Người của họ ở Washington

Cuốn sách "In Confidence" ("Đặc biệt tin cậy") của Anatoly Dobrynin
chắn chắn là cuốn tài liệu nhiều tiết lộ nhất được xuất bản ở Nga về 40 năm chiến tranh lạnh. Dựa trên trải nghiệm cá nhân là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, ông Dobrynin tiết lộ động cơ và các tính toán sai lầm của các nhà lãnh đạo Liên Xô từ Nikita Khrushchev cho tới Mikhail Gorbachev. Là đại sứ Liên Xô tại Washington trong suốt 24 năm (1962-1986), ông viết về vai trò của mình như là trung gian hòa giải giữa điện Kremlin và Nhà Trắng trong tất cả các cuộc khủng hoảng chính, bao gồm Berlin, Cuba và vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Không một đại sứ nào khác thời hiện đại đóng góp một phần quan trọng và lâu dài như vậy trong vấn đề quốc tế hoặc sẵn sàng viết về chủ đề này với thái độ tự do như vậy. Giữ chức vụ Bí thư Cục Quốc tế ở Moscow sau nhiều năm ở Washington, cũng giúp ông lý giải vì sao "Liên Xô bất ngờ tan rã chỉ trong vài ngày vào năm 1991."

Tầm quan trọng của vị trí của ông Dobrynin ở Washington so với đại diện các nước khác là không phải bàn cãi. Căn cứ vào mối bận tâm về chính sách đối ngoại của Mỹ với Liên Xô trong thời kỳ ấy, sự quan tâm này đối với ông Dobrynin không đáng ngạc nhiên. "Đây là đất nước có thể quét
sạch chúng ta trong 30 phút," George Shultz viết.

Nhiều người ở Washington nghi ngờ ông Dobrynin, vì sợ rằng ông lợi dụng các mối quen biết chặt chẽ và bảo mật của mình với lãnh đạo Mỹ, chưa kể đến nguồn gốc Slav của ông, để lừa phỉnh họ về các ý định của Liên Xô. Cách ông giành tình cảm của họ là không thể phủ nhận. Là con trai của một thợ sửa ống nước và một người mẹ "về cơ bản không biết chữ", theo như ông kể về bà, ông được đào tạo thành kỹ sư điện và, theo lời kể của Alexander Haig, đã "lọt mắt xanh nhiều phụ nữ ở Washington." Ông chơi cờ vua với Zbigniew Brzezinski, người miêu tả ông là "một chú gấu đáng yêu," nhưng là người "có thể bỗng nhiên trở thành một kẻ khó chơi." Ánh mắt sắc như dao này cũng được nhiều người khác nhận ra. Theo cách nói riêng của mình, ông "chấp nhận hệ thống của Liên Xô với tất cả khiếm khuyết và thành công của hệ thống này."

Ronald Reagan bị ông Dobrynin mê hoặc theo cách nói lên nhiều điều về cả vị Tổng thống cũng như ngài Đại sứ. "Rõ ràng Dobrynin là một đảng viên cộng sản, nhưng tôi không thể không thích ông ấy với tư cách là một con người," ông viết. Phải nói rằng sự nhiệt tình của Tổng thống được đáp lại hoàn toàn bởi ông Dobrynin, người hứng thú với ông Reagan hơn bất kỳ ai trong năm vị Tổng thống mà ông biết.

Ông Dobrynin có ý định dùng cuốn "Đặc biệt tin cậy" làm tư liệu lịch sử và là lời "cảnh báo ngăn chặn bất kỳ sự tái diễn nào những sai lầm đáng buồn của thế kỷ này." Ông thường xuyên phàn nàn về thái độ chống Liên Xô điền cuồng của một số chính trị gia Mỹ, và thấy sai lầm trong quyết định của Mỹ năm 1973, thời điểm xung đột Ả Rập-Israel, khi đưa lực lượng vũ trang vào tình trạng cảnh báo chiến đấu cao. Nhưng với sự thẳng thắn đáng kinh ngạc, ông lên án các nhà lãnh đạo Liên Xô về hầu hết những sai lầm nghiêm trọng trong 40 năm qua.

Khrushchev bị chỉ trích vì nỗ lực đẩy phương Tây ra khỏi Berlin. Đó là một cú lừa phỉnh. Ông ta không có ý định đi đến chiến tranh. Khi ông Dobrynin lần đầu đến Washington làm Đại sứ năm 1962, Khrushchev "rõ ràng nói với tôi rằng tôi phải luôn nhớ chiến tranh với Mỹ là không thể chấp nhận được." Tuy nhiên, trong vòng vài tháng Tổng bí thư đã đe dọa lắp đặt tên lửa tấn công ở Cuba.

Việc Tổng bí thư Khrushchev tin rằng ông có thể hoàn thành quá trình lắp đặt mà không bị Mỹ phát hiện, theo ông Dobrynin, là một "tính toán sai lầm chết người." Mục đích của ông ta là gây sức ép bằng tên lửa với tất cả các thành phố của Mỹ tới tận biên giới với Canada. Cuộc khủng hoảng được giải quyết qua các kênh liên lạc bí mật của ông Dobrynin với lãnh đạo ở Washington và Moscow. Kênh bí mật đó trở thành tuyến liên lạc ngoại giao chính thức giữa Washington và Moscow trong thời kỳ Henry Kissinger là Bộ trưởng ngoại giao dưới thời Tổng thống Richard Nixon. Việc này rất thỏa mãn tính thích bí mật của Nixon, và chắc chắn nó đã góp phần tháo gỡ những nút thắt éo le nhất, tuy nhiên, có thể thấy được qua sự tham gia của ông trong cuộc đàm phán giữa bốn cường quốc, việc sử dụng kênh bí mật rất dễ gây nhầm lẫn và mâu thuẫn.

Ông Dobrynin vẫn sốc trong nhiều năm bởi cách chính phủ của ông lừa dối ông về vấn đề Cuba. Hậu quả lâu dài là cuộc khủng hoảng Cuba đã thúc đẩy chạy đua vũ trang. Hai bên đã chi hàng nghìn tỷ cho đến khi, vào năm 1993, sau những thay đổi sâu sắc tại Nga, đạt được thỏa thuận nhằm giảm hai phần ba sức mạnh hạt nhân chiến lược – xuống mức độ thời Kennedy.

Ông Dobrynin chỉ trích quyết định "ngu ngốc" của Liên Xô khi triển khai tên lửa SS-20 với tính linh động và chính xác cao ở vùng tây Liên Xô, rõ ràng nhằm đe dọa Tây Âu. Hành động này dẫn đến quyết định của Mỹ năm 1979 triển khai tên lửa đạn đạo hai tầng mang đầu đạt hạt nhân Pershing và tên lửa hành trình ở châu Âu, là báo động lớn đối với Moscow. "Tính toán sai lầm tệ hại" của điện Kremlin đã dịch chuyển cán cân hạt nhân sang có lợi cho Mỹ, ông Dobrynin viết.

Một "tính toán sai lầm tệ hại" khác là cuộc xâm lược của Liên Xô ở Afghanistan, hoạt động đối lập của quân đội Nga và dường như không mang bất kỳ mục đích có lợi nào về chiến lược hay kinh tế . Leonid Brezhnev cam đoan với ông Dobrynin vào tháng 1 năm 1980, rằng "Nó sẽ kết thúc trong 3-4 tuần." Trên thực tế, nó đã trở thành "phiên bản chiến tranh Việt Nam của chúng tôi", một "thất bại nhục nhã" "làm rung chuyển chế độ Xô Viết nói chung," ông Dobrynin miêu tả. Ông buồn bực nói thêm rằng cuộc xâm lược đó cũng giúp ông Reagan giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống, và là sự trừng phạt thích đáng cho Jimmy Carter, người đã trắng trợn phóng đại cuộc xâm lược là "mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình kể từ Thế chiến II."

Ông Dobrynin cho rằng phản ứng mềm dẻo của phương Tây đối với cuộc xâm lược Tiệp Khắc năm 1968 đã khuyến khích Moscow tấn công Afghanistan. Điều này tương đồng với Munich 30 năm trước đó, khi sự nhu nhược của Anh và Pháp về mối đe dọa đối với Tiệp Khắc đã khuyến khích Hitler gây chiến với Ba Lan vào năm 1939.

Ông Dobrynin viết nhiều về những cơ hội bị bỏ lỡ trong các cuộc đàm phán vũ khí, nhưng những vấn đề này, chẳng khác nào dự báo thời tiết quá khứ, khó mà hấp dẫn. Ông cũng tiết lộ phần quan trọng trong việc thống nhất nước Đức của Tổng bí thư Gorbachev, người đích thân thực hiện tất cả các cuộc đàm phán. Bộ Chính trị không đồng tình với những gì ông Gorbachev đã làm từ trước cho tới khi đó khi họ biết được hành động của ông. Đặc biệt hơn hết là cách ông Gorbachev ban đầu nhận thức cần phải lồng ghép thỏa thuận về Đức với việc thành lập một cấu trúc an ninh mới cho toàn bộ châu Âu, nhưng rồi từ bỏ kế hoạch lớn này, chấp nhận nước Đức thống nhất và gia nhập NATO mà không hề có bất kỳ điều kiện trao đổi nào.

Trong nhiều năm dưới thời Brezhnev, tổ hợp công nghiệp quân sự của Liên Xô trở nên ngày càng có ảnh hưởng và không điều khiển được, ngay cả với Bộ Chính trị. Điều này dẫn đến chạy đua vũ trang theo hình xoắn ốc, dẫn tới hủy hoại cả quan hệ với Mỹ và "sự phát triển kinh tế và xã hội của chúng tôi." Tuy nhiên, ông Dobrynin bác bỏ ý kiến của những người ủng hộ ông Reagan, rằng vấn đề chạy đua về mặt quân sự với Mỹ, đặc biệt là với "Chiến tranh giữa các vì sao" là giọt nước làm tràn ly dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô. Điều đó có vẻ là do ông không thể chịu được ý nghĩ rằng quốc gia khác có thể có quyết định gây ảnh hưởng đến các vấn đề nội bộ của Nga.

Ngược lại, ông Dobrynin cho rằng, chính ông Reagan đã thay đổi, chấp nhận lập trường "mang tính xây dựng hơn" đối với Liên Xô trong nhiệm kỳ thứ hai, và điều này cho phép ông Gorbachev khởi xướng cải cách. Tuy nhiên, với người quan sát bên ngoài thì không có nghi ngờ gì về việc ngân sách quốc phòng, dù có hay không việc bị thúc đẩy bởi nhu cầu bắt kịp ông Reagan, có liên quan rất nhiều tới sự lạc hướng trong đầu tư và nhân lực kỹ thuật của Liên Xô mà theo ông Dobrynin là sai lầm chí mạng.

Ông Gorbachev nổi bật lên qua lời kể của ông Dobrynin là người chịu trách nhiệm chính cho sự sụp đổ nhanh chóng của đế quốc Liên Xô. Ông ta đã nhận thức đúng rằng thay đổi là cần thiết. Tuy nhiên, ông đã quá vội vàng. "Thất bại cơ bản của ông ta là không thực sự hiểu vấn đề kinh tế và các chính sách để đối phó." Sau khi mở chiếc hộp Pandora về glasnost (công khai), ông ta "ngày càng bất lực khi đối mặt với những vấn đề thực tại."

Trước khi bắt đầu cuốn sách này, người đọc có thể tự hỏi những gì ông Dobrynin viết liệu có phải sự thật. Cuối cùng, không có gì để nghi ngờ ông; đây là phân tích quan trọng về tất cả các vấn đề Đông Tây chủ đạo thời điểm đó, và là phân tích thẳng thắn của ông Dobrynin về sự sụp đổ của ông Gorbachev. "Đặc biệt tin cậy" rõ ràng là một tác phẩm với những tiết lộ mới, hấp dẫn trong lịch sử kín như bưng của Liên Xô.

Quỳnh Anh
NYTimes

5 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc