Chủ nghĩa tư bản có thể chịu được bao nhiêu bất bình đẳng?

nguồn: washingtonpost, Tuấn Minh dịch,

Thị trường chứng khoán đạt mức cao kỷ lục, vượt ngưỡng 26.000 điểm. Thất nghiệp giảm xuống dưới 4%, mức thấp kỷ lục trong 50 năm qua. Nói chung, có vẻ không đúng thời điểm khi đặt câu hỏi “Liệu chủ nghĩa tư bản Mỹ có thể
tồn tại?” vào lúc này.

Nhưng đó là câu hỏi trọng tâm mà tác giả Steven Pearlstein, một nhà báo kinh tế nổi tiếng, được trao giải Pulitzer và cũng là nhà phê bình thấu đáo về thời đại chúng ta, đã đặt ra. Câu trả lời của ông ấy ra sao? "Có thể, nhưng...”  hoặc có thể là “Chỉ khi…”  tiếp theo sau là bài phê bình gay gắt về mức lương quá cao của các giám đốc điều hành doanh nghiệp. Với mức thù lao trung bình của họ gấp hàng trăm lần so với người lao động bình thường, phần thưởng cho việc tăng lợi nhuận ngắn hạn, mang đến lợi ích cho các cổ đông và phải trả giá bằng năng suất (hoặc thậm chí là sự sống còn của một số công ty), cuốn sách lập luận rằng chúng ta đang tiến đến gần một vực thẳm kinh tế.

Điều mà Pearlstein phàn nàn nhất không phải là sự vận hành của chủ nghĩa tư bản mà là sự
bất bình đẳng quá mức, đặc trưng của hình thức tư bản Mỹ. Thật vậy, câu hỏi cốt lõi của cuốn sách là chủ nghĩa tư bản có thể dung chứa được bất bình đẳng đến mức nào. Tốc độ mà giới siêu giàu đang tách khỏi phần còn lại của nước này đã tăng nhanh kể từ khoảng giữa những năm 1970, khi lệnh cấm vận dầu mỏ đẩy thế giới vào cuộc suy thoái sâu. Thời khắc không may mắn đó đã chấm dứt thời kỳ thịnh vượng chung kéo dài kể từ khi kết thúc Thế chiến II.

Thay vào đó, nước Mỹ chứng kiến tỷ lệ bất bình đẳng thu nhập gia tăng. Sự chênh lệch này không được thúc đẩy quá nhiều bởi bàn tay vô hình của thị trường, mà bởi, như Paul Pierson và Jacob Hacker đã chỉ ra trong cuốn sách “Winner-Take-All Politics “ (Chính trị ‘kẻ thắng cuộc ăn cả’), tất cả các chính sách đều công khai ủng hộ nhóm 1% giàu nhất, những người được hưởng lợi từ nhiều thay đổi chính sách mang tính sắp đặt có mục đích, từ những cải cách cắt giảm thuế mạnh mẽ cho tới “chủ nghĩa tư bản cổ đông” được Chính phủ ủng hộ cho đến những hạn chế trong việc tổ chức công đoàn và một mức lương tối thiểu ổn định. Pearlstein gắn bất bình đẳng đang tăng phi mã với hình thức chủ nghĩa tư bản này, trong đó thù lao của các giám đốc điều hành liên quan mật thiết tới biến động giá cổ phiếu. Các lãnh đạo công ty, do lo sợ những cuộc thâu tóm thù địch, đã có động cơ giảm lương công nhân bằng cách phá hoại công đoàn, và di chuyển dây chuyền lắp ráp đến các khu vực có mức lương thấp trong nước và sau đó đến Mexico hoặc Trung Quốc. Tiếp sau đó sẽ là việc lương thưởng của chính họ và danh mục đầu tư chứng khoán tăng lên đầy nguy hại.

Một số hình thức bất bình đẳng dường như không liên quan với nhau đã củng cố “sức ỳ” ngày càng tăng của sự bất động xã hội (một người khó thay đổi địa vị hay tầng lớp xã hội của mình). Chẳng hạn, bạn sinh ra ở đâu và là con ai ngày càng có tiếng nói quyết định đến việc bạn sau này đứng ở đâu trong xã hội. Pearlstein dựa vào công trình của các nhà kinh tế học như Alan Krueger, đại học Princeton, người đã đưa ra lý thuyết Đường cong Đại gia Gatsby (Great Gatsby Curve) cho rằng con nhà nghèo ngày càng có khả năng bị mắc kẹt dưới đáy của cấu trúc giai cấp và con nhà giàu thì vẫn đậu nơi cành cao. Để đo lường thêm, Pearlstein cũng dựa vào nghiên cứu của nhà kinh tế học Raj Chetty và đồng nghiệp của mình tại Đại học Brown, John Friedman, để chỉ ra rằng một số thể chế rất quan trọng, bao gồm các trường đại học công lập học phí thấp, đã có những bước tiến lớn trong việc thúc đẩy sự lưu động giữa các thế hệ. Tuy nhiên, các trường đại học này đang ngày càng bị thiếu nguồn lực và do đó trở nên khó tiếp cận hơn đối với các thế hệ trẻ đi sau, những người hy vọng có thu nhập bằng hoặc hơn cha mẹ họ. Nhìn chung, thông điệp ở đây là các lớp trải nghiệm xã hội khác nhau — từ những tham vọng cao nhất trong giới doanh nghiệp đến đời sống bình thường và con đường giáo dục của các gia đình Mỹ — được định hình bởi một chủ nghĩa tư bản Mỹ đã hoàn toàn lãng quên cách làm giảm tác động của bất bình đẳng. Thay vào đó, nó lại đang làm việc quá mức để khuếch đại những khoảng cách đó.

Vì sao điều này không bền vững? Điều đó không hoàn toàn rõ ràng. Ở cuối con đường này là các xã hội như Brazil hoặc Nam Phi, nơi giới nhà giàu dựng lên những bức tường phủ đầy mảnh sành lởm chởm để ngăn chặn các cuộc đột nhập hoặc đi lại thì luôn có bảo vệ để tránh các vụ cướp xe. Các chi phí xã hội của sự phân cực kinh tế sẽ trở thành, hoặc có lẽ đã trở thành, không thể chịu đựng được. Nhưng những dấu hiệu của sự không thể chịu đựng nổi đó vẫn chưa lên đến đỉnh điểm. Thật vậy, các cuộc đình công của giáo viên đã nổi lên ở các bang “đỏ nhất của đỏ” (ủng hộ đảng Cộng hòa), trong khi những chiến thắng tiến bộ đầy bất ngờ đã xuất hiện trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ tại Massachusetts và Florida. Đối với những người tìm kiếm một cơ hội để ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan của Trump, đây là những tin tốt.

Nhưng những dấu hiệu mạnh mẽ của một cuộc phản kháng số đông lại không mấy khi xuất hiện. Thay vào đó, chúng ta bắt gặp những nỗ lực cực đoan để rút lại tiền bảo hiểm y tế vốn dành cho những người đang gặp khó khăn, việc chính phủ từ chối hỗ trợ người nghèo, việc tiếp tục kích động nhằm xây dựng một bức tường và trục xuất người nhập cư hợp pháp, và còn nhiều việc khác nữa. Như Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren vẫn thường xuyên nhắc nhở, những gã khổng lồ của chủ nghĩa tư bản – những kẻ đã mang đến cho chúng ta cuộc Đại suy thoái vẫn chưa bị trừng phạt vì sự sụp đổ tài chính đó. Tiền từ những người nộp thuế đã giải cứu họ; đất nước này đã từ chối giải cứu hàng ngàn chủ nhà mà tài sản của họ mất trắng. Sự phẫn nộ sẽ yên ắng hơn những gì chúng ta mong đợi nếu như chủ nghĩa tư bản thực sự đang đứng bên bờ vực.

Pearlstein lập luận rằng phản ứng đúng đắn đối với bất bình đẳng phi mã là sự hồi sinh của các biện pháp bảo vệ chính trị chống lại các lợi ích tiền bạc và việc quay trở lại các hình thức tái phân phối thu nhập mạnh mẽ. Dưới tiêu đề “A Better Capitalism” (Một chủ nghĩa tư bản tốt đẹp hơn), ông cho rằng chúng ta phải lật đổ tổ chức Citizens United thông qua sửa đổi hiến pháp, xây dựng chính sách thu nhập cơ bản phổ quát, buộc các công ty phải chia sẻ lợi nhuận của họ với nhân viên bằng cách đòi hỏi rằng thù lao dựa trên hiệu suất cho các giám đốc phải được cân bằng với phương án chia sẻ lợi nhuận cho người lao động, làm cân bằng cơ hội được hưởng giáo dục, tăng cạnh tranh trong các ngành thông qua việc thực thi luật chống độc quyền mạnh mẽ hơn và trên hết là giảm vai trò của giá trị cổ đông trong quản trị doanh nghiệp. Pearlstein tin rằng, những chính sách này sẽ tạo ra một trường từ vựng chính trị mới, thứ sẽ mở đường cho một chủ nghĩa tư bản tử tế và bền vững hơn.

Như một chẩn đoán về những căn bệnh của “chủ nghĩa tư bản muộn” (chủ nghĩa tư bản hiện đại), cuốn sách này đưa ra phê phán đanh thép về sự tàn phá của bất bình đẳng và là một tiếng kêu thống thiết với mong muốn có được sự cân bằng hơn. Tôi không rõ chủ nghĩa tư bản sẽ không thể sống sót qua những cực đoan này hay không. Đối với những người giới thượng lưu, hình thức chủ nghĩa tư bản này vẫn đang rất ổn, và những người ở phía bên dưới thì lại có quá ít quyền lực để sửa chữa những sai lầm mà Pearlstein ghi lại đến nỗi các giải pháp của ông có vẻ hấp dẫn nhưng xa vời. Tuy nhiên, chúng ta cần tiếng nói này để nhắc nhở mình về những gì đang bị đe dọa khi thứ luật pháp dường như vô thưởng vô phạt về thuế, lương hưu, và ngay cả việc các hòm phiếu được đặt ở đâu và chúng sẽ mở trong bao lâu vẫn còn nhiều tranh cãi. Với ngôn từ trong sáng, Pearlstein mang đến cho chúng ta cơ chế của bất bình đẳng trong cuốn sách mang màu sắc lý tưởng, và có sức lay động mạnh mẽ này.

Tags: book

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc