Lý lịch Hiệu trưởng thứ 6 trường Đại học Hitotsubashi

shared from fb Đông Kiên,
-----
As time goes by, fundamentals apply...

Một thoáng nhớ Shigeto Tsuru, Kondratiev (có lẽ cả Schumpeter) và viễn kiến về những đợt thủy triều của chủ nghĩa tư bản khi cụ Giang Le nhắc tới Kondratiev.

***

Đó là tháng 1 lạnh giá năm 1931 khi Schumpeter tới thăm Đại học Hitotsubashi. Trận động đất Kanto tháng 9/1923 đã phá huỷ toàn bộ cơ sở của đại học này ở quận trung tâm Chiyoda, Tokyo trừ thư viện với 300.000 đầu sách quý. Nơi Schumpeter ghé thăm là cơ sở vừa xây xong tại Kunitachi, chưa kịp lắp hệ thống sưởi. Trước sự e ngại quá đỗi Nhật Bản của các giáo sư Hitotsubashi, Schumpeter có bài phát biểu sâu sắc, rằng Đại học là một định chế chứ không phải các toà nhà, các nghiên cứu đỉnh cao hay giáo dục tinh hoa có thể được tiến hành dưới những điều kiện khắc nghiệt nhất, như Đại học Bologna đã từng, dưới thời Trung Cổ.

Vào lúc ấy, Shigeto Tsuru sắp 18 tuổi, đang ngồi tù từ đầu tháng 12/1930 vì là lãnh đạo của tổ chức Marxist Liên đoàn Phản đế trong trường phổ thông cậu theo học. Được thả mùa xuân năm 1931 vì còn vị thành niên, Tsuru muốn sang Đức học tiếp nhưng rồi lại sang Hoa Kỳ học vì đây là lựa chọn duy nhất mà cha cậu đồng ý chu cấp. Một năm sau, năm 1932, Tsuru sẽ viết bài báo học thuật đầu tiên trong đời - "The Meaning of Meaning" - để tiến bước vào Harvard College tháng 9/1933, rồi vào chương trình PhD Kinh tế tại Harvard mùa thu năm 1935 dưới bóng cờ Marxism. Không phải ở Hitotsubashi mà ở Harvard, Tsuru gặp Schumpeter lần đầu tiên.

Năm 1936, bất kể sự tràn đến đầy kích thích của tư tưởng Keynesian, Tsuru tích cực hoạt động trong nhóm Boston để cùng với nhóm Đại học New York thành lập nguyệt san tạp chí Science and Society đến nay là tạp chí liên tục và lâu đời nhất về kinh tế học Marxian với impact factor khiêm tốn khoảng 0.9.

Rõ ràng Paul Samuelson đã quá nhiệt thành khi dùng Tsuru để minh hoạ cho ý tưởng "Harvard làm nên sinh viên chúng tôi nhưng chúng tôi cũng làm nên Harvard", bởi vì Samuelson không chỉ ghét Harvard (nên mới xây dựng khoa kinh tế bên MIT) mà còn mang ơn Tsuru: Tsuru giới thiệu cho Samuelson người vợ tương lai Marion Crawford.

Thời gian này, Tsuru gặp gỡ ở Đại học Harvard một người Canada từng sinh ra và sống ở Nagoya đến năm 15 tuổi, Egerton Herbert Norman - người sau này sẽ là một nhà ngoại giao và sử gia chuyên về nước Nhật hiện đại nhiều tranh cãi. Trong lời nói đầu của cuốn sách kinh điển "Japan's Emergence as a Modern State", Norman gửi lời cám ơn "ông S[higeto] Tsuru của Đại học Harvard. Những phê bình sâu sắc của ông là sự hỗ trợ hết sức quý báu, đặc biệt liên quan tới lịch sử kinh tế Nhật Bản". Trong lần tái bán rầm rộ năm 2001, khi vấn đề Norman đã được làm sáng rõ, cuốn sách này được tái bản với một bài tiểu luận 4 trang của Tsuru là "Kinh tế học của cuộc cải cách Meiji". (Trước đó, Norman tự kết liễu đời mình bằng cách nhảy lầu vào tháng 4/1957 khi đang là Đại sứ Canada tại Ai Cập trước những cáo buộc từ nhiều phía rằng ông là cộng sản và hoạt động tình báo cho Liên Xô. Đến năm 1990 vấn đề của ông được xác minh rõ ràng: ông không phải là thành viên Đảng cộng sản Canada mặc dù chia sẻ ý thức hệ Marxist và đã có nhiều hoạt động cánh tả theo xu hướng này suốt những năm tháng ở Cambridge)

Luận án "Các lý thuyết về chu kỳ kinh doanh và áp dụng cho Nhật Bản" của Tsuru được bảo vệ thành công năm 1940. Khi ấy bằng PhD ở Mỹ được xem là không đủ tốt để kiếm một vị trí giảng dạy ở các đại học Nhật Bản nên làm xong PhD, Tsuru ở lại Harvard trợ giảng một thời gian, cùng Sweezy phụ trách seminar Marxian Economics, giúp Leontief phần khu vực chính phủ trong phân tích cân đối liên ngành. Năm 1942 Sweezy xuất bản cuốn sách kinh điển "The Theory of Capitalist Development" có một phụ lục "về cơ chế tái sản xuất" do Tsuru viết, sẽ được Paul Samuelson ca ngợi là "giữ một vị trí vĩnh viễn trong học thuyết kinh tế". Trong "History of Economic Analysis" sau này, khi thảo luận về mối quan hệ giữa Quesney và Marx, Schumpeter viết đại ý rằng: Bạn đọc sẽ thấy tất cả những gì mình quan tâm trong công trình của Tsuru in trong sách của Sweezy. Cũng khoảng thời gian này Tsuru viết bài báo "Chu kỳ kinh doanh và chủ nghĩa tư bản: Schumpeter vs Marx" nhưng mãi năm 1956 mới được công bố.

Tháng 12/1941, chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ giữa Nhật Bản - Hoa Kỳ. Tsuru bỗng trở thành kẻ thù của nước Mỹ, và phải hồi hương về Nhật Bản vào tháng 8/1942. Tại một điểm trung chuyển tại Lourenço Marques (Mozambique) trên đường trở về Nhật, tình cờ Tsuru gặp Herbert Norman lúc này đang trong phái bộ ngoại giao Canada, Tsuru liền tranh thủ trò chuyện và cho Norman biết nơi ông để chỗ sách vở và tài liệu liên quan tới lịch sử kinh tế Nhật Bản nửa sau thế kỷ 19 ở Cambridge, vì Norman là chuyên gia trong lĩnh vực này, trong khi Tsuru đã không có cánh nào chuyển đống tài liệu đó về. Điều này sẽ trở thành "vấn đề Norman" khiến Tsuru phải ra điều trần trước Tiểu ban Thượng viện sau này.

Vì một sự tình cờ mà lý lịch học PhD Harvard của anh lính Hải quân Nhật Bản được gọi nhập ngũ tháng 6/1944 Tsuru được phát hiện, và Tsuru được triệu hồi khỏi quân đội, chuyển sang Văn phòng đối ngoại. Mùa xuân năm 1945 khi Tokyo đang bị máy bay không kích thì Tsuru đi công tác tại Moscow. Sau thế chiến 2, Tsuru tham gia chính phủ, từ năm 1947 ở trong Uỷ ban Ổn định hoá kinh tế với hàm thứ trưởng và nổi tiếng toàn quốc với cuốn Sách trắng về tình hình kinh tế Nhật Bản. Năm 1948, sau khi nội các Tetsu Katayama của Đảng XHCN sụp đổ, Tsuru từ chức Chủ tịch Uỷ ban Ổn định hoá kinh tế trong chính phủ, về Đại học Hitotsubashi, lúc đó có tên gọi là Đại học Thương mại Tokyo, để sáng lập và là viện trưởng đầu tiên của Viện nghiên cứu kinh tế, đến nay vẫn là viện nghiên cứu danh tiếng bậc nhất Nhật Bản, rồi trở thành Hiệu trưởng thứ sáu của Đại học Hitotsubashi danh tiếng.

Vì vấn đề Norman, visa vào Mỹ để tham gia Chương trình trao đổi học thuật Hoa Kỳ - Nhật Bản bị đình trệ từ năm 1952 đến tận năm 1956. Năm 1954, khi Tsuru được bổ nhiệm vào vị trí chuyên gia kinh tế của tổ chức ECAFE (Ủy ban kinh tế của Liên hợp quốc ở châu Á và Viễn đông, sau này đổi tên thành UNESCAP - Ủy ban kinh tế xã hội của Liên hợp quốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương), việc này cũng gặp khó khăn do tên ông nằm trong danh sách đen của chính phủ Hoa Kỳ. Tổng thư ký của ECAFE đã tủm tỉm nói với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Dag Hammarskjöld lúc đó rằng: "Tsuru rất có thể trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản một ngày nào đó trong tương lai, và tên ông sẽ được ghi vào lịch sử như một người không cho phép bổ nhiệm Tsuru vào làm việc tại Liên hợp quốc mà không có bất cứ lý do gì". Cuối cùng Tsuru đã được bổ nhiệm vào ECAFE, cùng năm nhà kinh tế Ba Lan Michal Kalecki, hòn đá tảng tạo dựng nên kinh tế học Tân Marxist và kinh tế học hậu Keynes, rời bỏ Liên hợp quốc.

Tsuru có một đời học thuật và cá nhân bận rộn đến mức phải từ chối vị trí Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong nội các Takeo Miki cũng như từ chối vị trí ứng viên Thị trưởng Tokyo đại diện cho Đảng Xã hội chủ nghĩa (với lý do còn quá nhiều điều muốn theo đuổi trong lĩnh vực học thuật thay vì chính trị, nhưng thật ra là vì vợ dọa sẽ ly dị nếu ông ra tranh cử). Tsuru rời chức hiệu trưởng Đại học Hitotsubashi và nghỉ hưu năm 1975, ở tuổi 63. Tsuru làm cố vấn biên tập cho báo Asahi trong vòng 10 năm sau khi nghỉ hưu, trước khi chuyển qua Meiji Gakuin xây dựng ngành nghiên cứu quốc tế, giảng dạy các môn học "Con người và Hòa bình", "Con người và Xã hội"...

Kết thúc bài tự truyện của đời mình in trong "Economic Theory and Capitalist Society", Tsuru dẫn lại bài giảng năm 1964 về câu chuyện 3 anh em Cườn quyền, Phú quyền và Tử tế. Vào năm 1964 ông nói rằng: Ngày này chúng ta vẫn đang trong giai đoạn của kẻ Cường quyền và Phú quyền. Nhưng rồi thuộc tính tạo nên danh tiếng quốc gia sẽ phải thay đổi. Nhật bản không phải, không thể và không nền là một "quyền lực" dựa trên cơ sở Cường quyền. Nhật Bản chưa phải, mặc dù rồi sẽ, trở thành một "quyền lực" dựa trên cơ sở Phú quyền. Nhưng tôi mong muốn được nhìn thấy Nhật Bản trở thành một trong những "quyền lực" dựa trên tiêu chí sự Tử tế. Thời đại của Sự tử tế rồi sẽ đến với thế giới này. Nếu cứ lấy Cường quyền và Phú quyền là tiêu chí khuyến khích, tôi ngờ rằng thế giới này không phải là một nơi phù hợp cho nhân loại chung sống... Thời đại của sự Tử tế chắc chắn sẽ đến bởi vì đó là con đường duy nhất mà Nhật Bản có thể tồn tại.

*

Nhà trí thức kiệt xuất người Nga Nikolai Kondratiev có lẽ bằng tuổi Nguyễn Ái Quốc. Ngày 5/10/1917 khi Nguyễn Ái Quốc rời Anh sang Pháp thì ở Nga Kondratiev được đề nghị giữ chức Bộ trưởng Bộ Cung ứng trong chính phủ cuối cùng sau Cuộc Cách mạng tháng 2, khi 25 tuổi. Kondratiev chỉ ở vị trí này vài ngày, cho đến khi nổ ra cuộc cách mạng tháng 10 Nga. Sau Cách mạng tháng 10, Kondratiev chuyên tâm vào học thuật, xây dựng viện nghiên cứu thu hút được nhiều anh tài, một trong số đó là nhà toán - thống kê học Eugen Slutsky mà đến nay Slutsky theorem vẫn là một trong những định đề đẹp nhất của kinh tế vi mô.

Trọng tâm của Kondratiev là kinh tế nông nghiệp. Ngay từ năm 1918 Kondratiev đã có những bài phê bình chính sách nông nghiệp của Đảng cầm quyền Bolsevik. Những phê bình ấy thu hút sự chú ý của Lênin, lúc này đang loay hoay với Chính sách kinh tế mới. Những năm 1922-1925 có lẽ là những năm huy hoàng nhất của Kondratiev khi người trí thức được chính quyền lắng nghe và trọng dụng. Kondratiev bắt tay vào hoàn thiện chính sách NEP và là một trong số các kiến trúc sư ban đầu của Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Trong khoảng này ông cũng công bố hàng loạt công trình kiệt xuất bằng tiếng Nga (mãi đến cuối thế kỷ 20 mới được dịch ra tiếng Đức và rồi còn muộn hơn, khi Liên Xô đã sụp đổ, mới được dịch ra tiếng Anh. Ông đã được tái khám phá bởi cộng động kinh tế học nói tiếng Anh). Không rõ những năm 1923 - 1924 Kondratiev và Nguyễn Ái Quốc có gặp nhau ở Moscow hay không?

Đầu năm 1924, Lênin qua đời, Đại hội V QTCS hoãn đến giữa năm. Cuối năm ấy, Nguyễn Ái Quốc rời Moscow đi Quảng Châu xây dựng cơ sở cho con Đường Kách mệnh. Cũng thời gian ấy, Kondratiev rời Liên Xô đi thăm các trường đại học phương Tây đến tận năm 1929. Ở Hoa Kỳ, ông dành nhiều thời gian ở Đại học Minnesota, một trường cực mạnh về kinh tế nông nghiệp mà các cụ Linh Hoang Vu, Khoa Vu theo học. Những trích dẫn sau này cho thấy dường như các hoạt động của Kondratiev ở Đại học Minnesota đã bị một giáo sư ở đây báo cáo về chính quyền Stalin, và bị xem là nguy hiểm.

Sau khi từ Quảng Châu trở về Liên Xô vào giữa năm 1927, Nguyễn Ái Quốc từ chối yêu cầu trở lại Thượng Hải mà dành phần lớn thời gian từ cuối năm 1927 đến giữa năm 1928 ở các nước châu Âu, chủ yếu là Đức mà không được giao việc gì. Đến cuối năm 1928, từ Đức, Nguyễn Ái Quốc được QTCS đồng ý trở về Đông Dương theo ngả Xiêm (Thái Lan).

Năm 1929, một phần có lẽ để tránh cuộc đấu tranh ở Moscow, Nguyễn Ái Quốc tập trung vào hoạt động Việt Kiều ở Thái Lan rồi tháng 12/1929 sang Hong Kong thống nhất các tổ chức Cộng sản Việt Nam. Tháng 10/1929, toà án Nam triều ở Đông Dương kết án Nguyễn Ái Quốc tử hình khiếm diện.

Lúc này, Kondratiev trở về Liên Xô và bị câu lưu, kết án, rồi vào tù từ năm 1930. Tháng 6/1931 Nguyễn Ái Quốc cũng bị bắt ở Hong Kong, bị nhốt ở nhà tù Victoria đến cuối năm 1932 trong thời gian đối mặt với Vụ án Tống Văn Sơ ở Hong Kong. Đến cuối năm 1933 Nguyễn Ái Quốc thoát nạn, dù trước đó báo chí cộng sản toàn thế giới cũng như mật thám Pháp loan tin Quốc đã chết trong tù vì bệnh lao.

Năm 1931 Hiệp hội Kinh tế lượng thế giới được thành lập, Kondratiev và Slutsky là hai người Nga được đề cử trơr thành thành viên sáng lập. Slutsky nhanh chóng từ chối lấy lý do mình là nhà toán học, dù ai cũng biết cậu ngại bị xem là làm chính trị ngoại quốc. Kondratiev có tên trong danh sách dù thực tế đang ở trong tù.

Năm 1938 Nguyễn Ái Quốc viết thư cho QTCS trình bày về tình trạng "ngừng hoạt động" của mình và xin trở lại hoạt động. Lúc ấy, Kondratiev viết cho vợ cho biết đã hoàn thành bộ sách 5 tập trong tù, muốn xuất bản. Một thời gian rất ngắn sau đó, Nguyễn Ái Quốc rời Moscow đi Trung Hoa tìm đường về nước, còn Kondratiev bị đem ra toà xử lần 2, bị kết án tù nhưng rồi bị đem đi xử bắn.

Schumpeter là người sẽ gọi Những làn sóng dài của Kondratiev là Làn sóng Kondratiev. Cả hai người trăn trở quan sát động lực sống của chủ nghĩa tư bản. Tự thân nó, chủ nghĩa tư bản sẽ vật lộn với những đợt sóng 50 năm ấy như thế nào? Và có khi nào nó sẽ sụp đổ, như phù thuỷ không trị được âm binh mà nó triệu lên?

Nguyễn Ái Quốc sẽ không lý luận nhiều về chủ nghĩa tư bản. Lãnh đạo nhân dân giành được độc lập, tổ chức chính quyền và nỗ lực thống nhất đất nước qua hai cuộc chiến tranh, có khi nào Nguyễn Ái Quốc thấy những Kondratiev quanh mình?

This day and age we're living in
Gives cause for apprehension
With speed and new invention
And things like fourth dimension.
Yet we get a trifle weary
With Mr. Einstein's theory.
So we must get down to earth at times
Relax relieve the tension

And no matter what the progress
Or what may yet be proved
The simple facts of life are such
They cannot be removed.

You must remember this
A kiss is just a kiss, a sigh is just a sigh.
The fundamental things apply
As time goes by.

And when two lovers woo
They still say, "I love you."
On that you can rely
No matter what the future brings
As time goes by.

Moonlight and love songs
Never out of date.
Hearts full of passion
Jealousy and hate.
Woman needs man
And man must have his mate
That no one can deny.

It's still the same old story
A fight for love and glory
A case of do or die.
The world will always welcome lovers
As time goes by.
Oh yes, the world will always welcome lovers
As time goes by.

Bài trước: Ám ảnh Cardwell
Tags: columnist

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc