Tết & GDP

shared from fb giang le, kinhtetaichinh blog,
-----
...có thể nói phần đông đồng ý rằng Tết ta có ảnh hưởng tiêu cực đến GDP. Tác động của Tết thông qua một số kênh như số ngày nghỉ kéo dài, năng suất lao động sụt giảm trước và sau Tết do bận bựu chuẩn bị và dư âm của những ngày Tết. Câu nói cửa miệng "Để ra Tết rồi tính" phản ánh một thực trạng là kỳ nghỉ Tết truyền thống làm gián đoạn nhiều hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Sự lệch pha giữa kỳ nghỉ năm mới của Việt Nam so với thế giới cũng có tác động tiêu cực khi nền kinh tế ngày càng hội nhập. Về phương diện vĩ mô việc gia tăng tiêu dùng rất lớn trong dịp Tết luôn tạo sức ép lên mặt bằng giá cả, gây khó khăn cho những chính sách ổn định kinh tế. Dù khó đánh giá chính xác nhưng nhiều khả năng thói quen "ăn Tết" lớn của người Việt cũng làm giảm tổng tiết kiệm của toàn xã hội, ảnh hưởng đến đầu tư và cán cân thanh toán.

Một khía cạnh vĩ mô khác ít người để ý là mức độ sử dụng (capacity utilitzation) của nền kinh tế giảm thấp hơn nhiều công suất tiềm năng trong giai đoạn Tết gây ra một sự lãng phí nguồn lực rất lớn. Có thể thấy điều này khá rõ qua số liệu thống kê GDP theo quí của Việt Nam. Trong vòng 10 năm lại đây (Q1 2005 - Q4 2014) GDP(*) trung bình của Q1, quí có Tết, chỉ chiếm khoảng 18% GDP của cả năm (so với 25% nếu GDP được dàn đều trong 4 quí). So sánh với GDP Q4 ngay trước đó, trung bình trong 10 năm qua GDP Q1 giảm hơn 30%. Sự sụt giảm rất lớn này có thể còn do những yếu tố khác, nhưng chắc chắn Tết có phần đóng góp quan trọng. Điều này có thể kiểm chứng được bằng cách so sánh GDP của Việt Nam và Trung Quốc, hai nước có truyền thống ăn Tết âm lịch, với Thailand và Indonesia. Giống Việt Nam GDP Q1 của Trung Quốc giảm trung bình 24% so với Q4 trong khi con số này ở Thailand là tăng 1.1% còn Indonesia cũng tăng 0.2%.

...Sử dụng một phương pháp hiệu chỉnh mùa vụ do Matthias Mohr ở Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) phát triển, kết quả là GDP Q1 trung bình sẽ tăng khoảng 8% so với GDP của Q4 trước đó. So với mức giảm 30% của chuỗi GDP chưa hiệu chỉnh, tác động tổng hợp của các yếu tố mùa vụ trong Q1 - mà Tết có vai trò quan trọng - là hơn 38%. Nghĩa là nếu loại bỏ tất cả các yếu tố mùa vụ trong Q1, bao gồm cả việc bỏ Tết ta, GDP của quí này sẽ tăng so với hiện tại khoảng 38%. Lưu ý rằng điều này không đồng nghĩa với GDP của cả năm sẽ tăng 9.5% (=38/4) vì nhiều hoạt động kinh tế hiện tại đang được dồn sang Q2 và Q4 sẽ được dàn bớt về Q1. Nhưng chỉ riêng việc năng lực sản xuất của nền kinh tế được sử dụng hiệu quả hơn trong Q1, loại bỏ các yếu tố mùa vụ (trong đó có Tết) sẽ có tác động rất tích cực lên toàn nền kinh tế.

Tất nhiên việc dời Tết ta về trùng với Tết tây sẽ không loại bỏ hoàn toàn yếu tố mùa vụ của hoạt động này. Người Việt có thể vẫn tiếp tục ăn chơi phung phí trong dịp Tết ta mới, các lễ hội vẫn rình rang, ngân sách vẫn chậm giải ngân cho các dự án đầu tư công trước và sau Tết. Loại bỏ những yếu tố này không chỉ đơn thuần là dời ngày ăn Tết mà còn cần những nỗ lực thay đổi hành vi sống và cung cách làm việc của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan công quyền. Tuy nhiên một công cuộc đổi mới có thể phải bắt đầu bằng một biện pháp thay đổi mạnh mẽ như bỏ Tết ta, điều mà nước Nhật đã chấp nhận để mở đầu thời kỳ cải cách lịch sử của họ.
-----
[*]: Phải nói ngay không ai kêu gọi "bỏ Tết ta" theo nghĩa xóa bỏ nó hẳn khỏi ký ức/truyền thống dân tộc (như bỏ đốt pháo). Bỏ Tết ta ở đây cần hiểu là gộp Tết ta vào Tết tây, nghĩa là dịch chuyển những hoạt động văn hóa/nghỉ ngơi mà từ trước đến giờ liên quan đến Tết ta sang ngày 1/1 dương lịch hàng năm.

Về mặt kinh tế, cụ thể là ảnh hưởng của Tết vào GDP, tôi đã phân tích khá lâu rồi (link here). Điểm quan trọng nhất là Tết làm gia tăng yếu tố mùa vụ của nền kinh tế VN (và TQ), dẫn đến lãng phí nguồn lực (do capacity idling) rất lớn. Bỏ Tết (i.e. nhập Tết ta với Tết tây như Nhật) chưa chắc giải quyết được vấn đề này, nhưng nền kinh tế/xã hội VN cần một cú hích để (may ra) có thể thay đổi được thói quen "ăn Tết" rất phi kinh tế hiện tại.

Trong comment với bạn Du tôi không tán đồng quan điểm Tết có lợi cho người nghèo (mà bạn Nguyễn Xuân Thành giới hạn "người nghèo" = "người lao động nhập cư ở các khu công nghiệp/đô thị lớn"). Quan điểm của tôi là bất kể Tết có lợi cho người nghèo hay không, cách tốt nhất giúp họ (nâng cao welfare) là các chính sách/hành động trợ giúp trực tiếp. Chí ít như thế không gây hại cho những người coi Tết là một gánh nặng.

Với những người viện dẫn văn hóa/truyền thống/tâm linh/nhịp sinh học... thì tôi chịu. Chỉ xin chỉ ra một điểm là các bộ lịch trên thế giới đều là reference tương đối. Nhiều quốc gia đã thay đổi lịch trong quá khứ mà chẳng hề hấn gì (ngay cả âm lịch của VN/TQ cũng đã được hiệu chỉnh nhiều lần). Ngày nay dương lịch rõ ràng phổ cập/hữu ích hơn âm lịch cho đa số các hoạt động trong xã hội (bạn có dám chắc chưa bao giờ trong đời hỏi câu "Tết năm nay là ngày mấy" không?). Chuyển reference ngày đầu năm từ bộ lịch này sang bộ lịch kia có gì là ghê gớm về khía cạnh văn hóa/truyền thống/tâm linh/nhịp sinh học....

Tôi vẫn thắc mắc không biết giao của tập hợp những người muốn giữ Tết với tập hợp những người muốn giữ/dạy chữ Hán có lớn không. Nhưng tôi tin đa số những người ủng hộ "bỏ Tết ta" cũng là những người ủng hộ chữ quốc ngữ, họ đều muốn bỏ một số "truyền thống" có gốc gác từ TQ mà hiện tại không còn hữu ích/cần thiết nữa khi xã hội/nền kinh tế VN đã được "Âu hóa" rất nhiều.

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc