Xã hội Nhật Bản thời kỳ Minh Trị

...Việc công nghiệp hóa đã kéo theo nhiều thay đổi xã hội. Với sự thi hành chính sách giảm phát để thúc đẩy các xí nghiệp công nghiệp, giá nông phẩm hạ xuống làm cho đời sống của nông dân trở nên khó khăn, họ không đủ sức trả địa tô và phải đi vay nặng lãi. Nhiều nông dân phá sản và phải bán tháo đất đai cho những kẻ cho vay nặng lãi. Đây được gọi là đám "địa chủ ăn bám" (ký sinh địa chủ = kisei jinushi). Nông dân mất hết đất đai và rơi xuống hàng tá điền, phải canh tác thuê cho địa chủ hoặc phải bắt đầu đi lao động thuê ở các hãng xưởng, điều kiện làm việc rất cực khổ.

Yokoyama Gennosuke (Hoành Sơn Nguyên Chi Trợ) đã viết cuốn sách "Nhật Bản hạ tầng xã hội, 1899" mô tả: lương công nhân chỉ đủ tiền cơm gạo, trong khi thời gian làm việc rất dài, như công nhân dệt phải làm 12 giờ/ngày (lúc gấp rút thì phải đến 18 giờ). Nơi ở của họ là một buồng ngủ chật chôi, vệ sinh kém vì phải chứa tới 10 người, mỗi người chỉ có diện tích đủ để trải một chiếc chiếu ngủ. Những công nhân mắc phải bệnh truyền nhiễm thì bị đuổi việc ngay chứ không hề được chạy chữa hay hưởng bảo hiểm.

Nhìn chung, sự phát triển của kinh tế Nhật Bản đã hình thành nên một giai cấp mới, giai cấp công nhân Nhật Bản. Việc bị bóc lột nặng nề và điều kiện làm việc ngày càng tồi tệ dẫn đến sự đấu tranh của giai cấp công nhân. Theo Edwin O.Reischauer, năm 1901, đảng Xã hội dân chủ Nhật Bản được thành lập với mục tiêu đòi công bằng cho người lao động. Nhưng năm 1900, Chính phủ Nhật (nội các Yamagata Aritomo) đã ra tay đàn áp bằng cách ban bố Đạo luật trị an và cảnh sát, hạn chế việc người lao động kết hợp thành công đoàn (quyền kết xã) và đình công (quyền bãi công). Theo mệnh lệnh của triều đình, những tài liệu và các bài báo có nội dung xã hội chủ nghĩa sẽ bị trừng trị, các chủ bút bị giam trong khoảng từ năm đến mười năm, và tịch biên luôn những nhà in. Năm 1908, đã xảy ra Vụ án cờ đỏ (Akahata jiken, "Xích kỳ sự kiện") với việc bắt giữ 3 đảng viên Xã hội dân chủ chỉ vì họ đã phất cờ đỏ ngoài đường (cờ đỏ tượng trưng cho xã hội chủ nghĩa), những người này đã lãnh án cao nhất là khổ sai 2 năm rưỡi. Năm 1911, công nhân thành phố Tōkyō thành công trong cuộc bãi công đòi tăng lương, nhưng người lãnh đạo của họ là Katayama Sen bị bắt giữ.

Tags: historyjapan

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc