Thị hiếu của đám đông

shared from fb dương quốc chính,
-----
Đợt giãn cách xã hội toàn quốc mình bị đủn đít vào nhóm Nghiện Nhà. Vào hóng mấy hôm thấy cách nó lớn đúng kiểu Thánh Gióng, hứa hẹn là có nhiều vấn đề! Từ đó đến giờ mình chẳng tương tác gì, thỉnh thoảng ngó tý, chủ yếu để đánh giá thị hiếu của đồng bào chứ không xác định học hỏi được gì cả.


Khác với đa số nhóm khác hay các trang kiến trúc nhà ở chủ yếu do các KTS lập ra, nhóm này chẳng có ad nào là KTS cả. Bài đăng phần nhiều cũng của chủ nhà, có thể nhóm quản trị có edit vì thấy câu chữ có vẻ chuẩn chỉ. Chính thế nên nó thể hiện chính xác thị hiệu của đa số người dân.

Qua mấy chục năm hành nghề, mình vẫn biết là thị hiếu của KTS và khách hàng luôn có khoảng cách. Thậm chí là rất xa, tuỳ từng người. Trước đây thì cảm giác đó chỉ là cảm nhận bản thân và do bạn bè là KTS kể lại, nay mới được chứng kiến đầy đủ, trực tiếp từ nhóm 1,5 triệu thành viên (quá khủng). Có thể tạm coi là xã hội thu nhỏ rồi. Mình chưa thấy nhóm nào đông nhanh như vậy.

Hôm qua thấy 1 bài đăng có lượng tương tác trên 55 ngàn, có vẻ như không ảo lắm, dù tác giả cũng tk nội thất (không loại trừ có bơm tương tác!). Nhưng nếu điều đó xảy ra thì khá là hài hước bởi vì 1 công ty thiết kế NT mà dùng 1 ngôi nhà xấu của bố mình làm mồi PR!

Đây là 1 ngôi nhà “dân tự xây” đúng nghĩa đen, tác giả tâm sự là do bố cô ấy tự thiết kế 100% (cái gọi là 100% này hầu như là bịa, chủ nhà thường chỉ có khả năng tk sơ bộ mặt bằng bằng bút bi và giấy A4, sau đó thợ “thiết kế chi tiết” và chủ nhà tự nhận mình tk tất!). Nhà xây xong 1 nửa thì đập đi làm lại, rất đúng quy trình tự thiết kế, để có cái chụp ảnh đây.

Về mặt chuyên môn để đánh giá thì đây là 1 căn nhà na ná phong cách cổ điển, mang tính cóp nhặt các chi tiết cổ điển 1 cách bất quy tắc, thường gặp ở nhà dân tự xây và KTS non tay. Như thường lệ, nó có cái vỏ mang dáng dấp cổ điển châu Âu nhưng đồ gỗ thì kiểu Đồng Kỵ, rất phổ biến ở VN. Về mặt thiết kế hình ảnh, nó chẳng theo chuẩn mực gì và vì chỉ có ảnh chụp nên mình không đánh giá được công năng. Các bức ảnh cho thấy sự giàu sang và hào nhoáng của chủ nhà, tầm cỡ đại gia, nhưng lại không (muốn?) thuê thiết kế!

Đây cũng là thực trạng hiện nay, rất nhiều chủ nhà cực giàu nhưng vẫn không đánh giá cao việc thuê KTS, thậm chí họ thà đập đi nửa ngôi nhà để học thiết kế (cũng mất vài trăm triệu) chứ nhất quyết không thuê.

Nhưng đó vẫn không phải là điều đáng bàn nhất ở đây mà vấn đề chính là stt đó lại có lượng tương tác kỷ lục. Đa số vào khen nhà đẹp, sang trọng, khen chủ nhà xinh đẹp, xin làm con rể ông chủ, lượng chê rất ít, không biết được 10% không? Điều đó cho thấy thị hiếu của đám đông rất có vấn đề.

Để kiểm tra lại điều đó, mình dạo thêm 1 vòng các stt khác, cơ bản vẫn thế. Đa số các stt nhà kiểu diêm dúa, cổ điển hoặc tân cổ giao duyên được lượng tương tác đông. Có rất ít các ngôi nhà thực sự đẹp (theo thẩm mỹ của mình) mà càng ít loại đó có tương tác cao hoặc được khen nhiều. Điều đó cho thấy thẩm mỹ kiến trúc của đa số đồng bào là rất đáng báo động.

Lâu nay anh em KTS vẫn bảo nhau về xu hướng thị trường tk nhà là vỏ Pháp phò, ruột Đồng Kỵ, tranh tùng cúc trúc mai hoặc tranh chợ Tàu fake Phục Hưng, điêu khắc thì độc bình gỗ cao bằng người và/hoặc tượng Quan Công, di lặc, thần tài hay trẻ con Tây đứng đái xuống hồ cá Koi kết hợp với cảnh quan Nhật bản với cây cảnh bonsai. Kiểu đó dễ chơi dễ trúng không ai dám chê!

Sở thích nghệ thuật cổ điển không có gì sai hay xấu. Cái chính là phải hiểu để thích cho đúng kiểu. Bạn có thể mặc áo dài khăn đóng đi guốc mộc vào dịp lễ lạt nhưng không nên dùng hàng ngày (do công năng nó tệ) hoặc áo dài không nên đội mũ nồi hay đi dép tổ ong. Nghệ thuật cổ điển nên cần sự chỉn chu chuẩn mực, đúng thức, đúng tỷ lệ của nguyên bản. Sự phá cách, nếu có, thì cũng cần có sự nghiên cứu kỹ càng chứ không thể là sự sao chép hổ lốn thiếu tư duy. Đa số người ta cho rằng Nhà hát lớn là kiến trúc cổ điển, thực ra nó không cổ lắm, là Tân cổ điển. Mọi người để ý hàng cột phía trước, nó không phải là những cây cột tròn thường thấy ở tiền sảnh các kiến trúc cổ điển mà là nửa cột dính vào phần tường phía sau, đó là sự phá cách sau 1 lần cải tạo lớn khiến cái cột to ra, tỷ lệ đẹp hơn. Cái đẹp cổ điển là cái đẹp dựa trên sự chuẩn mực của tỷ lệ và chi tiết. Vì thế kiến trúc cổ điển là sự sao chép nhưng phải hài hoà về tỷ lệ và chi tiết.

1 sự phá cách khác rất đáng nể là KS Hilton bên cạnh Nhà hát lớn. Nó không hề là 1 kiến trúc kiểu cổ điển như đa số nhầm tưởng, mà là phong cách Hậu hiện đại Tân cổ điển. Đó là phong cách kiến trúc sử dụng các chi tiết và kiểu dáng cổ điển nhưng cố tình sắp đặt lại theo cách khác. Ví dụ như 2 cái cột và mái tam giác ở đầu hồi theo nguyên bản hay được dùng làm mái sảnh, ở đây nó dùng để trang trí tạo dáng cổ điển với tỷ lệ khổng lồ so với nhà. Không có nhiều KTS VN có thể thiết kế “cổ điển” theo kiểu này mà thành công vì nó cần nhiều tư duy. Kiến trúc cổ điển ở VN, nhất là dòng “dân gian đương đại”, đều là sự sao chép bừa bãi hoặc chế thêm 1 cách thiếu kiến thức về lịch sử kiến trúc.

“Đỉnh cao” của kiến trúc sao chép này có lẽ là dòng lâu đài, rộ lên độ chục năm nay, có KTS thiết kế hẳn hoi nhưng sự hào nhoáng, phù phiếm được đẩy lên cực đỉnh, gần như phong cách Baroco Rococo (là phong cách kiến trúc thiên về trang trí của châu Âu thế kỷ 18). Các lâu đài này có chi phí thi công hàng trăm tỷ mà chủ nhà thường là các đại gia chủ DN tư nhân hàng đầu ở các tỉnh (đa số là Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam) đa phần là đồng bằng Bắc Bộ. Có lẽ họ cho rằng ở trong các lâu đài đó họ sẽ được như vua chúa châu Âu. Nhưng tại sao họ lại không thích được làm vua chúa VN hay TQ với phong cách của Tử Cấm Thành hay cung điện Huế?! Vì đó mới là thực sự gần gũi với VN. 1 câu hỏi chưa có giải đáp! Đây là thẩm mỹ của giới đại gia ít học (tham khảo thêm biệt phủ của Trầm Bê), không đáng báo động lắm vì họ chiếm tỷ lệ nhỏ dân số.

Vấn đề ở đây là người Việt chúng ta lại có xu hướng bắt chước người giàu, coi họ là giới tinh hoa mà thẩm mỹ của họ được coi là chuẩn mực. Trong 1 stt khác, mình đã viết là bây giờ anh Vượng trở thành người định hướng thẩm mỹ cho giới nhà giàu VN bằng biệt thự Vinhomes Pháp đểu. Giới trung lưu thì học theo giới thượng lưu và bần nông thì hóng mỏ bắt chước theo cả 2. Vì thế kiểu dân gian đương đại này bây giờ lan cả về phố huyện.

Với vai trò của KTS, mình không bao giờ có tham vọng là có thể giáo dục thẩm mỹ cho khách hàng, chỉ là tư vấn. Thẩm mỹ của mỗi người phải có từ giáo dục quốc dân và từ truyền thông chính thống từ các cơ quan truyền thông của ngành kiến trúc, hội KTS và từ lòng tự trọng và kiến thức của mỗi KTS, nhà thầu XD. Mình đang thấy rất thiếu hi vọng cho sự thay đổi bởi vì thời của mạng XH là thời của đám đông. Đám đông bị hùa theo 1 vài cá nhân “xuất chúng” kiểu anh Vượng và lan toả ra ngoài xã hội. Thời mà HN, SG chưa bị cấm bán đất nền thì KTS còn được tự do thiết kế, có xấu có đẹp và khá lộn xộn, nhưng còn có tác phẩm ở đâu đó cho người dân nhìn thấy và thay đổi cách nghĩ. Còn bây giờ nguyên vài trăm ha khu đô thị toàn Pháp phò, thì đập vào mắt người dân chỉ có thể loại đó và họ sẽ coi đó là chuẩn mực của kiến trúc.

Người VN có xu hướng thẩm mỹ là thích bắt chước và e ngại sự khác biệt. Chính vì thế ngành kiến trúc đã bộc lộ rõ nhất xu hướng này. Đối với người VN, đẹp tức là sự quen mắt và ít người chê.

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc