Tột cùng hư ảo

bài bình sách của Geoffrey Wheatcroft
3 tháng 10 năm 1993

biên dịch: Văn Hậu, hiệu đính: Tuấn Minh,

Trong tất cả các bi kịch của người Do Thái trong nửa đầu thế kỷ này, không có điều gì lại
đau thương hơn câu chuyện của những người Do Thái Đức. Về số lượng, tuy ít hơn người Do Thái ở Đông Âu (hoặc, sau này, là ở Mỹ), họ đã đóng một vai trò nổi trội trong văn hoá và thương mại Đức sau khi được trao các quyền dân sự vào thế kỷ 19; và hầu hết, họ đều cảm thấy gắn bó máu thịt với nơi mà họ coi là Đất Mẹ này. Nhưng tình yêu đó không được đền đáp. Nước Đức đã tấn công những người Do Thái này, xỉ vả và tẩy chay họ, và cuối cùng là trục xuất và tàn sát họ. May mắn hơn những người Do Thái ở Đức, hàng triệu người Do Thái bị sát hại ở Ba Lan và Nga đã không phải chịu sự đày đọa lương tâm: họ không bị giết bởi một quốc gia và nền văn hóa mà họ rất đỗi yêu mến và luôn mong mỏi là một phần trong đó.

Câu chuyện bao quát về người Do Thái Đức đã hiện thân trong lịch sử gia tộc Warburgs. Theo những gì được ghi chép, ông tổ của gia tộc là Simon von Cassel, người đã định cư tại thị trấn Warburg của bang Westphalia vào thế kỷ 16 dưới sự bảo trợ của Hoàng tử-Giám mục Paderborn. Thế kỷ sau đó, người chắt của Simon đã đi lên phía bắc tới Altona bên ngoài Hamburg, nơi mà một thế kỷ sau người Do Thái mới
được phép sinh sống. Năm 1773, Gumprich Marcus Warburg lập nghiệp tại thành phố Hamburg, nơi gia đình ông luôn thấy đặc biệt gắn bó và cũng là nơi những người con của ông, Moses Marcus và Gerson, đã thành lập ngân hàng M.M. Warburg & Co. vào năm 1798, cùng thời khi Rothschilds đang khởi sự ở Frankfurt. Đây là điểm bắt đầu thực sự cho cuốn sách của Ron Chernow, "The Warburgs" (Gia tộc Warburg). Dài và phức tạp hơn hầu hết các tiểu thuyết thời Victoria -- hay tiểu thuyết "Budden brooks" (Gia đình Budden Brooks), mà đôi chỗ nó có chút tương đồng -- câu chuyện trong cuốn sách này sẽ thách thức trí tưởng tượng của bất kỳ nhà văn nào.

Con gái của Moses Marcus, Sara, cưới người anh họ Abraham Samuel Warburg, và có sáu đứa con. Một trong số đó là Siegmund, một nhà tài chính thiên tài, người đã đưa M.M. Warburg & Co. trở thành một trong những ngân hàng mang tầm cỡ quốc gia. Cả ngân hàng và gia tộc đều phát triển như diều gặp gió trong những năm Wilhelmine Reich, từ năm 1871 đến năm 1918. Những người Do Thái khác ở Đức cũng vậy, phần lớn trong số họ thuộc tầng lớp trung lưu. Làn sóng bài Do Thái lan rộng trong công chúng cũng như trong tâm lý cá nhân ở Đức, nhưng vào thời điểm chuyển giao thế kỷ, Đức vẫn là nước mà người Do Thái có thể sống hòa hợp hơn bất kỳ nước châu Âu nào và cháu trai Max của Siegmund, sinh năm 1867, "là thành viên đầu tiên của gia đình Warburg cho rằng đạo Do Thái sẽ không ngáng trở con đường tham vọng." Nói cách khác -- theo lời Chaim Weizmann -- Max là một trong số những “người Do Thái lai ở Đức, lúc ấy như rơi vào tột cùng hư ảo về cảm giác an toàn và hết sức tự hào về điều đó.

Gia tộc này đã hình thành khuynh hướng thù hận – những trang sử này không ly kỳ giống như những vở kịch nhiều kỳ trên đài giống như vở “Dallas” hay “Dynasty” -- với hai nhánh đối thủ ngay ở Hamburg, nhánh Alsterufer và Mittelweg. Một phần do bị cho ra rìa ở ngân hàng Hamburg, phần do kết hôn với Frieda Schiff, một người Mỹ gốc Do Thái, Felix, em của Max đã chuyển đến Mỹ năm 1895 và mở ra một chương mới trong lịch sử gia tộc. Cuộc hôn nhân này đã đưa Felix vào gia tộc Loeb, và vào trung tâm của giới tinh hoa ngân hàng Do Thái-Đức ở New York, với cổ phần ở ngân hàng Kuhn, Loeb của cha vợ.

Một người em khác, Paul cũng kết hôn với một người phụ nữ của gia tộc Loeb (tài tình của gia tộc trong việc sắp đặt hôn nhân hoàng gia sánh ngang với gia tộc Hapsburg) nhưng ông ở lại Hamburg nhiều năm trước khi theo bước người em tây tiến sang Mỹ. Cả hai đều trở thành công dân Mỹ, và Paul đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử đất nước mới của mình bằng cách đấu tranh cho việc thành lập Hệ thống Dự trữ Liên bang.

Những năm 1920, Felix và Frieda ("Friedaflix" theo cách gọi của gia đình) có địa vị cao trong xã hội New York. Họ thường thết đãi 70 người ăn tiệc tối tại dinh thự của họ ở số nhà 1109 Đại lộ 5, và "thiết triều như là Vua và Nữ hoàng của người Do Thái ở Mỹ", tác giả Chernow dùng lối nói thậm xưng. "Bất kỳ người Do Thái nào dù với kế hoạch điên rồ hay hy vọng bảo trợ" đều đổ xô đến nhà Felix.

Những người anh em của Felix ở châu Âu lại cho thấy khía cạnh hoàn toàn khác trong câu chuyện Do Thái. Aby, một người em khác, trở thành một học giả nghiệp dư xuất sắc, có lẽ là "cá nhân có ảnh hưởng lớn nhất đối với sự phát triển của môn nghiên cứu lịch sử nghệ thuật trong thế kỷ này", và đã sưu tầm được một thư viện rộng lớn. (Thư viện này đã được giải thoát khỏi Hitler và được chuyển đến London.) Giống như một số học giả tự nghiên cứu khác, Aby là người khó tính, và theo một người cháu, ông là "một người tẻ nhạt không thể chịu nổi", thậm chí đến mức điên dại. Aby đã lựa chọn bước vào con đường học thuật mà trong đó chủ nghĩa bài Do Thái đã lan tràn, và điều này đã gây cho ông chứng rối loạn trầm cảm hỗn hợp, lẫn những ý nghĩ tự hắt hủi của người Do Thái.

Trong những năm hỗn loạn thời Weimar và thậm chí sau đó, gia tộc Warburg - giống như rất nhiều người Do Thái Đức – tin rằng lời cảnh báo về phát xít là không có thật. Ông Chernow, tác giả của cuốn "Đế chế tài chính J. P Morgan & Co.", thể hiện nhiều điều nghịch lý mà sẽ rất buồn cười nếu giá như chúng không đầy rẫy đau thương. Năm 1930, Siegmund George Warburg, cháu nội của Siegmund, nói với một người anh họ rằng mặc dù những kẻ phát xít Nazi không có tính người đến đáng sợ, "người ta lại thấy nổi lên trong đó những thứ đáng quý, điển hình là sức mạnh của nước Đức, thực sự đó là các mối quan hệ chính trị đến độ khó tin, nhưng lại cho thấy thứ tình cảm mãnh liệt trên khía cạnh nghĩa vụ xã hội và trách nhiệm quốc gia." Năm 1933, con trai của Max, Eric, nghe tin Hitler đã trở thành Thủ Tướng Đức và đã nói đùa rằng họ nên "cho ông ta đủ dây thừng để tự treo cổ." Năm 1937 (hơn một năm sau Luật Nuremberg) Max đã nâng cốc mừng lễ trưởng thành (bar mitzvah) của một người em họ trẻ tuổi ở ở Berlin: "Hãy luôn nhớ rằng chú là một người Đức."

Cuối cùng, việc cố công phủ nhận bấy lâu này cũng không thể duy trì được trước dòng sự kiện đang diễn ra, khi rõ ràng rằng sức mạnh của dân tộc Đức và các nghĩa vụ quốc gia có thể dẫn đến những nỗi kinh hoàng không thể hình dung nổi. Cùng với các gia đình Do Thái lai giàu có ở Đức và Áo, gia đình Warburg hầu như đều có cơ hội trốn thoát. Đó không phải là lời trách cứ: hàng triệu người khác cũng sẽ trốn đi nếu họ có cơ hội. Nhưng thật mỉa mai thay, những người Do Thái sống sót phần lớn chỉ là những người đã thành công trong việc trở nên giống người Đức hơn người Do Thái. Gia đình Warburg đã từ bỏ những tuân thủ tôn giáo ngặt nghèo vào thế kỷ 19, chi họ Warburg ở Mỹ đã đi theo con đường quen thuộc từ Chính thống giáo đến Tân giáo tới thuyết bất khả tri lâu đời (cũng một phần do hôn nhân nội tộc) và đến cuối thế kỷ 20 thái độ của gia đình này đối với niềm tin truyền đời được thể hiện đầy sinh động ở một người nhà Warburg, người tin rằng Lễ Chuộc Tội Yom Kippur luôn rơi vào một ngày Chủ Nhật trong năm.

Về vấn đề đó, ban đầu gần như tất cả thành viên gia tộc Warburg có chung thái độ thù địch tuyệt đối với Phong trào Phục quốc Do Thái (Zionism) mà nhiều người Do Thái giàu có, được giải phóng đã đi theo vào đầu thế kỷ này. Nhưng một vài thành viên gia đình sau này đã nhượng bộ. Năm 1946, Ngài Siegmund George Warburg, tước danh có được khi ông thành lập một ngân hàng mới ở London sau chiến tranh, là một người không bao giờ theo Phong trào Phục quốc Do Thái và nhấn mạnh rằng tinh thần Do Thái sẽ cất cánh trong cộng đồng người Do Thái di cư; nhưng ngay cả ông đã đứng ra kêu gọi và quyên góp trong giới các ông chủ ngân hàng Do Thái để trợ giúp cho Israel trong cuộc chiến năm 1967, mặc dù mang điển hình phong cách nhà Warburg rằng sự trợ giúp của họ còn phụ thuộc vào việc cải cách tài chính của Israel.

Đôi chỗ, ngòi bút của tác giả Chernow hơi rời rạc khi phác hoạ bối cảnh lịch sử châu Âu hoặc lịch sử nước Anh. Dù vậy, đây vẫn là một câu chuyện hấp dẫn, được kể với niềm đam mê của một nhà văn. Không kể đến những chi tiết hư cấu, câu chuyện rõ ràng có thể sánh với "Vàng và Sắt", cuốn sách năm 1977 của Fritz Stern viết về một tài phiệt ngân hàng Do Thái thời Bismarck, Gerson von Bleichroder. Cuốn sách đồ sồ đó đặt ra một tiêu chuẩn so sánh rất cao, nhưng cuốn sách của tác giả Chernow thật xuất sắc với những nét phong cách riêng.

Đối mặt với những áp lực mà họ gặp phải, gia tộc Warburg không phải lúc nào cũng hành động cao thượng, cũng không phải tất cả họ đều là những nhân vật quỷ quyệt nhưng vẫn có nhiều câu chuyện về sự tàn ác và xấu xa. Đọc cuốn sách của Chernow, người ta nhớ lại câu chuyện tếu của Heine (và lẽ ra ông ấy nên ý thức được) về người Do Thái Đức với "tất cả sự quyến rũ của người Đức và sự khiêm tốn của người Do Thái." Tuy nhiên, ngay cả khi họ không thể công khai tự hào, tinh thần Do Thái ấy có một điều gì đó rất đáng ngưỡng mộ. Thế kỷ 20 đã giáng xuống họ ở cả hai phía; Max Warburg biết rằng "phe cánh tả sẽ tấn công ông vì ông là một nhà tài phiệt ngân hàng, còn cánh hữu cũng sẽ tấn công ông vì ông là một người Do Thái." Bị tấn công, điều mà Max và những người anh em họ không thể nói là "Tội lỗi ư? Hãy cứ tự hào về điều đó." Gia tộc Warburg phát triển trong thời hoàng kim của tự do giao thương, tự do di chuyển vốn, tự do di cư; thời đại của chủ nghĩa quốc tế không ngại ngần. Thời kỳ đó đã chấm dứt vào năm 1914, và được thay thế bằng hệ tư tưởng về chủ nghĩa dân tộc đầy giết chóc và chủ nghĩa độc tài toàn trị. Gia tộc Warburg thuộc về thế giới đã mất của chúng ta, và họ không bao giờ có thể thực sự phục hồi. 
-----
ĐÚNG GIỜ VÀ TIÊU HOANG
Khi Felix [Warburg] gặp [Jacob] Schiff năm 1894, Schiff đã là một ông hoàng ngự trị trên Phố Wall, chỉ sau mỗi J. Pierpont Morgan -- một chiến tích đầy kinh ngạc đối với một người Do Thái nhập cư.... Theo thời gian, khách hàng của Schiff bao gồm Tập đoàn Westinghouse Electric, tập đoàn Western Union, tập đoàn cao su U.S. Rubber và tập đoàn khai khoáng American Smelting and Refining.

Liệu ai có thể hình dung được sự tương phản sâu sắc hơn thế giữa Jacob Schiff và Felix Warburg? Schiff có một bộ râu bạc và đôi mắt màu xanh có thể lấp lánh sự hài hước, nhưng thường xuyên lóe lên sự khinh miệt hoặc phẫn nộ. Ông biết cách tận dụng mọi tố chất của mình để thực hiện mọi nhiệm vụ. Cuộc sống của ông diễn ra với độ chính xác như một chiếc đồng hồ, và là người tận dụng mọi khoảnh khắc thời gian. Mỗi buổi sáng, luôn vào một thời điểm cố định, ông cài một bông hoa vào khuy áo và sải bước rất bảnh bao dọc Đại lộ 5 trong bộ áo khoác và chiếc mũ đội đầu, thấp lùn, đầy phong cách, chải chuốt, bước đi mau lẹ, dáng đi ngay ngắn, và việc đi lại của ông chính xác đến độ các chủ quán đã lấy giờ đồng hồ khi nhìn thấy ông. Về nguyên tắc, ông trả lời tất cả thư nhận được trong ngày....

Ngược lại, Felix Warburg chìm đắm trong khiêu vũ, các bữa tiệc, quần vợt, bơi thuyền, chơi gôn. Felix là người tiêu xài mạnh tay trong gia tộc Warburg, một người sang trọng chải chuốt và phóng đãng, người anh em không hề ngần ngại trong việc phô trương sự giàu có và tiêu khiển. Không giống như Schiff, Felix có thể tự cười nhạo chính mình và nhận thấy sự vô lý nực cười ngay cả trong những tình huống nghiêm túc. Luôn vui tươi, ông thực sự tin rằng cuộc sống này là để được hưởng thụ....

Không lấy gì làm ngạc nhiên khi Jacob Schiff không hề vui vẻ khi biết người con gái duy nhất của ông, Frieda, phải lòng một Felix chơi bời tiêu hoang ở Frankfurt năm 1894.

Nguồn: "Gia tộc Warburg"

Tags: book

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc