Mỹ: can thiệp quân sự ở nước ngoài làm phương hại đến tự do trong nước

Vụ bê bối dữ liệu Cambridge Analytica-Facebook tiếp tục xuất hiện trên
các trang nhất. Theo các báo cáo hiện tại, Cambridge Analytica thu thập thông tin nhận dạng cá nhân của 87 triệu người dùng Facebook và gửi tới họ những thông tin có lợi cho ông Trump trong chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng. Những báo cáo này đã thổi bùng lên ngọn lửa giận dữ tại Washington D.C. Ủy ban Thương mại Liên bang đã mở một cuộc điều tra và các thượng nghị sĩ Mỹ đã yêu cầu Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg của Facebook ra điều trần trước Quốc hội.

Việc Quốc hội yêu cầu tăng cường giám sát để ngăn chặn các công ty tư nhân điều tra thông tin là một điều thật mỉa mai vì mới đây, chính Quốc hội đã gia hạn một phần của Đạo luật Giám sát Tình báo Nước ngoài năm 2008 cho phép chính quyền tự do giám sát công dân Mỹ. Các vấn đề liên quan đến việc giám sát hợp lý của chính phủ cũng là trọng tâm cuộc điều tra của Robert Mueller đối với chính quyền Trump. Những tin tức này là cơ hội tốt để rà soát lại lịch sử hoạt động giám sát của chính phủ Mỹ. Đây cũng là vấn đề của công dân trên khắp toàn cầu khi quyền tự do của họ bị đe dọa bởi chính phủ ngày càng mở rộng quyền lực.


Nguồn gốc của việc giám sát hiện nay bắt nguồn từ sự chiếm đóng quân sự của chính phủ Mỹ tại Philippines vào cuối những năm 1890. Dưới sự lãnh đạo của Ralph Van Deman, được mệnh danh là "cha đẻ của tình báo quân đội Mỹ", lực lượng chiếm đóng đã thành lập một bộ máy giám sát hiện đại để trấn áp sự bất đồng quan điểm của những người chống đối Mỹ. Sau thời gian ở nước ngoài, Van Deman trở về nước và dựa vào những kinh nghiệm ở nước ngoài, đã làm việc không mệt mỏi để thiết lập cơ sở hạ tầng giám sát tương tự. Tháng 5 năm 1917, Bộ phận Tình báo Quân sự (MIS) được thành lập dưới sự lãnh đạo của Van Deman.

Những thập kỷ tiếp theo, cơ quan giám sát này của Mỹ vẫn tiếp tục mở rộng và tái cơ cấu, dẫn đến việc thành lập Cục An ninh Quốc gia (NSA) năm 1952. Việc thành lập NSA trùng khớp với việc chính phủ mở rộng phạm vi giám sát tới mức chưa từng có đối với cuộc sống và hoạt động hàng ngày của người dân Mỹ. Sự phổ biến trong hoạt động giám sát không hạn chế của chính phủ được thể hiện rõ ở bốn dự án lớn được cùng triển khai vào thời điểm đó: Dự án SHAMROCK và Dự án MINARET do NSA điều hành; COINTELPRO do Cục Điều tra Liên bang (FBI) thực hiện; và Chiến dịch CHAOS thuộc quyền quản lý của Cục Tình báo Trung ương (CIA). Các chương trình này giám sát tất cả các thông tin điện báo nước ngoài đi qua Mỹ và điều tra các cá nhân được FBI coi là "chống phá chính quyền", bao gồm các nhà lãnh đạo vì nhân quyền và người biểu tình chống chiến tranh. Việc giám sát này không chỉ bao gồm hoạt động giám sát gián tiếp mà còn có những thâm nhập trái phép vào các tổ chức tư nhân dưới cái mác chống “bất đồng nội bộ”.

Đến những năm 1970 người ta mới thấy rõ thành công trong tầm nhìn và sức ảnh hưởng của Van Deman khi phạm vi và quy mô của hoạt động giám sát, cùng việc lạm dụng quyền lực của chính phủ Mỹ trong việc kiểm soát bộ máy giám sát đó đã bị phanh phui bởi nhà báo Seymour Hersh. Cuộc điều tra tiếp theo của Ủy ban Church [gồm các thượng nghị sĩ chuyên giám sát hoạt động tình báo của chính phủ--ND] đã tiết lộ mức độ lạm dụng các hoạt động tình báo của Mỹ khi "hầu như mọi yếu tố trong xã hội chúng ta đều là đối tượng của các yêu cầu thông tin tình báo do chính phủ đặt ra”. Những phát hiện của ủy ban đã làm sáng tỏ sự thật rằng sự lỏng lẻo trong bộ máy giám sát đã để xổ lồng một "con quái vật" làm tổn hại quyền tự do của người Mỹ.

Căn cứ các phát hiện của ủy ban, Quốc hội đã thông qua Đạo luật giám sát tình báo nước ngoài (FISA) năm 1978 nhằm kiểm soát và đặt ra những ràng buộc pháp lý đối với các hoạt động giám sát của chính phủ. Đạo luật này đã thiết lập Toà án Giám sát Tình báo Nước ngoài bí mật (FISC). Tuy nhiên, những phát hiện của Edward Snowden vào năm 2013 cho thấy rõ rằng những cải cách này không có hiệu quả với các công dân của những nhà nước giám sát nếu hoạt động của nhà nước đó có rất ít hoặc gần như không bị ràng buộc và kiểm soát.

Việc hiểu được nguồn gốc của hoạt động giám sát ở Mỹ là một điều quan trọng bởi nó không chỉ là một phần lịch sử mà còn bởi nó nêu bật lên một luận điểm khái quát hơn: một chính sách ngoại giao quân sự có ảnh hưởng thực sự đến các tổ chức trong nước và gây ra mối đe dọa thực sự đối với tự do trong nước. Nhiều người Mỹ tin rằng những can thiệp của chính phủ ở nước ngoài giúp bảo vệ và thúc đẩy tự do trong nước. Trong cuốn sách "Tyranny Comes Home" (Nhà độc tài trở về), chúng tôi cho rằng quan điểm này là phiến diện, nếu không muốn nói là hoàn toàn sai. Khi một xã hội chấp nhận các giá trị của một đế chế hung hãn, có nguy cơ là nó cũng sẽ chấp nhận những đặc điểm đó tại quê nhà.

Để giải thích tại sao, chúng tôi xây dựng lý thuyết "hiệu ứng boomerang" về quá trình can thiệp ở nước ngoài làm tăng phạm vi quyền lực của chính phủ ở trong nước và làm giảm quyền tự do của công dân. Chuẩn bị và tham gia vào hoạt động can thiệp nước ngoài giúp chính phủ có cơ sở để thử nghiệm và kiểm nghiệm các hình thức kiểm soát xã hội kiểu mới đối với các cộng đồng ở xa. Dưới điều kiện nhất định, những đổi mới trong kiểm soát xã hội sau đó được nhập khẩu trở lại, dẫn đến việc mở rộng phạm vi hoạt động của chính phủ ở trong nước. Kết quả là việc kiểm soát của chính phủ không chỉ có hiệu quả trong việc kiểm soát các nhóm nước ngoài mà cả người dân trong nước. Theo kịch bản này, việc chuẩn bị và thực thi các biện pháp can thiệp nước ngoài sẽ làm thay đổi thể chế chính trị trong nước và mối quan hệ giữa công dân và chính phủ. Môi trường tự do trước sự can thiệp và hành động vũ lực của các thế lực khác sẽ bị suy giảm hoặc biến mất khi nhà nước có được sức mạnh quyền lực trước công dân.

Hoạt động giám sát ngày càng lớn mạnh của Mỹ minh hoạ rõ cho logic của hiệu ứng boomerang. Bộ máy kiểm soát xã hội tập trung mà chính phủ Mỹ lần đầu tiên phát triển ở Philippines vào cuối thế kỷ 19 đã bùng nổ ở Mỹ và phát triển mạnh mẽ hơn trong một thế kỷ sau đó. Như chúng tôi đã thảo luận trong cuốn Tyranny Comes Home, hiệu ứng boomerang cũng cung cấp những cái nhìn chi tiết về các trường hợp khác, bao gồm việc quân sự hóa lực lượng cảnh sát, sử dụng máy bay không người lái và tra tấn trong các nhà tù ở Mỹ. Việc can thiệp quân sự ở nước ngoài đang diễn ra và còn chưa thấy hồi kết như hiện nay chắc chắn sẽ dẫn đến sự tăng cường quyền lực trong nước của chính phủ trong tương lai.

Các thành viên của chính phủ Mỹ thường khoa trương về tự do và phẩm hạnh để hợp pháp hóa sự can thiệp. Sự cam kết này với lý tưởng cao cả được thể hiện thông qua những cái tên gắn liền với các chiến dịch của chính phủ như "Operation Just Cause" (Chiến dịch Chính nghĩa), "Operation Freeing Freedom" (Chiến dịch vì Tự do), "Operation Iraqi Freedom" (Chiến dịch tự do cho Iraq), "Operation Valiant Guardian" (Chiến dịch Người vệ binh dũng cảm) và "Operation Falcon Freedom" (Chiến dịch Đại bàng Tự do). Bất chấp những lời hoa mỹ rất cao thượng này, hiệu ứng boomerang nguy hại vẫn tiếp diễn: sự chuẩn bị và thực thi sự can thiệp ở nước ngoài làm suy giảm nền tự do trong nước. Điều quan trọng là người Mỹ cần nhận ra cái giá đã bị che lấp và bỏ sót trong chính sách ngoại giao quân sự này trước khi quá muộn, khi tự do của họ bị tước đi mãi mãi.

Nguyễn Hòa
Ron Paul Institute

Tyranny Comes Home: The Domestic Fate of U.S. Militarism 1st Edition
by Christopher J. Coyne, Abigail R. Hall
280 pages. Stanford University Press. $23.70

Bài trước: Giới lãnh đạo tinh hoa của Singapore
Tags: book

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc