Kỹ năng khéo léo của con người mang đến cho chúng ta gấm vóc tươi đẹp


Lan Anh dịch, Quỳnh Anh hiệu đính,

Khoảng nghìn năm trước đây, vào một ngày mùa đông tại ngôi làng phía

Tây Bắc Trung Quốc, chiếc xe đẩy chất đầy đồ gốm của một lái buôn mắc kẹt trong tuyết khiến cả con đường tắc nghẽn rất lâu. Cuối cùng, một lữ khách tiến đến hỏi, Đồ gốm trên xe giá bao nhiêu? Người lái buôn đáp, khoảng 7.000 đến 8.000 xu. Lữ khách đề nghị trao đổi ngang giá bằng thứ lụa dệt trơn, được gọi là luyện (練-lian). Người lái buôn đồng ý, và do xe hàng nhẹ đi nhiều, cuối cùng cũng có thể kéo xe ra khỏi chỗ kẹt.

Trong suốt thời nhà Đường (618-907), vải dệt thường được dùng như một hình thức tiền tệ, tác giả Virginia Postrel giải thích điểm này trong cuốn “The Fabric of Civilization: Cách dệt may tạo ra thế giới.” Và đó chưa phải tất cả. “Câu chuyện về ngành dệt may chứa đựng vẻ đẹp và trí tuệ, thặng dư và cái ác, phân cấp xã hội và giải pháp khôn khéo, thương mại hòa bình và chiến tranh tàn bạo,” tác giả viết trong lời bạt cuốn sách —đây là lời phát biểu hết sức thuyết phục mà tôi thấy lẽ ra tác giả nên đặt ở đầu cuốn sách. “Ẩn chứa trong từng mảnh vải là kết quả của trí tò mò, tài khéo léo và mong ước của biết bao con người, tự cổ chí kim, trứ danh hay vô danh, từ khắp nơi trên khắp địa cầu.”

Nhà báo từng đạt giải Virginia Postrel phụ trách chuyên mục thư gửi tòa soạn của tờ Bloomberg, đồng thời là tác giả của ba cuốn sách xuất bản trước đó, trong đó có “The Substance of Style” (tạm dịch: “Bản chất của Phong cách”), bà chuyên viết những bài bình luận sắc sảo, súc tích về nhiều đề tài. Vì vậy, thật ngạc nhiên khi không có mấy bình luận trong cuốn “The Fabric of Civilization.” Thay vào đó, theo như tác giả, cuốn sách là “hành trình khám phá khởi nguồn từ ngạc nhiên thích thú.”

Tác giả không hề nói chơi. Chúng ta được đưa vào cuộc hành trình sử thi, đầy biến động đa dạng, như chính Con đường Tơ lụa. Postrel bắt đầu với nền văn minh thời kỳ đồ đồng của Knossos, trên đảo Crete, được cho là nơi Daedalus tạo ra đôi cánh đưa ông và con trai Icarus bay trên biển Aegean. Hóa ra Knossos “là một siêu cường ngành dệt,” Postrel viết. Ai Cập, Trung Quốc, Mexico, Guatemala, Nhật Bản, Anh, Ý, Pháp và nhiều nền văn hóa khác cuốn sách đưa chúng ta tới cũng như vậy. Chúng ta tìm hiểu lịch sử của bông, lanh, lụa và len. Chúng ta chứng kiến sự ra đời của hệ thống nhà máy dệt, không phải ở Anh vào cuối thế kỷ 18, như lâu nay ta vẫn tưởng, mà là ở Piedmont, Ý, từ hai thế kỷ trước đó. Chúng ta biết được cách tạo ra thuốc nhuộm tự nhiên và quá trình thuốc nhuộm hóa học thay thế ra sao, cách làm nên vải dệt tự nhiên và cách vải tổng hợp cũng dần thay thế như thế nào.

Đôi khi, Postrel dông dài một chút — và đến lượt chúng ta cũng vậy. Tác giả giải thích cơ chế dệt vải như nhà khoa học, đưa ra nhiều sơ đồ, phòng khi người đọc không hiểu. (Ngay cả khi có hình vẽ minh họa, tôi vẫn không hiểu thẻ bấm lỗ của Jacquard.) Tác giả trích dẫn nhiều chuyên gia "uyên bác" hoặc, một cách mơ hồ, “một nhà sử học” nào đó cho phần thông tin cơ bản, khi mà lẽ ra bà có thể trực tiếp nói với độc giả cho đỡ khô khan hơn. Rất may, đôi khi tác giả cũng pha chút hài hước để tránh biệt ngữ. Sau một trích dẫn khô khan từ các nhà nghiên cứu về việc khung cửi Trung Quốc vượt qua cả “nghề in khắc gỗ cùng thời kỳ,” Postrel giải thích: “Nếu ví khung cửi của Lào là trò chơi Ms. Pac-Man, thì khung cửi Trung Quốc chính là trò Grand Theft Auto.” Những thêm thắt này giúp giảm bớt độ khô khan của sách.

Postrel khiến cuốn sách thú vị hơn nhiều — và chắc chắn có những điểm sáng đắt giá — khi bà bớt phần học thuật và tận dụng kỹ năng nhà báo rất tốt của mình. Chẳng hạn, trong chương về thuốc nhuộm, bà dẫn độc giả cùng tham gia quy trình ủ bột chàm tự nhiên: “Nó có mùi rất thối, mùi của phân, mùi nước tiểu đậm đặc trong đó”, Graham Keegan, nhà sáng tạo chất liệu vải ở Los Angeles, nói với bà, khi ông ngửi lọ hỗn hợp. "Có tất cả các mùi đấy." Ở một đoạn khác, tác giả kể lại câu chuyện về nhà sáng tạo vải người Pháp thế kỷ 18, Philippe de Lasalle, được mệnh danh là Raphael của Lụa, ông in dấu ấn trên “những tấm chân dung vải” lộng lẫy của mình bằng “chữ viết hoa Latin giống như dòng chữ chạm khắc trên tòa nhà La Mã cổ đại: ‘LASALLE FECIT’ (làm ra bởi Lasalle).” Chi tiết đó cho chúng ta biết tất cả.

Ở phần cuối cuốn sách, Postrel kể rằng bà lớn lên ở “một thị trấn tự phong là 'Trung tâm Dệt may của Thế giới.'” Tôi phải lên Google để xác định đó là Greenville, South Carolina., từng là thủ phủ sản xuất hàng dệt may của Mỹ cho đến khi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được thông qua vào đầu những năm 1990 khiến một số công ty ở đây phải đóng cửa, cắt giảm việc làm hoặc chuyển ra nước ngoài, khiến nền kinh tế địa phương suy sụp. Ngày nay, Greenville là một trong số nhiều thị trấn cũ của Carolina đang trải qua giai đoạn hồi sinh trong ngành sản xuất hàng dệt may nhờ chuyển các hoạt động kinh doanh từ nước ngoài trở về. Phần lớn là do các công ty có chủ là người Trung Quốc tận dụng ưu đãi tài chính của chính phủ. Postrel tránh nói về tất cả những điểm này. Trên thực tế, tác giả khẳng định việc lớn lên ở thị trấn dệt may và có một người cha thuở ban đầu làm việc trong lĩnh vực “sợi tổng hợp” không ảnh hưởng gì đến cuốn sách của bà.

Hơi đáng tiếc. Một chút riêng tư chân thành -- như Stephen Yafa đưa ra khi ông đi sâu vào lịch sử của quê hương mình, vùng Lowell, Massachusetts, Trung tâm sản xuất bông đầu tiên của Mỹ, trong cuốn sách “Cotton: The Biography of a Revolutionary Fiber” (tạm dịch: “Bông: Lược sử về Cách mạng Sợi”) (2005) -- có thể thu hút nhiều độc giả hơn và biến “The Fabric of Civilization” từ cuốn sách chỉ truyền đạt thông tin thành cuốn sách có nội dung ý nghĩa tình cảm hơn. Postrel nói về ngành dệt may luôn dịch chuyển ra sao, nhưng bà chưa nhìn nhận trong thời kỳ hậu NAFTA thì dịch chuyển như thế ảnh hưởng thế nào đến quê hương bà hoặc vùng lân cận. Trong cuốn sách có đề cập đến trường Cao đẳng Dệt may thuộc Đại học Bang North Carolina, cách Greenville bốn giờ đi xe về phía đông bắc, nơi cung cấp hỗ trợ đặc biệt cho việc nghiên cứu và đổi mới vải. Tại sao không nói kỹ hơn về cơ sở này? Và những học giả ở đó, những người vẫn kiên trì duy trì kiến thức dệt may lâu đời và thúc đẩy ý tưởng mới, họ là ai? Có thể gia đình Postrel không phải người trong ngành vải vóc. Nhưng bà là người Carolina, có lẽ bà từng đi ngang qua các nhà máy dệt để đến trường với những đứa trẻ có bố mẹ làm trong ngành dệt may. Đan xen phần lịch sử này sẽ khiến cuốn sách trở nên ấm áp và hấp dẫn hơn.

“The Fabric of Civilization” không phải tác phẩm toàn diện về đề tài này như cuốn sách đạt giải Bancroft có tựa đề “Empire of Cotton” (tạm dịch: Đế Chế Bông) (2014) của tác giả Sven Beckert. Cuốn sách này không như vậy, mà giống như mẫu vải gấm thêu kim tuyến kiểu Florence thời Phục Hưng: được dệt cẩn thận, kỹ thuật tỉ mỉ, kết hợp sắc độ và bóng sáng, và thể hiện chính xác toàn bộ tấm vải.

THE FABRIC OF CIVILIZATION
How Textiles Made the World
By Virginia Postrel
Illustrated. 304 pp. Basic Books. $30.

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc