Vương quốc Trung Hoa và Đế chế Mặt trời mọc: Quan hệ Trung-Nhật, quá khứ và hiện tại

cuốn sách của June Teufel Dreyer.

Sử gia Jonathan Mirsky tìm hiểu trạng thái đối kháng giữa hai quốc gia là đối thủ truyền kiếp.

Thật đáng ngưỡng mộ, cuốn sách này biến mối quan hệ phức tạp, thù
địch và đôi khi rất nguy hiểm giữa Trung Hoa và Nhật Bản từ đầu thế kỷ 7 đến nay trở nên thật rõ ràng dễ hiểu. June Teufel Dreyer, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Miami, sử gia và cố vấn chính sách của chính phủ Mỹ, đã nghiên cứu mối quan hệ kéo dài hàng thế kỷ giữa hai quốc gia này và nhấn mạnh một điều chủ chốt: cách mỗi nền văn hóa và sau này là mỗi quốc gia, lần lượt chế ngự và khinh miệt nhau, và đôi khi là học hỏi từ nhau.

Nước này thường coi nước kia là dân tộc thấp kém hơn. Đã có những lúc phi lý, khi các nhà khảo cổ Nhật Bản phát hiện những mảnh vỡ 12.000 năm tuổi của một nền văn hóa cổ xưa "chứng tỏ" Nhật Bản từng là một nền văn minh lớn như Trung Hoa. Đã có nhiều cuộc chiến Trung-Nhật, với số lượng thương vong thực tế và thổi phồng ở cả hai phía, và thậm chí cho đến nay xung đột vẫn xảy ra giữa hai nước này ở các vùng biển gần và xa. Ngày nay, các cuộc xung đột như vậy giữa các nước thường được xoa dịu và bỏ qua; nhưng giữa Trung Hoa và Nhật Bản, những xung đột này luôn có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh trong khu vực. May mắn thay, trong nhiều lần
như vậy, những chính trị gia và học giả biết lắng nghe của cả hai bên đã nỗ lực để giữ cho mối quan hệ nếu không yên ổn, thì ít nhất cũng có thể đàm phán trong thận trọng.

Lòng tự tôn và cảm xúc tổn thương đôi khi nhường chỗ cho sự trung thực. Mặc dù trong nhiều thế kỷ, và thậm chí cho đến ngày nay, nhiều người dân Trung Hoa vẫn gọi Nhật Bản là "đất nước của những thằng lùn"; nhưng từ giữa thế kỷ 19, khi Mãn Châu rơi vào rối loạn và khủng hoảng kinh tế, đã có những nhà cải cách Trung Hoa, "nhuốm màu ghen tị", và thừa nhận rằng có nhiều điều phải học hỏi từ người hàng xóm đang hiện đại hóa này.

Một số thậm chí đã lặn lội đến Nhật Bản để nghiên cứu. Năm 1895, trong quá trình đàm phán Hiệp ước Shimonoseki – văn bản tuyên bố thất bại nhục nhã của Trung Hoa mà tới giờ vẫn còn gây phẫn uất, và trong quá trình sắp xếp lại trật tự khu vực Đông Á trong điều kiện có lợi cho Nhật Bản – một phiên dịch tiếng Nhật "xuất sắc" người Trung Hoa, người nhiều năm trước đã từng là bạn học của thủ tướng Nhật Bản khi ấy, giải thích cho người bạn cũ của ông về những gì đã xảy ra: "Ông thấy đấy, thời niên thiếu, chúng ta là bạn học, còn bây giờ ông là thủ tướng Nhật Bản, và tôi là phiên dịch Trung Hoa."

Nhưng một người luôn giỏi trích dẫn như Dreyer lại cho chúng ta thấy, ngay cả khi thất bại, một học giả-quan chức của Trung Hoa vẫn nhận xét rằng: "Những người Nhật man rợ sống trên các đảo, có tính khí khó hiểu và nhỏ mọn hẹp hòi. Trái tim của họ như chó rừng, chó sói, và mang trong mình nọc độc như ong và bọ cạp."

Quan điểm này vẫn còn rất phổ biến. Sự tàn bạo của Nhật Bản trong Thế chiến II là những ký ức tai hại mà nếu Tokyo phủ nhận hoặc thừa nhận chưa thích đáng, hàng trăm sinh viên Trung Hoa sẽ đổ ra đường phố biểu tình, thậm chí ở cả Nhật Bản. Luôn có những phản ứng giống nhau mỗi khi quan chức Nhật Bản tới thăm một ngôi đền thờ tử sĩ, một vài người trong số họ còn được gọi là "tội phạm chiến tranh", mặc dù Nhật Bản biện minh rằng, vào thời điểm đó không có khái niệm về tội ác chiến tranh.

Theo Dreyer, tương tự như vậy, nếu các quan chức hoặc dân thường Nhật Bản có lên tiếng chỉ trích hành động của Trung Hoa ở Tây Tạng, hoặc thậm chí là vụ thảm sát Thiên An Môn – được mô tả một cách kỳ quặc theo thuật ngữ của Đảng Cộng sản Trung Hoa là một "sự cố" – thì ngay lập tức, Trung Hoa bày tỏ sự bất mãn và rồi phản ứng thông thường của Nhật Bản lại là rút lui khỏi cuộc đấu khẩu, như Dreyer sẽ chỉ cho chúng ta thấy trong nghiên cứu không thể không nhắc tới nếu muốn tìm hiểu sự đối đầu dai dẳng, đầy thù địch và đôi khi có bạo lưc giữa hai quốc gia này.

Minh Thu
timeshighereducation

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc