Campuchia: Ai mua trinh tiết?

Tự tay gắp đá? Miss Wong, Siem Reap, Cambodia. Photo courtesy Barroom Universe.

Sự phân biệt sắc tộc tiếp tay cho ngành công nghiệp mại dâm.

Mua trinh có thể nghe vô hại như tiếng đá leng keng va vào thành ly. Hình ảnh những thiếu nữ đi qua đi lại với một xô đá và một chiếc kẹp gắp trên tay từ lâu đã trở thành một hình ảnh đặc trưng trong các quán karaoke của Campuchia. Giờ đây một số lượng lớn “những cô gái gắp đá” này lại đang được chăm chút để cung cấp cho thị trường mua bán trinh nữ đang phát triển mạnh.

Lợi dụng nguồn du khách nước ngoài, Campuchia đã trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực về mua bán những cô gái trẻ "chưa bị phá trinh". Trong số các khách hàng đó, phần lớn là dân châu Á tới từ các nước Trung Hoa, Hàn Quốc, Thái Lan và Nhật Bản. Họ tin rằng chiếm đoạt (deflower) một trinh nữ sẽ giúp họ hồi xuân và tẩy uế.

Đáp ứng nhu cầu này là số lượng người thiểu số Việt Nam ngày càng tăng – trong quá khứ đây là những người từng bị đa số người Khmer khinh rẻ nhưng giờ lại được khách hàng yêu thích bởi nước da xanh xao của họ. Theo một nghiên cứu mới đây có tên "Ties That Bind" (Nối vòng tay) của Tổ chức di cư Quốc tế (IOM), mặc dù tỷ lệ người Việt thiểu số theo ước tính chiếm không quá 5% dân số Campuchia (chính phủ nước này chưa bao giờ công bố con số chính thức) nhưng lại chiếm gần một phần ba trong số các nạn nhân của ngành công nghiệp này.

Helen Sworn của Liên hiệp Chab Dai - một mạng lưới các tín đồ Kitô giáo chống buôn bán người nói rằng hiện vẫn còn nhiều người bị lừa bán qua biên giới. Tuy nhiên những người bị bán hầu hết là người Campuchia gốc Việt - con gái của những người Việt Nam di cư tới đây vào những năm 1980 và 1990, với hy vọng tìm được việc làm nhưng thay vào đó nhiều người lại rơi vào cảnh nợ nần. Họ chịu sự phân biệt đối xử từ người Khmer, những người gắn họ với sự căm ghét sau hàng thế kỷ bị Việt Nam đô hộ.

Toàn bộ những gia đình này đành chọn sống dựa vào ngành công nghiệp mại dâm của đất nước. Một người phụ nữ Việt đã bán cô con gái 14 tuổi cho một nhà chứa nói: "Đó là miếng cơm manh áo hàng ngày của chúng tôi. Hầu hết chúng tôi nghĩ rằng nó chỉ là một công việc, một nghề để kiếm sống... Và các bé gái cố gắng làm bất kỳ điều gì mà cha mẹ bảo."

Hiện thực nhớp nhúa như vậy đã từng hiển hiện rõ ràng, khi những quận đèn đỏ nổi tiếng thịnh hành khắp ngoại ô Phnom Penh. Nhưng gần bốn năm trước, Thủ tướng Hun Sen đã chỉ đạo một chiến dịch khá rầm rộ để dẹp bớt các nhà chứa. Những kẻ buôn người, các tú bà và ma cô đáp lại bằng cách đẩy hoạt động mại dâm cấp thấp xuống thành hoạt động ngầm và xâm nhập nhiều hơn vào các khách sạn, sòng bạc và quán bar hạng sang. Vì vậy, Keo Thea, thuộc bộ phận chống buôn người của cảnh sát Phnom Penh nói giờ đây họ thấy khó khăn hơn khi theo dõi những kẻ buôn người và các nạn nhân. "Chúng tôi phải ăn mặc như những thương nhân để tiếp cận họ."

Không giống như trong một nhà thổ tồi tàn, làm việc trong một tiệm karaoke náo nhiệt có vẻ là sự tự nguyện. Theo Tổ chức di cư Quốc tế, các cô gái không bị những chủ chứa nhốt lại, nhưng cò mồi và ma cô vẫn thường xuyên sử dụng thủ đoạn lừa dối và cả ép buộc khiến tỷ lệ các bé gái vị thành niên vẫn còn cao, đặc biệt là các em trong cộng đồng người Việt.

Phản ứng quyết liệt của cả chính quyền địa phương và các nhà tài trợ quốc tế đã giúp đẩy nhanh tiến độ của dự luật chống buôn bán người đã bị trì hoãn từ rất lâu. Nếu được thông qua, nó sẽ đưa điều luật của Campuchia tiến gần hơn với chuẩn mực quốc tế. Xét đến sự liên đới của những quan chức Campuchia với ngành công nghiệp mại dâm, thành tựu này là không hề nhỏ.

Nhưng động lực để tiến đến đó cũng bị kìm hãm vì sự bất mãn của người Campuchia đối với người Việt và những mâu thuẫn chính trị gay gắt mà nó gây ra. Phe đối lập, đảng của ông Sam Rainsy thường coi những người nhập cư là mối nguy hại.

Nhưng với J.K. Reimer, tư vấn viên cho các tổ chức chống buôn bán người tại Phnom Penh: "Họ là những con dê tế thần tội nghiệp.” "Có quan niệm cho rằng người Khmer có một chuẩn mực về trinh tiết cao hơn người Việt, rằng những người Việt Nam tự tay bán con gái mình, nhưng người Khmer thì không."

San Arun, một quan chức cấp cao trong Bộ phụ trách các vấn đề về nữ giới, nói rằng chính phủ của họ không có thành kiến với các nạn nhân người Việt. Bà dẫn chứng là một thỏa thuận với Việt Nam về việc bảo vệ tất cả các nạn nhân, bất kể nhân thân của họ. Nhưng nếu không có sự phối hợp can thiệp hơn nữa, cộng đồng người Việt có nguy cơ bị cô lập hơn - bà Reimer nói. Việc cung cấp gái mại dâm và các đường dây buôn bán sẽ khó mà bị triệt phá.

Bích Nhàn
The Economist


Tags: sex

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc