chi nhánh, nằm chủ yếu ở phía tây London, trung tâm của cộng đồng người Ba Lan. Siêu thị này nhập khẩu tất cả thực phẩm và đồ uống từ Ba Lan, có công ty vận chuyển riêng, kho bãi, cũng như cửa hàng bánh mỳ của riêng mình. Hiện có 450 người làm việc ở đây.

Mlecko là một điển hình của chuỗi cung ứng phức tạp giữa Ba Lan và Anh. Giờ đây, một người bán lẻ như ông Przybylowski có thể mua được tất cả hàng hóa mình cần ở ngay London thay vì phải nhập khẩu. Đây là một trong những lý do tại sao người Ba Lan không muốn quay lưng lại với nước Anh: họ đã đầu tư quá nhiều nên không thể rời bỏ. Wladyslaw Mlecko, người sáng lập chuỗi siêu thị trên, không quan tâm đến Brexit và đang dồn sức vào kế hoạch mở thêm hai cửa hàng và một tiệm bánh mới.Sự kiện quan trọng tiếp theo Hiệp hội các doanh nghiệp Ba Lan tại Anh là làm thế nào để mở rộng, chứ không phải thu hẹp quy mô kinh doanh.

Và cộng đồng người người Ba Lan đang phát triển mạnh mẽ hơn bằng nhiều cách khác. Các trường công lập ở London có 30.000 học sinh nói tiếng Ba Lan. Mỗi năm, nước Anh có thêm 20.000 trẻ em có mẹ là người Ba Lan; 1/4 số đó có cha mang quốc tịch khác.

Wiktor Moszczynski, một cựu ủy viên hội đồng ở Ealing, bức xúc trước viễn cảnh rất nhiều người Ba Lan phải hồi hương, mặc dù ông thừa nhận rằng một số người đã lên kế hoạch đến Anh sẽ chần chừ cho đến khi các điều khoản của Brexit trở nên rõ ràng hơn. Như ông Kubalka nói, sống sót qua thời kỳ Đức Quốc Xã và thời gian chiếm đóng của Liên Xô, người Ba Lan hoàn toàn có thể tồn tại qua Brexit.

Phương Anh
The Economist


Tags: poland

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc