Lịch sử kinh tế Mỹ: Gia tốc

Vì sao tăng trưởng kinh tế vọt lên ở Mỹ trong những năm đầu thế kỷ 20, và vì sao nó sẽ không sớm tăng trở lại.

Ngày 20 tháng 1, những người tự coi mình là tầng lớp thượng lưu của
thế giới sẽ tập trung ở thị trấn nghỉ mát Alpine tại Davos để chiêm ngưỡng "cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư", chủ đề được chọn bởi ông Klaus Schwab, người cầm trịch tại sân khấu Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Cuộc cách mạng này sẽ lớn hơn hết thảy những gì thế giới đã chứng kiến trước đây, ông cho biết. Đây sẽ là một cơn sóng thần nếu so với những cơn gió trước đó. Và sẽ gây ra nhiều rắc rối hơn. Nó sẽ liên thông nhiều hơn; thực chất, cuộc cách mạng sẽ diễn ra "bên trong một hệ sinh thái phức tạp". Cuộc cách mạng sẽ không chỉ thay đổi những việc con người làm mà còn thay đổi chính bản chất con người.

Bất kỳ ai thấy hứng thú với ý kiến này hãy đọc cuốn sách mới rất tuyệt vời của Robert Gordon. Là một nhà kinh tế học người Mỹ giảng dạy tại Đại học Northwestern, tác giả Gordon từ lâu đã nổi tiếng trong giới học thuật do thúc đẩy ba lập luận công kích vào niềm tin của đa số. Thứ nhất là cuộc cách mạng internet đã bị thổi phồng. Thứ hai là cách tốt nhất
đánh giá mức độ thổi phồng là nhìn vào những thập kỷ sau cuộc nội chiến, khi nước Mỹ biến đổi nhờ các phát minh như xe có động cơ và điện. Thứ ba là thời hoàng kim của sự tăng trưởng Mỹ có thể đã qua.

Trong cuốn The Rise and Fall of American Growth ("Sự thăng trầm của tăng trưởng kinh tế ở nước Mỹ"), tác giả Gordon hướng tới độc giả bình dân—và ông viết với phong cách tự tin đặc biêt, củng cố các lập luận của mình bằng nhiều ví dụ sinh động cũng như các dữ liệu kinh tế lượng, trong khi vẫn thận trọng về tác động của thay đổi kinh tế đối người dân Mỹ bình thường. Ngay cả khi lịch sử đổi hướng, và thuyết thăng-trầm của ông Gordon có vẻ sai, cuốn sách này vẫn sẽ tồn tại như một sự tái hiện tuyệt vời về đời sống vật chất ở Mỹ trong thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa tư bản công nghiệp.

Các cuộc cách mạng công nghệ những năm cuối thế kỷ 19 đã thay đổi thế giới. Không thể nhận ra cuộc sống của người Mỹ thời kỳ trước đó. Ý niệm của họ về tốc độ được xác định bằng ngựa. Nhịp điệu hằng ngày được quyết định bằng chuyển động của mặt trời. Nhiệm vụ cơ bản nhất hằng ngày—lấy nước để tắm hoặc giặt quần áo—là công việc chân tay vô cùng vất vả. Như tác giả Gordon cho thấy, một loạt các cuộc cách mạng đã thay đổi mọi khía cạnh của cuộc sống. Phát minh ra điện mang lại ánh sáng cho buổi tối. Phát minh ra điện thoại đã giết chết khoảng cách. Việc phát minh ra điều General Electric gọi là "đầy tớ chạy bằng điện" đã giải phóng phụ nữ khỏi gánh nặng việc nhà. Tốc độ thay đổi cũng rất đáng chú ý. Trong khoảng 30 năm từ năm 1870 đến năm 1900, các công ty đường sắt xây thêm 20 dặm đường mỗi ngày. Bước sang thế kỷ mới, Sears Roebuck, công ty đặt hàng qua thư thành lập năm 1893, hoàn thành 100.000 đơn đặt hàng mỗi ngày từ cuốn ca-ta-lô dày 1.162 trang. Giá xe giảm mạnh 63% từ năm 1912 đến năm 1930, trong khi tỷ lệ hộ gia đình Mỹ sở hữu một chiếc xe tăng từ 2% đến 89,8%.

Mỹ nhanh chóng đi trước phần còn lại của thế giới trong hầu hết tất cả các công nghệ mới—như tốc độ của một đầu máy so với tốc độ như ốc sên của châu Âu, theo lời Andrew Carnegie. Năm 1900, người Mỹ có số điện thoại trên đầu người gấp bốn lần người Anh, gấp sáu lần so với người Đức và 20 lần so với người Pháp. Chỉ riêng thành phố Chicago của Mỹ có tới gần một phần sáu lưu lượng giao thông đường sắt toàn thế giới đi qua. Ba mươi năm sau người Mỹ sở hữu hơn 78% xe ôtô toàn thế giới. Cho đến năm 1948 người Pháp mới tiếp cận được xe ôtô và điện như người Mỹ đã có từ năm 1912.

Cuộc Đại suy thoái đã một phần làm chậm đà nước Mỹ. Nhưng khu vực tư nhân tiếp tục đổi mới. Theo một số tính toán, những năm 1930 là thập kỷ có năng suất cao nhất về số lượng phát minh và sáng chế được cấp tương ứng với kích cỡ của nền kinh tế. Chính phủ Franklin Roosevelt đầu tư vào năng lực sản xuất bằng Cơ quan phát triển kinh tế khu vực Thung lũng Tennessee và đập Hoover.

Thế chiến II đã chứng minh sức mạnh đáng kinh ngạc của cỗ máy sản xuất nước Mỹ. Sau năm 1945, Mỹ củng cố tính ưu việt toàn cầu của mình thông qua việc xây dựng một trật tự thế giới mới, với Kế hoạch Marshall và các định chế Bretton Woods, và đổ tiền vào giáo dục đại học. Những năm 1950 và 1960 là thời kỳ vàng son thịnh vượng đến mức ngay cả những người chỉ học xong trung học cũng có thể có một công việc ổn định, một ngôi nhà ở ngoại ô và chế độ hưu trí an toàn.

Nhưng giọng văn của tác giả Gordon ảm đạm dần khi đi vào những năm 1970. Bất ổn kinh tế gia tăng khi các công ty nổi tiếng của Mỹ bàng hoàng trước sự cạnh tranh từ nước ngoài, đặc biệt là từ Nhật Bản, và giá nhiên liệu tăng do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng giá dầu. Bất bình đẳng kinh tế gia tăng do nhóm người giàu vượt xa phần còn lại. Năng suất tăng trưởng đã giảm: từng đạt bình quân 2,82% mỗi năm từ năm 1920 đến năm 1970, sản lượng mỗi giờ giữa năm 1970 và năm 2014 tăng với tỷ lệ hàng năm không quá 1,62%. Nước Mỹ ngày nay phải đối mặt với những cơn gió ngược rất mạnh mẽ: dân số lão hóa, chi phí chăm sóc sức khỏe và giáo dục tăng cao, gia tăng bất bình đẳng và tệ nạn xã hội.

Liệu có cơ hội nào để đất nước khôi phục động lực đã mất? Tác giả Gordon không có thời gian cho những người tin vào thế giới công nghệ không tưởng với ý nghĩ rằng cuộc cách mạng thông tin sẽ cứu rỗi nước Mỹ khỏi "sự trì trệ kinh niên". Thái độ của ông với cuộc cách mạng công nghệ thông tin (CNTT) cũng tương tự như của Peter Thiel, nhà đầu tư mạo hiểm, người nổi tiếng với câu nói: "Chúng ta muốn xe bay được nhưng thay vào đó chúng ta có 140 ký tự." Nước Mỹ đã thu hoạch hết thành quả của cuộc cách mạng CNTT. Tốc độ tăng trưởng tăng lên mỗi năm trong thập kỷ sau năm 1994, nhưng đà tăng không kéo dài được bao lâu và đã giảm trở lại kể từ đó.

Hiện nay tác giả Gordon cho rằng định luật Moore đang bắt đầu lu mờ dần và nền kinh tế mới đang trở thành ảo ảnh. Có thể hiểu được khi Gordon không mấy để ý đến những người kiểu Davos vốn không hiểu gì về lịch sử: ngay từ đầu xe không người lái sẽ chẳng thể thay đổi thế giới là bao so với phát minh xe hơi. Chắc chắn Gordon cũng đúng khi cho rằng nước Mỹ phải đối mặt với những thách thức lớn bất thường trong tương lai.

Tuy nhiên, tác giả đi quá xa khi xem thường cuộc cách mạng CNTT hiện nay. Nửa đầu cuốn sách rất xuất sắc, nửa sau có thể hơi gây thất vọng. Tác giả Gordon xem nhẹ khả năng CNTT thay đổi cuộc sống của con người và ông không nói nhiều về mức độ trí thông minh nhân tạo sẽ củng cố điều này. Ông cũng không chấp nhận mức độ mà, nhờ công nghệ in 3D và kết nối internet mọi vật, cuộc cách mạng thông tin đang lan rộng từ thế giới ảo đến thế giới vật chất thực. Tác giả Gordon có thể đúng khi cho rằng cuộc cách mạng CNTT sẽ không khôi phục lại tốc độ tăng trưởng kinh tế như nước Mỹ từng chứng kiến. Chỉ có thời gian mới có thể trả lời. Nhưng chắc chắn ông đã sai khi đánh giá thấp mức độ cuộc cách mạng đang làm thay đổi mọi khía cạnh trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Quỳnh Anh
The Economist

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc