Đã đến lúc cần chấm dứt đối sách đi dây?

ấy, đừng vội :D

shared from fb Hoai Phuong Tran,
-----
Bức tranh dưới đây có tên "Under The Yoke" (về sau đổi thành "Burning the Brushwood"), họa sĩ Phần Lan Eero Järnefelt vẽ năm 1893. Vào thời điểm bức tranh được vẽ, tuổi thọ trung bình ở Phần Lan là 43 và GDP đầu người là 2.240 đô la. Đến nay tuổi thọ trung bình của người Phần Lan trên 82 tuổi và GDP hơn 40.000 đô la.


Trong 7 trường hợp được Diamond phân tích trong cuốn sách "Biến động", câu chuyện của Phần Lan gây nhiều xúc động. Có lẽ những tương đồng mà nó gợi lên với tình thế/câu chuyện của nước mình, cái tình thế mà có lẽ những kẻ "đồng bệnh" mới có thể "tương lân".

Trước thế chiến 1, Phần Lan là một lãnh thổ tự trị thuộc Nga. Đầu thế chiến 2: độc lập nhưng nghèo đói, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp và lâm nghiệp, mắc kẹt trong tình thế địa chính trị vô cùng ngặt nghèo: vùng đệm giữa Nga và phần còn lại của Bán đảo Scandinavia, chính thức trở thành vùng giao tranh giữa Nga và Đức sau Hiệp ước Bất tương xâm giữa Nga và Đức tháng 8/1939, với những thỏa thuận ngầm về phân chia phạm vi ảnh hưởng giữa hai nước này.

Tháng 10/1939, Liên Xô yêu sách đất trên lãnh thổ 4 nước vùng Baltic. Phần Lan là nước duy nhất phản đối dù dân số Phần Lan lúc đó ít hơn Liên Xô 50 lần. Sự kháng cự dữ dội của nước này làm Nga ít nhiều bất ngờ. Cuộc chiến đấu vào mùa xuân 1940 gây cho Phần Lan những tổn thất vô cùng nặng nề, cho đến tháng 8 năm đó, họ chiếm lại được thành phố Viipuri, đến mùa hè 1944 thành phố này lại rơi vào tay Liên Xô.

Phần Lan đã chịu không ít tai tiếng khi có một thời điểm trong Thế chiến II họ đã sát cánh với Đức Quốc xã , dù họ đã cố hết sức để giữ mình không phải như một "đồng minh" mà chỉ là "bên tham chiến", nhưng với kẻ ngoài cuộc, nào ai quan tâm. Đó là một dấu vết về hệ giá trị mà người Phần Lan buộc phải mang lấy, trong tình thế không có lựa chọn.

Bước ra khỏi thế chiến 2, Phần Lan tổn thất hơn 100.000 sinh mạng, chiếm 2.5% dân số của họ, gần như mọi gia đình Phần Lan đều có người thân bị mất. Đất nước tan hoang. Những lãnh đạo tối cao của đất nước đối mặt với tòa án chiến tranh, nếu Phần Lan không truy tố, những người này có thể đối mặt với bản án tử hình từ Liên Xô. Phần Lan lại thêm một lần chấp nhận mất thể diện khi họ đã "linh hoạt" xử lý tình huống này theo cách: Thông qua một đạo luật có hiệu lực hồi tố, họ tuyên bố các vị lãnh đạo trên là bất hợp pháp và kết án tù các tổng thống và thủ tướng, bộ trưởng. Sau khi chịu án tù lấy lệ, các vị chính khách này quay lại làm việc. Chiến phí Phần Lan phải bồi thường cho Liên Xô là 300 triệu đô la, trả trong 6 năm (về sau giãn ra 8 năm), một gánh nặng vô cùng lớn ở thời điểm đó. Họ cũng bị buộc phải tăng 20% giao thương với Liên Xô. Và điều quan trọng nhất, họ hiểu rằng họ chưa thể an toàn chừng nào Liên Xô còn chưa cảm thấy an toàn.

Toàn bộ chính sách thời hậu chiến của Phần Lan đối mặt với những vấn đề đó về sau được gọi là Đường lối Paasikivi-Kekkonen, gọi theo tên hai vị tổng thống đã đặt ra, theo đuổi và chèo lái vô cùng khéo léo đất nước Phần Lan suốt 35 năm, đưa Phần Lan thoát khỏi tình thế địa chính trị ngặt nghèo của mình theo một cách tài tình đáng kinh ngạc. Họ gần như đi trên dây giữa một bên là duy trì sự tin tưởng an tâm của Liên Xô, và một bên là phát triển mối quan hệ với phương Tây, họ còn đi xa đến chỗ, khiến cho việc họ độc lập và kết đồng minh với phương Tây mang lại lợi ích cho Liên Xô còn nhiều hơn cả (nếu) họ trở thành quốc gia cộng sản. Và thay vì trở thành "đàn em" của Nga, sự mềm mại khéo léo đã nâng họ lên vị thế cao hơn cả với Nga và Phương Tây. Đường lối ngoại giao đó hiệu quả đến mức, một nước dân chủ như Phần Lan đã giữ hai vị tổng thống này tại vị đến 35 năm.

Trong 35 năm đó, kết quả của chính sách ngoại giao đã tạo ra một nền tảng hòa bình vững chắc để Phần Lan bứt lên từ một nước dựa trên nông sản và lâm sản nghèo nàn với gánh nặng chiến tranh nặng nề, trở thành một nước phát triển giàu có như hiện nay. Họ đã làm gì?

Với sự tự nhận thức tỉnh táo và sáng suốt, Phần Lan biết họ cần tận dụng hết mức lực lượng lao động và phát triển những nền công nghiệp lợi nhuận cao.

Đầu tiên, họ xây dựng một hệ thống trường học công lập chất lượng rất cao, hướng tới cung cấp nền giáo dục tốt cho mọi người, chứ không phải số ít người (xem thêm cuốn Bài học Phần Lan), sự đầu tư của họ tập trung vào chất lượng giáo viên, thể hiện ở mức thu nhập rất cao của nghề này, đồng thời là quá trình tuyển chọn có tình cạnh tranh cao. Họ thực hiện các chương trình bình đẳng giới để tạo không gian phát triển cho phụ nữ.

Họ cũng đầu tư rất cao vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Kết quả của điều này cùng hệ thống giáo dục tốt là Phần Lan có một lực lượng kĩ sư tính trên đầu người vào loại cao nhất thế giới, xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao chiếm ưu thế nổi trội. Trong vòng nửa thế kỉ, họ vươn lên thành nước vào hàng giàu nhất thế giới.

Các yếu tố được Diamond phân tích như là nguyên nhân cho trường hợp Phần Lan: Căn tính quốc gia mạnh mẽ, Sự đánh giá tỉnh táo và trung thực về chính mình, Tính linh hoạt trong những tình huống đặc biệt đối mặt với sống còn. Sự ý thức và khéo léo thoát khỏi những ràng buộc địa chính trị. Và, bất kể vẻ ngoài nghịch lý, nhưng sự thật là, nếu không có một cốt lõi hệ giá trị chắc chắn, ta không thể nào đẩy sự linh hoạt đi đến hết hạn độ. Sự linh hoạt đến mức gây nhiều điều tiếng của Phần Lan, lại dựa trên một cốt lõi giá trị vô cùng vững chắc của đất nước này, đó là tình yêu tự do và niềm tin các giá trị văn hóa truyền thống lâu bền của họ.

Tags: book

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc