Dòng tiền bí ẩn

Lịch sử giấu kín của các tỷ phú đứng sau sự trỗi dậy của phái cực hữu cấp tiến
tác giả Jane Mayer

bài bình sách của Alan Ehrenhalt
ngày 19 tháng 1 năm 2016.

Năm 1980 là một năm của hy vọng cho những người bảo thủ ở Mỹ, một
niềm hy vọng đã lụi tàn qua hàng thập niên thất bại liên tục ngay từ cấp cơ sở. Đảng Cộng hòa đã không kiểm soát được cả hai viện trong Quốc hội, hoặc chiếm được đa số trong cơ quan lập pháp tiểu bang, trong suốt một phần tư thế kỷ. Ngay từ năm 1970, hầu hết các thống đốc đều là người thuộc đảng Dân chủ. Không chỉ đảng Cộng hòa phải nhận thua trong các cuộc bầu cử, mà ngay cả những người có quan điểm mạnh mẽ nhất về tư tưởng — "những người bảo thủ theo phong trào", như cách họ thích tự gọi mình — cũng chỉ còn là một giọng nói yếu ớt trong hàng ngũ của đảng Cộng hòa.

Nhưng vào cuối năm đó có hai sự kiện đã xảy ra. Một, như tất cả chúng ta đều biết, là cuộc bầu cử đưa Ronald Reagan lên làm tổng thống. Điều còn lại là một sự kiện hoàn toàn mang tính cá nhân mà ý nghĩa của nó không được chú ý trong nhiều năm. Charles và David Koch, những chủ sở hữu giàu có của một công ty dầu mỏ có trụ sở tại Kansas đã quyết định dành một khoản tiền khổng lồ để bầu những người bảo thủ vào tất cả các cấp chính quyền của Mỹ. David Koch đã chạy đua cho chức phó tổng thống với tư cách là đại diện đảng Tự do (Libertarian) vào năm 1980, nhưng khi chiến dịch kết thúc, ông quyết định không bao giờ muốn làm “đầy tớ nhân dân” nữa. David và anh trai kết luận rằng điều đó sẽ không cần thiết nữa, họ có thể đầu tư vào chiến dịch của người khác, và chủ yếu là để mở ra con đường quyền lực chính trị cho bản thân họ.


Ba mươi năm sau, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2010 đánh dấu sự ra đời của một hệ thống chính trị mà anh em nhà Koch đã phải mất nhiều năm gây dựng. Sau cuộc bầu cử năm đó, đảng Cộng hòa thống trị các cơ quan lập pháp tại các bang; kiểm soát một phần lớn các vị trí hành pháp; chiếm được một viện ở Quốc hội và đang trên đường giành nốt viện còn lại. Có lẽ điều quan trọng nhất là không ít đảng viên Cộng hòa, những người đã giành được những ghế này, không phải là những người theo chủ nghĩa thực dụng trung dung. Họ là những người theo chủ nghĩa tự do và chống chính phủ, một kiểu chính trị của riêng Koch. Hai anh em đã bỏ ra hoặc kêu gọi được hàng trăm triệu đô-la để có được đa số đại biểu phục vụ quyền lợi của họ. Họ đã thành công. Và không chỉ tại các cuộc thăm dò: Họ đã tài trợ và tổ chức một mạng lưới các cơ quan nghiên cứu (think tank), các chương trình học tập và các cơ quan truyền thông đại chúng vượt xa những gì mà phe đối lập tự do có thể tập hợp được.

Đây chính là sự thống trị của phe bảo thủ mà Jane Mayer đã tường thuật lại trong "Dark Money" ("Dòng tiền bí ẩn"). Cuốn sách được viết bằng thứ văn xuôi đơn giản và điềm đạm, nhưng vẫn ẩn chứa sự giận dữ không nói thành lời. Mayer tin rằng anh em Koch và một số nhỏ các nhà tài phiệt đồng minh chính là kẻ đã phá hoại nền dân chủ Mỹ, sử dụng tiền của mình không chỉ để cạnh tranh mà còn phải dìm chết đối thủ chính trị.

Là nhà báo viết cho tờ The New Yorker, Mayer đã dành năm năm đầu tư cho "Dark Money", bắt đầu từ một bài viết về gia đình Koch mà cô được đăng trên chính tạp chí này vào năm 2010. Cả Charles và David Koch đều không muốn nói chuyện với cô, và một số nhân vật quan trọng nhất trong mạng lưới chính trị của họ thì không tiếp cận được. Nhưng Mayer đã tìm được được hàng trăm nguồn tin muốn nói: những người điều phối chiến dịch lâu năm, các đối tác kinh doanh, đối thủ chính trị và học giả chính trị tài chính. Một vài trong số những nguồn này được nêu danh và một số khác thì không, nhưng gói gọn lại, "Dark Money" trở thành một tác phẩm được tường thuật lôi cuốn và chi tiết cặn kẽ.

Đề tài về anh em nhà Koch và số tiền mà mạng lưới của họ đã đầu tư vào nền chính trị Mỹ đã từng được viết rất nhiều trước đây. Điểm nổi bật của "Dark Money" không phải ở những phát hiện mới mẻ và gây sửng sốt mà từ phạm vi và góc nhìn của nó. Mayer viết về thời niên thiếu của những nhân vật chính, nguồn gốc tài sản của họ, những nỗi ám ảnh riêng tư và những điều kỳ quặc, và vai trò mà chiến dịch đó đã tạo ra. Không hề dễ dàng để khám phá những hoạt động bên trong của một hệ thống chính trị bí mật như vậy. Mayer đã gần tới được cột mốc mà có lẽ người khác sẽ sớm chạm tới được trong tương lai gần.

Những gì anh em nhà Koch và các đồng minh đã tạo ra, theo quan điểm của cô, là một ngân hàng chính trị tư nhân có khả năng ban cho những ứng viên nó muốn một số tiền không giới hạn mà hầu như không cần tiết lộ nguồn gốc của nó. Họ đã tạo ra một Đảng Cộng hòa, trong đó các nhà tài trợ, chứ không phải các quan chức được bầu, mới là người quyết định. Năm 2011, khi Chủ tịch Hạ viện John Boehner khát khao có được lá phiếu của đảng Cộng hòa để giúp chính phủ khỏi lâm vào cảnh vỡ nợ, ông đã đến gặp David Koch ở Manhattan để nhờ giúp đỡ. “Dù phải mất nhiều năm,” Mayer viết, nhưng cuối cùng “hai anh em đã trở thành trung tâm quyền lực đối trọng với các lãnh đạo đảng Cộng hòa".

"Dark Money" còn là câu chuyện chi tiết về gia đình Koch — một người cha kỹ sư giàu có nhờ xây dựng nhà máy lọc dầu, cuối đời trở thành một thành viên hay bực dọc của Hội John Birch; câu chuyện về sự thay đổi của Charles và David Koch sang chủ nghĩa kinh tế tự do cấp tiến của Friedrich Hayek và Ludwig von Mises; về cả một thế hệ con cái trong số bốn anh em của gia đình, kết thúc bằng những cuộc chiến pháp lý đau đớn kéo dài hàng năm trời.

Mayer cũng có vài phát hiện hữu ích về những kẻ đã đồng chủ mưu giúp anh em nhà Koch gây dựng ảnh hưởng vượt xa hơn cả vấn đề chính trị trong bầu cử. Richard Mellon Scaife, người thừa kế của ngân hàng Mellon và phần lớn tài sản của tập đoàn dầu mỏ Gulf Oil, là bệ đỡ tài chính cho Heritage Foundation. John M. Olin, với công ty hóa chất của gia đình là kẻ hưởng lợi lớn nhất trong việc mua sắm vũ khí liên bang, giúp những đảng viên bảo thủ vào làm giảng viên tại các trường đại học uy tín. Anh em nhà Bradley, Harry và Lynde, sử dụng lợi nhuận từ việc sáp nhập công ty điện tử của gia đình họ với Rockwell International để bảo đảm một loạt các hoạt động xuất bản và nghiên cứu.

Nhưng mục tiêu chính là giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử và trong cuộc thập tự chinh đó, anh em nhà Koch và các đồng minh đã thu lợi từ một hệ thống luật mà họ không tham gia vào việc ban hành. Một là điều khoản thuộc bộ luật Thuế (Internal Revenue Code) cho phép các tổ chức, công ty thuộc Mục 501(c)(4), được coi như thuộc vào nhóm "phúc lợi xã hội" nhưng được phép tham gia vào bầu cử mà không phải chịu sự kiểm soát. Một tổ chức phúc lợi xã hội như vậy không bắt buộc phải tiết lộ các nguồn tài trợ của mình, và điều khoản này đã mang lại một khoản tiền khổng lồ từ các nhà tài trợ háo hức đóng góp nhưng không muốn lộ diện. Kẽ hở mang tên 501(c) (4) đã xuất hiện kể từ đầu thế kỷ 20, nhưng càng bị nới rộng thêm sau vụ Citizens United với kết quả là loại bỏ hầu như tất cả các giới hạn về doanh nghiệp tài trợ cho chiến dịch bầu cử và cũng như gia tăng tính ẩn danh của hoạt động này.

Tất cả những tổ chức này và các nhà tài trợ đã thúc đẩy cho điều gì, ngoài việc trúng cử của các ứng viên Cộng hòa? Để bắt đầu, đó là niềm tin về thị trường tự do. Charles Koch đã tuyên bố trong những năm 1990 rằng "các nguyên tắc thị trường đã thay đổi cuộc đời tôi và dẫn đường cho mọi thứ tôi làm". Điều đó có lẽ vẫn đúng vào năm 2016 như khi ông nói [gần 30 năm trước]. Niềm tin vào thị trường tự do đi liền với sự hận thù đối với các quy tắc luật lệ, dù ở bất kỳ cấp nào: liên bang, tiểu bang hay địa phương. Charles từng viết: "Chúng ta không nên đầu hàng ngay khoảnh khắc nhà quản lý đặt chân lên ngưỡng cửa nhà. Đừng tự nguyện hợp tác; thay vào đó, hãy phản đối ở bất kỳ điểm nào và vào bất kỳ lúc nào bạn thấy hợp pháp."

Hệ tư tưởng này giúp giải thích một trong những cuộc thập tự chinh quan trọng nhất của Koch trong những năm gần đây: cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Nhóm vận động do Koch tài trợ luôn đi tiên phong trên mặt trận phản đối biến đổi khí hậu trong thập kỷ qua. Khi đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện năm 2011, Quỹ Americans for Prosperity đã vận động các nhà lập pháp ủng hộ một cam kết "không có thuế chống biến đổi khí hậu" và đến thời điểm Quốc hội bắt đầu họp năm đó, 156 thành viên Thượng viện và Hạ viện đã ký.

Quyết liệt như cách bảo vệ ý tưởng về thị trường tự do, anh em nhà Koch cũng hành động ráo riết vì những tư lợi hữu hình, Mayer lập luận. Anh em nhà Koch kiếm tiền từ kinh doanh carbon; họ đã đa dạng hoá nó ngoài sức tưởng tượng trong những năm qua, nhưng một đạo luật thuế cứng rắn đối với carbon có thể tác động đáng kể đến lợi nhuận của họ. Mayer chỉ ra rằng cơ sở dữ liệu EPA chuyên giám định độ độc hại hóa chất đã khẳng định Koch Industries là nhà sản xuất chất thải độc hại lớn nhất nước Mỹ năm 2012. Trong suốt nhiều năm, công ty này hết lần này đến lần khác phải hầu tòa với các cáo buộc vì bất cẩn và đôi khi phạm sai lầm gây chết người trước yêu cầu về không khí và nước sạch. Một số người đã phải trả hàng chục triệu tiền phạt để dàn xếp những vụ kiện này. Anh em nhà Koch và một số thành viên trong mạng lưới của họ rất có thể tham gia chính trị chỉ để bảo vệ toàn vẹn khối tài sản của mình. Về mạng lưới do Koch dẫn đầu, Mayer viết "họ nói hành động theo nguyên tắc nhưng lập trường của họ ăn khớp trơn tru với các lợi ích tài chính cá nhân".

Cô đưa ra một lập luận hùng hồn, dù chỉ có tính chất suy diễn. Đồng tiền chính trị luôn như vậy, không có cách nào dễ dàng để xác định chính xác nơi mà lý tưởng kết thúc và lợi ích cá nhân cùng lòng tham bắt đầu. Các tổ phụ lập quốc đã bị một số nhà sử học buộc tội viết Hiến pháp để bảo vệ tài sản giàu có của họ. Những nghiên cứu sau đó đã bác bỏ được cáo buộc này. Đầu thế kỷ 20, mạng lưới các nhà sản xuất và các ông trùm đường sắt của Mark Hanna đã đầu tư những khoản tiền khổng lồ để thu được mức thuế cao và một chính phủ Cộng hòa ủng hộ doanh nghiệp; họ đã nhận được những gì họ muốn. Khi còn là Chủ tịch Hạ viện trong những năm 1950, Sam Rayburn — theo Tip O'Neill — đã cất hàng chồng tiền mặt của các công ty dầu trong bàn làm việc và phân phát để bảo đảm sự trung thành của những đảng viên Dân chủ ủng hộ. Chính nguồn tiền lỏng lẻo và không được kiểm soát từ các nhà tài trợ giàu có là nguyên nhân khiến vụ Watergate xảy ra.

Có lẽ sẽ có người nói rằng kể từ khi những nhà tài phiệt nắm được đòn bẩy chính trị kể từ khi khai sinh nước Mỹ Cộng hòa, sự tập trung về tư tưởng, tiền bạc và quyền lực như hiện tại chưa phải là một mối nguy. Nhưng nói vậy có lẽ gạt bỏ cảnh báo của Mayer hơi sớm. Hanna đã mua phiếu bầu của các chính trị gia, nhưng ông ta không có bộ sậu tư vấn, một mạng lưới các nhóm gây áp lực trên toàn quốc hay một loạt các chương trình đại học được đặt theo tên ông để tuyên truyền. Giới vận động hành lang của những năm hậu chiến đã biết những gì họ muốn và thường đạt được nó, nhưng đó chỉ là một chương trình nghị sự hạn hẹp bị mắc kẹt trong những yêu cầu hạn hẹp. Và trong nhiều giai đoạn của thế kỷ vừa qua, các đạo luật về vấn đề tài chính trong chiến dịch bầu cử đã hạn chế được, dù không hoàn toàn, các nhà đầu tư giàu có, nhằm mục đích giữ cho quá trình bầu cử được công khai và minh bạch. Dù hệ thống vẫn gây nhiều sai lầm, người ta có thể tự an ủi với ý nghĩ rằng một hệ thống luật định mới một ngày nào đó sẽ có thể mang lại cho công chúng sự giám sát và kiểm soát chặt chẽ hơn. Nhưng sau phán quyết của vụ Citizens United, điều đó dường như không còn là một viễn cảnh thực tế nữa. Chỉ riêng điều này cũng có thể khiến những chỉ trích Mayer từng viết khác xa với những gì từng diễn ra trước đây.

Minh Thu
NYTimes

Dark Money: The Hidden History of the Billionaires Behind the Rise of the Radical Right Paperback – January 24, 2017
by Jane Mayer
576 pages. Anchor. $13.42

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc