Cơ sở sinh học của chính trị

shared from fb tien long do,
-----
CƠ SỞ SINH HỌC CỦA CHÍNH TRỊ

Trong tác phẩm mới luận giải về nguồn gốc và trật tự chính trị, Fukuyama khái quát rằng con người không hoàn toàn tự do xây dựng hành vi của mình theo xã hội, mà nó bị chi phối bởi bản chất sinh học chung, tất cả loài người đều là từ một nhóm nhỏ từ châu Phi khoảng 50000 năm về trước. Nền tảng này không chi phối đến hành vi chính trị, nhưng nó tạo khuôn khổ giới hạn cho các thể chế, chịu tác động của mẫu hành vi tái diễn, xuyên thời gian. Sự tồn tại trong cộng đồng, chứ không phải đơn lẻ, trong áp lực của hỗn loạn và bạo lực, đã kích thích tính hợp tác, lựa chọn mô hình hành động tập thể, gắn cả với tính di truyền, bị tác động bởi tính huyết thống và tương đồng lợi ích. Vì vậy, xây dựng thể chế là hành vi tự nhiên mang tính sinh vật.

Trong đó, con người tuân theo nguyên tắc dựa trên cảm xúc nhiều hơn lý tính. Cảm xúc như tự hào, tội lỗi, xấu hổ, bối rối, ngưỡng mộ, ảnh hưởng mạnh hơn là khả năng học hỏi. Đồng thời các tuân thủ chuẩn mực sẽ tạo ra tính bảo thủ rất lớn về thể chế, thế hệ sau luôn có sự kế thừa thế hệ trước, nên không dễ để mô phỏng, dịch chuyển hay sao chép thể chế.

Thể chế đôi khi được hình thành từ các lý do phi kinh tế hay chính trị, không giống như tư duy thông thường, mà nó đi từ nhu cầu rất sinh học, như nhà nước châu Âu hay Trung Quốc ra đời từ sự tuyệt vọng với tình trạng chiến tranh liên miên; tài sản tư hữu xuất hiện từ nhu cầu tâm linh, muốn có chỗ chôn cất, thờ phụng tổ tiên; hay chuyện Lang Liêu dâng bánh ngày Tết, nếu giả sử Vua Hùng không thích của nếp, liệu Lang Liêu có được truyền ngôi. Ngay kể cả các tư tưởng hay khuôn mẫu tôn giáo, nhiều ảnh hưởng đến xã hội, nhiều khi cũng bắt đầu từ động cơ lợi ích cá nhân.

Vì vậy, nếu thiếu các nền tảng sinh học tự nhiên, hay tác động từ bên ngoài, xây dựng thể chế mới sẽ là một cuộc vật lộn vô cùng khó khăn.

TIẾN HÓA CHÍNH TRỊ

Fukuyama cho rằng hệ thống chính trị phát triển tương đương với tiến hóa sinh học, như qui luật Darwin về chọn lọc và biến đổi. Cái khác nhau là chọn lọc và bảo tồn qua thể chế, chứ không phải qua gene. Sự biến đổi thể chế đôi khi cũng là ngẫu nhiên, chứ không phải lúc nào cũng là lựa chọn chủ ý. Chính trị tiến hóa qua văn hóa, chứ không phải qua di truyền. Và cũng giống như chọn lọc, các thể chế yếu sẽ bị thay thế. Một điều tác giả lưu ý là thực tế lịch sử của các thể chế là chuỗi ngẫu nhiên khớp nối sự kiện, mà chúng ta không thể dự đoán trước được.

Bốn tiêu chí đánh giá mức độ phát triển của thể chế: khả năng thích ứng - độ phức tạp - tính tự chủ - sự gắn kết.

Thể chế đơn điệu dễ tạo ra hỗn loạn về sau. Thể chế nhiêu khê sẽ cầm tù người tạo ra thể chế.

SUY TÀN CHÍNH TRỊ

Chính trị suy tàn từ sự bất hòa nhận thức, trước các áp lực biến đổi của môi trường.

Thể chế tạo ra để đối phó với thách thức. Nhưng thành công của nó cũng kéo theo tính quan liêu, già cỗi, bảo thủ, suy đồi trước các thách thức mới. Tính bảo thủ và tự mãn của những người hưởng lợi từ thể chế sẽ tạo ra bất hòa nhận thức với những người ít được hưởng lợi, nhưng chính họ lại nhạy bén với các thách thức mới.

Điều này cũng kéo theo nguyên nhân thứ hai dẫn đến suy thoái thể chế, là sự thân tộc hóa hệ thống, anh em cánh hẩu. Đặc quyền gây ra bất tín, bất tuân. Hệ thống bị suy thoái.

Rỗi rãi chiều 30 tết 2021, tóm tắt một số tư duy góc nhìn mới của Fukuyama, thể chế từ nguồn gốc sinh học.

Những gì chúng ta biết về xã hội loài người có vẻ nhỏ bé hơn rất nhiều, so với những thứ ta chưa biết. Một tư duy liên ngành, đa ngành, xem xét đa góc độ, là rất cần thiết với các vấn đề xã hội.

Những gợi mở của Francis Fukuyama, không chỉ hữu ích với thể chế nhà nước, xã hội, mà còn hữu dụng cho cả xây dựng thể chế doanh nghiệp hay gia đình.


Bộ sách Lịch sử chính trị. (Nguồn: Omega Plus)
Tags: book

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc