"Chống dịch như chống giặc" tiếng anh là gì?

shared from fb Tạ Quang Đông,
-----
Photo by Adam Nieścioruk on Unsplash.

Từ “giặc” thường hay dịch sang tiếng Anh là enemy. Trung Quốc hình như cũng hay dịch “tặc”, “địch” như vậy. Có lẽ vì thế nên nhiều người Việt cũng hay dịch như thế.

Khi dịch cần hiểu rõ nội hàm của từ, đặc biệt là trong các ngữ cảnh cụ thể, để dịch cho sát/chính xác nhất, tức là thể hiện sát nhất ý của văn bản/lời nói gốc.

Từ tiếng Anh “enemy” có nhiều hơn một nghĩa, trong đó nghĩa phổ biến nhất, mà người bản ngữ ĐẠI CHÚNG khi nghe thấy từ đó, sẽ nghĩ đến đầu tiên, (NẾU KHÔNG ĐƯỢC GIẢI THÍCH RẰNG ĐÓ LÀ HÀM Ý QUÂN XÂM LƯỢC), là “kẻ thù”(Từ điển Cambridge: a person who hates or opposes another person and tries to harm them or stop them from doing something:

He's made a few enemies in this company.

Max stole Lee's girlfriend and they've been enemies ever since.

political enemies)

Khi nghe thấy các từ đa nghĩa mà không có ngữ cảnh hay giải thích, chú thích, người ta sẽ nghĩ đến nghĩa thông thường nhất trước tiên. Nét nghĩa trên của từ "enemy" sẽ là nét nghĩa hiện lên trong đầu họ đầu tiên, mặc dù từ đó cũng có nghĩa là “quân đối phương, quân của một nước đang đánh nhau với ta” (từ điển nêu trên: “a country, or the armed forces of a country, that is at war with another country:

The enemy had succeeded in stopping our supplies from getting through.

an attack by enemy aircraft

enemy forces/territory)

Khi dịch các thành ngữ/tục ngữ của VN, cần hết sức chú ý đến nghĩa cụ thể của từ “giặc” trong thành ngữ/tục ngữ đó. Trong lịch sử, người Việt phải nhiều lần chống ngoại xâm, nên thành ngữ/tục ngữ về việc đó khá nhiều. Trong các câu đó, “giặc” là chỉ giặc ngoại xâm, quân nước ngoài đến xâm lược Việt Nam: “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”…, dù trong tiếng Việt, “giặc” cũng có thể chỉ lực lượng nổi dậy chống triều đình: “giặc giã nổi lên như ong”. “Giặc đói”, “giặt dốt” thì là từ “giặc” dung với nghĩa ẩn dụ (so sánh ngầm), nghĩa phái sinh, không phải nghĩa gốc, hàm ý là tệ hại như giặc.

Nếu dịch câu “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” mà thành “enemy đến nhà, even women cũng fight” thì không đạt, chưa thể hiện được tinh thần của câu đó - tinh thần chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Dịch như thế, người nước ngoài ĐẠI CHÚNG sẽ hiểu thành “kẻ thù đến nhà…”, không hiểu đúng hàm ý của câu đó, không hiểu đó là tinh thần chống ngoại xâm, mà chỉ là chống kẻ thù bất kỳ nào đó. Ví dụ như một tình địch của người phụ nữ đó, hay bất kỳ một ai đó mà bản thân hay gia đình của người phụ nữ đó có oán thù.

Tương tự như vậy, tinh thần “chống dịch như chống giặc” chính là thể hiện tinh thần quyết tâm, quyết liệt như khi chiến đấu với ngoại xâm trước đây, không phải là “kẻ thù” chung chung. Khi người bản ngữ nghe đến “enemy” trong ngữ cảnh không nói gì đến chiến tranh chống quân xâm lược, họ chỉ hiểu đó là kẻ thù nói chung mà thôi. Vì vậy, dịch thành “to fight the pandemic is like to fight the enemy” là chưa đạt. Cần dịch là “to fight the pandemic is like to fight against foreign aggressors/invaders”. Tôi có hỏi một số người bản ngữ, họ cũng chia sẻ quan điểm của tôi.
Tags: english

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc