Cuộc chiến của kẻ cuối cùng: Ukraine cố thuyết phục Donald Trump không từ bỏ nước này

On the way! Photo courtesy Mark Holloway.

Petro Poroshenko và các đối thủ của ông tranh giành sự ủng hộ của Mỹ chống lại Nga.

Yulia Tymoshenko, cựu Thủ tướng Ukraine và chính trị gia điêu luyện nhất nước này, luôn chú ý đến kiểu tóc của mình. Bím tóc vàng cuốn chặt trên đầu của bà là biểu tượng của cuộc Cách mạng Cam hòa bình vào năm 2004. Trong hai năm rưỡi ngồi tù dưới thời Tổng thống Viktor Yanukovych, kẻ tham nhũng được Nga hậu thuẫn, bà đã thả mái tóc xuống.

Khi ra tù sau cuộc cách mạng Maidan vào năm 2014, nhiều người dân Ukraina cho rằng thời của bà đã hết. Tuy nhiên, bà Tymoshenko đang lại sẵn sàng chiến đấu. Và vào ngày 03 tháng 2, khi bay tới Washington trong một nỗ lực không hẹn trước nhằm gặp mặt tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, bà đã thắt lại bím tóc của mình. Là chính trị gia Ukraine đầu tiên bắt tay ông Trump, bà hy vọng sẽ được nhìn nhận như thời bà còn là gương mặt chính trị trên truyền hình của đất nước.

Bà Tymoshen đã thành công gặp được ông Trump khi ông tham dự buổi điểm tâm cầu nguyện quốc gia, và có hình chụp bà bám chặt lấy ông Trump. Động thái của bà khiến ông Petro Poroshenko -- tổng thống Ukraine -- tức điên. Nhưng đó là một hành động táo bạo về quan hệ công chúng cho chiến dịch của bà Tymoshenko nhằm cho thấy bà là một nhà lãnh đạo được quốc tế công nhận và để thay thế ông Poroshenko đang nắm quyền. Vài ngày sau đó ông Poroshenko đã có cuộc điện đàm với ông Trump, thảo luận về sự leo thang gần nhất trong cuộc chiến tranh kéo dài giữa Ukraine và Nga.

Cả ông Poroshenko cũng như bà Tymoshenko không chính thức tiết lộ nội dung các cuộc đàm thoại, và các bản tin rất lộn xộn. Một số cho rằng ông Trump đã gọi cuộc xung đột ở Ukraine là một cuộc nội chiến, một công thức được Nga sử dụng. Số khác cho rằng ông Trump đã khẳng định quan điểm của Ngoại trưởng Rex Tillerson, rằng nước Mỹ cần phải cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Có một điều rõ ràng là: Ông Trump và nội các chưa quyết định sẽ muốn làm gì với đất nước Ukraine. Cuộc bầu cử của ông Trump đã đẩy tình hình chính trị của Ukraine vào tình trạng hỗn loạn. Đặc biệt, càng thấy rõ hơn sự bất cập của thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2, thỏa thuận về bản chất là do Nga áp đặt lên ông Poroshenko vào tháng 2 năm 2015. Thỏa thuận ra đời sau sự can thiệp nặng về quân sự của Nga ở miền đông Ukraine vào giữa năm 2014, gây cản trở cuộc tấn công của quân đội Ukraine tái chiếm hai phần ba phần lãnh thổ bị phiến quân ly khai chiếm đóng.

Sau khi quân đội Nga tiến vào, Ukraine không còn nhiều hy vọng. Đã có thời điểm ông Poroshenko phát biểu "Tôi chỉ còn một tiểu đoàn". Năm 2015, "90% của các cuộc đàm phán tại Minsk chỉ đơn giản là về việc ngừng bắn."

Trên giấy tờ, thỏa thuận Minsk đem lại cho Nga gần như tất cả mọi điều nước này muốn: một lãnh thổ tự trị do Nga kiểm soát nằm bên trong Ukraina với lực lượng quân đội, chính quyền và hệ thống tư pháp riêng, và truyền hình Nga thống trị trên các sóng trong khi người đóng thuế Ukraine phải chịu phí. Ukraine bị buộc thay đổi hiến pháp nhằm khiến sắp xếp trên trở thành vĩnh viễn. Với những khó khăn sâu sắc của Ukraine, ông Putin dự kiến nước này sẽ nhanh chóng sụp đổ.

Nhưng không. Trong hai năm qua, cách tiếp cận của ông Poroshenko đối với việc thực hiện thỏa thuận Minsk là "sự trì hoãn", theo báo cáo gần đây của viện nghiên cứu chính sách International Crisis Group. Ông tuyên bố rằng ông không đủ số phiếu để thông qua điều luật theo yêu cầu của thỏa thuận. Điều này đã kéo dài thời gian cho Ukraine xây dựng quân đội và cứu vãn nền kinh tế của đất nước. "Khi tôi lên nắm quyền, chúng tôi không có quân đội, thâm hụt ngân sách khổng lồ, 50% lạm phát và không có tiền", ông Poroshenko nói. "Hiện nay tôi có một trong những đội quân mạnh nhất châu Âu, với kinh nghiệm đặc biệt về cách thức chiến đấu chống lại chiến tranh lai của Nga." Lực lượng sẵn sàng chiến đấu của Ukraine tổng số khoảng 250.000 người, trong đó 60.000 quân được triển khai ở miền đông.

Các trận đánh nổ ra gần thị trấn Avdiivka trong tuần qua được phía Ukraine xem là thành công. Mặc dù bị tàn phá nặng nề do tên lửa Grad của Nga, Ukraine chiếm được lãnh thổ mới trong "vùng xám" do quân ly khai chiếm đóng vi phạm thỏa thuận Minsk. Ukraine phải đối phó với những hậu quả nhân đạo của cuộc chiến đấu, và đã liên lạc hiệu quả với các đại sứ quán nước ngoài và gia đình các quân nhân chiến đấu, theo lời một nhà ngoại giao nước ngoài.

Ukraine vẫn bị tê liệt bởi tham nhũng và chủ nghĩa thân hữu, phần lớn từ nhóm của ông Poroshenko. Nhưng nước này đã thông qua một số cải cách, loại bỏ sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, khơi thông hệ thống ngân hàng và ổn định nền kinh tế. Tuy nhiên, sự đắc cử của ông Trump, người vốn có ý định thực hiện một cuộc trao đổi lớn với Nga, có thể thay đổi tình trạng hiện tại. Nga yêu cầu các thỏa thuận Minsk phải được thực hiện và muốn ông Trump gây áp lực với chính quyền Kiev. Vấn đề là mục đích của Nga đối lập với mục tiêu của Ukraine. Ông Poroshenko và những người ủng hộ nhìn nhận quá trình Minsk là cách bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và đẩy Nga ra khỏi Donbas. Nga xem thỏa thuận nói trên là cách gây bất ổn thêm hoặc khiến Ukraine sụp đổ.

Nga đã xây dựng một lực lượng thường xuyên ước tính khoảng 40.000 người trong các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Ngoài quân ly khai Ukraine lực lượng còn bao gồm, một cách ngấm ngầm, khoảng 5.000 binh sĩ và sĩ quan Nga. Lực lượng này đã xây dựng lại chính quyền địa phương, sửa chữa cơ sở hạ tầng đường xá và loại bỏ một số chỉ huy phiến quân nổi loạn. (Một chỉ huy như vậy, Mikhail Tolstykh, thường được gọi là "Givi", đã bị súng phóng lựu đạn bắn nổ tung vào ngày 8 tháng 2.) Ông Putin hiện giờ hy vọng có thể sử dụng quá trình Minsk để kết hợp chính quyền ly khai vào Ukraine.

Yulia Mostovaya, biên tập viên của Zerkalo Nedeli, một tờ tuần báo độc lập, cho rằng điều này sẽ giống như cấy một tế bào ung thư vào cơ thể của Ukraine. Nga sẽ có quyền kiểm soát một phần cử tri và có thể dẫn đến sự tan rã sâu hơn với đất nước hoặc ít nhất cũng chấm dứt sự ngả về châu Âu của Ukraine. Có thể chỉ là vấn đề thời gian trước khi miền tây Ukraine, vốn chống Nga mạnh hơn miền đông, nổi dậy chống lại sự sắp xếp như vậy. "Nếu chúng ta thực hiện thỏa thuận Minsk theo kiểu này, đồng ý với chế độ liên bang thực sự của đất nước Ukraine, câu hỏi đặt ra sẽ là những người lính của chúng ta đã luôn chiến đấu và hy sinh suốt bao năm qua cho điều gì," bà Mostovaya nói.

Đối với chính quyền Kremlin, đó cũng sẽ là lời biện minh cho việc sử dụng lực lượng quân sự. Ukraine không thể chỉ đơn giản từ bỏ thỏa thuận Minsk. Nếu làm như vậy, đây sẽ được cho là nguyên nhân phá hoại hòa bình, khi đó Mỹ và Liên minh châu Âu có thể dỡ bỏ biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Lựa chọn duy nhất còn lại là đóng băng tình hình, công nhận về mặt pháp lý Donbas là một phần của lãnh thổ Ukraine nhưng cách ly khu vực này khỏi phần còn lại của Ukraine.

Hỗ trợ quốc tế cho Ukraine dường như giảm đi, và có lo ngại rằng đây là dấu hiệu về trao đổi lớn giữa Nga và phương Tây. Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố với ông Poroshenko hồi tuần này rằng không có thỏa thuận nào được thực hiện sau lưng Ukraine. Thế nhưng, vào ngày 7 tháng 2 ông Ernst Reichel, đại sứ Đức tại Ukraina, cho hay sự hiện diện của quân đội Nga tại Donbas không nhất thiết là trở ngại cho việc tổ chức cuộc bầu cử theo đòi hỏi trong thỏa thuận Minsk—lời tuyên bố khiến chính quyền Kiev tức giận, vì theo Kiev thì Nga phải rút quân trước. Trong khi đó, các cố vấn của ông Trump xem tổng thống Ukraine như một công cụ của chính quyền Barack Obama. Ông Poroshenko là bạn của Joe Biden, cựu phó tổng thống của ông Obama. Và tiết lộ của Ukraine rằng ông Paul Manafort, nhân vật cao cấp trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, đã nhận một số tiền lớn từ ông Yanukovych là một trong số những lý do ông Trump buộc phải sa thải ông Paul Manafort.

Ông Poroshenko cũng đang gặp rắc rối ở nước nhà. Tỷ lệ ủng hộ của ông rất thấp, và ông đã mất đi sự ủng hộ của nhiều nhà hoạt động Maidan vốn đã đưa ông lên nắm quyền. Bản thân là một nhà tài phiệt, ông do dự thực hiện các biện pháp cứng rắn chống tham nhũng. Chỉ có cải thiện hệ thống quản trị mới có thể thu hút đầu tư nước ngoài nước vốn rất cần để tăng cường nền kinh tế để đất nước trở nên tự lực. Bà Tymoshenko, đối thủ lâu năm, cho biết ông Poroshenko không phải người thích hợp cho vị trí tổng thống và kêu gọi bầu cử quốc hội mới.

Điều đó sẽ chỉ đẩy đất nước vào một chu kỳ bất ổn chính trị. Đảng Tổ quốc của bà Tymoshenko có thể sẽ đạt được nhiều ghế hơn trong quốc hội. Bà đã từng có cơ hội của mình dẫn dắt Ukraine ngày trước, và cũng giống như ông Poroshenko bà cũng không thể đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng Maidan để biến Ukraine thành một nhà nước châu Âu hiện đại. Nhưng đối mặt với các vấn đề của năm 2017, làm lại kiểu tóc từ năm 2004 không đem tới được câu trả lời.

Quỳnh Anh
The Economist

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc