Đọc Leonardo Da Vinci của Walter Isaacson

share from fb Linh Hoang Vu,
-----
Leonardo Da Vinci là một cái tên quá quen thuộc với hầu hết mọi người, nếu chỉ là vì bức tranh Mona Lisa với nụ cười bí hiểm, hay có thể qua cuốn tiểu thuyết (và bộ phim cùng tên) Da Vinci Code của Dan Brown. Được đào tạo để trở thành họa sĩ nhưng Leonardo không chỉ là một họa sĩ: Ông còn là kiến trúc sư, nhà khoa học, nhà phát minh kỹ sư chế tạo vũ khí, với mối quan tâm tới đủ các lĩnh vực từ hội họa, điêu khắc, kiến trúc, âm nhạc, toán học, kỹ thuât, địa chất học, thiên văn hoc, giải phẫu học, lịch sử…Nói cách khác, ông là sự kết tinh của khái niệm gọi là Renaissance Man (con người Phục hưng), một người có sự hiểu biết đa lĩnh vực và không bị giới hạn chỉ trong một lĩnh vực chuyên môn thuần túy, hay là phải lựa chọn giữa nghệ thuật và khoa học.

Đó cũng chính là lý do Walter Isaacson, nhà viết tiểu sử có lẽ là nổi tiếng nhất thế giới hiện nay, chọn viết về Leonardo sau khi đã viết về những nhân vật như Benjamin Franklin, Steve Jobs và Einstein. Điểm chung của bốn con người vĩ đại này là gì, cho dù mỗi người nổi tiếng trên những lĩnh vực rất khác nhau? Đó là ở họ đều có những đam mê và niềm yêu thích không bị giới hạn bởi một lĩnh vực chuyên môn hạn hẹp. Franklin là nhà chính trị, nhà ngoại giao nhưng cũng là một nhà khoa học xuất sắc. Thành công của Apple (và Pixar) đến không chỉ bởi thành tựu công nghệ mà có lẽ chủ yếu là thiết kế quá xuất sắc từ một con người duy mỹ. Và Einstein, niềm đam mê thứ hai của ông sau khoa học có lẽ là âm nhạc. Leonardo còn đặc biệt hơn, dường như cả hai bán cầu não trái và não phải của ông đều xuất sắc như nhau để có thể tạo ra được những kiệt tác trong nghệ thuật lẫn những ý tưởng và thiết kế mô hình dự báo trước cho sự ra đời của máy bay, dù lượn, xe tăng…

Cũng thật may mắn cho Leonardo khi ông sống ở thời Phục Hưng, nơi mọi cánh cửa đều có thể mở và một Renaissance man như ông có thể thoải mái sáng tác, hôm nay vẽ tranh theo đơn đặt hàng của chủ nhà băng Medici, ngày mai sẽ chế tạo vũ khí cho công tước Milan…Leonardo sáng tác rất ít, nổi tiếng là người hay bỏ dở tác phẩm và nếu sống ở thời nay, trong nền văn hóa công nghiệp và đòi hỏi gắt gao về sản phẩm và tiến độ, chắc hẳn ông sẽ sớm thất nghiệp và có khi phải nhận trợ cấp xã hội và đứng ở quảng trường Florence vẽ tranh cho du khách.

Bí quyết thiên tài của Leonardo là gì? Trước hết tất nhiên là thứ trời ban. Sau nữa là sự may mắn tưởng như đến từ sự không may mắn (ông là con rơi của 1 chưởng khế (notary) giàu có- nếu ông là con chính thức, ông sẽ bị bắt phải học hành theo nghề chưởng khế và sẽ biến mất trong lịch sử, còn nếu như ông sinh ra ở một gia đình nông dân nghèo thì hẳn ông cũng khó có cơ hội để trở thành họa sĩ).

Nhưng quan trọng hơn là sự kết hợp giữa óc quan sát cực kỳ tỉ mỉ và khả năng tưởng tượng. Và thúc đẩy cho hai thứ này là trí tò mò bất tận và về tất cả mọi thứ trên đời. Ví dụ trong những cuốn sổ tay (với chừng 7200 trang) còn lại của ông, ông viết: “tại sao bầu trời lại màu xanh?” “quan sát chân của ngỗng”; “mô tả lưỡi của chim gõ kiến” và “tới nhà tắm nước nóng mỗi thứ Bảy để xem đàn ông khỏa thân”. Với ông thì tất cả mọi thứ trong tự nhiên, từ chân ngỗng, lưỡi chim gõ kiến cho tới dương vật đàn ông đều đáng để quan tâm, xem xét, nghiên cứu (với cái cuối cùng thì hẳn Leonardo còn có sự quan tâm khác ngoài mục đích nghiên cứu).

Từ sự quan sát tới sự tưởng tượng, các thiết kế của Leonardo thể hiện khả năng tưởng tượng vượt tầm thời đại (và nhiều thứ sẽ không thể khả thi để chế tạo với trình độ kỹ thuật vào thời của ông). Những quan sát tỉ mỉ cũng được Leonardo ứng dụng vào trong tranh của mình. Ví dụ như ông rất kỹ càng khi vẽ các tác động khác nhau của ánh sáng, và chuyển động của nhân vật trong tranh. Ông rất kỹ càng và cầu toàn, thử nghiệm nhiều lần khi sáng tác.

Thế nhưng, ông cũng có thể nhanh chóng vứt bỏ tác phẩm khi chưa hoàn thành nhưng hết hứng thú. Nhưng cũng có thể vì ông quá gắn bó với tác phẩm và không muốn phải chia tay nó khi hoàn thành (và phải trao cho khách hàng). Với bức Mona Lisa, Leonardo vẽ trong 15 năm và nó vẫn ở trong studio của ông khi ông chết.

Bản dịch tiếng Việt cuốn sách này của Omega Plus Books mình thấy rất tốt. Sách in màu, giấy đẹp. Giá hơi cao nhưng cũng xứng đáng với một cuốn sách hay và đẹp.

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc