Câu chuyện vắc-xin

shared from fb Huỳnh Thế Du,
-----
Theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến mua 150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng, bao gồm kinh phí mua vắc xin, kinh phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng.

Con số trên tương đương với gần 0,4% GDP năm 2020 của cả nước, 0,5% thu nhập của toàn dân và 1,5% số chi ngân sách nhà nước. Nó thấp hơn rất nhiều so với số tổn thất của toàn xã hội do sự chậm trễ của hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội và Bến Thành - Suối Tiên ở TPHCM.

Nói một cách đơn giản, số tiền cần thiết để mua vắc xin là con số rất nhỏ so với tiềm lực quốc gia, ngân sách của nhà nước, thu nhập của người dân và những lãng phí đang xảy ra hàng ngày.

Y tế công cộng, trong đó tiêm vắc xin cho toàn dân là một vai trò và chức năng cơ bản của nhà nước. Đây là việc nhà nước cần phải dùng ngân sách để thực hiện việc này, nhất là trong bối cảnh chống Covid như hiện nay.

Do vậy, tôi cho rằng, ngay lập tức Nhà nước nên dành đủ ngân sách cho việc vừa quan trọng vừa cấp bách này.

Đối với, việc vận động người dân đóng góp vào quỹ vắc xin có hai mặt. Điểm lợi là có thể biết được sự chung tay của người dân trong bối cảnh khó khăn và giảm gánh nặng ngân sách. Tuy nhiên, điểm không tích cực là có thể ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế và đời sống người dân.

Câu chuyện của cụ bà trong bài viết của Tuổi Trẻ cho thấy rất rõ tính hai mặt này. 500 nghìn là số tiền rất lớn và quan trọng đối với những người như vậy. Tấm lòng của cụ thật là đáng trân trọng. Xã hội cần phải giúp những người như vậy bớt khó khăn hơn, nhất là trong lúc dịch bệnh như hiện tại.

Trên thực tế, chính sách của nhiều quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh là cho tiền người dân như một lưới an sinh và kích thích các hoạt động kinh tế (bản chất nó là một gói kích cầu). Khi làm ngược lại thì sẽ có tác dụng ngược với gói kích cầu.

Bên cạnh để toàn dân được tiêm vắc xin, việc giúp người dân và nền kinh tế ít chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh cũng không kém phần quan trọng. Do vậy, cần hết sức hạn chế những chính sách gây tác động không tốt cho nền kinh tế và người dân.

Dù bằng cách nào thì chi phí để tiêm vắc xin cho toàn dân cũng do gần 100 triệu người Việt Nam gánh chịu. Do vậy, chìa khoá là lựa chọn cách thức triển khai chứ không phải chỉ là cách làm sao huy động đủ nguồn lực để mua chúng.

Cuối cùng, Việt Nam sẽ có nhiều loại vắc xin với các mức hiệu quả khác nhau. Tâm lý con người ai cũng muốn được chọn cái tốt. Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra sẽ là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, tiêu cực và những hệ luỵ khác. Công bằng trong tiêm chủng vắc xin sẽ là một tiêu chí quan trọng khác.

Do vậy, cách thức để đảm bảo tính ngẫu nhiên cho mỗi người dân được tiêm, tránh tình trạng lựa chọn gắn với tiêu cực có thể xảy ra. Đối với việc này, sự giám sát của người dân và toàn xã hội hết sức quan trọng. Đây mới là vai trò đích thực của xã hội, trong khi kinh phí cho việc mua vắc xin thì dùng quyền lực của Nhà nước sẽ nhanh và hiệu quả hơn.
Tags: columnist

3 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc