Nền kinh tế "cái khỉ gì đây"

ngày 16 tháng 12, năm 2016

Đây là một lĩnh vực phát triển nhanh, đầy sức sống trong nền kinh tế, với
các công ty thường xuyên xuất hiện trên mặt báo: Uber, Lyft, Airbnb, Task Rabbit. Nhưng có một vấn đề nhức nhối: Mọi người không chắc chắn về tên gọi của nền kinh tế đó. Nhiều nhà phê bình không thích thuật ngữ được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, "nền kinh tế chia sẻ" (sharing economy), bởi vì thường không diễn ra nhiều sự chia sẻ theo đúng nghĩa. Những người khác thích gọi đó là nền kinh tế theo yêu cầu, nền kinh tế đồng đẳng, nền kinh tế dựa trên đám đông, nền kinh tế "công việc tạm thời" (gig economy) hay nền kinh tế hợp tác.

Uber, Lyft và các công ty đặt xe trên di động (e-hailing) khác thích gọi họ là "những công ty chia sẻ xe cộ", hàm ý rằng mình là những người hợp tác và không phải chỉ chăm chăm vào lợi nhuận. Các công ty này nói rằng tài xế của họ chia sẻ ôtô với hành khách và sử dụng các ứng dụng để chia sẻ thông tin về vị trí của mình. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu và người trong ngành này khẳng định rằng mô hình kinh doanh đó dường như giống với một doanh nghiệp truyền thống chạy theo lợi nhuận và vô tình sử dụng một ứng dụng hơn là giống với việc chia sẻ.


Rochelle LaPlante, người làm việc cho Mechanical Turk, một nền tảng Internet cho phép mọi người đăng và tìm kiếm các công việc giao khoán, nhìn thấy sự mị dân lấp liếm trong quan hệ công chúng đằng sau thuật ngữ "nền kinh tế chia sẻ". "Có sự trao đổi về tiền bạc", cô nói. "Nó không thực sự là chia sẻ nếu một người phải trả tiền để sử dụng."

Ý của cô ấy là: Nếu bạn đang sống ở San Francisco và bạn muốn lái xe tới Palo Alto và chở theo một người bạn (có thể chia đôi chi phí xăng), đó là chia sẻ xe cộ. Nhưng nếu bạn đi một Uber đến Palo Alto, điều đó có vẻ giống như một chuyến taxi hơn.

Arun Sundararajan, tác giả của cuốn sách mới "The Sharing Economy: The End of Employment and the Rise of Crowd-Based Capitalism" ("Nền kinh tế chia sẻ: Sự cáo chung của việc thuê mướn và sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản dựa trên đám đông") nói rằng mình chọn thuật ngữ đó làm tiêu đề vì có quá nhiều người sử dụng nó. Tuy nhiên, ông Sundararajan, giáo sư Đại học Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York, lại thích thuật ngữ "chủ nghĩa tư bản dựa trên đám đông" (crowd-based capitalism) hơn, bởi vì một đám đông người tiêu dùng có được các dịch vụ bằng cách kết nối với hàng loạt nhà cung cấp thông qua một nền tảng.

Vào đầu những năm 2000, nền kinh tế chia sẻ thường đề cập đến những người có tài sản không khai thác hết — có thể là ôtô, nhà cửa hay máy hút bụi — cho phép người khác "chia sẻ" với họ, thường là có thu phí. Việc chia sẻ như vậy không được coi là một hoạt động kinh doanh mà chỉ đơn thuần là một cách để thúc đẩy sự bền vững.

Giáo sư Sundararajan nói, cụm từ "nền kinh tế chia sẻ" đã 'đóng đinh trong đầu mọi người', một phần vì nó gợi ra xu hướng tiếp cận mang tính cá nhân — ví dụ như việc một chủ nhà trong hệ thống Airbnb cho du khách tạm sử dụng một phòng ngủ còn trống của mình. "Có một mối liên hệ mà mọi người dường như cảm thấy thích thú." (Mặc dù một số người nói rằng những chủ nhà Airbnb sở hữu hàng chục căn hộ không thực sự đang thực hiện việc chia sẻ.)

Rachel Botsman, đồng tác giả của cuốn sách "What's Mine Is Yours: The Rise of Collaborative Consumption” (Của tôi cũng là của bạn: Sự trỗi dậy của tiêu dùng hợp tác) nói rằng Uber và những công ty tương tự không phải là các công ty chia sẻ. Cô viết trên trang web của công ty Fast Company: "Việc các công ty kiểu Uber xuất hiện trong mọi lĩnh vực (Uber hóa mọi thứ - Uberfication) đã gây nên sự nhầm lẫn về cách hiểu thế nào là chia sẻ thực sự. Theo cô nghĩ, các công ty không nên được coi là một phần của nền kinh tế chia sẻ, trừ phi họ có một "sứ mệnh rõ ràng được thúc đẩy bởi giá trị" và nhân viên của các công ty đó "được tôn trọng" và "trao quyền".

Cô Botsman nói thêm rằng một số công ty có thể danh chính ngôn thuận được coi là các công ty chia sẻ, như Turo (trước đây gọi là RelayRides), cho phép các chủ xe cho thuê những chiếc xe không sử dụng của họ, và BlaBlaCar, kết nối người cần đi xe với chủ xe có kế hoạch đi từ thành phố này đến thành phố khác.

Với việc thuật ngữ "nền kinh tế chia sẻ" đang được nhìn nhận lại, các chuyên gia đang tìm kiếm những thuật ngữ thay thế. Miriam A. Cherry, giáo sư luật trường Đại học St. Louis, đề xuất thuật ngữ "nền kinh tế theo yêu cầu" (on-demand economy), nhưng các nhà phê bình nói rằng cụm từ này không đủ độ chính xác vì việc đặt pizza bằng điện thoại có thể được coi là một phần của nền kinh tế theo yêu cầu. Một số người khác lại thích thuật ngữ "nền kinh tế công việc tạm thời", nhưng một số người khẳng định rằng cụm từ đó không phù hợp với các công ty hoạt động dựa trên các ứng dụng trong thế kỷ 21 bởi vì các nhân viên tạm thời — (ví dụ) những nghệ sỹ nhạc jazz — đã tồn tại nhiều thập kỷ qua.

Shelby Clark, người sáng lập công ty RelayRides và là giám đốc điều hành công ty Peers, tư vấn cho các công ty phục vụ theo yêu cầu, thích thuật ngữ “nền kinh tế đồng đẳng" (peer-to-peer economy) vì người tiêu dùng cá nhân sử dụng một nền tảng để kết nối với một “đồng đẳng” là nhà cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, như giáo sư Sundararajan lưu ý, việc chia sẻ âm nhạc và video bất hợp pháp đã từng được miêu tả là đồng đẳng, ý nói, thuật ngữ đó mang hàm nghĩa tiêu cực.

Một số người lại thích thuật ngữ “nền kinh tế nền tảng" (platform economy), nhưng Geoffrey G. Parker, giáo sư ngành kỹ thuật thuộc Đại học Dartmouth và là tác giả của cuốn sách "Platform Revolution” (Cuộc cách mạng nền tảng), nói rằng cái tên đó quá rộng vì nó bao gồm cả những gã khổng lồ như Google, Facebook và YouTube. Một số khác lại thích những cái tên như "nền kinh tế theo yêu cầu dựa trên ứng dụng", “nền kinh tế công việc tạm thời theo yêu cầu (nền kinh tế GOD) hay "nền kinh tế theo yêu cầu dựa trên nền tảng" (nền kinh tế POD), trong đó người lao động được gọi là những pod.

Mặc dù có những lời chỉ trích rằng "nền kinh tế chia sẻ" là không chính xác và có vẻ giống như một trò mỵ dân lấp liếm của doanh nghiệp, giáo sư Sundararajan nói rằng chúng ta vẫn phải tiếp tục sử dụng thuật ngữ đó bởi vì các tập đoàn và công chúng thường xuyên sử dụng nó. Khi Thung lũng Silicon và Đại lộ Madison (Giới quảng cáo) nhất quyết chọn một cụm từ nào đó, chuyện rũ bỏ không hề dễ dàng.

Tuấn Minh
NYTimes

The Sharing Economy: The End of Employment and the Rise of Crowd-Based Capitalism
by Arun Sundararajan
256 pages. The MIT Press. $14.56

Bài trước: Dòng tiền bí ẩn
Tags: book

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc