Câu chuyện về củ chuối

shared from fb Nguyễn Quốc Vương,
-----
Nhà tôi đông con. Nuôi con nhỏ thì rất dễ bực mình vì nhiều chuyện. Tuy

nhiên, về cơ bản tôi đã thuần đi rất nhiều so với thời sinh viên nên cũng ít khi bực bội. Hơn nữa, Cò là một tay chỉ trích đại tài. Nếu bố nổi khùng hắn sẽ bảo “Bố bảo con phải tập kiềm chế mà bố có kiềm chế được đâu”. Thế là lại phải xin lỗi hắn.

Tuy nhiên, tôi khó có thể kiềm chế được khi thấy con chê thức ăn hay dùng thức ăn bừa bãi. Mà gia đình tôi không lấy gì làm khá giả nên từ đó tôi suy ra là trẻ em hiện nay ở nhiều gia đình cũng sẽ có thái độ tương tự. Con người vốn quên rất nhanh. Người Việt Nam vốn đói xiêu đói vẹo trong những năm 80-90 thế kỉ trước, nghĩa là rất gần đây nhưng lớp sinh ra từ đầu cuối 8x trở đi đã có thái độ với vật chất rất khác, lối tiêu dùng rất khác, giá trị quan về vật chất, giàu nghèo rất khác.

Nhìn cảnh dịch bệnh hoành hành, những tiếng kêu cứu thiếu lương thực, trong lòng tôi không khỏi nhớ lại những kỉ niệm cay đắng, đau xót ngày xưa-thời đói khổ.

Con người phải ăn đủ thứ để sống từ củ chuối, ngọn cây sắn (cực đắng và say, có thể mất mạng), rau má, chó mèo chết cho tới thịt chuột, sắn meo. Riêng tôi, đã từng nghe huyền thoại về hạt bo bo, ăn xong ị ra nguyên hạt nhưng tôi nhớ là tôi chưa được nếm. Sắn meo, gạo kho, củ chuối, ngô răng ngựa, gạo kho thơm mùi cứt gián, nấu lên không hạt nào dính hạt nào…thì đều nếm cả.

Nghèo đói, khó khăn bố mẹ rất dễ nổi nóng với nhau và khó tránh khỏi cãi cọ. Cái này trong gia đình tôi cũng có. Nhà mà hết gạo hay không có tiền đóng học cho con là bố mẹ dễ nổi nóng. Trong văn chương Việt Nam từ xưa đến nay cảnh tượng chân thật này không hiếm. “Giăng thề” của Tô Hoài, “Đời thừa”, “Sống mòn” của Nam Cao đều có những cảnh đó.

Và đương nhiên, tôi đoán gia đình tôi cũng không là ngoại lệ.

Thế hệ chịu đựng cái đói những năm 80-90 là những thế hệ đã trải qua cuộc sống khắc nghiệt thời chiến tranh và nền kinh tế phân phối tập trung.

Cho dù khả năng ít xảy ra nhưng tôi luôn băn khoăn là nếu phải chịu đói khổ, không biết các thế hệ thanh niên từ cuối 8X trở đi sẽ chịu đựng và vượt qua nó thế nào?

Nếu ai làm giáo viên hay các công việc liên quan tới thanh thiếu niên sẽ thấy một hiện tượng “hơi tí là kêu”, “một tí đã đói”, “sứt da kêu như cha chết”, “hơi tí đã mệt” ở trẻ em, thanh thiếu niên không phải là chuyện hiếm. Hiện tượng này không chỉ diễn ra ở con em các gia đình có điều kiện, mà kì quái hơn nó diễn ra cả với các em xuất thân trong gia đình không có gì là khá giả, gia đình bố mẹ là công nhân, nông dân.

Tôi gọi đó là những thanh thiếu niên “Nhà nghèo nhưng không khổ”. Cả tuổi thơ và quãng thời gian vị thành niên chỉ học thuần túy và được cha mẹ ưu tiên mọi thứ. Cha mẹ hi sinh hết thảy chỉ mong con học hành “nên người”.

Nhưng chính vì “nghèo mà không khổ” nên ý chí của rất nhiều thanh thiếu niên yếu. Còn gì chán nản hơn khi phải nghe những lời kêu than và sự yếu ớt từ những thanh thiếu niên có tuổi đời trẻ, sức khỏe thể chất rất tốt ấy.

Hơi tí than vãn "do nhà em không có điều kiện". Hơi tí kêu "Ôi giời bây giờ khác rồi chứ thầy"...

Thật ra, nói thật, tôi chỉ muốn mắng hay quát vào mặt thôi! Nhưng tôi đủ trí khôn để kiềm chế không làm điều ấy. Chỉ cảm thấy rất buồn.

Một nỗi buồn không rõ nguyên do và có cái gì đó mang sắc màu vô lý.

Bài trước: Bố thật là khờ
Tags: kidnqvuong

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc