Nỗi khổ của người lao động

bài bình sách của Robert H. Frank
ngày 25 tháng 5 năm 2008

Tám năm trước, Deborah Shank bị thương rất nặng khi một chiếc xe rơ-
moóc đâm ngang chiếc bán tải của cô. Do khi đó Shank đang làm thủ kho cho một cửa hàng Wal-Mart ở Cape Girardeau, bang Missouri, và đủ điều kiện để hưởng trợ cấp y tế của công ty nên hầu hết viện phí của cô ngay lập tức được chi trả. Song vụ tai nạn đã khiến não bộ của cô bị tổn thương vĩnh viễn, cô phải ngồi trên xe lăn, và cần người chăm sóc 24/24. Để đáp ứng những chi phí này, tòa án đã lập một quỹ trị giá 417.000 đô-la tiền thu được từ vụ kiện chống lại công ty của người lái xe gây ra tai nạn.

Thế nhưng, theo tờ Wall Street Journal, vào năm ngoái, tòa án này đã yêu cầu gia đình Shank phải bồi hoàn cho Wal-Mart 470.000 đô-la tiền viện phí. Toà án đã viện dẫn đến một điều khoản trong chính sách y tế của công ty, trong đó quy định công ty có thể thu hồi chi phí y tế nếu nhân viên đó đã được bồi thường chi phí trong vụ kiện.


Hành động yêu cầu bồi hoàn này, hay còn gọi là thế quyền*, dựa trên lý lẽ rằng một người được bồi hoàn hai lần cho cùng một chi phí y tế là không công bằng. Tuy nhiên, số tiền thu được từ vụ kiện của Shank không đủ để trang trải cho việc chăm sóc điều dưỡng, vốn ít hơn nhiều so với chi phí điều trị y tế ban đầu. Trước đây, hiếm có công ty nào nộp đơn kiện đòi bồi hoàn cho những trường hợp như thế này. Nhưng giờ đây, những vụ tố tụng kiểu này hiện lại khá phổ biến.

Theo cách này và nhiều cách khác nữa, môi trường làm việc mà người lao động Mỹ phải đối mặt đang ngày càng tệ đi trong ba thập kỷ qua. Hàng triệu người lao động bị hủy chế độ lương hưu dài hạn, và thậm chí còn nhiều người hơn thế bị mất chế độ bảo hiểm sức khoẻ. Việc vi phạm luật lao động và các quy định an toàn khác đang ngày càng phổ biến. Lương bình quân theo giờ được điều chỉnh theo lạm phát và hầu như không tăng, trong khi đó nguy cơ bị sa thải ngày càng cao.

Trong cuốn The Big Squeeze (tạm dịch: "Cú siết lớn"), phóng viên Steven Greenhouse của tờ New York Times đã phỏng vấn hàng trăm người lao động, những người đã buộc phải thích ứng với những thay đổi này. Ông đã khám phá ra những thế lực làm biến đổi cuộc sống của họ và đưa ra các gợi ý giúp họ đối phó.

Sau Thế Chiến II, các nền dân chủ xã hội châu Âu đã xây dựng những mạng lưới an sinh xã hội chu đáo cho công dân của họ, bao gồm bảo hiểm y tế phổ cập và hệ thống lương hưu công. Trái lại, mạng lưới an sinh xã hội của Mỹ lại được giao cho khối doanh nghiệp. Theo Greenhouse, cách làm này về cơ bản là một sự tình cờ, bắt nguồn từ một hiệp định lao động hào phóng bất thường giữa hãng General Motors và Liên đoàn công nhân ngành ô tô (UAW) trong giai đoạn đầu của thời kỳ kinh tế bùng nổ sau chiến tranh.

Khi các tập đoàn lớn của Mỹ được bảo vệ khỏi sự cạnh tranh từ nước ngoài trong kỷ nguyên đó, hệ thống này hoạt động tốt. Nhưng khi chi phí chăm sóc sức khoẻ bắt đầu leo thang và các yếu tố bên ngoài khiến thị trường ngày càng cạnh tranh, thì lợi nhuận cần thiết để hỗ trợ cho mạng lưới an sinh bắt đầu bị cắt giảm.

Trong khi đó, Greenhouse cho rằng môi trường pháp lý của Mỹ cũng ngày càng thù địch hơn với các liên đoàn lao động. Theo ông, sự kiện có tính bước ngoặt là quyết định năm 1981 của Tổng thống Reagan sa thải 11.500 điều phối viên không lưu -- những người khơi mào một cuộc đình công bất hợp pháp. Kể từ đó, các công ty tư vấn “vô hiệu hóa” công đoàn đã nổi lên thành một ngành công nghiệp phát đạt, thực hiện các hoạt động phi pháp mà Bộ Tư pháp ít bao quát được đến.

Bên cạnh những khó khăn của người lao động, thị trường vốn cũng ngày càng nhiều áp lực. Nếu một giám đốc điều hành đương nhiệm không tận dụng được tất cả các cơ hội để tăng lợi nhuận cho công ty - ví dụ như sa thải công nhân và cắt giảm phúc lợi - những kẻ cơ hội bên ngoài sẽ sẵn sàng mua cổ phần và thay thế anh ta.

Greenhouse không khẳng định rằng những người lao động mà ông phỏng vấn là đại diện cho số đông. Thật vậy, nhiều người trong số họ đã thu hút sự chú ý của ông bởi vì họ là nguyên đơn trong các vụ kiện về lạm dụng lao động, và cho thấy phần lớn những người chủ của họ đều đã từng vi phạm luật lao động. Song, ít nhất cũng có một số công ty đối xử tốt với nhân viên của mình. Greenhouse đã hào hứng chỉ ra những doanh nghiệp đối xử tốt với nhân viên của họ như công ty Costco và Patagonia. Tuy nhiên, chúng ta không thể biết được liệu sự thành công của các công ty này có thể chứng tỏ khả năng tồn tại của một mô hình kinh doanh nhân đạo hơn hay đó chỉ là thành quả của những giám đốc điều hành tài năng dị thường sẵn sàng làm những việc không công.

Trong bất kỳ trường hợp nào, Greenhouse cũng đủ khôn ngoan để nhận thấy thực tại ông miêu tả đã ảnh hưởng sâu sắc đến tính cạnh tranh tới mức nó nằm ngoài sự kiểm soát của bất kỳ công ty riêng lẻ nào. Nếu vậy, hành động tập thể là biện pháp duy nhất. Gợi ý về việc thắt chặt luật lao động có thể là một biện pháp khả thi, nhưng có lẽ chỉ hiệu quả đối với những ngành được bảo hộ khỏi sự cạnh tranh nước ngoài. (Không có gì ngạc nhiên khi hàng chục công đoàn đã phát triển mạnh trong những năm gần đây, như liên đoàn quốc tế SEIU và AFSCME, đại diện cho những người làm trong ngành dịch vụ và nhân viên chính phủ, những công việc khó có thể chuyển ra nước ngoài.) Nhưng theo những gì mà ngành sản xuất ô tô, thép và những ngành công nghiệp sản xuất khác đã chứng minh, chỉ cần công đoàn mạnh thì có thể làm được rất nhiều điều.

Tin xấu là trong môi trường cạnh tranh khốc liệt ngày nay, khối doanh nghiệp không còn có thể quản lý mạng lưới an sinh xã hội quốc gia. Chính phủ thực sự là lựa chọn duy nhất. Tin tốt là nền kinh tế Mỹ vẫn có GDP cao nhất trên thế giới – thừa đủ để hỗ trợ mức sống cao cho các cổ đông, nhà quản lý và nhân viên.

Như quan sát của Greenhouse được trình bày trong chương cuối cuốn sách, các thành phần cấu thành một mạng lưới an sinh xã hội hiệu quả đã được chỉ rõ. Chẳng hạn, chúng ta có thể dễ dàng chi trả cho một hệ thống y tế bao cấp toàn diện như ở Pháp, cho toàn dân và chất lượng chăm sóc sức khoẻ tốt hơn với chi phí bằng một nửa chi phí hiện tại chúng ta đang chi trả theo bình quân đầu người. Chúng ta có thể dễ dàng bù đắp cho hệ thống An sinh Xã hội Quốc gia, chuyển thu nhập từ người lao động sang người về hưu bằng cách lập ra một kế hoạch tiết kiệm hưu trí quốc gia trong đó một phần tiền lương của mỗi công nhân được gửi vào tài khoản đầu tư được miễn thuế, cho phép các gia đình tận dụng tối đa lợi ích của lãi suất kép. Chúng ta có nguồn lực dồi dào để bù đắp mức lương bấp bênh bằng cách tăng Tín thuế lợi tức do lao động (EITC) mà Ronald Reagan gọi đây là chương trình chống đói nghèo hiệu quả nhất từ trước tới giờ do Quốc hội lập ra. Và chúng ta có thể dễ dàng giảm gánh nặng học phí cho các gia đình có thu nhập thấp bằng cách mở rộng chương trình trợ cấp học bổng liên bang Pell (chương trình trợ cấp dành cho sinh viên Mỹ và không cần hoàn lại).

Những người hoài nghi thì luôn phản đối rằng các khoản thuế chi trả cho một mạng lưới an sinh xã hội rộng khắp sẽ khiến nền kinh tế tê liệt khi làm suy giảm động lực làm việc và khả năng chấp nhận rủi ro của người dân. Tuy nhiên, có nhiều cách để tăng doanh thu thuế phụ trợ mà thực tế sẽ làm GDP tăng trưởng hơn là thu hẹp lại. Ví dụ, đánh thuế đối với khí thải carbon và các chất gây ô nhiễm môi trường khác sẽ tăng doanh thu đáng kể và mang lại một môi trường sạch hơn, bền vững hơn. Thuế tắc đường sẽ tiết kiệm hàng triệu giờ đang bị lãng phí trong thời gian ùn tắc giao thông. Một mức thuế thu nhập lũy tiến (không áp dụng cho các khoản tiết kiệm) sẽ cứu được hàng tỷ đô-la khỏi những cuộc ganh đua mua sắm lãng phí, tốn kém theo kiểu của-tao-xịn-hơn.

Các cuộc phỏng vấn của Greenhouse nhắc chúng ta thấy rõ rằng không có hệ thống kinh tế nào có thể phát triển trong thời gian dài nếu những người làm việc chăm chỉ và đúng luật không thể nuôi sống bản thân. Những người lao động được mô tả trong cuốn "The Big Squeeze" không có khả năng chi trả cho việc chăm sóc sức khoẻ hoặc gửi con cái của họ đến các trường học tử tế. Và chính bởi tình hình kinh tế bấp bênh, con trai và con gái của họ có nhiều khả năng nhập ngũ hơn những người khác. Sáu ngày sau khi tòa yêu cầu bồi hoàn đối với Deborah Shank, gia đình cô nhận được tin đứa con trai Jeremy 18 tuổi của họ đã hy sinh cùng với Sư đoàn Bộ binh 25 của Quân đội ở Iraq.

Tháng trước, vì bị công chúng phản đối gay gắt, Wal-Mart đã từ bỏ nỗ lực đòi Shank bồi hoàn viện phí. Mặc dù vậy, không có gì ngạc nhiên khi các cuộc khảo sát cho thấy nhiều lao động Mỹ khao khát một cuộc bầu cử có thể tạo ra sự thay đổi thực sự.

Nguyễn Hòa
NYTimes

The Big Squeeze: Tough Times for the American Worker Paperback – February 10, 2009
by Steven Greenhouse
384 pages. Anchor. $17.00


* quyền của một người, sau khi bồi thường cho một người khác theo bổn phận pháp lý, có thể thay thế vị trí của người đó, cũng như được hưởng mọi quyền lợi hợp pháp của người đó để đòi người thứ ba có trách nhiệm bồi thường.
Tags: book

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc