J.P. Morgan & Co.

J.P. Morgan & Co là ngân hàng đầu tư và thương mại có trụ sở ở Mỹ được thành lập bởi J. Pierpont Morgan và thường được gọi là "House of Morgan" hoặc đơn giản là "Morgan". Ngân hàng này là tiền thân của ba trong số các ngân hàng lớn nhất ở Mỹ và trên toàn cầu, JPMorgan Chase và Morgan Stanley, và Deutsche Bank (qua Morgan, Grenfell & Co.). Năm 2000, J.P. Morgan & Co. sáp nhập với Chase Manhattan Bank và trở thành JPMorgan Chase & Co., một trong những ngân hàng lớn nhất toàn cầu.

Ngày nay, thương hiệu "J.P. Morgan" được sử dụng cho các hoạt động kinh doanh của JPMorgan Chase, bao gồm ngân hàng đầu tư, ngân hàng thương mại và quản lý tài sản. Thương hiệu J.P. Morgan được làm mới lại vào năm 2008 về hình thức truyền thống ban đầu sau nhiều năm mang "biểu tượng Chase ở bên phải dòng chữ "JPMorgan" cô đọng và hiện đại.”

Từ năm 1959 tới năm 1989, J.P. Morgan hoạt động như là "Morgan Guaranty Trust", sau khi sáp nhập với "Guaranty Trust Company" của New York.

Lịch sử
Những ngày đầu
Số 23 Phố Wall. Trụ sở cũ của J.P. Morgan & Co.

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1854 khi Junius S. Morgan gia nhập George Peabody & Co (sau đó đổi tên thành Peabody, Morgan & Co.), một doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng có trụ sở tại London do George Peabody đứng đầu.

Junius tiếp quản công ty, đổi tên thành J.S. Morgan & Co. năm 1864 khi Peabody về hưu. Con trai của Junius, J. Pierpont Morgan, ban đầu thực tập tại Duncan, Sherman & Co. ở New York, sau đó cùng người anh em họ thành lập công ty riêng J.Pierpont Morgan & Co. vào năm 1864. J. Pierpont Morgan & Co. chuyên kinh doanh trái phiếu chính phủ và ngoại hối. Công ty này cũng là đại diện cho công ty của Peabody. Tuy nhiên, Junius coi những vụ đầu tư của Pierpoint có
tính rủi ro rất cao. Vì vậy, Pierpont tìm đến một cộng sự có kinh nghiệm hơn và công ty ban đầu được đặt tên Dabney, Morgan & Co. (năm 1864), sau đó là Drexel, Morgan & Co. (năm 1871). Ở những công ty này, Pierpont tận dụng mối quan hệ với Peabody để kết hợp nguồn vốn tài chính dồi dào của Anh với các công ty công nghiệp phát triển nhanh chóng của Mỹ, chẳng hạn như các công ty đường sắt cần vốn lớn. Drexel của Drexel, Morgan & Co. chính là ông chủ nhà băng ở Philadelphia: Anthony J. Drexel - người sáng lập Đại học Drexel.

House of Morgan
Khi Junius mất năm 1890, Pierpont Morgan thay thế vị trí của cha tại J.S. Morgan & Co. Sau cái chết của Drexel, Drexel, Morgan tái cơ cấu vào năm 1895 thành J.P. Morgan & Co., công ty cuối cùng trở thành một trong những ngân hàng hùng mạnh nhất thế giới và đưa Mỹ từ một nền kinh tế non trẻ thành cường quốc công nghiệp hùng mạnh nhất trên thế giới vào thời điểm đó. Morgan tài trợ việc thành lập tập đoàn U.S. Steel, tập đoàn mua lại sản nghiệp của Andrew Carnegie và các công ty khác, trở thành tập đoàn tỷ USD đầu tiên trên thế giới. Năm 1895, J.P. Morgan & Co. cung cấp cho chính phủ Mỹ số vàng trị giá 62 triệu USD để phát hành trái phiếu và khôi phục lại 100 triệu USD cho thặng dư ngân sách. Năm 1892, J.P. Morgan & Co. bắt đầu tài trợ cho công ty đường sắt New York, New Haven & Hartford Railroad, rồi thực hiện một loạt các vụ mua bán sáp nhập, biến công ty này trở thành công ty vận chuyển đường sắt thống lĩnh thị trường ở New England. 

Ngày 16 tháng 9 năm 1920: một quả bom phát nổ ngay trước trụ sở của J.P. Morgan Inc. tại số 23 Phố Wall, làm 400 người bị thương và 38 người chết.

Được xây dựng vào năm 1914, tòa nhà tại 23 Phố Wall được gọi là "The Corner" và "The House of Morgan". Trong nhiều thập kỷ, tòa nhà này là địa chỉ quan trọng nhất của ngành tài chính Mỹ. Buổi trưa ngày 16 tháng 9 năm 1920, một quả bom đã phát nổ trước cửa ngân hàng, làm 400 người bị thương và 38 người chết. Không lâu trước khi quả bom phát nổ, một kẻ nặc danh đã gửi thư đe dọa tới hòm thư đặt tại giao lộ Phố Cedar và Broadway. Trong thư ghi: "Hãy nhớ rằng chúng tôi sẽ không nhẫn nhịn thêm nữa. Giải phóng các tù nhân chính trị hoặc tất cả các người sẽ chết. Những chiến binh vô chính phủ người Mỹ." Trong khi có nhiều giả thuyết khác nhau về kẻ chủ mưu và động cơ của vụ đánh bom, FBI đành khép lại vụ án vào năm 1940 khi không thể tìm ra thủ phạm sau 20 năm điều tra.

Tài trợ trái phiếu các nước phe Đồng minh trong Thế chiến I
Tháng 8 năm 1914, Henry P. Davison, một cộng sự của J.P. Morgan & Co., đến Vương quốc Anh và thỏa thuận với Ngân hàng trung ương Anh để J.P. Morgan & Co. trở thành nhà bảo lãnh độc quyền cho việc phát hành trái phiếu chiến tranh của Anh và Pháp. Ngân hàng trung ương Anh cũng trở thành đại diện tài chính của J.P. Morgan & Co., và ngược lại. Trong suốt cuộc chiến, J.P. Morgan & Co. cho các nước Đồng minh vay khoảng 1,5 tỷ USD (gần 20,67 tỷ USD ngày nay) để chống lại quân Đức. Ngân hàng này cũng đầu tư vào các nhà cung cấp khí tài cho Anh và Pháp, nhờ vậy thu được lợi nhuận từ hoạt động tài trợ và mua bán giữa chính phủ hai nước châu Âu này.

Đầu những năm 1920, J.P. Morgan & Co. tích cực phát triển các ngân hàng ở Nam bán cầu, bao gồm Ngân hàng Bank of Central and South America.

Đạo luật Glass-Steagall và Morgan Stanley
Năm 1933, các quy định của Đạo luật Glass-Steagall buộc J.P. Morgan & Co. tách bạch hoạt động đầu tư với thương mại. J.P. Morgan & Co. quyết định hoạt động như là ngân hàng thương mại, bởi vì sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929, ngân hàng đầu tư vấp phải tai tiếng và cho vay thương mại khi đó được coi là hoạt động kinh doanh có lợi nhuận và uy tín hơn. Ngoài ra, nhiều cổ đông trong J.P. Morgan & Co. tin rằng chỉ cần có sự thay đổi trên chính trường thì công ty sẽ được tiếp tục kinh doanh chứng khoán song nếu hoạt động ngân hàng bị chia tách thì gần như không thể khôi phục lại.

Năm 1935, sau khi bị cấm kinh doanh chứng khoán trong hơn một năm, ban lãnh đạo J.P. Morgan & Co. quyết định phát triển hoạt động ngân hàng đầu tư. Ngày 16 tháng 9 năm 1935, hai cộng sự của J.P. Morgan & Co., Henry S. Morgan (con trai của Jack Morgan và là cháu nội của J. Pierpont Morgan) và Harold Stanley, thành lập Morgan Stanley với 6,6 triệu USD cổ phiếu ưu đãi không có quyền bỏ phiếu từ các cộng sự khác của J.P. Morgan & Co. Ban đầu, trụ sở chính của Morgan Stanley ở số 2 Phố Wall, cùng khu phố với J.P. Morgan & Co. và các chuyên viên ngân hàng của Morgan Stanley thường xuyên đến số 23 Phố Wall khi kết thúc giao dịch.

Logo của Morgan Guaranty, khoảng năm 1976

Morgan Guaranty Trust
Trong những năm sau khi thành lập Morgan Stanley, kinh doanh chứng khoán phát triển mạnh mẽ, trong khi công ty mẹ được thành lập năm 1940 hoạt động tương đối ảm đạm. Đến thập niên 1950, J.P. Morgan & Co. mới chỉ là một ngân hàng cỡ trung. Năm 1959, để củng cố vị thế của mình, J.P. Morgan & Co. sáp nhập với Guaranty Trust Company of New York để hình thành Morgan Guaranty Trust Company. Hai ngân hàng vốn đã có nhiều mối quan hệ với nhau và có lợi ích bổ sung khi J.P. Morgan & Co. có thương hiệu uy tín, khách hàng và đối tác tốt còn Guaranty Trust có lượng vốn dồi dào. Mặc dù Guaranty Trust có quy mô lớn hơn gần bốn lần J.P. Morgan & Co. tại thời điểm sáp nhập vào năm 1959 nhưng J.P. Morgan & Co. được coi là bên mua và được giữ lại thương hiệu. Các quản lý cũ của J.P. Morgan & Co. trở thành các quản lý chính của ngân hàng sau sáp nhập.

Sự trở lại của J.P. Morgan & Co.

Logo J.P. Morgan & Co. trước khi sáp nhập với Chase Manhattan Bank vào năm 2000

Mười năm sau khi sáp nhập, Morgan Guaranty thành lập J.P. Morgan & Co. Inc., nhưng vẫn tiếp tục hoạt động với tư cách Morgan Guaranty trong suốt thập niên 1980 trước khi trở lại với thương hiệu J.P. Morgan. Năm 1988, ngân hàng một lần nữa bắt đầu hoạt động chủ yếu như là J.P. Morgan & Co.

Cũng trong thập niên 1980, J.P. Morgan & Co. cùng với các ngân hàng thương mại khác đã phát triển sản phẩm dịch vụ trọn gói trong ngành ngân hàng đầu tư, bắt đầu bằng việc phát hành thương phiếu. Năm 1989, Cục Dự trữ Liên bang cho phép J.P. Morgan & Co. trở thành ngân hàng thương mại đầu tiên bảo lãnh nợ doanh nghiệp. Trong những năm 1990, J.P. Morgan & Co. đã nhanh chóng tái xây dựng các hoạt động ngân hàng đầu tư và đến cuối thập niên 1990, là một trong năm tổ chức bảo lãnh phát hành chứng khoán hàng đầu.

JPMorgan Chase

Logo của JPMorgan trước khi thay đổi thương hiệu năm 2008

Cuối những năm 1990, J.P. Morgan & Co. là ngân hàng đầu tư và thương mại lớn nhưng chưa chiếm vị trí thống lĩnh, ngân hàng có thương hiệu hấp dẫn và ảnh hưởng chi phối trong lĩnh vực bảo lãnh phát hành chứng khoán nợ và vốn. Bắt đầu từ năm 1998, J.P. Morgan & Co. công khai thảo luận về khả năng sáp nhập, và ý định hợp tác với các ngân hàng như Goldman Sachs, Chase Manhattan Bank, Credit Suisse và Deutsche Bank AG trở nên rõ ràng. Chase Manhattan đã nổi lên là một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất và phát triển nhanh nhất ở Mỹ nhờ một loạt các vụ sáp nhập trong thập kỷ trước.

Năm 2000, Chase, khi đó đang tìm kiếm một vụ sáp nhập "đình đám" và nâng cao vị thế của mình trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, đã sáp nhập với J.P. Morgan & Co. để tạo thành JPMorgan Chase & Co. Sau sáp nhập, JPMorgan Chase & Co. trở thành một trong những ngân hàng lớn nhất toàn nước Mỹ và trên thế giới, cung cấp đầy đủ hoạt động ngân hàng đầu tư, ngân hàng thương mại, ngân hàng bán lẻ, quản lý tài sản, ngân hàng tư nhân và kinh doanh cổ phần tư nhân.

Phương Thùy
wikipedia english

Tags: book

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc