Nông thôn Nhật Bản: Trách nhiệm với làng quê

Nỗi hoài niệm cắn rứt. Photo courtesy Carl Hwang.

Các vùng nông thôn khó khăn về kinh tế đã tìm ra một cách độc đáo để kiếm tiền.

Nông dân Nhật Bản thường nói rằng người thành phố đã quên hết họ rồi. Tuy nhiên, nhiều cư dân thành phố vẫn còn đau đáu với furusato – quê hương, miền quê nơi ông cha họ đã rời đi trong thời kỳ công nghiệp hóa của đất nước cách đây nhiều thập kỷ. Đối với một số thị trấn may mắn, thành công bất ngờ của chương trình Furusato Nozei, hay thuế xây dựng quê hương, đang mang lại một “vận may trời cho”.

Bảy năm trước, chính phủ trung ương bắt đầu cho phép người dân thành phố chuyển một phần khoản thuế thu nhập phải nộp tới một vùng quê nào đó, tùy theo lựa chọn của họ. Kết quả đã vượt cả mong đợi. Trong năm tài chính vừa qua, các thị trấn ở khu vực nông thôn đã thu được 14 tỷ yên (tương đương 1,2 tỷ USD) từ những nguồn đóng góp nói trên.

Một số người lựa chọn địa điểm để quyên góp không dựa theo gắn kết gia đình, mà chỉ đơn giản là vì họ thích khu vực đó. Nhiều người chọn các thị trấn ven biển phía đông bắc Nhật Bản vì nơi đây từng bị tàn phá nặng nề trong thảm họa sóng thần hồi tháng 3 năm 2011. Sonoe Hasegawa, một kế toán 47 tuổi ở Tokyo, nói rằng bà muốn góp phần vào việc hồi sinh các vùng nông thôn. Bà đã quyết định gửi phần thuế trích ra đó cho Ishinomaki, một thị trấn thuộc tỉnh Miyagi, nơi 3.700 người dân đã thiệt mạng trong thảm họa sóng thần kể trên, cùng năm địa điểm khác nữa.

Tự quảng bá một cách khéo léo đã giúp chính quyền địa phương nhận được nhiều tiền hơn. Một vài nơi còn lập các trang web liệt kê những món quà hào phóng như thịt bò thượng hạng, các món hải sản độc đáo và nhiều thứ khác để đáp lại một phần thuế mà người thành phố đã bỏ ra. Thị trấn Hirado của thành phố Nagasaki -- nơi nhận được nhiều thuế đóng góp nhất -- có hẳn một cuốn sổ tay giới thiệu các món đặc sản địa phương được hứa hẹn làm quà cho người ủng hộ. Năm ngoái, một số thị trấn đã nhận được số tiền thuế ủng hộ nhiều gấp đôi số tiền thuế mà họ thu được từ cư dân địa phương.

Sau khi website "Danh mục Furusato" bắt đầu liệt kê đủ loại tặng phẩm thì hóa ra, nhiều thị trấn đã tặng lại những món quà trị giá tới một nửa hoặc thậm chí nhiều hơn số tiền mà họ nhận được. Chính phủ đã cố gắng để giảm bớt các món quà xa xỉ nhất, chẳng hạn như bộ phi tiêu ninja bằng vàng có giá 400.000 yên được một thành phố làm quà tặng lại để vinh danh những ninja của thành phố này. Nhưng những tấm lòng nhiệt tình với furusato là điều chính phủ không thể làm ngơ. Họ vừa mở rộng chương trình này. Ví dụ, một hộ gia đình có mức thu nhập 8 triệu yên giờ đây có thể quyên góp khoản tiền lên đến 142.000 yên tương đương khoảng 7% thuế, thay vì mức 3,5% như trước đây.

Các vùng nghèo khó hơn đặc biệt vui mừng trước thông tin này. Rất nhiều người đã phải sống trong cảnh nghèo khổ do những hệ lụy của việc dân số suy giảm và già hóa. Một thị trấn nhỏ ở tỉnh Hokkaido cho biết: cuộc sống của 200 người như được tiếp lửa và trở nên ổn định nhờ những khoản tiền thuế này. Ông Shigeki Kanamori, tác giả một cuốn sách về loại hình thuế đặc biệt này cho biết, khi chính quyền Anan -- một thị trấn ở tỉnh Nagano -- bắt đầu gửi tặng mỗi nhà hảo tâm 20kg loại gạo nổi tiếng của địa phương để làm quà cảm ơn, những người nông dân lớn tuổi trong vùng và từ bỏ việc cày cấy, đã bắt đầu trồng lúa trở lại.

Đối với các cư dân đô thị của Nhật Bản, những câu chuyện về công cuộc hồi sinh cho vùng nông thôn như vậy thật cảm động, nuôi dưỡng trong họ những mơ ước về một cuộc sống thanh bình hạnh phúc mà họ đã đánh mất từ lâu vì ở cuộc sống xô bồ ở thành thị. Có lẽ chẳng có mấy hại gì từ chương trình này. Ít nhất, không giống như những nỗ lực hồi sinh các vùng nông thôn thông qua các công trình công cộng có quy mô lớn như trước đó, chương trình này không cần bơm tiền mà vẫn có trụ đỡ chắc chắn.

Lưu Thúy
The Economist

Tags: japan

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc