Liên minh rắc rối

bài bình sách của Josef Joffe,
31 tháng 10 năm 2008

Đây là một tác phẩm đầy tham vọng và một món hời: 35 USD cho một nghìn trang sách.
Giờ đây những món như vậy rất hiếm hoi, và tham vọng kiểu đó thậm chí còn hiếm hơn: một cuốn sách lịch sử về chính sách đối ngoại của Mỹ từ thời George Washington đến thời George W. Bush. Để có so sánh tương tự, bạn phải quay lại một nửa thế hệ tới cuốn "Breakfast for Bonaparte" (Bữa sáng cho Bonaparte) của Eugene V. Rostow hoặc tới tuyển tập bốn phần (của bốn tác giả) "Cambridge History of American Foreign Relations” (Lịch sử Quan hệ Đối ngoại Mỹ của Cambridge).

Các chuyên gia và người đọc có hứng thú sẽ luôn muốn một cuốn sách như vậy: một kho dữ liệu và thông số cập nhật, dày 5cm đầy ắp sự kiện, thời gian, địa điểm..., ví dụ như, Vận mệnh hiển nhiên bày ra trước mắt. Hoặc, ai là người đầu tiên cảnh báo về "Liên minh rắc rối"? Không, không phải Washington mà
là Jefferson.

Đúng vậy, bạn cũng có thể biết điều đó qua Wikipedia, nhưng sẽ không tìm thấy nó trong bộ sách Lịch sử nước Mỹ do Oxford ấn hành (Oxford History of the United States), trong đó "From Colony to Superpower" (Từ Thuộc địa đến Siêu cường) là tập thứ 7. Và chẳng nhẽ bạn không tin một sử gia lâu năm và là cựu biên tập của tạp chí Diplomatic History hay sao?

Điểm mạnh của cuốn sách này là khả năng tổng hợp "khỏe như vâm" của tác giả. Thời đại của chúng ta là thời đại của sự chuyên nghiệp đến vô cảm — không có giải thưởng lớn nào cho những bao quát lớn như vậy. Tuy nhiên, Herring vẫn vui vẻ tái hiện lại một cách sinh động một phần tư thiên niên kỷ trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Một cách khôn ngoan hoặc thận trọng, ông tránh các bên trong những cuộc tranh luận lớn; như một giáo viên giỏi, ông trình bày "một mặt" cùng với "mặt khác", kèm theo nhiều tài liệu tham khảo.

Tuy cuốn sách thiếu các nghiên cứu mới mẻ, và hiếm khi trích dẫn các nguồn chính yếu, nhưng nó không phải là sách giáo khoa — hay nếu có vậy, nó là một cuốn sách rất chi tiết với khoảng một trăm chú thích cho mỗi chương ngắn và một thư mục dài 31 trang. Nó cũng không phải là một diễn giải, chứ chưa nói đến khả năng gây tranh cãi về lịch sử ngoại giao của Mỹ. Nếu muốn, người đọc sẽ phải đọc “Promised Land, Crusader State” (Miền đất hứa, Vùng đất thánh) của Walter A. McDougall hoặc "Special Providence" (Sự phù hộ của Chúa) của Walter Russell Mead.

Thay vào đó, lập luận của Herring hơi thiếu phương hướng. Từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng, cuốn sách này đều thì thầm một điều: chuyện ta thường nghe về một nước Mỹ biệt lập là hoàn toàn sai lầm. Và nước Mỹ cũng chưa bao giờ tuân theo "quy tắc ứng xử tuyệt vời" như lời Washington đã khuyên trong Diễn văn Từ chức: "có... càng ít liên kết chính trị càng tốt" với châu Âu. Chủ nghĩa biệt lập là một lầm tưởng và một từ gây tranh cãi, chứ không phải một chính sách.

Những người dân thuộc địa cũ không bao giờ có thể thắng được cuộc chiến chống lại người Anh mà không có người Pháp. Khi Jefferson tăng gấp đôi diện tích của đất nước qua việc mua bang Louisiana, ông nhất quyết không thỏa hiệp, để Pháp, Anh và Tây Ban Nha kình chống lẫn nhau. "Thay đổi chế độ" không phải là phát minh của Washington. Trong cuộc chiến kéo dài bốn năm chống lại những kẻ cướp ở Tripoli, Jefferson và Madison đã khởi động "nỗ lực đầu tiên của Mỹ để thay thế một chính phủ thù địch nước ngoài" bằng cách lật đổ ông Pasha và lập chính phủ cho người anh trai lưu vong của ông ta. Người Mỹ có thực sự coi thường chính trị quyền lực như một trò chơi tham nhũng của các ông hoàng bà chúa không? Năm 1851, Ngoại trưởng Daniel Webster thốt lên rằng nước Mỹ cuối cùng sẽ "chỉ huy đại dương, cả hai đại dương, tất cả các đại dương".

Người Mỹ nghĩ rằng Nội chiến là chuyện chỉ của riêng họ; trên thực tế, cả hai bên đều "thừa nhận rằng thành công hay thất bại của họ" phụ thuộc vào "các cường quốc châu Âu." Trong Thời đại Vàng son, giới Cộng hòa mới nổi đã cảm thấy đủ tự mãn (theo lời của The New York Herald) để nói với Anh quốc: "Quý quốc không cần phải bận tâm với mặt biển bên này. Chúng tôi là một nước Anh đủ tốt cho bán cầu này." Tới cuối thế kỷ, những lời ngoa dụ này không có giới hạn. Một "chuyên gia" thời kỳ này từng tuyên bố: "Chúng ta là... một nước Cộng hoà quyền uy vĩ đại được trao sứ mệnh kiểm soát hành động của loài người."

Ngay cả trong thời kỳ hoàng kim của "chủ nghĩa biệt lập" sau năm 1919, mạng lưới ngoại giao Mỹ thực ra càng trở nên dày đặc hơn. Đầu tư trực tiếp vào châu Âu tăng gấp đôi vào những năm 1920; khoảng 1.300 công ty Mỹ đã được thành lập ở đó. Mặc dù Thượng viện bác bỏ việc gia nhập Hội Quốc Liên, các nhà tài chính và các nhà ngoại giao Mỹ vẫn ra tay cứu một châu Âu hậu chiến khỏi thảm họa kinh tế (xem Kế hoạch Young và Dawes).

Một ngụ ý tranh luận khác là mối liên hệ lẫn nhau giữa tất cả những chính sách này. Đây không phải ý kiến nhàm chán vì phần lớn các tài liệu về ngoại giao của Mỹ tập trung vào các khu vực và quốc gia cụ thể. Herring cần mẫn rút ra các ý nghĩa toàn cầu của quan hệ ngoại giao Mỹ. Tuy nhiên, khi chỉ trích chủ nghĩa coi châu Âu làm trung tâm, ông không cân nhắc kỹ. Về giai đoạn những năm 1920, ông than phiền: "Bằng một cách kỳ lạ, gần như siêu thực...thế giới hậu chiến vẫn coi châu Âu là trung tâm." Xem xét những gì xảy ra tiếp theo — Stalin, chủ nghĩa phát xít, Hitler, Thế chiến II — người ta có thể nghĩ, vấn đề có lẽ là quá ít "chủ nghĩa trọng châu Âu".

Và điều này là điềm báo cho một thất bại lớn hơn. "Từ Thuộc địa đến Siêu cường" là một câu chuyện mà không có lý thuyết. Herring tóm lược bao quát lớn về lịch sử mà không đưa ra một ý tưởng (thậm chí 'trung bình') về động cơ của nó; điều này giống như sáng tác nhạc mà không có chủ đề, nhịp độ và cao độ. Những bước tiến định mệnh dẫn tới cuộc chiến với Nhật Bản có khoảng không gian tương tự như các mối quan hệ với Mỹ Latinh.

Tệ hơn, do cuốn sách thiếu khung khái niệm, cuộc tranh đoạt quyền lực kỳ vĩ giữa các quốc gia bị giảm giá trị chỉ còn là chuỗi những rủi ro do con người gây ra. Theo lời kể của Herring, Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ, Kichisaburo Nomura, và Ngoại trưởng Cordell Hull "thường xuyên nói chuyện mà không hiểu nhau" trong giai đoạn trước cuộc chiến. "Họ nói mà không có thông dịch viên, và tiếng Anh hạn chế của Nomura đôi khi khiến ông hiểu lầm về những tiến bộ đã đạt được." Có vốn tiếng Anh tốt hoặc cần có thông dịch viên có vẻ như là bài học ngây thơ rút ra từ câu chuyện này.

Việc cá nhân hoá dễ dẫn tới việc làm xấu hình ảnh người khác, như khi Herring gợi ra cuộc đụng độ hải quân ở Đại Tây Dương 3 tháng trước khi Hitler tuyên chiến để khẳng định rằng "Roosevelt là kẻ cơ hội, đã sử dụng một cuộc tấn công được cho là không có ý gây hấn để leo thang cuộc chiến trên biển" chống lại Đức. Ngạc nhiên chưa, nếu Roosevelt tử tế hơn một chút, ông ấy có thể đã giữ đất nước tránh xa chiến tranh. Và để cho Hitler có được nước Anh và toàn châu Âu?

Tương tự như vậy với Chiến tranh lạnh, Herring luôn nhẹ nhàng quy kết Truman là thủ phạm với những câu ngụ ý như: “Những động thái đầu tiên của ông ấy không thể hiện việc Truman từ bỏ nỗ lực hợp tác với Liên bang Xô viết của FDR. Vậy tức là nói rằng ông đã từ bỏ nỗ lực này? Đúng vậy, 32 trang sau đó: "Những sáng kiến ấn tượng của những năm 1947-1948" ví dụ như kế hoạch Marshall đã "càng làm phân hóa sâu sắc châu Âu".

Đây là một kiểu xét lại lịch sử nhẹ nhàng mà các tác giả như Gar Alperovitz đẩy lên đỉnh điểm vào những năm 1960. Nhưng vấn đề ở đây là cố gắng phân biệt giữa sự ngẫu nhiên và sự cần thiết. Thucydides đã viết về những điểm yếu của các bên trong cuộc chiến Peloponnes, nhưng xét trên một chủ đề bao trùm hơn — quyền lực ở Athen ngày càng mạnh khiến cuộc chiến với Sparta là điều không thể tránh khỏi. Và liên quan đến chiến tranh trong thời hiện đại cũng vậy, với Nhật Bản và Đức quốc xã (nóng) và Liên bang Xô viết (lạnh).

Càng gần đến hiện tại, nền tảng mà Herring dựa vào càng lung lay. Có một số tác phẩm kinh điển mà ông có vẻ như chưa đọc, như “NATO: Liên minh ràng buộc" của Robert E. Osgood, tài liệu chuẩn về xây dựng liên minh trong Chiến tranh lạnh. Hoặc nghiên cứu đồ sộ "The Common Defense" (Cơ chế Phòng vệ chung) của Samuel Huntington. Thật kỳ lạ, ông sử dụng cụm từ "Gulliver's Troubles" (Những rắc rối của Gulliver) làm tiêu đề cho chương về Kennedy và Johnson, nhưng ông không trích dẫn nghiên cứu cùng tên của Stanley Hoffmann.

Tuy cuốn sách này chưa thể thay thế bộ sách của Cambridge, hay vài chục tác giả kinh điển từ Samuel Flagg Bemis tới Norman Graebner, từ George F. Kennan đến John Lewis Gaddis, nhưng chúng ta đã chờ đợi một quyển sách lịch sử có trọng lượng như thế này từ lâu, và "Từ Thuộc địa đến Siêu cường" đáng được đặt trên giá sách, nếu tính đến nỗ lực và khả năng bao quát tuyệt vời.

Minh Thu
NYTimes

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc