Những bộ óc chiết trung đằng sau sự chuyển mình của châu Á

Trong vài năm qua, Bill Gross, giám đốc quỹ trái phiếu lớn nhất thế giới và là một người nhạy bén thị trường, đã so sánh người Mỹ với Blanche DuBois, cô đào luống tuổi người miền nam trong phim "Chuyến tàu mang tên Dục vọng", khi cô nói rằng mình "luôn dựa vào lòng tốt của người lạ."

Ông Gross lo ngại rằng tương lai nền kinh tế của chúng ta cũng đang dần rơi vào tay những người xa lạ. Ông lưu ý rằng Trung Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia nắm giữ nhiều nhất trái phiếu Kho bạc Mỹ. Các cường quốc châu Á — và, ở một mức độ thấp hơn là hàng xóm của họ như Ấn Độ, Đài Loan và Singapore — đã cho phép chúng ta vung tay quá trán trong một thời gian bởi các quốc gia này đã tốt bụng mua lại núi nợ của chúng ta.

Sau đây chúng ta sẽ biết rõ thêm về các quốc gia này. Đã có thời chúng ta có thể tự mãn chỉ bảo cho họ về cách điều hành nền kinh tế như thế nào. Giờ đây các chủ nợ châu Á lại có thể sai bảo chúng ta.

Nếu bạn quan tâm đến câu chuyện châu Á đã trở thành một con hổ kinh
tế như thế nào, hãy tìm đọc cuốn The Miracle: The Epic Story of Asia’s Quest for Wealth ("Châu Á thần kỳ: Thiên sử thi về hành trình tìm kiếm sự thịnh vượng của châu Á") (Collins Busines), câu chuyện sống động của tác giả Michael Schuman về sự chuyển đổi kinh tế của khu vực này trong hơn 60 năm qua. Tác giả Schuman có hiểu biết rất gần gũi với đề tài này. Ông là phóng viên kinh tế khu vực châu Á của tạp chí Time; trước đó, ông là phóng viên cho tờ The Wall Street Journal ở Hàn Quốc và Indonesia. Ông Schuman không chỉ là một phóng viên lành nghề — ông cũng là một nhà báo kể chuyện đầy tài năng.

Một số người cho rằng văn hóa đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của châu Á. Suy cho cùng, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore đều thấm đẫm văn hóa tự lực Nho giáo.

Cũng không nên xem nhẹ yếu tố chính trị. Chính phủ châu Á thường bảo vệ các công ty được ưu tiên tại nội địa để họ có thể cạnh tranh tốt hơn trên thị trường toàn cầu. Độc giả có nhớ khi Lee Iacocca, giám đốc điều
hành của Chrysler, nổi giận khi ông cho rằng mình không chỉ phải cạnh tranh với "ngài Honda và ngài Toyota", mà còn với cả bộ máy chính phủ Nhật Bản? Ông Iacocca có thể hơi phóng đại một chút nhằm gây chú ý, nhưng ông không hề hoang tưởng.

Tuy nhiên, tác giả Schuman cho rằng các nhà kinh tế đã bỏ qua yếu tố thứ ba trong sự thần kỳ kinh tế châu Á. Ông lý giải rằng kể từ năm 1950, khu vực này đã "may mắn" có được những chính trị gia vô cùng tài năng và những lãnh đạo doanh nghiệp quyết tâm thành công về mặt kinh tế.

Những chính trị gia và lãnh đạo ấy thật ra vốn rất khác nhau. Một số người là nhà độc tài như Park Chung Hee của Hàn Quốc và Suharto của Indonesia; một số khác thì xây dựng lại Chủ nghĩa Cộng sản như Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc.

Ngoài ra, đã có những doanh nhân khởi nghiệp xuất sắc như Soichiro Honda của Nhật Bản, công ty sản xuất ô tô Nhật Bản đầu tiên mở nhà máy ở Mỹ; Stan Shih của Đài Loan, người sáng lập công ty máy tính Acer; và Azim Premji của Ấn Độ, một trong những người giàu nhất thế giới bằng cách đi tiên phong trong ngành công nghiệp gia công phần mềm.

Cuốn "Châu Á thần kỳ" sẽ được phát hành vào ngày 30 tháng 6, là câu chuyện về những đại gia Gatsby của châu Á và nhiều điều khác nữa. Và không phải tất cả họ đều là thánh nhân. Vài người trong số đó đã cho hoạt động những xưởng gia công bóc lột gây nhiều tranh cãi. Những người khác thì đàn áp đối thủ khác ý thức hệ. Nhưng, tác giả Schuman viết rằng, "tất cả họ đều chia sẻ mục tiêu chung là: đưa người dân thoát khỏi đói nghèo, xây dựng nền kinh tế phát triển mạnh trong bối cảnh chiến tranh tàn phá, xây dựng quốc gia mới từ các thuộc địa bị phân tách, đưa châu Á vào đúng chỗ của mình trên trường quốc tế."

Tác giả Schuman khiến người đọc khó mà không ủng hộ hầu hết các cá nhân đáng chú ý ấy.

Ông kể lại bản thân mình đã kinh hãi thế nào khi lần đầu tiên ông đến thăm Ấn Độ vào năm 1991 và chứng kiến mọi người đánh răng trong dòng nước bẩn thỉu của sông Hằng. Giờ đây ông say sưa kể lại cách châu Á "những người vốn sẽ mãi ngập gối sâu trong cánh đồng lúa lầy lội, sống trong những túp lều tranh với chế độ ăn chỉ đủ qua ngày giờ đây làm việc trong những tòa nhà chọc trời bằng kính và thép có điều hòa không khí, sống xa hoa trong những tòa cao ốc với tủ lạnh chất đầy đồ ăn và nhâm nhi những chén cà phê cappuccino Starbucks."

Nhưng sự thịnh vượng của châu Á đã khiến chúng ta phải trả giá, và cuốn sách không bàn đầy đủ về điều này. Tác giả Schuman cho rằng điều thần kỳ của châu Á cũng mang lại lợi ích cho người Mỹ. Ông chỉ ra rằng nhờ vào phép lạ ấy mà chúng ta có thể mua được quần jean giá rẻ tại Wal-Mart. Ông cho rằng hiện giờ chúng ta có quan hệ tốt với Trung Quốc do hai nền kinh tế đang thắt chặt với nhau.

Ông Gross lại đưa ra một luận điểm tinh tế hơn. Một số các quốc gia trong số đó đang bỏ vốn bù thâm hụt của chúng ta và cung cấp cho chúng ta rất nhiều hàng hóa sản xuất sang trọng giá rẻ. (Bạn nghĩ ai đang lắp ráp những chiếc iPhone cho Apple? Là người Trung Quốc, tất nhiên rồi).

Đúng vậy, là do chúng ta tự chuốc lấy. Nhưng giờ đây khi Mỹ đang gắn chặt với Trung Quốc và Nhật Bản, tại sao chúng ta lại nghĩ họ sẽ đối xử nhẹ nhàng với chúng ta? Nếu các ông chủ châu Á đang sở hữu trái phiếu Mỹ bắt đầu bán các khoản nợ của chúng ta, thì tình hình nước Mỹ thậm chí còn tồi tệ hơn bây giờ rất nhiều. Cuốn sách bỏ qua điều này.

Hãy nhớ rằng Blanche DuBois rõ ràng đã lao đầu vào rắc rối ở phần cuối phim "Chuyến tàu mang tên Dục vọng." Đó là điều sẽ xảy đến khi bạn dựa vào lòng tốt của người lạ. Hy vọng chúng ta sẽ không có số phận tương tự. Nếu không, chúng ta sẽ cần điều thần kỳ của riêng mình để có thể tồn tại.

Quỳnh Anh
NYTimes

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc