Mối đe dọa thực sự đối với an ninh quốc gia: Những căn bệnh chết người

Mối đe dọa thực sự đối với an ninh quốc gia: Những căn bệnh chết người
Tác giả: Michael T. Osterholm và Mark Olshaker
ngày 24 tháng 3 năm 2017

Trong khi chính quyền Trump đang đề xuất gia tăng đáng kể chi phí quân
sự để tăng cường an ninh quốc gia, họ dường như đã mất dấu mối đe dọa lớn nhất tới an ninh quốc gia: cuộc chiến chống lại bệnh truyền nhiễm.

Chúng ta đã chi tiêu cho quân sự nhiều hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới. Để giúp chi trả cho các khoản gia tăng đó, Tổng thống Trump muốn cắt giảm nhiều chương trình liên bang, bao gồm cả những chương trình giúp chúng ta chuẩn bị cho cuộc chiến tranh chống lại vi khuẩn, có lẽ là kẻ thù lớn nhất và nguy hiểm nhất mà chúng ta phải đối mặt. Đây chính là nơi “chi tiêu quốc phòng” cần phải tăng lên, và tăng đáng kể.

Tổng thống Trump sẽ cắt giảm 18% kinh phí trong ngân sách dành cho Viện sức khỏe Quốc gia (National Institutes of Health). Điều này sẽ làm
giảm 28% ngân sách của Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (United States Agency for International Development), một cơ quan chủ chốt trong việc ngăn ngừa và ứng phó với sự bùng phát dịch bệnh trước khi chúng tới biên giới của chúng ta. Và việc bãi bỏ Đạo Luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (Affordable Care Act ) sẽ làm sụp đổ Quỹ Ngăn ngừa và Y tế Công cộng (Prevention and Public Health Fund) trị giá hàng tỷ đô-la; Quỹ này cung cấp kinh phí cho các Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention) để chống lại bệnh truyền nhiễm. (Trong khi ngân sách cũng kêu gọi thành lập một quỹ khẩn cấp để đối phó với sự bùng phát dịch bệnh, không có dấu hiệu cho thấy việc này sẽ bù đắp lại những cắt giảm khác, và cũng chưa rõ tiền sẽ lấy ở đâu.)

Những sự cắt giảm như vậy sẽ không giúp bảo vệ người dân Mỹ. Những cắt giảm đó sẽ làm giảm việc nghiên cứu và phát triển vắc-xin và làm giảm khả năng của chúng ta khi ứng phó với các mối đe dọa ngày càng gia tăng của việc kháng kháng sinh và các bệnh truyền nhiễm mới.

Theo một số ước tính, dịch cúm “Tây Ban Nha” trong những năm 1918-1919 đã làm chết nhiều người hơn tất cả các cuộc chiến tranh của thế kỷ 20 cộng lại. Ngày nay, một đại dịch cúm có thể có sức tàn phá lớn hơn một quả bom nguyên tử. Chúng ta đang chứng kiến một đợt bùng phát cúm ở chim - chủng H7N9, ở Trung Quốc - đó có thể là nguồn gốc của đại dịch tiếp theo ở người. Từ tháng 10, hơn 500 người đã bị nhiễm bệnh; hơn 34% trong số đó đã chết. Hầu hết các nạn nhân đã tiếp xúc với gia cầm bị nhiễm bệnh, nhưng ba ổ dịch gần đây dường như có sự lây truyền từ người sang người. Liệu H7N9 có biến đổi để dễ dàng lây lan từ người sang người? Chúng ta không biết. Nhưng nếu không có đủ nguồn cung cấp vắc-xin, chúng ta sẽ không có sự chuẩn bị để chặn đứng nó.

Vi khuẩn kháng kháng sinh cũng đang tiếp tục lây lan ngày càng nhanh hơn. Năm ngoái, theo dự đoán của một đánh giá toàn diện, nếu không được kiểm soát, bệnh nhiễm trùng kháng thuốc sẽ giết chết nhiều người hơn trên toàn thế giới vào năm 2050 so với ung thư và tiểu đường cộng lại. Nếu Hoa Kỳ không dẫn đầu nỗ lực toàn cầu để ngăn chặn việc kháng thuốc lan rộng và hỗ trợ phát triển thuốc kháng sinh mới, chúng ta có nguy cơ quay trở lại một thế giới không có thuốc kháng sinh, ở đó một vết cắt có thể gây tử vong và việc phẫu thuật sẽ không có giá trị gì nữa trước nguy cơ nhiễm trùng.

Sốt vàng da, một bệnh do muỗi lây truyền có thể giết chết đến 50% những người bị nặng, đang ở giai đoạn đỉnh điểm của một cuộc bùng phát lớn tại một số thành phố lớn nhất của Brazil, trong khi MERS - Hội chứng hô hấp Trung Đông - tiếp tục lây nhiễm ở người trên Bán đảo Ả Rập. Nếu không phát triển được một loại vắc xin hiệu quả, căn bệnh này sẽ tiếp tục lây truyền đi khắp thế giới và gây ra sự bùng phát đầy chết chóc giống như cuộc bùng phát đã khiến Trung tâm y tế Samsung ở Seoul không thể tiếp nhận bệnh nhân mới trong nhiều tuần. Một cuộc bùng phát tương tự có thể xảy ra tại phòng khám Mayo Clinic hoặc Bệnh viện Johns Hopkins.

Và ba năm sau cuộc khủng hoảng Ebola năm 2014, chúng ta vẫn chưa có một vắc-xin được cấp phép hay kế hoạch triển khai một loại vắc-xin để ngăn chặn sự bùng phát trong tương lai.

Cuối cùng, vẫn tồn tại mối nguy hiểm của những căn bệnh do những kẻ khủng bố cố ý lan truyền. Bill Gates, người dành nhiều nguồn lực tài chính cũng như trí tuệ của mình cho sức khỏe cộng đồng, đã viết trên Tạp chí Y học New England vào năm 2015: “Trong tất cả những điều có thể giết chết hơn 10 triệu người trên khắp thế giới, có khả năng nhất vẫn là một đại dịch bắt nguồn từ một trong hai nguyên nhân, do tự nhiên hoặc do khủng bố sinh học.” Gần đây hơn, tại Hội nghị an ninh Munich năm nay, khi nói về khả năng bọn khủng bố sử dụng virus, ông lưu ý: “Những con virus có lẽ là thứ duy nhất có thể giết chết một tỷ người.” Ví dụ, tồn tại thứ khoa học có thể tái tạo lại bộ gen của virus đậu mùa từ những nguyên liệu sẵn có trong phòng thí nghiệm, với khả năng nữa là biến đổi virus này vừa đủ để khiến những vắc-xin hiện có của chúng ta vô hiệu.

Quân đội đã tìm ra cách thuyết phục các nhà tài chính ở quốc hội rằng cách duy nhất để duy trì nền quốc phòng là chi tiền trước khi có một cuộc khủng hoảng. Bạn không thể bắt đầu việc phát triển vũ khí và huấn luyện tất cả những người lính sau khi phát bắn đầu tiên đã được khai hỏa. Cách duy nhất chúng ta có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh không thể tránh khỏi với vi khuẩn là làm giống như vậy – chuẩn bị vắc xin và thuốc kháng sinh mới và nguồn nhân lực đã qua huấn luyện trước khi khủng hoảng xảy ra. Chúng ta không thể dựa vào các công ty dược phẩm để tạo ra các loại thuốc và vắc-xin cho các thị trường chưa tồn tại. Chỉ có chính phủ mới có thể làm điều này. Các chi phí tăng thêm sẽ thực sự là kinh tế nếu xét về số người được cứu chữa.

Chúng ta đang nói về an ninh quốc gia ở mức độ tồn tại căn bản nhất.

Michael T. Osterholm là nhà dịch tễ học và là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm bệnh và Chính sách tại Đại học Minnesota. Mark Olshaker là nhà làm phim tài liệu. Họ là tác giả của cuốn sách “Kẻ thù nguy hiểm nhất: Cuộc chiến của Chúng ta với Sát thủ Vi khuẩn” (Deadliest Enemy: Our War Against Killer Germs).

Tuấn Minh
NYTimes

Tags: book

4 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc