"Quảng trường và Tòa tháp"

Cuốn sách "Quảng trường và Tòa tháp" của Niall Ferguson là lịch sử về những người nổi dậy chống lại các nhà cai trị

Niall Ferguson sử dụng bằng chứng thu được từ các nguồn thông tin phong phú hơn rất nhiều so với mức hầu hết các sử gia dám xem xét.

đặt mua sách: tại đây

bài bình sách của David Marquand

Niall Ferguson thuộc về một kiểu người rất hiếm. Ở thời đại chuyên môn hóa trong
học thuật, khi hầu hết các sử gia cống hiến hết mình cho việc nghiên cứu sâu hơn về các chi tiết nhỏ, thì Ferguson lại là một học giả uyên bác. Tác giả coi thường ranh giới phân chia các ngành khoa học, pha trộn kinh tế và khoa học máy tính với các giai thoại bằng phương pháp khái quát hóa sâu rộng. Khi diễn đạt, tác giả tìm cách phá bỏ "sự thống trị của tài liệu lịch sử".

Ông sử dụng bằng chứng thu được từ các nguồn thông tin phong phú hơn rất nhiều so với mức hầu hết các sử gia dám xem xét. Trong hai thập kỷ qua, tác giả đã cho xuất bản nhiều sách trong số lượng lĩnh vực đáng kinh ngạc với nội dung uyên bác và khơi gợi trí tuệ, từ lịch sử tài chính thế giới mang tên 'Đồng tiền lên ngôi', đến nghiên cứu về thế kỷ 20 đẫm máu mang tên Chiến tranh Thế giới.


Tác giả cũng là người viết cuốn tiểu sử về ông chủ ngân hàng Siegmund Warburg, và trong năm 2015 đã cho ra mắt tập đầu tiên cuốn Kissinger, cuốn tiểu sử dự kiến gồm hai tập về chính khách người Mỹ Henry Kissinger, với phụ đề là The Idealist (người lý tưởng hóa/theo chủ nghĩa lý tưởng).

Ở mức độ nào đó, cuốn sách mới 'The Square and the Tower: Networks, Hierarchies and the Struggle for Global Power' (tạm dịch 'Quảng trường và Tòa tháp: Mạng lưới, Tôn ti trật tự và Cuộc tranh giành Quyền lực Toàn cầu') là tổng kết thành tựu trí tuệ trong nhiều năm của tác giả. Cuốn sách dựa trên những kiến thức thu thập được trong các cuốn trước của Ferguson và trên những nghiên cứu được phản ánh trong các cuốn sách đó.

Nhưng nó còn hơn thế nữa. Trên nhiều phương diện, cuốn sách đã đặt ra nền tảng mới. Kết hợp tính táo bạo, phô trương, trí tưởng tượng, học vấn và óc châm biếm, cuốn sách đem tới cách thức mới để nhìn nhận và hiểu được một nửa thiên niên kỷ của lịch sử nhân loại.

Tôn ti trật tự và mạng lưới
Ferguson cho rằng tôn ti trật tự đã là một phần trong tầng lớp loài người từ thời đồ đá mới. Nhưng sau 500 năm kể từ khi Gutenberg phát minh ra máy in và Martin Luther gắn 95 bài luận của mình lên cửa nhà thờ Wittenberg, các hệ thống tôn ti trật tự đã bị thách thức hết lần này đến lần khác bởi các mạng lưới, qua đó những người có cùng quan điểm trao đổi với nhau, độc lập khỏi những người có quyền lực đối với họ. Có khi hệ thống tôn ti trật tự phá vỡ các mạng lưới; có lúc các mạng lưới đã làm suy yếu hệ thống tôn ti trật tự. Nhưng mâu thuẫn giữa hai bên luôn tiếp diễn và là điều không thể tránh khỏi.

Danh sách nhân vật của Ferguson rất đáng kinh ngạc: từ Alan Bennett đến Anna Akhmatova; từ Immanuel Kant tới Josef Stalin; từ người Tây Ban Nha đi xâm chiếm Trung Nam Mỹ Francisco Pizarro, người đã thôn tính Peru nhập vào lãnh thổ rộng lớn của vương quốc Tây Ban Nha, cho tới John Buchan, tác giả của cuốn sách Ba mươi chín bước; từ nhà tài phiệt George Soros đến kẻ phản bội Kim Philby; từ Donald Trump đến Julian Assange; và từ Hillary Clinton cho tới Mark Zuckerberg. Tác giả không chọn những nhân vật dường như khác xa nhau này một cách ngẫu nhiên. Họ, và một số người khác, minh hoạ cho một sự pha trộn phức tạp của những câu chuyện đan xen nhau.

Nhưng bất chấp sự phức tạp trong câu chuyện của Ferguson, lập luận cơ bản vẫn rõ ràng. Mặc dù tác giả không trình bày dài dòng, nhưng nó gợi lại một cách lạ kỳ về Leviathan của Thomas Hobbes. Đối với Ferguson, các mạng lưới có tính sáng tạo hơn nhiều so với tôn ti trật tự. Thành viên trong các mạng lưới gắn bó hơn so với hệ thống tôn ti trật tự họ phải đối đầu. Nếu không có họ, thế giới sẽ là một nơi khắc nghiệt hơn, ảm đạm hơn và tàn nhẫn hơn. Nhưng khi hệ thống tôn ti trật tự đổ vỡ, và các mạng lưới vượt qua hết mọi trở ngại, thì kết quả thường xuyên là một cuộc chiến hỗn loạn tất cả chống lại tất cả — giống như trạng thái tự nhiên theo tư tưởng của Hobbes. Một lần nữa, Ferguson nhắc nhở chúng ta, rằng các mạng lưới chiến thắng đã trở nên hỗn loạn, làm cho các xã hội rơi vào tình trạng đổ máu.

Sự tàn bạo không kiểm soát
Mạng lưới những người Bolshevik phá hủy chính phủ lâm thời tự do của Nga đã nổi lên, lộn xộn và rối loạn, từ Cuộc cách mạng tháng hai năm 1917, mở ra một chế độ tàn bạo không bị kiểm soát, tàn nhẫn hơn chế độ sa hoàng thế kỷ 19. So với cái gọi là Cheka, cảnh sát chính trị được thành lập dưới thời Lenin, vị sa hoàng Okhrana chỉ là một con mèo. Và từ Cheka, đường dây Khủng bố Lớn của Stalin vào những năm 1930 đã diễn ra một cách vô cùng dứt khoát. Hệ thống tôn ti trật tự bóp nghẹt, ngày càng lạc hậu của các sa hoàng đã nhường chỗ cho một trong những hệ thống tôn ti trật tự tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại.

Câu chuyện về các mạng lưới Tin Lành sinh sôi nảy nở do báo in Gutenberg và những ý tưởng cải cách của Luther khác hẳn với câu chuyện Bolshevik; nhưng Ferguson cho thấy giữa chúng có nhiều điểm chung hơn vẻ bề ngoài. Các mạng lưới Tin Lành đối nghịch đã chiến đấu lẫn nhau, thường đi kèm mức độ bạo lực đáng kinh ngạc, trong khi nhóm Phản cải cách Công giáo đáp lại kiểu ăn miếng trả miếng.

Hậu quả đến từ sự nổi lên của các mạng lưới Cải cách, Ferguson đã diễn tả rất xác đáng, là "thực sự khủng khiếp". Những người theo thuyết Calvin chiến đấu với người theo thuyết Luther, trong khi những người theo thuyết Zwingli lại chống lại cả hai phe trên. Nhóm Tái thanh tẩy bác bỏ phép Thanh tẩy cho trẻ sơ sinh, nắm quyền kiểm soát Münster ở Westphalia, và thiết lập một chế độ dân chủ hợp pháp hoá tục đa thê và chuẩn bị cho cuộc chiến tranh với những người vô tín. Trong các cuộc nội chiến ở Anh vào thế kỷ 17, những người thuộc nhóm Fifth Monarch, những người theo Muggleton và các thành viên nhóm Ranters đều phản đối quyền lực của Khối Thịnh vượng chung được thành lập sau khi vua Charles I bị hành quyết.

Trong 500 năm kể từ khi Martin Luther gắn 95 bài luận của mình lên cửa nhà thờ Wittenberg, hệ thống tôn ti trật tự đã bị thách thức bởi mạng lưới những người có cùng chí hướng. Alamy}

Cuối cùng, sự cuồng tín tôn giáo và bạo lực của các mạng lưới liên quan đã nhường chỗ cho cuộc đình chiến không yên ổn với sự chiếm ưu thế của hệ thống tôn ti trật tự, giống như Chiến tranh Lạnh. Cuộc đình chiến đã không dẫn đến hòa bình. Các quốc gia hàng đầu ở châu Âu gây chiến lẫn nhau hết lần này đến lần khác.

Nhà nước Anh là một đế quốc săn mồi thành công đáng kinh ngạc. Nước này đã chiếm Gibraltar và Menorca từ Tây Ban Nha và Quebec từ Pháp. Nhà nước Nga, được hiện đại hóa một cách tàn nhẫn (nhưng không đầy đủ) bởi Pyotr Đại đế, đã chinh phục những vùng đất rộng lớn của lục địa Âu Á và vùng lãnh thổ ngày nay chúng ta gọi là các quốc gia Baltic. Nhưng đó là những cuộc chiến tranh giành lãnh thổ và cướp bóc, chứ không phải vì đức tin hay hệ tư tưởng. Các mạng lưới không có vai trò gì trong đó.

Kinh tế và sự đồng cảm
Con lắc lại chuyển động khi các mạng lưới cách mạng tái xuất vào cuối thế kỷ 18, ban đầu tương đối yên lặng trong Cách mạng Mỹ và sau đó tiếp tục không hề hòa bình ở Pháp.

{Ảnh: Các mạng lưới đẫm máu đã chiến thắng tất cả đối địch trong Cách mạng Pháp.}

Ferguson phân tích các mạng lưới đã thôi thúc Cách mạng Mỹ bằng nền kinh tế và sự đồng cảm phi thường. Tác giả trích dẫn một đoạn dài từ bài thơ “Hành trình của Paul Revere” của nhà thơ người Mỹ Henry Wadsworth Longfellow, tưởng niệm một vị anh hùng cách mạng, và phân tích vai trò của các mạng lưới phức tạp của các hội quán Tam điểm.

Cách tác giả nghiên cứu các mạng lưới tàn bạo hơn từng chiến thắng tất cả phe đối lập trong cuộc Cách mạng Pháp cũng không kém phần ấn tượng. Tác giả nhắc chúng ta nhớ về sự tàn ác của đám đông Paris và về cuộc chiến chống lại các cuộc cách mạng được cho là phản cách mạng ở Vendée. Tuy nhiên, tác giả đồng thời vô tình cho thấy rằng mặc dù các mạng lưới cách mạng Mỹ và Pháp đi theo những hướng khác nhau, họ đều đi đến cùng một đích. Những gì bắt đầu một mạng lưới rồi cũng nhanh chóng trở thành một loại hệ thống tôn ti trật tự.

Cách mạng Mỹ được thực hiện bởi một tầng lớp quý tộc: Chủ sở hữu nô lệ miền Nam, chẳng hạn như George Washington, Thomas Jefferson và James Madison; và các hội thương nhân và nghề nghiệp của New England, điển hình là gia đình Adams. Không hề lật đổ hệ thống tôn ti trật tự, các nhà cách mạng Mỹ chỉ đơn thuần đem hệ thống tôn ti trật tự Mỹ thay thế cho hệ thống xa xôi ở Anh. Hiến pháp mà họ đưa ra sau cuộc Cách mạng, với hệ thống kiểm soát và cân bằng phức tạp, được tạo ra để ngăn chặn chính phủ vì dân, chứ không phải đại diện cho chính phủ ấy. Hệ thống tôn ti trật tự là trọng tâm.

Kết quả phi thường từ cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái, với Trump giành chức Tổng thống mặc dù Clinton giành được nhiều phiếu phổ thông hơn, cho thấy dấu ấn của hệ thống tôn ti trật tự thế kỷ 18 vẫn còn sống tốt dưới hình thức Cử tri đoàn.

Câu chuyện Pháp vẫn vang vọng trong câu chuyện của Mỹ, thậm chí càng ồn ào hơn. Đấu tranh cách mạng – các vụ thảm sát vào tháng 9 năm 1792 và vụ khủng bố Robespierre năm 1793 đến 1794 – đã dẫn tới sự tàn bạo hết sức nhẫn tâm, như dự đoán của các nhà tư tưởng chính trị từ Aristotle tới Hobbes cho tới Edmund Burke.

Nhà độc tài hiện đại đầu tiên
Napoléon, tên "bạo chúa Corsican" theo lời những kẻ gièm pha người Anh gọi ông, là người theo chế độ tôn ti trật tự tuyệt đối. Ferguson rõ ràng có chỗ mềm lòng dành cho ông. Ông là một người tham công tiếc việc, một lữ khách không biết mệt mỏi và là một nhà cải cách triệt để. Tuy nhiên, theo tác giả Ferguson, ông cũng là "người đầu tiên trong số các nhà độc tài hiện đại". Ông đã vẽ lại bản đồ châu Âu, đặt những người họ hàng đáng ngờ lên những ngai vàng nguy hiểm và giành chiến thắng hết trận này tới trận khác. Ulm, Austerlitz và Jena chỉ là một trong số họ. Khải hoàn môn ở Paris, biểu tượng ngoạn mục nhất của vinh quang quân sự ở châu Âu, là một lời nhắc vĩnh viễn về những thành tựu của ông với tư cách một vị tướng.

Ông cũng tự phong làm hoàng đế nước Pháp, và theo lời tác giả Ferguson, đã sử dụng "vương triều Ai Cập, La Mã và Habsburg và biểu tượng" để mang lại tính chính danh cho bản thân và chế độ của mình. Và đó là điểm ông thất bại. Thất bại của ông đã xóa sạch mọi thành công. Bởi vì tính chính danh là điều thiết yếu cho các chế độ theo cấp bậc, Ferguson quả quyết.

Ý nghĩa rõ ràng của những câu chuyện này là quy tắc ổn định và chính danh phụ thuộc vào sự cộng sinh giữa Quảng trường và Tòa tháp của Ferguson: giữa các mạng lưới và các hệ thống tôn ti trật tự. Và nửa thiên niên kỷ lịch sử loài người cho thấy rằng sự cộng sinh vừa cực kỳ khó có thể đạt được và đồng thời vừa rất khó để duy trì.

Phần lớn thế kỷ 16 và 17, mối đe dọa chính đối với sự cộng sinh như vậy xuất phát từ các mạng lưới tôn giáo cuồng tín, không khoan nhượng và khát máu từng phá huỷ Trung Âu. Trong phần lớn thế kỷ thứ 18, 19 và 20, nó xuất phát từ những người theo hệ thống tôn ti trật tự – chẳng hạn những người như Pyotr Đại đế, Napoleon, Lenin, Stalin, Hitler, Mao Trạch Đông, Pol Pot, Kim Il Sung.

Thời đại Internet
Trong những chương cuối mang tính gợi mở xuất sắc, tác giả Ferguson cho thấy bánh xe đã đi trọn một vòng. Mạng lưới tôn giáo điên cuồng của thế kỷ 16 đã phát triển mạnh trong cái tác giả gọi là "kỷ nguyên nối mạng đầu tiên": thời đại bắt đầu bằng sự lan truyền nhanh chóng đáng kinh ngạc của công nghệ in trên toàn châu Âu. Tác giả lập luận rằng ngày nay chúng ta đang sống ở thời đại nối mạng thứ hai. Chúng ta là thời đại Internet, thời World Wide Web của Tim Berners-Lee và những người khổng lồ như Facebook và Google. Sự lan truyền nhanh chóng của thông tin nhờ các trang web này tạo điều kiện cho phép các cá nhân tự thành lập mạng lưới một cách dễ dàng hơn và toàn cầu hơn bao giờ hết – một sự phát triển đang có những hậu quả sâu sắc đối với nền dân chủ từng ổn định hoặc ít nhất là có thể lường trước được.

{Ảnh: Hoạt động trục lợi tô kinh tế thành công của những người siêu giàu như Mark Zuckerberg trở thành nét đặc trưng của đời sống kinh tế trên khắp thế giới phát triển.}

Mặc dù vậy, đó chính là thời đại của chiến tranh trên mạng, đôi khi được thực hiện bởi các quốc gia kiểu tôn ti trật tự, như nước Nga của Vladimir Putin, và đôi khi là các cá nhân nối mạng như Assange. (Hoặc có thể thậm chí cả hai đối tượng đó liên minh với nhau) Sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm ngoái của Mỹ, và có thể là trong cuộc trưng cầu dân ý của Liên minh Châu Âu trước đây vài tháng, là những triệu chứng tồi tệ nhất của thời đại chiến tranh mạng mới, nhưng thật khó để tin rằng đó là những người duy nhất.

Nguy hiểm hơn về lâu dài là tác động của những công nghệ mới này vào lĩnh vực công cộng và về phân phối thu nhập giữa các cá nhân và lãnh thổ. Thời đại Facebook, tweet và điện thoại thông minh cũng là thời đại của troll – những kẻ bắt nạt, vu khống và dối trá.

Chủ nghĩa dân túy cay nghiệt
Đối với nhà kinh tế học người Ấn Độ Amartya Sen, lập luận công khai là nền tảng cho quản trị dân chủ. Các chuyên gia về những gì tác giả Ferguson gọi là "Cyberia" cho rằng thời đại nối mạng thứ hai thực sự là một thời đại lý luận công khai: họ chỉ ra rằng, chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại, người ta dễ dàng liên lạc với nhau như thế. Nhưng lý luận không có nghĩa là kêu gào và la hét. Nó có nghĩa là nghe và suy nghĩ, cũng như trao đổi. Kẻ thù vĩ đại nhất của nền dân chủ đa nguyên hiện nay là chủ nghĩa dân túy cay nghiệt, đầy oán giận đã đưa Trump vào Nhà Trắng và sẽ kéo nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu - EU.

Tuy vậy, trong quá khứ, các mạng lưới nhanh chóng bị thay thế bằng một hệ thống tôn ti trật tự; quảng trường đã trở thành tòa tháp. Điểm đáng kinh ngạc nhất của thời đại nối mạng thứ hai là sự bùng nổ của sự bất bình đẳng. Lợi ích từ mạng lưới, tác giả Ferguson chỉ ra, "chảy cuồn cuộn về những người nội bộ đang sở hữu nó". Thế nên, Google có trị giá 660 tỷ đô la; những người thành lập công ty sở hữu 16 phần trăm cổ phần của công ty. Facebook có giá trị 441 tỷ đô la; người sáng lập, Mark Zuckerberg, sở hữu 28% cổ phần. Zuckerberg và những người đồng hạng không đơn độc. Họ đang trục lợi lớn; và, trong nhiều thập niên, việc trục lợi thành công của giới siêu giàu là một đặc trưng của đời sống kinh tế trong thế giới các nước phát triển.

Câu hỏi lớn cho tương lai là liệu có thể thiết lập một liên minh xã hội của những người bên ngoài theo như tác giả Ferguson để thách thức sự thống trị của giới siêu giàu. Nói cách khác, mạng lưới có thể phản công hay không? Trở ngại là rất khủng khiếp. Tuy nhiên, cần nhớ rằng mặc dù phe nổi dậy thuộc cánh tả Bernie Sanders đã thất bại trong cuộc bầu cử của đảng Dân chủ, ông có thể sẽ thắng vị trí tổng thống nếu cuộc đua diễn ra giữa ông và Trump trong tòa tháp của mình. Chiến dịch dân túy của Sanders có thể sẽ trở thành cánh én đầu tiên của mùa xuân tươi sáng.

Quỳnh Anh
Financial Review

đặt mua sách: tại đây

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc