Từ người yêu gấu trúc thành võ sĩ nhà nghề

Từ nhiều năm qua, quan điểm của Pillsbury luôn phù hợp với Đồng thuận Washington: Trung Quốc, với sự giúp đỡ của Mỹ, sẽ trở thành một cường quốc ôn hòa. Nhưng giờ thì không vậy nữa.
bài điểm sách của Howard W. French
Cập nhật ngày 26 tháng 2 năm 2015

Trong suốt những năm đầu của sự nghiệp trong lĩnh vực quốc phòng và
tình báo, Michael Pillsbury, giống như cách ông giờ đây đặt tên, là “người ôm gấu trúc”(người có cái nhìn lạc quan về mối quan hệ với Trung Quốc). Ông từng có cái nhìn nhất quán và tích cực về tương lai của Trung Quốc và về lợi ích sau đó Mỹ sẽ dành được vì đã giúp Trung Quốc hồi sinh—một viễn cảnh phù hợp với Đồng thuận Washington bấy lâu nay. Trong cuốn The Hundred-Year Marathon ("Cuộc đua trăm năm”), ông viết: "Chúng ta tin rằng viện trợ cho một đất nước Trung Quốc yếu thế, nơi lãnh đạo có cùng chung cách nghĩ với chúng ta, sẽ giúp Trung Quốc trở thành một cường quốc dân chủ và hòa bình, không hề tham vọng thống trị khu vực chứ chưa nói đến toàn cầu."

Nhưng giờ thì không vậy nữa. Pillsbury kế luận "Nhìn lại, thật đau lòng là tôi đã quá cả tin."

Pillsbury - nguyên là trợ lý chính sách của Bộ trưởng quốc phòng dưới thời chính quyền Tổng thống Reagan, đã quay ngoắt 180 độ kể từ những năm 1990, khi nền chính trị Trung Quốc chuyển hướng mạnh mẽ sang chủ nghĩa dân tộc sau biến cố Thiên An Môn. Cuối cùng, ông trở thành một trong những người đưa tin hăng hái và đôi khi ầm ĩ nhất về mối đe dọa Trung Quốc đặt ra cho Mỹ. Cuốn "Cuộc đua trăm năm”: Chiến lược
bí mật của Trung Quốc nhằm thay thế Mỹ để trở thành siêu cường toàn cầu" là một cuốn sách đầy nỗi lòng của "kẻ cải đạo". Chia sẻ thẳng thắn, Pillsburry nói, điều làm ông thất kinh nhất chính là phát hiện ra tham vọng muốn trở thành kẻ thống trị thế giới của Trung Quốc đã có từ lâu, ẩn sâu trong gốc rễ văn hóa dân tộc.

Trong hầu hết các ghi chép lịch sử, Trung Quốc là nước có nền kinh tế phồn thịnh nhất thế giới, luôn tự hào về những phát minh đột phá cho nhân loại cùng nội hàm văn hóa phi thường. Hơn nữa, lý tưởng của nước này là sự bá chủ đối với “thiên hạ” (tianxia), theo cách nói của bậc đế vương, trong một hệ thống quốc tế dựa trên triều cống.

Tất nhiên, thế giới quan này đã sụp đổ trong thế kỷ 19 với việc châu Âu áp đặt chủ nghĩa đế quốc trên toàn châu Á. Nhưng Mao Trạch Đông chỉ mất chưa tới một thập kỷ cầm quyền đầy kinh hoàng để tái hiện nền văn minh của mình, đấu với Mỹ đến cùng trên bán đảo Triều Tiên, lập mục tiêu ngay lập tức vượt Vương quốc Anh về kinh tế—tuy nhiên kết cục thật thảm họa—và táo bạo đối đầu nước đàn anh cũ là Liên Xô.

Theo lời kể của Pillsbury, Mỹ đã lơ là và tự mắc bẫy của người kế nhiệm Mao — Đặng Tiểu Bình, cũng chính là người đã phỉnh phờ Mỹ giúp đào tạo hàng ngàn nhà khoa học Trung Quốc dưới thời tổng thống Carter, trong thời gian mà ông gọi là "sự xuất hiện ồ ạt nhất kỹ nghệ khoa học công nghệ của Mỹ trong lịch sử." Đến thời Tổng thống Reagan và Tổng thống Bush là sự hợp tác trong quân đội và tình báo, điều được Pillsbury ủng hộ, bao gồm việc cung cấp cho Trung Quốc những thông tin chi tiết về hai kẻ thù lớn của nước này vào thời điểm đó, Liên Xô và Việt Nam, và việc kết thúc lệnh cấm vận kinh tế lâu dài của Mỹ. Đúng như mong đợi, Đặng Tiểu Bình đã hoàn tất quá trình này với sự nhạy bén một cách thực dụng và phong cách quyến rũ không câu nệ, điều đã giúp ông lên bìa tạp chí Time — cũng như chiếm một chỗ trong lòng những nhà tư bản đang mơ ước về thị trường Trung Quốc rộng lớn và đầy ắp tiềm năng.

Nhiều năm sau thời Đặng Tiểu Bình, câu nói "thao quang dưỡng hối” (ẩn mình chờ thời) gắn với vị cựu "lãnh đạo tối cao" này vẫn là cách Trung Quốc dùng để xoa dịu các nhà quan sát phương Tây. Có vẻ, đội ngũ ở Washington, bao gồm cả tác giả, đều hiểu ý nghĩa câu nói này là Trung Quốc không thấy phải thách thức phương Tây trong bất kỳ hoàn cảnh nào và quả thực có thể sẽ không bao giờ làm vậy.

Giờ đây tác giả mới nhận ra rằng câu tuyên bố của Đặng Tiểu Bình thực chất là một lời kêu gọi tự trau dồi và rèn luyện, nhằm giúp Trung Quốc vượt qua bất kỳ vật cản nào trên con đường khôi phục sự “vĩ đại”. Như lời kể của Pillsbury, câu nói này có trong một tuyển tập về thuật trị quốc có từ thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên, thời kỳ các vùng lãnh thổ của Trung Quốc còn đối địch nhau và đề cao mưu ma chước quỷ trên hết để giành được quyền bá chủ. Hết lần này đến lần khác, Pillsbury thể hiện vốn tiếng phổ thông Trung Quốc lưu loát và khả năng đọc viết thành thạo bằng vô số tài liệu tham khảo phong phú ở thời hiện đại này, để lập luận rằng Trung Quốc coi "thế giới đa cực hiện nay chỉ như một điểm tham chiếu chiến lược trên đường dẫn đến một trật tự toàn cầu mới."

Cốt lõi của chiến lược này là một nỗ lực "tá đao sát nhân" (“mượn dao giết người"), có nghĩa là khai thác sức mạnh của kẻ thù rồi cuối cùng sử dụng chống lại chính kẻ thù đó (giống hấp tinh đại pháp nhỉ :). Pillsbury cũng cảnh báo về cách tiếp cận tương tự khi Washington nhận được tin mật từ gián điệp tại Liên Xô vào đầu những năm 1960, đúng lúc Bắc Kinh và Moscow bắt đầu cuộc chia tay không mấy suôn sẻ. Vì Mao thiếu kiên nhẫn, người Trung Quốc được cho là đã buông tay quá sớm, lãng phí cơ hội để rút cạn các nguồn tài nguyên giá rẻ và công nghệ của Liên Xô. Dưới thời của nhà lãnh đạo mới — Tập Cận Bình, Bắc Kinh đã rất hung hăng, nhưng như Pillsbury cảnh báo: Bắc Kinh quyết tâm ru ngủ Washington cho đến khi rút được tất cả mọi thứ giá trị có thể rút từ xã hội cởi mở này và từ trật tự quốc tế mà Trung Quốc đang góp phần trong đó.

Theo Pillsbury, nước Mỹ quá yếu đuối trước chiến lược này, bởi họ đã luôn đánh giá thấp những quan sát tường tận về Trung Quốc. Ông nói thêm, “tình hình còn tệ hơn, thực ra chúng ta không có chút hiểu biết nào về văn hóa chiến lược của Trung Quốc cả.” Luận điểm thứ nhất có thể được thừa nhận, nhưng khẳng định thứ hai rõ ràng là không đúng sự thật. Lầu Năm Góc, giới học giả và các cơ quan nghiên cứu của Mỹ không thiếu các chuyên gia về văn hóa chiến lược Trung Quốc, từ Alastair Iain Johnston và Roger Ames cho đến M. Taylor Fravel.

Tác giả đã đúng khi khẳng định rằng Trung Quốc, cho đến nay, vẫn là một trong những thách thức lớn nhất đối với vị thế của Mỹ trên trường quốc tế, nhưng ảo tưởng của Trung Quốc rằng nước này đã là bậc thầy trị quốc chỉ dựa vào những cuộc chiến tranh từ 2.500 năm trước được ghi chép lại, cho thấy tình thế này chưa đến nỗi khiến người Mỹ phải làm lớn chuyện. “Nếu chuyện đó thành sự thật, đấy có thể là lợi thế cho chúng ta”.

Phạm Hoan
WSJ

Tags: book

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc